29 Jan, 2019
Uống Sake Thưởng Hoa Anh Đào - Nét Tinh Túy Xứ Nhật
Ngày nay các loại bia cùng rượu nhập từ phương Tây có lượng tiêu thụ tại Nhật cao hơn nhiều rượu Sake truyền thống nhưng tục uống Sake ngắm hoa anh đào vẫn mang ý nghĩa vô giá trong đời sống tinh thần người dân xứ Phù Tang.
Truyền thuyết kể rằng xưa kia chưa từng xuất hiện loài hoa nào như hoa anh đào cho đến khi một vị võ sĩ trẻ tự vẫn trước mộ người chàng yêu rồi cắm thanh kiếm xuống đất trong làn tuyết dày đặc. Hoa anh đào chính là hóa thân từ thanh kiếm ấy, mỏng manh, hồng thắm, cũng đầy mạnh mẽ. Anh đào không chỉ là biểu tượng của nét đẹp trong trắng, mong manh mà còn tượng trưng cho sự liêm khiết, chính trực và lối sống quân tử của một Samurai. Có lẽ vì vậy mà loài hoa ấy vẫn thường xuất hiện trong những vần thơ, câu chữ cùng lời hát.
Hình hoa anh đào được chụp bởi tác giả Nguyễn Chí Linh
Trong cuốn du ký Bốn mùa trên xứ Phù Tang, tác giả Nguyễn Chí Linh lại một lần nữa gợi nhắc người đọc về vẻ đẹp của đóa anh đào, về hơi men nồng đượm của Sake - không phải chỉ trong chuyện xưa tích cũ mà còn trong văn hóa và cốt cách con người Nhật Bản.
Người Nhật ngày nay vẫn tụ tập dưới bóng cây anh đào để chờ đợi khoảnh khắc anh đào bung cánh đầu tiên trong đêm giao thừa và uống một ly Sake nhỏ cầu ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, gia đình hạnh phúc. Khi hết mùa hoa anh đào, người Nhật lại thích ngồi dưới tán cây mặc cho những cánh hoa mỏng tang theo gió bám đầy trên người, để một cốc rượu Sake dưới gốc hứng đầy những cánh hoa mịn màng và uống cạn cốc rượu ấy cho thấm trọn tinh thần Samurai.
Theo cây bút Nguyễn Chí Linh, nếu anh đào đại diện cho sự chính trực của Samurai thì Sake lại biểu tượng cho tinh thần “tận tụy chắt chiu” của người Nhật bởi công đoạn tạo nên Sake vô cùng phức tạp: Làm sạch gạo (Senmai), đem hấp gạo (Mushimai), làm mát hạt gạo đã được hấp (Hourei), ủ nấm Koji (Koji), trộn hạt gạo đã hấp với nấm Koji (Moto), trộn tiếp với nước ngầm để ủ (Moromi), lọc hỗn hợp đã ủ (Joso), hớt váng và khử trùng (Oribiki và Hiire), chưng cất trong thùng (Chozo) và đóng thùng (Taruzume).
Nguồn hình: Pinterest
Việc cho ra đời rượu Sake ngon chủ yếu dựa vào hai yếu tố: quá trình ủ rượu và sự cảm nhận tinh tế của người nấu rượu. Vị của rượu sake được quyết định bởi chất lượng của các thành phần cơ bản: gạo, nước, chất lượng men, điều kiện thời tiết khi ủ rượu, nhiệt độ ủ và kỹ thuật của người ủ rượu. Trong khi giai đoạn chọn thời điểm ủ sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm của người ủ. Họ phải đủ nhạy cảm để nhận biết thời khắc lạnh nhất mùa đông đang đến.
Qua cuốn sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang, người đọc mới hiểu thấu rằng Sake hàm chứa trọn vẹn những tinh hoa của văn hóa, tín ngưỡng Nhật Bản. Chẳng hạn, tính cân đối, chuẩn mực là một trong những tính cách đặc biệt của người Nhật. Sake nóng muốn ngon nhất định phải đạt đến 50 độ C và không vượt quá nhiệt độ phòng bởi sẽ làm rượu mất đi hương vị tự nhiên, trong khi Sake lạnh thì cần giữ ở 5 độ C. Sake đạt chất lượng cao phải hài hòa giữa năm vị: ngọt, chua, cay, đắng và nồng.
Tín ngưỡng về Thần đạo của người Nhật được biểu lộ trong nghi thức thưởng rượu. Người rót phải cầm Tokkuri (bình cổ cao) bằng cả hai tay để rót rượu vào Ochoko (chiếc chung nhỏ) và cúi mặt xuống như cách cảm ơn các vị thần linh đã ban cho cuộc sống những giọt rượu quý và những đóa anh đào tỏa hương.
Thực tế, văn hóa Nhật Bản đã vay mượn rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa. Thế nhưng nếu văn hóa Trung Hoa toát lên vẻ uy nghiêm, khí thế thì sự tinh giản, tiết chế của người Nhật lại khiến văn hóa, cốt cách con người nơi đây phảng phất vẻ nhẹ nhàng và chất chứa một nét riêng khó lòng lý giải.
Lướt theo từng câu từ của Nguyễn Chí Linh trong Bốn Mùa Trên Xứ Phù Tang, người đọc sẽ được trải nghiệm Nhật Bản qua góc nhìn của một nhà du hành đã tìm hiểu văn hóa Nhật và chứng kiến sự đổi thay của đất nước này trong 10 năm qua. Quyển sách dành cho tất cả những ai mến mộ nền văn hóa Nhật Bản. Dù đã từng bước đến nơi đây hay chưa thì độc giả vẫn sẽ cảm nhận một xứ Phù Tang với đủ đầy các hương vị tựa như Sake hảo hạng: ngọt, chua, cay, đắng và nồng.