02 Nov, 2016
Về vùng lũ, nghe nỗi đau dâng đầy…
15 ngày sau đợt lũ lụt lớn nhất giáng xuống miền Trung, nhóm thiện nguyện Hạt giống tâm hồn đã có mặt tại Quảng Bình. Hành trang của nhóm là tấm lòng, là những đóng góp thơm thảo từ nhiều mạnh thường quân gây được từ chương trình Nghệ thuật đường phố “Hạt giống tâm hồn – Vì miền Trung thương yêu”, tổ chức ngày 26/10 vừa qua.
15 ngày sau đợt lũ lụt lớn nhất giáng xuống miền Trung, nhóm thiện nguyện Hạt giống tâm hồn đã có mặt tại Quảng Bình. Hành trang của nhóm là tấm lòng, là những đóng góp thơm thảo từ nhiều mạnh thường quân gây được từ chương trình Nghệ thuật đường phố “Hạt giống tâm hồn – Vì miền Trung thương yêu”, tổ chức ngày 26/10 vừa qua.
Nặng lòng với nỗi đau chung
Sáng 29/10, đoàn thiện nguyện Hạt giống tâm hồn chính thức khởi hành. Tiền, nhu yếu phẩm và sách… là những thứ chúng tôi mang theo. Lũ càn lũ quét, sự giúp đỡ dành cho con người nơi đây luôn thiếu, dẫu trước chúng tôi, đã có không ít đoàn từ thiện hướng về đây.
Đoàn thiện nguyện đến thăm nhà em Đặng Thi Thu Hương – Bông Hoa Vùng Lũ tại Đồng Hới, Quảng Bình
Điểm chúng tôi muốn đến trước nhất là nhà em Đặng Thị Thu Hương – Bông Hoa Vùng Lũ tại Đồng Hới, Quảng Bình. Cô gái giàu lòng nhân ái này ra đi khi còn đang dang dở chuyến từ thiện hướng về miền Trung này những ngày qua đã gây xúc động cho rất nhiều người. Trong mái nhà nghèo, rất đơn sơ, bố mẹ và em gái út của Thu Hương vẫn chưa nguôi được nỗi đau. Em gái Hương còn khá nhỏ, mới học lớp ba nên rất nhớ chị, hay khóc. Bố mẹ phải dỗ là chị Hương vẫn còn đang đi công việc bên ngoài, em mới nguôi ngoai. Nỗi đau vẫn khắc sâu trên ánh mắt, gương mặt của người làm cha, làm mẹ. “Sao người tốt, đáng yêu và có trái tim đầy lòng trắc ẩn như Thu Hương lại phải sớm ra đi, vĩnh biệt cõi đời sớm như vậy ?”. Câu hỏi là nỗi day dứt của nhóm trước khi tạm biệt gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng, xã hội cần nhiều hơn nữa những con người như Hương. Cả nhóm tiếp tục lên đường với niềm tin, rằng ở đâu có khó khăn thì ở đó càng có hoa thơm trái ngọt.
Hạt Giống Tâm Hồn tặng máy phát điện cho trường tiểu học số 1, Sơn Trạch
Từ Đồng Hới, chúng tôi đến xã Lê Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình mang quà đến cho bà con. Nhìn những bàn tay run run của người dân vùng lũ, lòng chúng tôi ấm lại. Tuy nhiên, điều dễ thấy nhất khi đối diện với sự khó nghèo nơi đây là nó không thể giải quyết ngày một, ngày hai được. Đó chính là lý do chúng tôi quyết định tấm lòng của mình, phải quy đổi thành những hiện vật có tính bền vững hơn. Cả nhóm họp nhanh và quyết định, sẽ trao tặng Trường Tiểu học I, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, một vùng sâu vùng xa tỉnh Quảng Bình cách 70 km, nơi tâm lũ dâng cao 2 – 3 mét suốt nhiều ngày, máy phát điện Kohle mới, công suất 3 ngựa. Món quà nhỏ nhưng đó là thứ nhà trường, giáo viên và học sinh cần nhất, không chỉ trong những ngày mưa gió bão lụt. Nụ cười của các thầy cô và học sinh nơi đây khiến chúng tôi ấm lòng. Mới biết, nếu chỉ mang đến tiền, quà là chưa đủ. Cái mà người dân nơi đây cần là sự chia sẻ, thấu hiểu…
Đoàn trao tặng quà cho Cô Tô Thị Tâm 48 tuổi (đeo khăn tang) có đứa con trai duy nhất tên Tô Văn Đạt 14 tuổi (không có bố) đã nhảy xuống hồ cứu một người phụ nữ nhưng sau đó cả hai đều chết đuối
Rời Lê Hóa, vào thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình, đoàn đế thăm gia đình hai chị em Đinh Quỳnh Chi và Đinh Trường Duy, thôn Lưu Thuận. Cha bỏ nhà đi từ lâu, mẹ lại bệnh hiểm nghèo, nợ nần chồng chất, căn nhà của hai chị em trống toác với 4 vách gỗ mục trên nền đất lồi lõm. Trong nhà không có bất cứ thứ gì trừ một giường tre còn ẩm ướt. Tiếng khóc nấc não lòng không dứt của bà ngoại rung vai gầy ngoài hiên khiến chúng tôi xót cả ruột gan. Trao tặng một số tiền cho gia đình, cả nhà ai cũng mừng nhưng tâm trạng anh em trong nhóm vẫn nặng lòng vì biết rõ rằng đó chỉ như một sự động viên tinh thần, chứ chưa giải quyết được gì gốc nguồn của khó khăn mà những con người này đang phải đối mặt. Đau lòng hơn là nỗi khổ của gia đình này cũng như nhiều gia đình khác ở đây đã có trước khi cơn lũ tới…
