11 Jan, 2020
Trò chuyện cùng CEO First News - cha đẻ tủ sách Hạt giống tâm hồn: "Những người dám đi con đường khác biệt thì luôn cô đơn"
Trò chuyện cùng CEO First News - cha đẻ tủ sách Hạt giống tâm hồn: "Những người dám đi con đường khác biệt thì luôn cô đơn"
Không giáo điều, phô trương, gần 2 thập kỷ qua những câu chuyện nhỏ của Hạt giống tâm hồn đã âm thầm gieo vào lòng biết bao thế hệ người Việt niềm tin và tình yêu thương; giúp con người ta vững vàng trên những bước đường đời nhiều sóng gió.
"Có một cậu bé tính tình rất nóng nảy và cộc cằn. Một hôm, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng mỗi khi cậu nổi nóng hay nặng lời với ai, hãy đóng một cái đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ về việc mình đã làm.
Sau ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng mười hai chiếc đinh vào hàng rào. Những ngày sau, khi cố gắng kiềm chế cơn giận của mình thì số đinh cậu đóng lên tường rào ngày một giảm. Và cậu nhận ra rằng việc giữ bình tĩnh có lúc dễ hơn là việc đóng những chiếc đinh.
Cho đến một ngày, khi không cần phải dùng đến chiếc đinh nào thì cậu bé tin là mình đã thay đổi và không còn nóng nảy như trước nữa. Cậu kể với cha về điều này và người cha đưa ra một đề nghị: mỗi ngày cậu giữ được bình tĩnh, hãy nhổ một chiếc đinh đã đóng trên hàng rào.
Nhiều ngày trôi qua, cuối cùng, cậu bé vui mừng thông báo với cha rằng tất cả những chiếc đinh đều đã được nhổ. Người cha dẫn cậu đến hàng rào và nói:
Con đã làm rất tốt, con trai ạ! Nhưng con hãy nhìn vào những cái lỗ trên hàng rào - hàng rào sẽ chẳng bao giờ còn nguyên vẹn như xưa nữa. Những điều con thốt ra trong lúc giận dữ sẽ để lại trong lòng người khác những vết thương - giống như những vết đinh này. Cho dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương vẫn còn đó. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự".
----
Mẩu chuyện nhỏ về những chiếc đinh, sự giận dữ, vết thương lòng và lời xin lỗi đã theo tôi mãi từ năm 12 tuổi đến tận bây giờ, để mỗi khi gặp trở ngại trong cuộc sống tôi luôn có cách để kiểm soát cảm xúc của mình. Đã gần 2 thập kỷ trôi qua, tôi tin thế hệ 8x, 9x chúng tôi ngày đó ai cũng đã từng có một câu chuyện nằm lòng như thế để vững vàng, trưởng thành trên từng chặng đường đời.
Hạt Giống Tâm Hồn - là tập hợp những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống mà đôi khi vì quá vội chúng ta lướt qua, bỏ quên. Nhưng chính điều nhỏ bé đó lại làm nên những điều phi thường, đổi thay cuộc đời biết bao con người, nuôi lại hy vọng và dìu dắt ai đó vượt qua nghịch cảnh.
Đầu năm 2020, trong một lần được trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Phước (CEO của First News Trí Việt, cha đẻ của tủ sách Hạt giống tâm hồn) tôi may mắn được hiểu thêm về cụm từ đặc biệt này, cũng như hành trình thật đẹp của Hạt giống hâm Hồn.
Cuộc sống này, khó nhất là đối xử với chính bản thân mình
Trong văn phòng tràn ngập những cuốn sách, ông Phước luôn tất bật với hàng tá những công việc của mình. Thời gian với người đàn ông này quý đến từng giây, ông làm việc nhanh, nói chuyện nhanh, quyết định dứt khoát nhưng luôn cho mình những khoảng lặng để chiêm nghiệm lại bản thân.
Ông Nguyễn Văn Phước - CEO của First News Trí Việt, cũng là cha đẻ của tựa sách nổi tiếng Hạt Giống Tâm Hồn.
Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi về tựa sách luôn nằm trong top bán chạy nhất ở Việt Nam, cũng là cụm từ quen thuộc với rất nhiều người Việt.
- Cơ duyên nào đã đưa ông đến với Hạt giống tâm hồn?
