29 Dec, 2018
Vị Tu Sĩ Bán Chiếc Ferrari: Câu Chuyện Kỳ Bí Làm Thay Đổi Quan Điểm Sống Của Bạn
Có lẽ bạn đã quen thuộc với câu chuyện “Cuộc đua giữa Rùa và Thỏ”. Thỏ thách Rùa chạy đua với mình, và Thỏ chắc mẩm mình sẽ thắng. Thỏ tăng tốc chạy thật nhanh và dẫn trước Rùa cả một quãng đường xa đến mức nó quyết định sẽ dừng lại để ngủ một giấc. Cuối cùng, Rùa tuy chạy chậm hơn rất nhiều nhưng đã giành chiến thắng. Những câu chuyện ngụ ngôn như thế được dùng để truyền đạt tư tưởng và bài học đạo đức theo cách hấp dẫn và dễ ghi nhớ.
Bây giờ hãy tưởng tượng bạn được kể một câu chuyện có sức tác động mạnh đến mức bạn sẵn sàng bán hết những món của cải đáng giá nhất và bỏ lại cuộc sống quen thuộc của mình. Câu chuyện nào lại có thể có sức thuyết phục đến vậy?
Bản tóm tắt này sẽ hé lộ một câu chuyện có sức mạnh thay đổi cách bạn nhìn nhận cuộc đời. Đó là câu chuyện của vị luật sư danh giá bán chiếc Ferrari đáng kiêu ngạo của mình và trở thành tu sĩ.
Qua câu chuyện này, bạn sẽ biết được:
• Tại sao tâm trí của mình lại giống một khu vườn
• Hình ảnh ngọn hải đăng sẽ dẫn dắt bạn đến với cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách nào
• Hình tượng võ sĩ sumô có thể giúp bạn ghi nhớ điều gì
Thức tỉnh
Đây là câu chuyện về Julian Mantle, người đàn ông có vẻ có mọi thứ trên đời. Tốt nghiệp Trường Luật Harvard danh tiếng, Julian là một trong những luật sự tranh tụng nổi tiếng nhất nước Mỹ. Thu nhập của anh ở mức triệu đô-la; anh sống trong biệt thự, nơi có chiếc Ferrari đỏ đậu trước sân. Anh đang sống cuộc đời như mơ.
Tuy nhiên, đằng sau bức màn nhung, anh rất chật vật. Lượng công việc nhiều quá sức của anh. Mỗi ngày đều có một vụ tranh tụng quan trọng mới cần thực hiện, và Julian luôn tỉ mỉ trong từng quá trình đó. Cuối cùng, gánh nặng khiến anh trở nên quá tải. Một ngày kia, Julian bị đột quỵ giữa tòa án.
Sau sự kiện đó, anh hoàn toàn rút khỏi ngành luật.
Trên thực tế, không có bất kỳ người nào trong công ty nghe được tin tức gì về Julian sau cú đột quỵ đó. Người ta đồn là anh đã đến Ấn Độ để tìm kiếm cân trả lời và một cuộc sống đơn giản hơn – và đó đúng là những gì anh đã làm. Trước khi rời đi, Julian đã bán căn biệt thự cùng chiếc Ferrari của mình. Anh biết hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời quan trọng hơn rất nhiều.
Và rồi, ba năm sau, Julian trở về, bất ngờ xuất hiện tại văn phòng của đồng nghiệp cũ. Anh tràn đầy sự tươi trẻ, với nụ cười thanh thản trên môi.
Julian đã đi bộ băng qua hết ngôi làng này đến ngôi làng khác ở Ấn Độ. Trên hành trình này anh đã nghe được thông tin về những yogi trẻ-mãi-không-già. Tại Kashmir, anh nghe nói về những Nhà Hiền Triết Của Sivana. Và những khám phá này truyền cảm hứng để anh mạo hiểm đến với Hy Mã Lạp Sơn, nơi anh gặp được các tu sĩ sống ở đây.
Trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, Julian đã thức tỉnh và tìm thấy linh hồn mình.
Câu chuyện thần bí về bảy nguyên tắc của phương pháp Sivana
Trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, Julian gặp được nhóm tu sĩ được biết đến như những Nhà Hiền Triết của Sivana. Yogi Raman, một tu sĩ trong nhóm, đã nhận Julian làm học trò.
Họ cùng thảo luận về ý nghĩa của cuộc sống và Julian được học cách sống lành mạnh hơn, tràn đầy sức sống hơn, sáng tạo và đáng thỏa mãn hơn. Những Nhà Hiền Triết của Sivana dạy anh điều này với một điều kiện: Anh phải trở về nơi ở của mình và chia sẻ tri thức có được. Và đó là lý do anh quay lại ngành luật: để truyền dạy Phương pháp Sivana đầy đột phá.
Có bảy nguyên tắc cơ bản được nhấn mạnh trong Phương pháp Sivana, và mỗi nguyên tắc là một phần trong một câu chuyện ngụ ngôn thú vị.
