27 Jul, 2020
Tâm tịnh thì tự nhiên lòng mát: Con đường thiền định để tìm kiếm sự giác ngộ
Trích dẫn chương 5, cuốn sách "Đường Mây Trong Cõi Mộng"
Vào đời nhà Minh, chùa chiền là trung tâm giáo dục chính. Nhiều vị quan khi xưa đã từng đến chùa học sách vở thánh hiền, nên đa số đã có mối quan hệ mật thiết với chư tăng. Các vị tăng thường lui tới dinh phủ cùng quan quân đàm luận, giao hảo. Cũng như thế, ngài Hám Sơn thường giao thiệp với quan Tư Mã Uông Bá Ngọc, vốn là bạn học thuở thiếu thời. Nhiều khi ngài đến dinh phủ, cùng họ đàm luận hay tạm trú ở đó vài mươi ngày. Sau này, dù ngài tránh xa cửa quan để tu hành thanh tịnh nhưng vẫn bị họ tìm kiếm. Điển hình là lúc ẩn cư tại Bàn Sơn, quan Tư Mã Uông Bá Ngọc cũng phái người đến thỉnh ngài trở về Bắc Kinh để đàm đạo, học hỏi.
Khi ngài tu ở Ngũ Đài Sơn cũng có quan Thái thú Hồ Thuận An, người trông coi ải Nhạn Môn, một cửa ải chiến lược trọng yếu ở gần núi Ngũ Đài, cũng thường lên núi thăm hỏi. Mặc dầu ngài sống thanh tịnh, chỉ có ít thức ăn đạm bạc, nhưng đối với quan Thái thú quen ăn sơn hào hải vị, nay được đổi khẩu vị bằng rau tươi cải luộc, ông ta vẫn rất thích. Thời tiết mùa hè tại Ngũ Đài rất mát mẻ, nhưng vào buổi trưa đôi khi trời cũng nóng, nên một hôm gặp lúc nóng nực, ông hỏi:
- Ngày hạ nóng nực như vầy, Pháp sư làm sao giải nhiệt?
Ngài đáp:
- Tâm tịnh thì tự nhiên lòng mát, Thái thú sao nhọc lòng lo lắng cho bần tăng. Phàm muôn sự đều tùy duyên nhậm vận, sao còn cảm giác nóng nực hay lạnh lẽo?
Thái thú Hồ Thuận An thưa:
- Pháp sư đạo hạnh thâm cao, người phàm khó có thể so sánh. Nhưng kẻ này vẫn cảm thấy nóng bức trong người, ngưỡng vọng Pháp sư chỉ dạy cho kẻ phàm này cách giải nhiệt.
Ngài bật cười đáp:
- Suối nguồn ở nơi đây nhiều chỗ vẫn còn đóng băng. Vào mùa hạ mà băng tuyết vẫn chưa tan. Nếu Thái thú thích thì hãy ở lại đây vài hôm để được dùng nước đá mà giải nhiệt. Thật ra, khí nóng hay giá lạnh, đều do tâm mà phát sinh. Tâm của chúng ta vốn là Phật, không nóng cũng không lạnh. Dùng nước đá giải nhiệt, cũng là dùng ma chế ma, nên nhà Phật không chấp vào nó.
Thái thú Hồ Thuận An cười đáp:
- Nơi Pháp sư an trú, thật là một thế giới kỳ dị. Lời dạy chân thật của Pháp sư khiến kẻ phàm này chợt hiểu việc phân tranh vinh nhục đều là hư vọng. Vọng niệm của phàm phu đều như nước đá đóng băng.
Ngài bảo:
- Nếu Thái thú giữ được niệm đó, thì sẽ cùng tâm Phật không hề cách xa.
Thái thú Hồ Thuận An liền chắp tay thưa:
- Đa tạ Pháp sư chỉ điểm. Sau này nếu kẻ phàm này có thể giúp gì được, xin Pháp sư chớ ngần ngại bày tỏ.