"Năm 2002, khi đó tôi đã làm được rất nhiều việc, cũng có thể gọi là thành công, nhưng chợt nhận ra rằng kể cả những người bản lĩnh nhất, trải nghiệm nhiều nhất, dày dặn kinh nghiệm vẫn có thể bị tổn thương và đuối sức vào một lúc nào đó.
Người ta quá quan trọng về những thứ bên ngoài, và rồi khi gặp phải một thứ gì không như ý, như mất một người thân hay gia tài sụp đổ, mất một cánh tay, mù mắt thì họ đối xử với bản thân mình thế nào?
Điều khó nhất không phải là đối xử với người khác, mà khó nhất là đối xử với chính mình. Ứng xử sai thì đau thương kéo dài. Nếu chọn cách thù hận, bi luỵ thì sẽ rơi vào một bi kịch khác, nếu tha thứ, dũng cảm nhìn nhận, thì vẫn còn sức mạnh và niềm tin để bước tiếp.
Và bạn biết không? Trong vũ trụ này có một luật nhân quả, một luật nhân quả mà không ai kiểm soát được. Và nó tồn tại song song với chúng ta. Thời điểm đó tôi nhận ra, và bàng hoàng. Có những việc mình từng làm trong quá khứ, nhiều năm trước không ai biết, nhưng có người biết. Người đó không phải cha mẹ, không phải người thân, mà là có người ở một thế giới vô hình nào đó nhắc ta bằng tượng thanh, tượng hình.
Tôi không biết phải kể lại như thế nào, vì kể ra không ai tin. Và đêm đó tôi nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách liên quan đến tâm hồn. Đầu tiên tôi nghĩ là khát vọng tâm hồn, nhưng nghe nó cao quá, rồi sau đó là hoài bão tâm hồn, hoài niệm tâm hồn...
Sau nhiều đêm trăn trở, đêm cuối cùng tôi nghiệm ra: những câu chuyện, những sự kiện mình nhìn thấy trong cuộc sống này bằng một cách nào đó nó gieo vào lòng mình như một hạt giống. Và khi gặp những biến cố, nghịch cảnh thì nó sẽ nẩy mầm".
Thế là cuốn sách đầu tiên ra đời với tựa đề: Hạt giống tâm hồn cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống. Và nhanh chóng trở thành hiện tượng của ngành xuất bản vào thời điểm đó.
"Dũng cảm nhìn nhận và thêm yêu cuộc sống. Nói nghe đơn giản, nhưng làm thì rất khó. Giả sử khi chia tay người yêu, nếu thù hận thì bạn sẽ chết trong đau thương, nhưng người kia chả hề hấn gì cả. Vậy, nếu không thay đổi được người ta, thì hãy thay đổi chính mình" - ông Phước nói.
Ông Phước cùng First News đã mời rất nhiều diễn giả nổi tiếng về Việt Nam trò chuyện, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
...
Trong nhiều năm qua những câu chuyện nhỏ của Hạt giống tâm hồn đã len lỏi vào từng ngốc ngách trái tim của người Việt, gieo vào đó niềm hy vọng và tình yêu thương. Điều thú vị là tủ sách này luôn có sự quan tâm đặc biệt các tù nhân - những con người luôn chơi vơi giữa ranh giới của thiện và ác.
Ông Phước tâm sự: "Chúng tôi đến rất nhiều nhà tù để tổ chức chương trình Hạt giống tâm hồn gieo niềm tin cuộc sống, để tặng sách và nói chuyện. Tôi rất ghét dạy dỗ người khác, chỉ mong muốn trao đổi để cùng nhau thức tỉnh. Các bạn hỏi tôi vì sao lại tặng sách cho tù nhân ư? Đơn giản thôi, vì hơn ai hết họ cần niềm tin".
Ngoài đối tượng trẻ em khó khăn, người khuyết tật...thì tủ sách Hạt giống tâm hồn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các tù nhân.
