26 Sep, 2022
Tôi ổn - Bạn ổn - Giúp bạn tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình
Một cơn giận mất kiểm soát, một lời nói gây đổ vỡ mối quan hệ, một thái độ thù địch vô căn cứ… chúng ta thường xuyên hành xử theo phản ứng của những cảm xúc rối loạn mà chính mình còn không thể cắt nghĩa.
Một trong những nghiên cứu quan trọng về sự đa dạng bản thể trong mỗi con người là học thuyết Phân tích Tương giao (Transactional Analysis) của Tiến sĩ Tâm lý học Eric Berne, sau đó, được bác sĩ tâm thần Thomas Anthony Harris nghiên cứu, áp dụng vào điều trị.
Trong tác phẩm “Tôi ổn - Bạn ổn”, Harris đã giới thiệu cho bạn đọc thông tin tổng quan về những nghiên cứu khoa học não bộ và phân tâm học. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nên thuyết Phân tích Tương giao, cũng như cung cấp định nghĩa về mô hình cốt lõi P-A-C (Parent - Adult - Child).
Theo thuyết Phân tích Tương giao, trong mỗi con người đều có sự hiện diện của ba trạng thái Cái Tôi:
Cái Tôi Trẻ Em (C – Child), được hình thành sớm hơn cả, là một hệ thống các khuôn mẫu hành vi, cảm xúc, thái độ mang theo vết tích thời thơ ấu của mỗi người. Cái Tôi C bắt đầu hình thành từ giai đoạn tiền ngôn ngữ, vì vậy phần lớn nội dung của nó đều thuộc về cảm xúc: từ vui tươi, phấn khởi, ấm áp cho đến sự sợ hãi, bất lực, lệ thuộc.
Còn Cái Tôi Cha Mẹ (P – Parent) của mỗi người được hình thành vào khoảng thời gian “khai sinh xã hội”, tức độ tuổi đến trường, và sẽ được điều chỉnh liên tục trong suốt cuộc đời. Cái Tôi P mang theo những dữ kiện được ghi nhận từ cha mẹ hoặc người chăm sóc, giám hộ của mỗi người. Cái Tôi P có đặc điểm chuyên quyền, quyết đoán (và độc đoán), không xem xét lý lẽ.
Cuối cùng Cái Tôi Người Lớn (A – Adult) hình thành trong quá trình khám phá thế giới, kiểm chứng thông tin và tích lũy kinh nghiệm của đứa trẻ. Cái Tôi A là thành phần “lý trí”, dù nó có thể nhận biết cảm xúc, nhưng không chứa đựng cảm xúc – đúng hơn là nó vẫn “thể hiện” cảm xúc, nhưng bằng cách điều chỉnh cảm xúc cho phù hợp. Cái Tôi A là thành phần duy nhất có khả năng đánh giá hai thành phần còn lại với mục đích cập nhật dữ liệu và tạo ra trạng thái cân bằng.
Từ mô hình cấu trúc P-A-C, Harris phát triển lý thuyết về bốn vị thế sống, tượng trưng cho bốn cách con người cảm nhận về mối quan hệ giữa bản thân và những người khác, bao gồm: Tôi không ổn – Bạn ổn; Tôi không ổn – Bạn không ổn; Tôi ổn – Bạn không ổn; và Tôi ổn – Bạn ổn.
Tác giả cho rằng, vị thế đầu tiên của hầu hết đứa trẻ khi mới ra đời là Tôi không ổn - Bạn ổn, bởi “tôi” lúc bấy giờ chỉ là đứa trẻ nhỏ bé và yếu ớt, “tôi” hoàn toàn phụ thuộc vào sự che chở và sức mạnh của “bạn”, tức cha mẹ hoặc những người lớn khác.