Mùa đông năm đó, phương trượng trụ trì chùa Tháp Viện là thầy Đại Phương bị vu cáo là phạm luật nên bị quan quân bắt nhốt. Số là trên núi Ngũ Đài có rất nhiều gỗ quý, nên gian thương muốn đốn lấy. Nhiều lần chúng lén cho người lên đó đốn cây, phá rừng nhưng bị thầy Đại Phương ngăn chặn nên chúng nghĩ ra mưu kế vu cáo thầy là kẻ tu hành không chân chính. Lúc đó, ngài đang bế quan tu thiền tại am Long Môn thì Thiền sư Triệt Không tìm tới thuật lại việc thầy Đại Phương bị vu oan và gian thương đốn phá cây cối xung quanh chùa viện. Thấy vậy, ngài nói:
- Thầy chớ lo buồn. Việc này bần tăng có thể giải quyết được.
Thiền sư Triệt Không bảo:
- Quan phủ là kẻ có thế lực. Phận mình là tăng sĩ, không quyền thế tiền tài, chỉ có hai bàn tay trắng thì làm sao cứu được?
Ngài đáp:
- Tôi sẽ cố gắng giúp thầy Đại Phương trở về chùa.
Nói xong, ngài liền lội tuyết đến tận ải Nhạn Môn tại núi Sùng Sơn. Lúc ấy, Thái thú Hồ Thuận An đang nghỉ ngơi trong doanh trại, nghe báo cáo là có một tăng sĩ đến tìm nên lấy làm lạ, vì giữa lúc thời tiết lạnh lẽo như thế này, ai lại tìm đến ông? Tuy nghĩ vậy, ông vẫn đi ra ngoài doanh trại xem thì đâu ngờ người tìm mình chính là ngài Hám Sơn. Ông vui mừng khôn xiết, vội lấy áo bào đắp lên thân ngài, rồi dẫn ngài vào doanh trại.
- Bạch thầy, kẻ này vẫn muốn lên núi tham vấn ngài, nhưng mấy ngày nay tuyết rơi dày, che lấp đường đi nên không tiện. Nào ngờ hôm nay Pháp sư đến thăm, quả thật kẻ này có phước đức.
Ngài cũng đáp lễ, rồi nói:
- Hôm nay bần tăng lội tuyết đến đây chỉ vì có một chuyện, mong nhờ quan Thái thú giúp đỡ cho.
Thái thú Hồ Thuận An ngạc nhiên hỏi:
- Có việc gì quan trọng mà Pháp sư phải cực nhọc đến đây?
Ngài đáp:
- Nếu Thái thú vui lòng, bần tăng mới dám trình bày sự việc.
Thái thú Hồ Thuận An bảo:
- Pháp sư hãy an tâm kể rõ sự tình. Nếu giúp được, kẻ này không quản khó khăn đâu.
Ngài nói:
- Cách đây vài hôm, thủ hạ của Thái thú đã bắt giam thầy Đại Phương, hòa thượng trụ trì núi Ngũ Đài. Xin Thái thú hãy rộng tình tha cho thầy.
Nghe thế, Thái thú Hồ Thuận An chợt nhớ lại việc bắt giam thầy Đại Phương về tội mượn áo tu hành làm bậy. Nếu nể ngài mà thả thầy Đại Phương thì ông sẽ mất mặt với bộ hạ vì không thi hành pháp luật nghiêm chỉnh. Ngược lại, nếu từ chối thì làm sao ăn nói với ngài. Trong lúc ông đang suy ngẫm thì ngài đã từ tốn thuật lại chuyện các gian thương đốn gỗ phá hại cây rừng, rồi vu oan cho thầy Đại Phương. Ngài nói:
- Núi Ngũ Đài có nhiều cây cổ thụ hàng ngàn năm. Nếu để cho gian thương vì chút lợi nhỏ mà chặt phá, thì đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù không còn là thắng cảnh, non xanh nước biếc nữa. Sao Thái thú không vì con cháu đời sau mà ngăn cấm việc chặt cây phá rừng này?
Thái thú Hồ Thuận An nghe xong liền đáp:
- Lúc trước, vì nghe báo cáo thầy Đại Phương giả danh tu hành làm những chuyện không hay, nên bản chức mới tạm bắt giam để chờ xét xử. Bảo hộ rừng cây trên núi Ngũ Đài là việc cần làm. Việc này có lẽ vì bọn thuộc hạ của kẻ này quá hồ đồ nên bắt oan người lương thiện. Xin Pháp sư hãy an tâm, kẻ này sẽ thả thầy Đại Phương ra ngay.