Những mảnh đời buồn ở Hương Khuê
Chúng tôi quyết định đến với Hương Khê, nơi rừng thiêng nước độc. Trời không chiều lòng người, lũ dâng cản bước, cả nhóm đi, phải đi vòng dưới bầu trời xám mưa, u ám, lạnh lẽo. Có đến đây mới thấm, không có nỗi khổ nào đau hơn nỗi buồn nào. Khó khăn, không chừa một ai. Như gia đình em Đinh Thu Thuỷ Tiên, 13 tuổi học xóm 7, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê. Cha em, là Đoàn Khắc Văn bị tiểu đường nặng, mẹ làm thuê, căn nhà nền đất trống trơn khi lũ rút ngang mái nhà. Như cụ Phan Văn Hà 85 tuổi phải lao động để nuôi người con gái là Phan Thị Hạnh sinh năm 1971 bị bệnh down. Như gia đình em Phạm Thị Hà, cha chết đã hai năm vì ung thư, mẹ làm ruộng, căn nhà không thể đơn giản hơn khi chỉ có bộ bàn tiếp khách bé xíu bên cạnh bàn thờ cha… Trời tối, mấy anh em mang theo 2 gói cơm nắm từ sáng phòng khi mưa lũ ko về kịp đem theo tặng hai gia đình. Chúng tôi dùng nó, cùng ăn bữa tối chân tình chấm với bột nêm mì gói…
Không chỉ chờ quà cứu trợ, sự thăm hỏi, động viên lúc này là rất cần thiết cho người dân
Không chỉ chờ quà cứu trợ, sự thăm hỏi, động viên lúc này là rất cần thiết cho người dân
Tiễn chân chúng tôi, là con đường đất gập ghềnh bùn lầy dẫn vào sâu vùng rốn lũ Chu Lễ, xã Hương Thuỷ, Hương Khê. Người dân ở đây kể, những ngày trước lũ dâng 3 mét cao sát mái, bà con phải trổ tôn, trổ ngói chui lên mái nhà, vừa đói, vừa lạnh mà trời nào có thương. Suốt hành trình chúng tôi ở Hương Khuê, trời đổ mưa như trút. Nước sông bắt đầu lên cao. Anh em ghé thăm Trạm Y tế Hương Thuỷ gặp y sĩ Trần Tuấn Anh và quyết định trao tặng 5 máy phát điện và các thiết bị sơ cấp cứu cho các trạm y tế 5 xã sát sông, nơi thường xuyên lũ lụt kéo đến bất ngờ. Những chiếc máy này có thể hỗ trợ máy thở Oxy, giải quyết các trường hợp khẩn cấp. Tại đây, đoàn cũng đã trao tặng sổ tay truyền cảm hứng Hạt Giống Tâm Hồn – Giá Trị Vĩnh Hằng và 52 phần tiền cho những em bé và người dân nghèo vùng rốn lũ xã Hương Thuỷ, Hương Khê, Hà Tĩnh, bị ảnh hưởng nặng nhất từ cơn lũ kép vừa qua. Ở Hương Khuê, câu chuyện của cô Tô Thị Tâm 48 tuổi khiến chúng tôi không ngừng day dứt. Cô không chồng, có đứa con trai duy nhất tên Tô Văn Đạt 14 tuổi. Ngày đỉnh lũ, Đạt đã nhảy xuống hồ cứu một người phụ nữ nhưng không may, cả hai đều chết đuối.
Trời mưa rất to, bà con nhìn trời nói, chuồn chuồn bay thấp, mưa gió to, khí lạnh tràn về thế này, khuya nay thể nào lũ cũng tràn về. Gần 5 giờ chiều mà trời vùng rốn lũ Hà Tĩnh mưa gió đã chuyển tối. Theo mách bảo của một cô giáo Phan Thị Thu Hằng, chúng tôi đến thăm ba gia đình gặp nhiều khó khăn qua cơn lũ. Có hai chị em mồ côi cha, một em cha bị bệnh 7 năm. Cô giáo đang đi xe máy mặc áo mưa dẫn đường. Không mang theo áo mưa, đoàn vào nhà dân xin lá cọ che mưa tìm nhà. Niềm vui của các em nhỏ khi có khách đến thăm như tiếp thêm cho chúng tôi động lực. Phải đi, đi đến tận cùng. Đâu đó trong mưa gió, còn rất nhiều người cần bàn tay mình, chúng tôi nghĩ vậy nhưng sức người, đúng là có hạn.
Đúng như dự báo, điều tồi tệ không mong chờ đã tới ! Từ 9h tối 31/10, trời Hà Tĩnh, Quảng Bình đổ mưa. Sấm chớp vang rền như trút nước. Thông tin từ Hố Hô vừa báo về: Đập Hố Hô xả nước 530m3/giây và có thể sẽ tăng cường độ vì mực nước đập đang vượt mức. Nước đã dâng cao hơn và những mảnh đời nổi nênh vẫn còn đó, chờ đợi cơn thịnh nộ của thiên nhiên vả cả những tắc tránh củ con người. Rời Quảng Bình nhưng nỗi lo của chúng tôi còn ở lại. Nó sẽ nhắc nhớ chúng tôi phải quay lại, để nắm lấy những bàn tay còn co lạnh dưới mưa dài…
TP.HCM ngày 31/10/2016
Nhóm thiện nguyện Hạt giống tâm hồn