09 Jul, 2020
[Trích Sách] “Dấu Chân Trên Cát”: Con Đường Hiểu Mình, Hiểu Ta, Hiểu Về Vạn Vật
Dấu Chân Trên Cát của tác giả Nguyên Phong tái hiện giai đoạn xa xưa của nền văn minh Ai Cập cổ đại qua lời kể của Sinuhe – một người y sĩ Ai Cập đến Hy Lạp mở trường dạy học. Cuốn sách kể về câu chuyện cuộc đời ông kể từ khi ông còn bé đến khi đã trưởng thành, lưu lạc mọi nơi, trải qua bao sóng gió của cuộc đời, đã từng có những lầm lỗi phải trả giá đắt; thế nhưng cuối cùng, ông đã nghiệm được về lẽ sống của cuộc đời ông. Cuốn sách không chỉ là cuộc hành trình của người y sĩ Sinuhe, mà còn là bản ghi chép về sự sống, sự chết và sự vận hành của vũ trụ hướng tới vạn vật trên Trái đất. Đoạn trích dưới đây là cuộc đối thoại giữa một Pharaoh Ai Cập và Sinuhe về sự ảnh hưởng của vũ trụ hướng tới môi trường thiên nhiên và con người nơi chúng ta sinh sống.
Pharaoh ôn tồn nói:
- Con người cần phải có kiến thức về vũ trụ cũng như về môi trường thiên nhiên mà họ sinh sống. Chỉ khi nào biết quan sát vũ trụ bao la hùng vĩ, con người mới thấy họ nhỏ bé như con sâu, con kiến. Chỉ khi nào biết quan sát đại dương sâu thẳm, con người mới thấy họ chỉ là những bèo bọt nổi trôi. Chỉ khi nào biết quan sát sa mạc mênh mông, con người mới thấy họ chỉ là những cát bụi bé bỏng. Nhờ biết quan sát mà con người ý thức được sự tương quan giữa vũ trụ và con người, rồi biết được những định luật cao cả vận hành vạn vật. Từ đó, họ biết khiêm tốn hơn và không còn đòi làm những chuyện vá trời lấp biển nữa. Theo ta, người nào biết được vũ trụ sẽ hiểu được mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ.
- Tại sao lại thế?
- Vì vũ trụ là môi trường hoạt động của mọi sinh vật, từ côn trùng đến thảo mộc, từ cầm thú đến con người và biết bao sinh vật mà kiến thức của chúng ta chưa biết đến. Vũ trụ không phải là một cái gì trống rỗng mà mọi sự xảy ra một cách ngẫu nhiên. Trong vũ trụ có một sự sắp đặt khéo léo mà ở đó tất cả đều phản ánh một sự thật rằng có một định luật cao cả chi phối mọi sự. Do đó, một người hiểu biết cần phải có kiến thức về vũ trụ.
- Nhưng... đó là kiến thức chuyên môn của các nhà chiêm tinh và dễ gì họ chịu truyền dạy cho người khác.
Pharaoh khẽ vỗ tay. Một ông già từ trong góc phòng bước ra.
Pharaoh chỉ vào tôi, nói:
- Này quan Thiên Giám, ta muốn ông đặc biệt chỉ dạy thêm cho Sinuhe kiến thức về khoa chiêm tinh. Ông hãy chỉ dẫn cho y tất cả những gì mà ông đã truyền dạy cho ta.
Ông lão vội cúi đầu
- Xin tuân lệnh Pharaoh. Lúc nào y sĩ muốn học thì hãy đến đây, tôi sẵn sàng hướng dẫn.