Ngài chắp tay bảo:
- Lành thay! Lành thay! Thái thú thật sáng suốt. Muôn dân nương nhờ Thái thú mà hưởng phước. Nếu Thái thú có thể ra lệnh, cấm chỉ chặt cây phá rừng, thì công đức này vô lượng. Từ đây về sau, rừng cây nước nhà được bảo tồn, đạo tràng Đức Văn Thù được gìn giữ, tăng chúng có nơi nương tựa tu hành để hoằng pháp, dân chúng được dạy dỗ sẽ sống đời lương thiện, những chuyện trộm cắp vặt chắc sẽ ít phát sinh.
Thái thú Hồ Thuận An liền ra lệnh phóng thích thầy Đại Phương cùng viết công cáo, cấm việc chặt cây đốn rừng trên núi Ngũ Đài. Thấy quan Thái thú đích thân đi điều tra, bọn gian thương trên núi vội vã thu xếp bỏ trốn đi nơi khác. Sau khi giải quyết việc công, quan Thái thú mời ngài ở lại doanh trại bàn luận Phật pháp cho qua mùa đông. Vì không thể từ chối, ngài đành phải nán lại nơi đó qua năm mới.
Năm hết Tết đến, quan quân tại ải Nhạn Môn nhộn nhịp sửa soạn đón giao thừa. Dĩ nhiên cảnh tưng bừng náo nhiệt đó nào có hợp với tâm định tĩnh của người tu hành, nên ngài chỉ ngồi thiền ở trong doanh trại, không đi đâu cả, chỉ khi nào quan Thái thú đến thì mới đàm luận xã giao. Lúc đó, quan khai phủ Cao Công, trấn nhậm thành Đại Quách gần đó nghe tin ngài đang ở doanh trại của Thái thú Hồ Thuận An liền đến gặp ông này và năn nỉ:
- Trong nhà của tại hạ có treo rất nhiều thi kệ. Nay muốn cầu xin cao nhân đề cho một bài thơ để ăn Tết, xin nhờ ngài nói giúp.
Quan Thái thú nhận lời và nói với ngài về việc này. Ngài bảo:
- Học thức bần tăng cạn cợt. Trong đầu không có một chữ, làm sao viết thi kệ.
Tuy ngài cự tuyệt, nhưng Cao Công vẫn khăng khăng khẩn cầu, nên Hồ Thuận An lại yêu cầu ngài viết kệ. Cuối cùng nể quá, ngài nhờ ông này lấy những bài thi kệ thuở xưa ra để ngài xem lại nhằm kích thích dòng tư tưởng. Vừa mở tập thi kệ ra và bắt đầu xem thì ngôn từ kệ cú tự nhiên tuôn trào ra theo dòng tư tưởng không thể kềm chế. Hồ Thuận An vừa ra khỏi khách đường thì ngài đã viết xong khoảng ba mươi bài thi kệ rồi.
Thấy vậy, ngài giật mình tự bảo: “Hỏng rồi, chỉ xao lãng công phu tu hành một chút mà đã không thể kiềm chế được tư tưởng. Đây quả là tập khí của con quỷ văn tự”. Ngài lập tức ngừng viết, khống chế tư tưởng, không nghĩ gì về thi cú văn tự nữa. Ngài chỉ đưa cho Cao Công một bài kệ để thỏa mãn lòng mong muốn của ông này thôi chứ không đưa những bài kệ khác. Sau đó, ngài bước vào phòng riêng ngơi nghỉ, nhưng lúc đó, những bài thi kệ đã đọc và viết xưa nay, tự nhiên cứ tuôn trào ra không thể kiềm hãm.
Khi ấy, toàn thân ngài lâng lâng, thi hứng tuôn tràn khiến ngài không còn biết thân tâm ở đâu, chỉ có cảm giác như muốn bay bổng lên không trung, và cứ để mặc tình thơ kệ trào ra. Hôm sau, ngài suy nghĩ: “Đây chính là thứ thiền bệnh mà Thiền sư Pháp Quang đã nói đến khi trước. Hiện nay không có ai giúp mình ra khỏi cơn bệnh này. Vậy, chỉ có cách ngồi thiền nhập định thì mới mong trị được nó”.
Ngài bèn đóng cửa phòng, ngồi thiền để định tâm rồi nhập thâm định lúc nào mà không biết. Thái thú Hồ Thuận An nghe tin ngài không ra ngoài ăn uống cả ba ngày bèn tìm đến hỏi, tiểu đồng hầu cận đáp:
- Thưa quan Thái thú, đã ba ngày nay Pháp sư chưa hề bước xuống giường thiền.