Sau đó, bắt đầu từ tuổi lên hai hay ba, vị thế này sẽ dần chuyển đổi tùy trường hợp. Ở đây tác giả đưa ra một ví dụ đáng chú ý là vấn đề bạo hành trẻ em và hệ lụy lâu dài của nó. Những lời chê bai, dè bỉu, chửi mắng bằng ngôn từ nặng nề hay thái độ dữ tợn của người lớn có thể khiến đứa trẻ mãi mang trong mình tinh thần yếu ớt và tự ti - đây là trạng thái Tôi không ổn - Bạn không ổn.
Ở trường hợp nghiêm trọng hơn, ví dụ sự ngược đãi cứ kéo dài và ngày một nặng nề, sự tuyệt vọng của đứa trẻ buộc nó phải chuyển đổi nhận thức như một cách để tự vỗ về (self-stroking), và cứu rỗi chính mình. Lúc này, đứa trẻ sống với vị thế Tôi ổn - Bạn không ổn. Nếu chỉ xét một tình huống bạo hành cụ thể thì cách nghĩ đó đúng: đứa trẻ không sai, người bạo hành nó mới sai; nhưng đó sẽ là vấn đề nếu đứa trẻ cứ mãi mang tư duy như vậy trong mọi mối tương giao suốt cuộc đời, rằng tôi không bao giờ sai, tất cả mọi người đều sai. Những người mà chúng ta thường gọi là độc ác, vô lương tâm, và “mù luân lý” thường sống với vị thế này.
Không chỉ vậy, Harris vốn đã sống qua nhiều biến động lớn trong lịch sử như Thế chiến II, ông còn đi xa hơn phạm vi tâm lý cá nhân khi dẫn ra những bi kịch tập thể trong lịch sử, ví dụ như bạo lực xuất phát từ tư tưởng phân biệt chủng tộc. Trong trường hợp này, nguyên nhân cho sự thù ghét và giận dữ với một đối tượng nào đó có thể đến từ định kiến, từ Cái Tôi Cha Mẹ mù quáng và Cái Tôi Trẻ Em đầy sợ hãi. Chỉ đến khi để Cái Tôi Người Lớn lên tiếng, tức sử dụng lý trí để phân tích dữ liệu thực tế, con người mới có khả năng nhìn nhận người khác hay nền văn hóa khác bằng sự tỉnh táo và cảm thông. Đây cũng chính là chìa khóa để đạt đến vị thế sống Tôi ổn - Bạn ổn trong mọi mối quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm chủng tộc hay các quốc gia.
“Tôi ổn - Bạn ổn” được tác giả viết vào thời kỳ mà nước Mỹ chịu nhiều biến động bởi nạn phân biệt chủng tộc, phong trào hippy, phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam... Những sự kiện lịch sử hoặc lối tư duy xã hội được tác giả đề cập trong cuốn sách có thể đã thuộc về quá khứ, nhưng góc nhìn theo tâm lý học của ông vẫn là lời gợi mở giá trị cho cách quan sát những vấn đề ở thời đại mà chúng ta đang sống.
Mặc dù được viết với ngôn ngữ dễ hiểu để bạn đọc phổ thông có thể tiếp cận, “Tôi ổn - Bạn ổn” đòi hỏi một quá trình đọc chậm rãi, kỹ càng, theo đúng trình tự từ trước đến sau, từ đầu đến cuối để nắm rõ các khái niệm chuyên môn.
“Tôi ổn - Bạn ổn” không đem lại sự xoa dịu hay khích lệ tinh thần nhất thời, mà sẽ cung cấp nền tảng kiến thức để bạn đọc tự đưa ra quyết định cho cuộc đời của mình. Như tựa đề của cuốn sách, Tôi ổn - Bạn ổn chính là vị thế sống lý tưởng mà mỗi cá nhân đều có tiềm năng đạt tới, và xa hơn nữa, như niềm hi vọng mà tác giả gửi gắm: “Nếu cá nhân có thể thay đổi, thì tiến trình của thế giới có thể thay đổi”.
Nguyễn Thao