Câu chuyện đó bắt đầu trong một khu vườn xanh mướt tuyệt đẹp, tĩnh lặng, yên bình và rực rỡ sắc hoa. Ở giữa khu vườn là một ngọn hải đăng màu đỏ. Nhưng rồi sự tĩnh lặng của khu vườn bỗng bị phá vở bởi tiếng mở cửa của vị võ sĩ sumô từ trong ngọn hải đăng. Võ sĩ cao to này không mặc gì ngoài một chiếc đai khố bằng dây cáp màu hồng. Trong lúc đi dạo quanh khu vườn, anh ta đụng phải một chiếc đồng hồ bằng vàng. Tò mò, anh đeo nó lên người – và lập tức bất tỉnh.
Cuối cùng, võ sĩ tỉnh dậy và tràn đầy năng lượng, nhờ vào hương thơm của những đóa hồng vàng xung quanh. Anh nhanh chóng đứng dậy và nhìn sang bên trái. Anh sững sờ khi nhìn thấy con đường trải đầy kim cương. Anh bước đi theo con đường đó và đến với niềm hân hoan vô tận.
Đối với một số người, câu chuyện này có vẻ ngớ ngẩn. Thế nhưng mỗi yếu tố trong câu chuyện đều đại diện cho một nguyên tắc trong Phương pháp Sivana.
Khu vườn trong câu chuyện ngắn của Yogi Raman đại diện cho tâm trí. Nhiều người cho rất nhiều rác vào trong khu vườn của mình – chẳng hạn như những suy nghĩ tiêu cực hoặc đủ loại nỗi sợ.
Nguyên tắc thứ nhất trong Phương pháp Sivana chính là làm chủ tâm trí của mình. Bạn phải chăm sóc khu vườn tâm trí của mình, và cách tốt nhất là hãy canh gác khu vườn cho tốt. Chỉ cho phép những suy nghĩ vui vẻ và tích cực được vào trong, đồng thời “cấm cửa” mọi điều tiêu cực. Suy cho cùng, suy nghĩ của chúng ta định hình cuộc sống của chúng ta. Bạn sẽ có chuẩn mực sống cao hơn nếu bạn lấp đầy tâm trí mình với những suy nghĩ có giá trị. Nếu mong muốn có một cuộc sống ý nghĩa và bình yên, hãy để những suy nghĩ ý nghĩa và bình yên lấp đầy tâm trí bạn!
Nhưng làm thế nào để chỉ tập trung tâm trí vào những suy nghĩ tích cực? Đáp án là hãy lựa chọn những điều mình suy nghĩ – ai cũng có khả năng này. Do đó, hãy thường xuyên rèn luyện tâm trí của mình để có thể chọn lọc những suy nghĩ nào được phép vào trong.
Bước luyện tập đầu tiên là nâng cao khả năng tập trung. Các Nhà Hiền Triết có một phương pháp để giúp bạn đạt được điều này, đó là phương pháp Tâm của hoa hồng. Để áp dụng phương pháp này, bạn sẽ cần một không gian yên tĩnh và một hoa hồng. Hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào tâm của hoa hồng. Tập trung vào màu sắc và hình dáng của nó, và suy nghĩ về vẻ đẹp của hoa hồng.
Ban đầu những suy nghĩ lan man có thể xâm nhập tâm trí bạn. Nhưng một thời gian luyện tập, bạn sẽ thấy mình có tinh thần kỷ luật cao hơn. Hãy thử làm bài tập này hàng ngày và tăng thời gian thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng lên. Cuối cùng, bạn sẽ có khả năng kiểm soát tốt hơn những suy nghĩ của mình. Bạn sẽ thôi lo lắng, mà thay vào đó, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và sự tĩnh tại.
Nguyên tắc thứ hai của Phương pháp Sivana là về mục tiêu. Nguyên tắc này được thể hiện qua hình ảnh ngọn hải đăng.
Những Nhà Hiền Triết Sivana có mục tiêu rất rõ ràng, và nhờ đó họ không bao giờ lãng phí thời gian. Họ biết họ có trách nhiệm hoàn thành mục tiêu này. Khi nói đến mục tiêu, họ dùng từ dharma, nghĩa là “mục đích của cuộc đời”. Dharma bắt nguồn từ niềm tin cổ xưa rằng những ai hiện diện trên Trái đất này đều có một nhiệm vụ cần hoàn thành. Bằng cách tôn trọng dharma, bạn có thể đạt được sự thỏa mãn trường tồn cùng với sự hòa hợp trong tâm hồn.
Cách tốt nhất để nhận ra nhiệm vụ đời mình là hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng – suy cho cùng, bạn chỉ có thể đến được mục tiêu khi có thể nhỉn thấy nó thật rõ ràng.
Sau đây là năm bước mà các Nhà Hiền Triết đã xây dựng để đạt được các mục tiêu cá nhân:
Thứ nhất, bạn phải hình dung ra kết quả. Nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, hãy tưởng tượng hình ảnh bản thân thon thả và gọn gàng.
Thứ hai, hãy tạo áp lực cho bản thân, nhưng theo cách tích cực. Áp lực có thể là nguồn cảm hứng tuyệt vời vì nó thúc đẩy con người phát huy trọn vẹn tiềm năng bản thân. Để tạo ra áp lực, hãy cho mọi người biết về kế hoạch của mình.