Thái thú Hồ Thuận An bảo:
- Vậy ngươi có gõ cửa không?
Đồng tử đáp:
- Tiện nhân có gõ cửa vài lần, nhưng không nghe tiếng trả lời.
Hồ Thuận An bèn đến phòng nhìn qua cửa sổ thì thấy ngài đang an nhiên ngồi thiền, sắc mặt vẫn hồng hào như thường. Ông bảo:
- Pháp sư đã nhập định. Các ngươi chớ làm rộn ngài. Khi đúng thời thì ngài sẽ xả định.
Hai ngày sau, thấy ngài vẫn chưa xuất định nên Hồ Thuận An lo sợ sai gia nhân trèo qua cửa sổ, gọi ngài xả định. Bọn gia nhân kêu gọi om xòm, nhưng ngài vẫn ngồi yên, sắc mặt ung dung, hơi thở nhẹ nhàng. Quan Thái thú đang bối rối nhìn quanh thì thấy có một cây khánh dẫn lễ ở trên bàn thờ Phật. Ông chợt nhớ lại lúc trước đã từng hỏi công dụng của cây khánh thì ngài đáp: “Các vị Tổ ở Ấn Độ thường nhập định rất lâu. Nếu muốn các ngài xả định, phải dùng đến cây khánh dẫn lễ này”. Nhớ vậy, Hồ Thuận An liền cầm khánh, kê bên tai ngài, rồi đánh vài tiếng.
Nhờ vậy, ngài từ từ xuất định. Thấy thế, Hồ Thuận An vui mừng bảo:
- May quá, Pháp sư đã xả định! Một chút xíu nữa là kẻ này sợ hãi chết ngất vì ngài rồi.
Tuy nhiên, lúc đó ngài vẫn còn mơ màng không biết thân tâm hiện giờ đang ở tại đâu, nên hỏi:
- Đây là nơi nào? Tôi nhớ vừa bắt đầu thở hơi thứ nhất mà thôi.
Hồ Thuận An đáp:
- Kẻ này vừa tiễn Cao Công ra về thì Pháp sư liền nhập định và đã như thế liên tục cả năm ngày đêm rồi.
Nghe thế, ngài im lặng quán sát những việc vừa xảy ra. Ngài thấy mới ngày nào còn đang thanh tu ở trên núi Ngũ Đài, mà nay đã ở trong quân trấn, rồi từ trong tâm, những việc khi còn nhỏ đến lúc lớn khôn đều xảy ra như trong mộng huyễn. Hư không náo nhộn như mây tụ mưa rơi. Vạn vật đều tịch tĩnh an nhiên vô ảnh tượng. Tâm không cảnh tịch, an lạc vô cùng, khiến ngài cao hứng bèn viết kệ:
“Cực tịnh sáng thông đạt
Tịch nhiên chứa hư không
Nhìn kỹ quán thế gian
Như việc trong huyễn mộng.
Lời dạy của chư Phật
Thật không hề vọng dối
Nhìn lại nửa đời người
Vân du khắp bốn bể,
Chỉ như trong cảnh mộng.
Bao phiền não chất chứa
Trong tâm tan như khói.”
Xả định xong, ngài trở về núi Ngũ Đài. Vài hôm sau, thầy Đại Phương được thả về cùng với phái đoàn quan quân địa phương, ra thông cáo cấm chặt cây đốn rừng. Từ đó, tăng chúng trên núi Ngũ Đài rất kính trọng và biết ơn ngài. Tuy được thỉnh mời trú tại ngôi chùa chính trên Ngũ Đài, nhưng ngài lại khước từ, và vẫn ở tại am Long Môn tu khổ hạnh cùng với thầy Triệt Không.
Một hôm, có một trận bão tuyết thổi đến Ngũ Đài. Tuyết trắng phủ đầy khắp nơi, biến nơi đây thành thế giới lưu ly. Am tranh của ngài tại Long Môn bị tuyết lấp kín, nhưng ngài cùng thầy Triệt Không vẫn điềm nhiên ngồi thiền. Tuyết rơi càng ngày càng dày đặc khiến tăng chúng trên núi lo lắng vô cùng, vì họ ở trong chùa viện xây cất kỹ lưỡng, trong khi ngài chỉ ở am tranh cất sơ sài thì làm sao chịu được giá lạnh.
