26 Nov, 2018
Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết: Truyền Thống Như Sợi Dây Thừng Thắt Chết Tự Do
Tự do. Tự do. Muôn đời chúng ta vẫn muốn hướng đến tự do, cả trong suy nghĩ lẫn trong cách sống. Với tôi, tự do là một từ đa ảnh, tức có thể gắn với nhiều hình ảnh khác nhau.
Có người cho tự do là sống ở một nơi yên bình, hằng ngày trồng rau, chăn gia súc, sống cuộc đời không lo nghĩ. Có người bảo nắm trong tay quyền lực cao nhất, không phải luồn cúi bất kỳ ai mới là tự do. Và có người tin rằng khi chúng ta nhìn thấu bể khổ, chấp nhận quy luật tự nhiên, hiểu thế nào là Nhân – Quả, thì chúng ta tự do. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều hình ảnh khác mà khi nhắc đến “tự do”, chúng sẽ ngay lập tức hiện lên trong ta.
Liên quan đến tự do, nhà đại hiền triết Krishnamurti cũng chia sẻ quan điểm của mình trong Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết, “Tự do là một trạng thái tâm trí mà trong đó, chúng ta không e dè nghi ngờ và chất vấn về mọi thứ. Sự độc lập đó mãnh liệt, sống động và sôi nổi đến mức nó quét sạch tình trạng phụ thuộc, ách nô lệ và sự tuân phục”.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần thoát khỏi hàng nghìn lời răn từ người đời cùng mọi ký ức về những điều không hay đã xảy đến với mình. Một tâm thức đơn độc không những hồn nhiên mà còn tươi mới – không phải về mặt thời gian, tuổi tác, mà là trẻ trung, trong sáng, sống động ở mọi độ tuổi – chỉ tâm trí đó mới nhận ra chân lý, điều không thể được đo đạc hay đánh giá qua ngôn từ. Khi đó, ta không sống như người ta nên là hay người ta đã là, mà sống như người ta đang là – tức con người ẩn sâu trong ta.
Hiểu được cách thức có được tự do thì cũng là lúc chúng ta thay đổi cách sống của mình. Bạn có biết tại sao có câu nói “Con người luôn luôn mắc sai lầm” không? Tôi nghĩ đó là bởi chúng ta vẫn giữ mô thức kế thừa. Truyền thống do thế hệ trước đặt ra được truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ sau có nghĩa vụ tuân phục truyền thống đó, vì vậy khi thế hệ trước sai, thế hệ sau sẽ sai. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người đều bị gò vào khuôn khổ và cứ thế, ta không bao giờ đạt đến tự do thực sự.
Tất nhiên, khi muốn tự do, chúng ta cần phải có hiểu biết, có suy nghĩ đúng đắn. Như nhiều cá nhân sống ngược với xã hội, phớt lờ hậu quả từ hành động của mình thì đó không phải tự do, mà là sống buông thả, nổi loạn. Họ cảm thấy bị kìm kẹp bởi lề thói của xã hội và nổi loạn là cách họ phản ứng, như thế họ vẫn chịu sự khống chế của lề thói, chỉ là có những phản ứng khác thay vì đơn thuần chấp nhận như nhiều người.
Nếu muốn sống khác đi thì ta phải biết được nguyên nhân vấn đề, bởi đây là lý do vững mạnh nhất thúc đẩy sự thay đổi. Đừng nghĩ chỉ vĩ nhân mới thay đổi được thế giới, thực ra bạn hay tôi hay chúng ta cũng có thể. Bạn có từng nghe câu “Con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas” chưa? Câu này ý chỉ mối liên hệ chặt chẽ giữa kết quả với các điều kiện gốc ban đầu. Đặt trong thực tế, chúng ta chính là cái gốc tạo nên thế giới, khi chúng ta thay đổi, thế giới tự khắc cũng đổi thay.
Một câu mà tôi từng đọc đâu đó: “Nơi chúng ta không muốn ở, dù có sự xa hoa bậc nhất hay thiên nhiên hùng vĩ, đều là ngục tù. Nơi chúng ta muốn ở, dù là phía sau song sắt hay vùng thôn quê khổ cực, đều là thiên đường”. Vì vậy có thể sống tự do hay không đều nằm ở việc chúng ta muốn hay không. Khi tâm tưởng được tự do, cuộc sống cũng sẽ tự do và thế giới này bỗng chốc không còn chiếc lồng nào nữa.
Nếu muốn tìm hiểu thêm những tư tưởng độc đáo và cách nhìn cuộc sống mới mẻ của các triết gia lớn trên thế giới, bạn có thể xem qua bộ sách 5 quyển của Osho: Thân mật, Sáng tạo, Hạnh phúc tại tâm, Can đảm và Đạo. Tôi tin những quyển sách này sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm cuộc sống theo cách hoàn toàn mới, như chính tôi đang trải nghiệm.
Như Hảo