Bước thứ ba là xây dựng các mốc thời gian. Để theo sát mục tiêu của mình, bạn cần phải đặt ra thời hạn và mốc thời gian.
Bước thứ tư chính là điều mà Yogi Raman gọi là “quy tắc 21”. Quy tắc này nói rằng hành vi mới sẽ trở thành thói quen sau khi bạn thực hiện nó trong 21 ngày liên tiếp.
Còn bước cuối cùng? Đó là hãy tận hưởng quá trình này!
Bạn còn nhớ vị võ sĩ sumô chứ? Anh ta cũng đại diện cho một nguyên tắc trong Phương pháp Sivana. Nguyên tắc đó chính là kaizen, một từ tiếng Nhật diễn tả sự tiến bộ không ngừng. Mục đích của nguyên tắc này là khai mở tiềm năng của bản thân. Các nhà hiền triết xây dựng mười bước, hay còn gọi là mười quy tắc, để thực hiện kaizen: Tâm trí tĩnh lặng để phát huy sức sáng tạo, chăm sóc thân thể, nuôi dưỡng sự sống, bồi dưỡng kiến thức, nghiền ngẫm về bản thân, thức dậy sớm, thưởng thức âm nhạc, tạo ra phương châm sống, tuân thủ các nguyên tắc của mình và cuối cùng là đơn giản hóa cuộc sống.
Hình ảnh võ sĩ sumô không chỉ nhắc nhở chúng ta về kaizen. Bạn còn nhớ chiếc đai khố bằng dây cáp màu hồng chứ? Đai cáp đó đại diện cho nguyên tắc thứ tư trong Phương pháp Sivana: tính kỷ luật. Trong những lần trò chuyện với các nhà hiền triết, Julian đã học được sức mạnh của tinh thần kỷ luật bản thân. Cũng như sự tập trung, bạn có thể xây dựng tinh thần kỷ luật bản thân.
Tiếp theo, võ sĩ sumô vấp phải một chiếc đồng hồ vàng – đây là nguyên tắc thứ năm: tôn trọng thời gian. Những nhà hiền triết sống lánh đời, nhưng họ hoàn toàn quý trọng thời gian và luôn chú tâm trong việc sử dụng thời gian. Họ đã dạy Julian rằng việc làm chủ cuộc sống nằm ở việc quản lý thời gian.
Tương tự cảnh Julian ngã quỵ giữa phiên tòa vì sức ép công việc, vị võ sĩ sumô trong câu chuyện ngụ ngôn bất tỉnh khi đeo chiếc đồng hồ vàng lên người. Nhưng rồi sau đó anh tỉnh lại và tràn đầy năng lượng nhờ vào hương thơm của những đóa hồng vàng.
Những đóa hồng vàng tượng trưng cho điều gì? Một câu ngạn ngữ xưa nói rằng hương hoa sẽ lưu lại trên đôi tay người tặng hoa. Do đó, những đóa hồng tượng trưng cho nguyên tắc thứ sáu trong Phương pháp Sivana – phụng sự vô điều kiện.
Nhà hiền triết dạy rằng hãy luôn tử tế và sống giàu lòng trắc ẩn vớimọi người, vì điều đó sẽ giúp nâng tầm cuộc sống của chính bạn. Hãy dành ít phút mỗi buổi sáng để nghĩ về những điều tốt đẹp bạn có thể làm cho thế giới và cho cuộc sống của những người xung quanh. Bạn có thể gửi lời khen chân thành đến người khác, hỗ trợ bạn bè khi họ cần và quan tâm đến gia đình mình.
Những đóa hoa hồng cũng khiến chàng võ sĩ chú ý đến một thứ khác – con đường trải đầy kim cương dẫn đến niềm hân hoan vô tận.
Theo các nhà hiền triết, “sống trong thực tại” là nguyên tắc thứ bảy. Họ hiểu là hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến. Trên hành trình sống của mình, chúng ta sẽ gặp nhiều kỳ quan nho nhỏ - những viên kim cương. Hãy học cách biết ơn để nhận ra và trân trọng những viên kim cương này. Như thế cũng có nghĩa là hãy luôn biết ơn sức khỏe của bản thân, biết ơn gia đình, bạn bè và cả tiếng chim lảnh lót trên ngọn cây. Không có gì quan trọng hơn hiện tại.
Tổng kết
Sau khi trở về từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, Julian đã kể lại câu chuyện về hành trình gặp gỡ các Nhà Hiền Triết Sivana cho đồng nghiệp cũ của mình. Và kể từ đó, anh tiếp tục lan truyền thông điệp tích cực cùng sự thông thái để hoàn thành lời cam kết của mình với các nhà hiền triết.
Ai cũng có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và đáng thỏa mãn. Bằng cách tuân thủ bảy nguyên tắc của các Nhà Hiền Triết Sivana, chúng ta có thể loại bỏ những điều tiêu cực và tập trung vào việc phát huy tiềm năng bản thân để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Theo Blinkist.