Vì vậy, khoảng hơn ba trăm tăng chúng tại Bắc Đài, Trung Đài, cùng chùa Bạch Mã, cầm cuốc xẻng đi đến am Long Môn. Đường đến Long Môn lõm chõm, gồ ghề, tuyết phủ kín khắp nơi. Nếu không để ý thì dễ dàng trượt chân xuống vực sâu ngay. Đến Long Môn thì họ thấy nơi đó đã bị tuyết phủ kín, không còn thấy am tranh đâu hết. Hơn ba trăm tăng chúng đào xới suốt cả hai ngày mới tìm thấy am tranh của ngài bị chôn vùi dưới đám tuyết sâu. Khi họ bước vào am thì thấy hai ngài vẫn ung dung ngồi thiền gần lò bếp. Vừa thấy tăng chúng, ngài liền cám ơn họ và bảo:
- Người tu hành phải vượt qua những thử thách này. Nước đá ngoài cửa đã được đun thành nước lỏng cam lồ. Quý vị vì cứu chúng tôi mà phải chịu cực khổ bao ngày. Xin mời ngồi xuống uống trà.
Trước sự sống chết trong đường tơ kẽ tóc mà sắc mặt ngài vẫn điềm nhiên tự tại, khiến tăng chúng rất đỗi ngạc nhiên. Tin ngài bị tuyết vùi lấp cả bao ngày mà không chút lo âu sợ hãi khiến toàn thể tăng chúng trên núi Ngũ Đài rất kính phục. Họ bảo nhau rằng ngài được bình an như thế là nhờ chư Phật gia hộ.
Hôm sau, dân chúng trong vùng, nghe tin hai ngài được thoát nạn, liền đem bánh trái, rau quả đến am Long Môn để cúng dường, số người đến thăm viếng càng ngày càng đông đúc, không đủ chỗ đứng trong am. Sau này, trong những lần bão tuyết khác, ngài cùng thầy Diệu Phong thường nhập định tại am Long Môn và việc tu thiền trong tuyết lạnh giá băng đã trở nên quen thuộc với ngài.
Mùa xuân năm sau, ngài Hám Sơn có ý định báo đáp thâm ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngài nhớ đến chư cao tăng đời quá khứ thường trích máu viết kinh, nên ngài quyết định trích máu viết kinh Hoa Nghiêm với mục đích là kết duyên cùng trí huệ Bát Nhã thù thắng, dưới đáp đền ân trọng của cha mẹ. Tin ngài quyết định viết kinh Hoa Nghiêm bằng máu được truyền đi khắp nơi. Ở Bắc Kinh, Lý Thái hậu mẹ vua Vạn Lịch nghe tin này liền sai người đem giấy bằng bột vàng đến cúng dường. Việc này khởi đầu cho mối liên hệ mật thiết nhưng phức tạp giữa ngài và hoàng tộc sau này.
Năm ba mươi ba tuổi, niên hiệu Vạn Lịch thứ sáu (1579), ngài chuyên tâm nhất ý viết kinh bằng máu. Thư pháp của ngài rất tuyệt vì thuở nhỏ đã từng học qua thư pháp của các bậc vương gia trong các triều đại trước. Vì tu theo pháp môn Thiền - Tịnh song tu nên mỗi lần viết chữ, ngài đều nhất tâm niệm Phật. Khi chư tăng lên núi viếng thăm, ngài vừa viết vừa trò chuyện, tay không dừng nghỉ, miệng không quên lời đối đáp, tâm không ngưng niệm Phật, mà vẫn không hề viết sai chữ nào.
Do đó, các cao nhân pháp hữu đến cùng ngài đàm luận như bình thường mà không hề ngăn trở việc viết kinh. Khi duyệt lại, họ thấy chữ viết của ngài không sai chạy chút nào. Chư tôn trưởng lão thấy vậy rất kinh ngạc, nên thường đến thử thách, cố ý làm rầy để khiến ngài bị phân tâm. Tuy vậy, ngài vẫn không hề viết sai một chữ. Tăng chúng thấy thế, hỏi thầy Diệu Phong thì thầy đáp: “Vì sư đệ của tôi đã đạt đến công phu thiền định thâm sâu thuần thục, nên trí huệ mới phát triển được như thế”.
