03 Dec, 2019
Tự Giáo Dục
“Công nghệ nào có tiềm năng lớn nhất làm thay đổi thế giới trong thập kỷ tới?”
Trong lớp “Nhập môn hệ thống máy tính”, một sinh viên hỏi tôi: “Công nghệ nào có tiềm năng lớn nhất làm thay đổi thế giới trong thập kỷ tới?”
Tôi trả lời rằng, công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, khó mà dự đoán được. Tuy nhiên, tôi tin Học máy có tiềm năng lớn nhất để thay đổi nhiều thứ vì nó có thể ảnh hưởng tới mọi ngành công nghiệp, mọi doanh nghiệp và mọi quốc gia. Công nghệ này có thể phân tích và học số lượng lớn dữ liệu trong thời gian rất ngắn. Nó có thể tối ưu hoá nhiều vận hành từ chế tạo cho tới kinh doanh.
Ngày nay, công nghệ Học máy vẫn đang thay đổi khi nó được tích hợp với máy tính nhanh, mạng thần kinh, học sâu nhưng nó sẽ sớm trở thành công nghệ rất mạnh trong tương lai gần. Nếu các em là sinh viên ngành khoa học máy tính hay hệ thống thông tin, các em phải học Học máy vì nhiều thứ trong tương lai sẽ dùng công nghệ này.
Sinh viên khác hỏi tiếp, bên cạnh Học máy, chúng em cần chú ý tới cái gì. Tôi nói với lớp, tất nhiên, có nhiều công nghệ tiềm năng như: in 3D, điện toán đám mây, robotics, mạng 5G, Internet vạn vật, an ninh tính toán, chỉnh sửa hệ gene và sinh học tổng hợp. Những công nghệ này sẽ thay đổi thế giới loài người trong năm hay mười năm nữa. Chúng sẽ làm việc đó nhanh thế nào, hiệu quả ra sao còn tuỳ thuộc vào cách các công ty áp dụng chúng để xây dựng sản phẩm. Đây cũng là những khu vực mà nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang tập trung vào. Vì tất cả chúng đều có tiềm năng đột phá thị trường.
Các công nghệ khác nhau yêu cầu cách tiếp cận khác nhau và vận dụng trong kinh doanh khác nhau. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo được coi là xu hướng nóng nhất cho nên nhiều người đang làm việc về nó. Chỉ riêng ở Mỹ đã có trên 6.000 công ty khởi nghiệp tập trung vào trí tuệ nhân tạo trong năm 2018. Điểm nóng tiếp là in 3D, mạng 5G và robotics, nơi Nhật Bản, Đức và Trung Quốc hiện chi phối thị trường cho dù chúng còn ở giai đoạn khai sinh. Các công nghệ đang nổi lên nhắm tới những vấn đề khó khăn để giải quyết như an ninh tính toán, chỉnh sửa hệ gene, sinh học tổng hợp - cánh đồng này đòi hỏi nhiều công ty cày bừa vất vả trên chúng hơn để có tăng trưởng lớn hơn.
Theo quan sát của tôi, chúng ta đang trong thời kỳ mà công nghệ thay đổi nhanh nhất trong lịch sử. Khi máy tính cá nhân được phát minh những năm 1980, khi Internet được tạo ra, không một ai dự đoán được rằng nó có thể thay đổi mọi thứ. Vấn đề là phần lớn mọi người đã không hiểu tiềm năng của thay đổi công nghệ khi họ vẫn đang làm những việc như không có gì đã diễn ra. Đã có hàng chục công ty máy tính lớn với hàng trăm nghìn kỹ sư làm việc ở đó khi Apple được thành lập. Không ai chú ý tới điều đó cho tới khi tất cả họ đều đã phá sản vì đã không hiểu sự thay đổi công nghệ, trừ ngoại lệ là IBM.
Và hôm nay, chúng ta vẫn đang đối diện với cùng vấn đề. Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn nghĩ như họ đang sống trong thế kỷ 20 cho dù chúng ta đã ở trong thế kỷ 21. Người của họ vẫn làm điều mà họ làm mọi ngày, trong nhiều năm. Họ đi họp và lập kế hoạch kinh doanh như không có gì đã xảy ra. Gần như không ai chú ý tới những làn sóng đang xảy ra bên ngoài công việc của họ. Cứ như nếu nó không tác động tới họ, họ không cần chăm nom.
Họ vẫn có thể đọc cái gì đó về công nghệ, nhưng không hiểu tác động của nó. Họ không muốn thay đổi cách nghĩ cho dù công nghệ liên tục thay đổi và đang thay đổi vô cùng nhanh. Nhiều người vẫn không tin rằng công nghệ có thể thay đổi việc làm của họ, ngành của họ và cả cách sống của họ. Họ không tìm hiểu cách công nghệ sẽ thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành, cách mọi người làm việc và mọi thứ khác. Họ không tin rằng nhịp thay đổi ấy có thể nhanh và dữ dội.