Pharaoh Amenophis chỉ tay lên bầu trời:
- Này Sinuhe, chiêm tinh là một ngành khoa học về vũ trụ mà người Ai Cập chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu. Theo khoa này thì có một ảnh hưởng hỗ tương giữa các tinh tú, Trái Đất và các sinh vật sống trong đó. Nếu nhìn lên không trung, ngươi sẽ cho rằng đó là một khoảng trống bao la, nhưng thật ra có một khí lực bàng bạc bao trùm khắp vũ trụ. Cái khí lực này hết sức vi tế mà chỉ rất ít người biết. Nó có khả năng thu nhận, phổ biến và truyền đạt tất cả những ấn tượng của mọi động lực trong tự nhiên. Cái ảnh hưởng hỗ tương đó là những từ lực, vì tinh tú đều là những khối nam châm có sức hút và ảnh hưởng lẫn nhau. Chính Trái Đất chúng ta đang sống cũng là một khối nam châm rất lớn có sức hút mạnh mẽ, và dĩ nhiên cũng bị chi phối bởi những từ lực phát sinh từ Mặt Trời hay các vì tính tú khác. Chính vì ảnh hưởng của những từ lực này mà mọi sự vật trong thiên nhiên luôn luôn biến đổi, lên xuống, trồi sụt theo các chu kỳ. Người nghiên cứu về vũ trụ phải biết rõ định luật về chu kì. Đối với đa số mọi người thì chu kì chỉ là những sự thay đổi về thời tiết hay mực nước thủy triều lên xuống, nhưng với người hiểu biết thì nó là những sự sắp đặt huyền bí và màu nhiệm vô cùng. Thật ra, mọi sinh vật đều có khả năng trải nghiệm được sự vận chuyển của luồng từ lực này vì sự rung động của nó ảnh hưởng lên thể chất của mọi sinh vật.
- Nó ảnh hưởng như thế nào?
Pharaoh nhìn tôi mỉm cười:
- Chắc hẳn người đã biết ảnh hưởng lên xuống của thủy triều tùy thuộc vào sự di chuyển của mặt trăng. Mặt trăng cũng ảnh hưởng đến kinh nguyệt của phụ nữ. Là y sĩ, người biết rõ về những chứng bệnh điên loạn thần kinh chỉ phát ra vào những ngày trăng tròn. Nếu sự di truyền của mặt trăng có thể gây ra những ảnh hưởng cụ thể như thế thì hẳn không phải là điều vô lý khi cho rằng sự tác động của các tinh tú khác trong không gian cũng có thể gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự sống của mọi loài trên trái đất. Người phải biết rằng trong vũ trụ có những nguồn từ điện rất mạnh, luôn luôn thu hút, ảnh hưởng lẫn nhau theo sự di truyền của các tinh tú. Tất cả các tinh tú đều chứa đựng những luồng từ điện rất mạnh vì chúng di chuyển trong đường từ khí của vũ trụ. Do đó, tùy theo sự rung động của cơ thể các sinh vật cảm ứng với luồng từ điện nào mà chúng chịu ảnh hưởng bởi các tinh tú ấy. Là y sĩ đi hái thuốc, hẳn người biết rằng có những loại cây cỏ chịu sức hút của mặt trời và một số loại khác chịu sự thu hút của mặt trăng. Đa số hoa nở khi có ánh sáng mặt trời nhưng vẫn có một số loài chỉ nở về đêm, một số cây cỏ chỉ tiết ra dược chất vào giờ khắc nhất định khi các tinh tú nằm ở một vị trí nào đó và người y sĩ đi hái thuốc phải biết rõ điều này.
Pharaoh thản nhiên nói tiếp:
- Có những loại cây cỏ hợp tính chất nhau và có những cây cỏ xung khắc nhau vì chúng rung động theo các luồng từ lực khác nhau. Một cây nho không bao giờ mọc gần cây cải vì tính chất xung khắc nhưng cây nho lại thích leo bám vào cây olive vì chúng hợp nhau. Dĩ nhiên, cây cỏ đã như thế thì loài người chắc chắn phải có những rung động mạnh hơn. Phần lớn những xúc cảm của con người chịu ảnh hưởng bởi những biến đổi của trạng thái từ điện trong tự nhiên. Sự nóng giận, ghen tức, tình thương, hay thù hận đều là những biến chứng của trạng thái rung động từ khí trong cơ thể con người. Tình thương là một trạng thái rung động rất phức tạp, nó được biểu hiện ra muôn ngàn khía cạnh khác nhau. Tình yêu cao thượng như tình mẹ con, tình yêu nghệ thuật, tình bằng hữu, đều là sự biểu lộ từ điện của sự giao cảm giữa những tâm hồn có sự rung động đồng nhịp hay đồng thanh, đồng khí với nhau. Từ lực của tình thương thuần túy này là căn bản của sự sáng tạo. Do đó, một người chưa biết yêu hay không thể yêu chẳng thể sáng tạo được. Cũng như thế, một kẻ để cho tâm hồn trở nên khô khan, chai đá, dửng dưng không còn xúc cảm thì khả năng sáng tạo của y cũng sẽ kiệt quệ, thui chột đi…
Trang Nguyễn - Bookademy