----
"Tôi xin được giới thiệu. Tôi tên là Nguyễn Văn Khôi, sinh năm 1968. Hiện là phạm nhân trại giam A2 Đồng Găng – Khánh Hòa. Tôi viết thư này như một sự thôi thúc về việc phải làm để gửi lời tri ân đến các anh chị và có đôi lời muốn thưa chuyện. Trước đây tôi là một nhà báo, công tác tại báo Khánh Hòa (từ năm 1993). Tôi là học sinh giỏi chuyên Văn, từ năm lớp 5 đến lớp 12 nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, từng đạt giải nhì Văn toàn quốc. Tôi đã có 3 bằng đại học (cử nhân văn khoa, cử nhân báo chí và cử nhân chính trị). Trước khi về công tác tại báo Khánh Hòa, tôi từng làm việc tại đài THVN, báo Lao Động
....
Tai họa đến với tôi vào giữa năm 2008 khi mọi việc tụt dốc thê thảm, tôi càng vùng vẫy thì càng xa lầy và cuối cùng bị phá sản với món nợ vay mượn lên gần 10 tỉ đồng. Trong cơn túng quẫn lại bị chủ nợ uy hiếp tôi đã bỏ trốn, sau đó bị khởi tố với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm". Đến tháng 9.2012 tôi bị bắt theo lệnh truy nã.
Không thể nào diễn tả tâm trạng của tôi lúc mới vào tù. Tất cả như sụp đổ, tôi như từ trên thiên đàng rơi xuống địa ngục. Cuộc sống tù đày thật quá kinh khủng, ngoài sự tưởng tượng và sức chịu đựng của tôi. Sự thất vọng, bế tắc đến cùng cực. Đã thế số phận như muốn trêu ngươi tôi. Tai họa cứ dồn dập xảy ra. Em trai tôi là nhà báo Hoàng Khương ở báo Tuổi Trẻ bị khởi tố và kêu án 4 năm tù. Tôi vào tù được 4 tháng thì mẹ tôi mất mà tôi không được về gặp mặt mẹ lần cuối. Và số phận như muốn đánh gục tôi khi tiếp theo đó vợ tôi đưa đơn li dị và mang các con đi xa vì không chịu nổi áp lực.
Tôi như ở dưới vực thẳm. Mọi cánh cửa như đóng sập lại. Trong lúc tuyệt vọng tôi đã nghĩ đến cái chết vì chỉ có cái chết mới giải thoát cho tôi khỏi kiếp nạn này.
Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Tôi đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, sống lạc quan an nhiên tự tại hơn. Chính nhờ thực hành theo những chỉ dẫn trong cuốn sách mà tôi hoàn toàn bình thản trước nghịch cảnh cũng như những đày đọa của cuộc sống tù đày. Thậm chí khi tòa kêu án 16 năm tù thì tôi cũng không bị suy sụp, tôi đón nhận nó với sự tự chủ mà người thân, bạn bè cũng không ngờ đến.
Và điều tôi tâm đắc nhất là cuốn sách không chỉ dạy cho ta cách sống cho mình mà còn biết sống cho người khác.
"Nếu anh không mở rộng trái tim mình thì anh sẽ không chạm được vào trái tim người khác".
- Trích thư của một phạm nhân gởi về First News -
Đời người không đo bằng thành công, mà đo bằng trải nghiệm
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, tôi hỏi ông Phước: Dành rất nhiều tâm huyết cho những cuốn sách hay, cho những hành trình đặc biệt, có bao giờ ông cảm thấy đuối sức?
Ông Phước mỉm cười: "Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này. Vài năm trước, khi đó trời đã tối, tôi vẫn ngồi làm việc ở một quán vỉa hè, một anh bạn nhà báo đã hỏi tôi rằng vì sao ở vị trí này rồi mà anh còn làm nhiều như vậy, anh không thấy mệt mỏi sao?
Tôi trả lời đơn giản thôi, đời người không được đo bằng thành công, bằng tiền bạc hay địa vị, mà được đo bằng trải nghiệm. Bây giờ thử nhẩm tính nhé, nếu như một người bình thường có thể sống được 60 - 70 năm thì nếu tôi làm việc nhiều gấp 3 lần một người bình thường, nghĩa là tôi đã sống được ít nhất 180 năm rồi".
Cuộc trò chuyện kết thúc, khi đèn điện đã sáng rực các ngã đường thành phố, khi tất cả các nhân viên của First News đã tất bật trở về nhà với gia đình, còn với người đàn ông này, công việc là đam mê chưa bao giờ là kết thúc.
Theo Tri Thức Trẻ