Khi tôi giảng tới đó, một sinh viên hỏi: "Trong trường hợp đó, người lãnh đạo công ty phải làm gì?". Tôi trả lời em. Người lãnh đạo buộc phải xem xét thay đổi cách quản lý. Để tồn tại, họ phải thay đổi cách mọi người đang nghĩ và làm việc. Người chủ công ty cần ngoái lại, nhìn xa hơn trong lịch sử và tự trả lời: Điều gì xảy ra cho mọi công ty thành công trong quá khứ và giờ họ đâu rồi? Tại sao 95% các công ty lớn nhất thế giới đã mất đi trong 25 năm cuối của thế kỷ 20? Tại sao các công ty nhỏ hơn được tạo ra trong 25 năm qua của thế kỷ 20 giờ là những đế chế lớn mạnh nhất của thế kỷ 21? Tại sao Google, Facebook, Amazon, Microsoft... đã thành công như thế? Họ đã làm cái gì khác đi?
Khi công nghệ thay đổi, thế giới đổi thay, bạn cũng phải thay đổi cách nghĩ. Và nếu nhà quản lý không thể thay đổi tư duy, họ cần được thay thế bằng thế hệ trẻ hơn, người hiểu công nghệ tốt hơn. Hãy tự hỏi bản thân, để không bị bỏ lại, mình phải làm gì, học cái gì?
Như tôi từng nói, thị trường kỹ sư phần mềm ở Mỹ được cho là "rất nóng" do thiếu hụt người có kỹ năng và do cạnh tranh trong các công ty hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft và Apple. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này, bạn phải có tính dự ứng trong việc học của mình bằng việc liên tục tự học nếu bạn muốn đứng vững, giữ được việc làm.
Cách tốt nhất là gì để sống còn trong thế giới này? Tôi thường khuyên sinh viên của tôi rằng đọc sách có thể giúp họ. Sách giúp họ đi sâu vào các chủ đề mà họ xác định. Sau khi đọc, họ nên đánh giá, nghiền ngẫm điều đã đọc để phát triển tri thức và quan điểm riêng. Tôi thường đọc nhiều bài báo mỗi ngày khi đêm muộn, và bao giờ cũng kiểm tra, ngẫm nghĩ lại điều tôi đã đọc. Thỉnh thoảng, tôi đọc lại cùng bài báo hay một đoạn nhiều lần vì tôi muốn hiểu nghĩa của nó sâu hơn và kết nối các tài liệu ấy với những gì tôi đã trải nghiệm.
Rồi tôi nói với sinh viên của tôi: "Nếu các em muốn học cái gì đó, đọc nhiều hơn về nó đi". Nếu các em muốn học công nghệ, đọc các bài báo công nghệ. Nếu em làm điều đó trong vài tháng, em sẽ biết nhiều về công nghệ. Việc đọc kích hoạt não và làm giàu tri thức của em. Bằng việc truy nhập mọi tri thức liên quan được lưu giữ trong bộ nhớ của mình, ta sẽ nhập tâm thông tin đã đọc. Như một phần trong bài học, tôi yêu cầu sinh viên đọc ba tới bốn bài báo công nghệ mỗi tuần, tới lớp và thảo luận về chúng. Càng đọc nhiều, họ càng học tốt hơn. Tri thức kết nối với thông tin trong trí nhớ của họ khi họ áp dụng chúng để giải quyết vấn đề. Đến khi hoàn thành môn học của tôi, phần lớn sinh viên đều có tri thức và kỹ năng tốt.
Như tôi đã nói hơn một lần, sách và việc đọc là thầy dạy tốt nhất trong đời tôi. Tôi bắt đầu đọc khi tôi còn rất trẻ và liên tục đọc cho tới giờ. Tôi mang ơn nhiều tác giả và sách của họ. Nhiều người trong số họ không còn sống nhưng tôi vẫn truy nhập vào tri thức và kinh nghiệm của họ. Ngày nay, với Internet và nhiều cửa hàng trực tuyến, bất kỳ người nào cũng có thể mở bất kỳ cuốn sách nào trong vòng vài giây từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cho nên lời khuyên của tôi cho bạn là: đầu tư thời gian của bạn vào việc đọc những sách mà bạn quan tâm. Khám phá ra đam mê, điều bạn muốn trong cuộc sống và học từ các sách dạy cho bạn đích xác điều đó. Bạn muốn học về nghệ thuật, đọc sách nghệ thuật. Bạn muốn học về âm nhạc, đọc sách âm nhạc. Bạn muốn học về công nghệ, đọc sách công nghệ. Rồi bạn sẽ thấy sức mạnh của việc tự giáo dục và ảnh hưởng mà sách có thể có trong đời mình.
Quay lại với câu hỏi của sinh viên tôi ở đầu bài: Dù công nghệ nào thay đổi thế giới, chúng ta vẫn có thể tự chủ nếu đi đúng con đường giáo dục và tự giáo dục của mình.
Giáo sứ John Vũ.
Theo VnExpress