Danh tiếng đạo đức tu hành của ngài mỗi ngày một nổi bật khiến rất nhiều người đến núi Ngũ Đài thỉnh giáo lễ bái, cầu ngài chỉ dạy. Từ lúc an trú tại Ngũ Đài cho đến khi bắt đầu viết kinh bằng máu, ngài thường gặp những giấc mộng lành.
Một đêm nọ, ngài mộng thấy mình đi vào động Kim Cang. Ngay nơi cửa đá có khắc bảng “Chùa Đại Bát Nhã”. Bước vào, ngài thấy chùa rộng lớn như hư không. Mái chùa lầu các trang nghiêm vô cùng. Trong chánh điện chỉ có một sàng thiền to lớn. Ngài lại thấy Quốc sư Thanh Lương đang nằm trên sàng thiền, còn thầy Diệu Phong thì đang đứng hầu bên trái. Khi vừa vào, ngài lập tức quỳ xuống đảnh lễ, rồi đứng về phía bên phải.
Ngài được nghe Quốc sư Thanh Lương khai thị: “Vừa nhập vào cảnh pháp giới viên dung, gọi là sự hỗ nhập của cõi Phật , chủ khách tương giao, tướng đến đi chẳng động đậy”. Theo những lời giảng của Quốc sư Thanh Lương, những cảnh giới đó hiện ra rõ ràng trước mắt và ngài cảm thấy thân tâm hòa đồng với chúng. Khi đó, ngài lại nghe thầy Diệu Phong hỏi Quốc sư Thanh Lương: “Bạch Quốc sư! Đây là những cảnh giới gì?”. Quốc sư Thanh Lương cười đáp: “Vô cảnh giới của cảnh giới ”.
Khi tỉnh dậy, ngài tự thấy thân tâm cùng khung cảnh xung quanh dung hợp triệt để , không còn bị nghi tình làm chướng ngại nữa.
Một đêm khác, ngài mộng thấy thân mình bay bổng lên hư không, cao đến vô tận. Một lúc sau, hạ xuống, ngài thấy mười phương thế giới đều lắng đọng, vắng vẻ, không có một vật chi, duy chỉ còn đất bằng như tấm gương, long lanh chiếu sáng. Nhìn xa xa, ngài chỉ thấy một tòa lâu các rộng lớn, trang nghiêm. Trong lâu các hiện ra tất cả sự vật trên thế gian như con người, động vật, chợ búa, thành ấp lớn nhỏ; vạn vật đều nằm trong đó; chúng đến đi không ngăn ngại.
Trong lâu các có đặt một tòa bảo tháp màu vàng đỏ tím óng ánh. Tự tâm ngài bảo rằng đó là bảo tòa Kim Cang. Sự trang nghiêm của lâu các này là không thể nghĩ bàn. Ngài muốn tiến đến gần đó, nhưng lúc đó tâm ngài chợt nghĩ rằng trong cảnh giới thanh tịnh này, biết đâu cũng có uế trược. Khi vừa khởi niệm thì tòa lâu các tự nhiên xa dần. Ngài giật mình bèn tự bảo rằng cấu uế hay thanh tịnh cũng đều do tâm sinh. Nghĩ đến đó thì lâu các lại hiện gần hơn. Trong cảnh giới đó, ngài chợt thấy có rất nhiều chư tăng, hình tướng cao lớn, sắc thân trang nghiêm đoan chánh vô cùng. Đang bước đi, ngài thấy một tiểu đồng tay cầm một quyển kinh, bước đến đưa cho ngài:
- Hòa thượng đang thuyết kinh này, nên bảo tôi mang đến cho ngài.
Ngài tiếp nhận, mở kinh ra đọc thì thấy toàn là chữ Phạn viết bằng vàng, nhưng không biết chữ nào hết. Ngài bèn bỏ quyển kinh này vào túi và hỏi tiểu đồng:
- Xin chú cho biết Hòa thượng đang giảng kinh đó là ai?
Tiểu đồng đáp:
- Ngài chính là Bồ Tát Di Lặc .
