14 Jul, 2022
Trưởng thành - Osho giúp tuổi già không còn đáng sợ nữa
Bậc đạo sư người Ấn Độ Osho đã khai mở một lý thuyết mới về khái niệm trưởng thành, giúp người đọc tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Mỗi người khi sinh ra đều mang vác trên vai nhiều kỳ vọng và trách nhiệm. Khi còn nhỏ, ta sống với kỳ vọng của bố mẹ: ngoan ngoãn và học giỏi. Lúc lớn lên thì được kỳ vọng sẽ trở thành một ai đó. Đến lúc gần đất xa trời thì mong muốn được lên thiên đàng, mồ yên mả đẹp. Cứ thế, chúng ta mải miết trên hành trình tìm kiếm với những tham vọng không có hồi kết: Có được rồi, lại muốn nhiều hơn nữa.
Thế nhưng, đến một lúc nào đó, giữa những lần thất bại hay thành công, liệu bạn có bao giờ dừng lại và tự hỏi mình là ai, có đang thật sự hạnh phúc, và đây có phải là cuộc sống mà mình mong muốn? Và bởi chúng ta vẫn ăn, vẫn thở, vẫn sinh hoạt, vẫn già đi và vẫn di chuyển ngày một gần hơn về phía nấm mồ, nên có thể ta đã bỏ lỡ cuộc sống.
Osho gọi sự sống ấy là “những cái chết từ từ”, bởi sống không đơn giản chỉ là già đi mà nhất định còn phải trưởng thành.
Khi trưởng thành, bạn trở nên bất tử
Lão hóa là sự già đi của cơ thể dù chúng ta luôn lo sợ và cố gắng trì hoãn nó. Trong khi đó, trưởng thành là sự phát triển của nội tâm, là lúc bạn sống với nhận thức và cảm xúc mãnh liệt trong mọi khoảnh khắc. Nên trong khi lão hóa dẫn dắt con người tiến dần về cái chết thì trưởng thành lại khiến ta bất tử.
“Bất kỳ con vật nào cũng có thể già đi, nhưng trưởng thành là đặc quyền của con người”, Osho nói. Đặc quyền đó giúp chúng ta vừa có thể thỏa mãn khát vọng của bản thân, lại vừa cải thiện mối quan hệ với mọi người xung quanh cũng như với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, trưởng thành cho phép chúng ta tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống và khi cận kề với cái chết, chúng ta vẫn an nhiên bởi nhận thức được rằng, dù thân xác có tiêu tan thì tinh thần vẫn luôn bất tử.
Khác với giáo lý của Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo, Osho cho rằng thiên đường hay cõi niết bàn không ở trên cao mà chính là sự hiện hữu ngay trong bản thể của mỗi người. Vì thế, chúng ta nên tận hưởng cuộc sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc bằng cách “biến mọi điều nhỏ bé thành sự chúc tụng”.
Khi ném mình vào guồng quay của cuộc sống, có thể bạn sẽ bị thương. Nhưng không sao cả, bởi cuộc sống có tính biện chứng, và nó tồn tại thông qua sự đối ngẫu: có khổ đau thì có hạnh phúc, có hoàng hôn thì có bình minh. Khi nhận thức được điều này thông qua hành trình tự trải nghiệm, nghĩa là bạn đã trưởng thành: không còn lo lắng về ánh mắt xã hội nhìn mình, về những kỳ vọng không đạt được, những ham muốn bị dồn nén. Bạn chỉ đơn giản là hạnh phúc với những gì bạn có, vui vẻ tận hưởng những niềm vui dù nhỏ bé trong cuộc sống: thưởng thức một tách trà, đắm mình vào một bản nhạc, ngắm nhìn một bông hoa mới nở.
Hãy cứ là chính mình, rồi bạn sẽ trưởng thành.
Nếu bạn cho rằng những điều kể trên là dễ dàng để thực hiện thì hẳn bạn đang nhầm lẫn. Vì có thể mới hôm qua đây, bạn vẫn còn bực bội vì bị tắc đường, bạn cảm thấy đau khổ vì thất tình hay không vui khi bỏ lỡ cơ hội thăng tiến. Những người chưa trưởng thành sẽ mải miết trong những khổ đau và thất vọng của được - mất, còn người trưởng thành đi qua những trải nghiệm ấy với nhận thức sắc bén và hiểu biết sâu sắc.
Vì hiểu biết nên họ trân trọng những mối quan hệ đến trong đời. Vì nhận thức rằng những điều không may lẫn tốt đẹp đều sẽ đến và qua đi nên họ sống bình thản với đời. Và cuối cùng, vì trưởng thành nên họ không còn thấy tuổi già đáng sợ nữa. Họ biết cách làm thế nào để biến khủng hoảng tuổi trung niên thành một cú bùng nổ đầy sáng tạo của đời người.
Những tư tưởng của Osho được ghi chép lại trong những cuốn sách cho thấy trí tuệ của bậc đạo sư gây tranh cãi nhất và cũng có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại. Osho không đòi hỏi “môn đệ” phải hy sinh bản thân vì Đấng tối cao mà ông nhấn mạnh: hãy là chính mình. “Đừng bao giờ cố gắng trở thành ai khác, và như thế, bạn sẽ trưởng thành”, ông chia sẻ, “Trưởng thành là đón nhận trách nhiệm của việc làm chính mình, bằng mọi giá. Chấp nhận mọi rủi ro để làm chính mình, đó chính là trưởng thành”.
Và nếu một lúc nào đó cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, hay bắt đầu bước vào tuổi trung niên với những lo sợ về tuổi già và cái chết, hãy thử chiêm nghiệm cuốn sách “Trưởng thành” của Osho để hiểu rằng khi trưởng thành chứ không phải là già đi, “con người biến mất, chỉ còn lại sự hiện hữu; bản thể biến mất, chỉ còn lại sự tĩnh lặng; kiến thức biến mất, chỉ còn lại sự ngây thơ”. Biết đâu, tư tưởng và những phương pháp thiền của Osho sẽ giúp bạn tìm được cách để “bung nở đóa hoa của riêng mình”.