Ngài vui mừng vội theo tiểu đồng bước lên tầng cấp lâu các. Khi ấy, ngài vừa đứng vừa nhắm mắt giữ vững chánh niệm cho đến khi nghe một tiếng khánh vang rền. Ngài liền mở mắt ra thì thấy Bồ Tát Di Lặc đã lên tòa ngồi. Ngài liền cung kính cúi đầu đảnh lễ. Lúc ngưỡng đầu nhìn lên, ngài thấy sắc diện Bồ Tát Di Lặc màu đỏ tím, sáng chói oai nghiêm mà trên thế gian này không gì so sánh bằng.
Đảnh lễ Bồ Tát Di Lặc xong, ngài bèn quỳ xuống trước Bồ Tát, rồi mở quyển kinh ra. Ngài nghe Bồ Tát thuyết: “Phân biệt là thức. Vô phân biệt là trí. Y theo thức thì bị nhiễm ô. Y theo trí thì được thanh tịnh. Vì nhiễm ô nên có sanh tử. Vì thanh tịnh nên có chư Phật”. Nghe đến đó, đột nhiên ngài cảm thấy thân tâm mình chợt bừng sáng, âm thanh của Bồ Tát Di Lặc vang lên từng tiếng hết sức rõ ràng, khai sáng đất tâm cho ngài.
Khi ngài thức dậy, âm thanh của Đức Di Lặc vẫn còn văng vẳng bên tai, chẳng quên mất một chữ. Từ đó, ngài biết rõ sự khác biệt giữa trí và thức, tâm nhãn (mắt của tâm thanh tịnh) liễu nhiên , và nhận biết cõi nước mà ngài vừa đến, chính là lâu các của Bồ Tát Di Lặc tại nội viện của cõi trời Đâu Suất.
Một đêm khác, ngài nằm mộng thấy có một vị tăng đến bảo:
- Bồ Tát Văn Thù trên đỉnh Bắc Đài có thiết lễ tẩy tịnh. Nay thỉnh ngài đến.
Ngài bèn theo vị tăng đó đến một điện đường rộng lớn, mùi hương lạ bay tràn khắp nơi. Các thị giả đều là Phạm tăng . Ngài được dẫn vào một buồng tắm. Ngài cởi y phục ra và tắm, nhưng thấy có người đã ở trong bồn tắm rồi. Nhìn kỹ, thì đó là một người nữ nên ngài không dám bước vào. Cô gái trong bồn tắm chợt chuyển hình tướng trở thành người nam. Khi đó, ngài mới dám bước vào cùng tắm chung. Người đó lấy tay múc nước xối lên đầu ngài. Nước chảy từ đầu xuống chân, thấm vào mình ngài như tẩy rửa tất cả. Năm tạng trong người không còn nữa, duy chỉ còn lại bọc da, trong trắng như lưu ly, thấu suốt rõ ràng. Khi ấy, người kia gọi đem trà đến. Ngài thấy một vị Phạm tăng, tay cầm sọ nửa đầu người, giống như trái dưa bước vào.
Ngài nhìn vào chiếc sọ, thấy máu mủ tủy não trong đó, nên khởi tâm nhờm ớn. Vị tăng kia bèn dùng ngón tay, quẹt lấy tủy não rồi bảo: “Đây mà là vật bất tịnh à!”. Nói xong, vị tăng kia liền đưa ngón tay đút vào miệng ngài. Ngài bèn nuốt xuống thấy mùi vị ngọt như mật. Cứ như thế, ngài nuốt hết tủy não, duy chỉ còn máu. Người trong bồn tắm bảo: “Hãy đưa nốt cho ông ta”. Vị tăng thị giả liền đưa chỗ đó cho ngài. Nuốt vào, ngài có cảm giác như đang uống nước cam lồ, vị ngọt chảy thấu đến từng làn da, thớ thịt. Vừa uống xong, vị Phạm tăng đột nhiên vỗ tay thật lớn, khiến ngài giật mình thức giấc.
Lúc đó, ngài thấy mồ hôi đổ ra như tắm, nhưng năm tạng trong người như vừa được thanh lọc. Từ đó, thân tâm ngài như được tẩy tịnh, lúc nào cũng cảm thấy an lạc, ung dung, nhẹ nhàng.
Kể từ đó, trong những giấc mộng, ngài đều thấy chư hiền thánh Bồ Tát. Hầu hết những giấc mộng đó đều là điềm lành. Đức Phật nói: “Thường mộng điềm lành”, đó là những điềm quý báu.
Trạm Đọc trích đăng | Nguồn ảnh: Sưu tầm