Nếu bạn đang “mắc kẹt” trong vấn đề quản lý tài chính và chưa tìm được hướng giải quyết thì cuốn sách Tài chính cho mọi người sẽ là vị cứu tinh của bạn. Với nội dung chất lượng và kiến thức dễ hiểu, cuốn sách sẽ giúp bạn phác họa một lộ trình lập kế hoạch tài chính cá nhân khoa học và hiệu quả.

Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân

Việc lập kế hoạch tài chính hay kế hoạch chi tiêu cá nhân là một quá trình thiết yếu để đảm bảo cuộc sống tài chính của bạn được điều chỉnh một cách hiệu quả và có mục tiêu cụ thể. Một kế hoạch chi tiêu cá nhân cụ thể sẽ giúp bạn:

Kiểm soát tiền bạc

Khi bạn lập kế hoạch tài chính cá nhân, bạn sẽ biết chính xác số tiền bạn kiếm được và số tiền bạn đã tiêu vào mỗi tháng. Điều này giúp bạn có thể kiểm soát tiền bạc của mình và tránh trình trạng chi tiêu lãng phí. Ngoài ra, bạn có thể xác định các khoản chi tiêu cần thiết để tiết kiệm tiền một cách hiệu quả.

Xác định mục tiêu tài chính cá nhân

Kế hoạch chi tiêu cá nhân giúp bạn xác định được mục tiêu tài chính cá nhân của mình. Bạn có thể xác định những gì bạn muốn đạt được trong tương lai qua các mục tiêu cụ thể như mua nhà, tiết kiệm cho hưu trí, hoặc thanh toán hết nợ,... Bằng cách lập kế hoạch, bạn có thể xác định được số tiền cần thiết và đặt ra các bước thực hiện để đạt được mục tiêu của mình.

Tạo dựng tương lai tài chính bền vững

Kế hoạch tài chính cá nhân giúp bạn xây dựng một tương lai tài chính bền vững. Bằng cách xác định các mục tiêu, lập kế hoạch tiết kiệm và quản lý tiền bạc một cách thông minh, bạn có thể đảm bảo an toàn tài chính trong tương lai.

Tóm lại, những lý do trên cũng đã được tác giả Paco de Leon giải thích trong cuốn sách Tài chính cho mọi người như sau: “Khi bạn lập kế hoạch chi tiêu thành những danh mục tổng quát, điều đó sẽ giúp bộ não dễ dàng hiểu được mục đích của việc chi tiêu. Chúng đặc biệt hữu ích khi bạn cần giảm chi trong một thời gian ngắn hoặc trong giai đoạn khủng hoảng bởi vì bạn có thể giảm số tiền bạn tiêu cho những thứ không thiết yếu. Hơn nữa, đối với bất kỳ ai chưa kiếm được đủ tài chính để đáp ứng các nhu cầu của bản thân thì có thể xem các danh mục trong bảng kế hoạch chi tiêu như những bước đệm hoặc các cột mốc cần đạt được”.

Tại sao lập kế hoạch chi tiêu hữu ích hơn lập ngân sách?

Nếu bây giờ có ai đó hỏi bạn “Sự khác nhau của việc lập kế hoạch chi tiêu và lập ngân sách chi tiêu là g씓Tại sao lập kế hoạch chi tiêu lại hữu ích hơn lập ngân sách?” thì bạn sẽ trả lời như thế nào? Đối với những câu hỏi này, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn chưa trả lời được các câu hỏi ấy thì không cần quá lo lắng, tác giả của cuốn sách Tài chính cho mọi người Paco de Leon sẽ giải đáp cho bạn.

Với kinh nghiệm 8 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ở nhiều vai trò khác nhau, tác giả Paco de Leon đã phân biệt sự khác nhau giữa lập kế hoạch chi tiêu và lập ngân sách một cách vô cùng dễ hiểu cho độc giả như sau:

  • Lập kế hoạch chi tiêu thường tập trung vào việc phân loại chi tiêu và tạo ra các quy tắc chi tiêu.
  • Lập ngân sách thường hướng đến những mục tiêu cứng nhắc, hạn chế sự linh hoạt trong chi tiêu.

Hơn thế nữa, Paco còn đưa ra những lợi ích không ngờ của việc lập kế hoạch chi tiêu: 

  • Giúp bạn giảm đi các quyết định không cần thiết và nguy cơ đưa ra quyết định “sai lầm” trong chuyên chi tiêu.
  • Loại bỏ cảm giác khan hiếm và cho phép bạn chi tiêu linh hoạt đối với các mục đích giải trí và hưởng thụ.
  • Tạo ra sự tự chủ trong những vấn đề chi tiêu không thiết yếu và giảm thiểu bất đồng trong vấn đề quản lý tài chính nói chung.

Để minh chứng cho những điều trên, tác giả đã đưa ra ví dụ: Mỗi khi quyết định chi tiêu cho những thứ không thiết yếu, bạn đều sẽ tự đặt câu hỏi: “Mình có khả năng chi trả không?”. Trái lại, khi phân loại số tiền bạn sẽ chi tiêu vào nhóm Giải trí & Hưởng thụ, bạn đang cho phép bản thân chi tiêu số tiền đó theo ý muốn của mình. Câu hỏi lúc này sẽ thay đổi từ “Mình có khả năng chi trả không?” thành “Mình muốn tiêu số tiền này như thế nào?”

Từ kinh nghiệm của chính mình, tác giả cho rằng: "Điều này làm cho việc quản lý tài chính chung trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Quyền tự chủ trong việc tiêu tiền cho những món đồ không thiết yếu đã giúp tôi và bạn đời của mình hạn chế sự bất đồng trong cách chúng ta tận hưởng số tiền do mình làm ra".

Các loại kế hoạch tài chính cá nhân bao gồm những loại nào?

Có nhiều loại kế hoạch tài chính cá nhân khác nhau, phù hợp với từng người và từng mục tiêu tài chính cụ thể. Dưới đây là một số loại kế hoạch tài chính cá nhân phổ biến mà bạn đọc dễ dàng áp dụng:

Phân loại theo thời gian:
Loại kế hoạch tài chính cá nhân Thời gian Ví dụ minh họa
Kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn Dưới 3 tháng Mua quà sinh nhật cho bản thân
Kế hoạch tài chính cá nhân trung hạn Từ 3 - 6 tháng Tiết kiệm để đăng ký một khóa học ngoại ngữ
Kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn Từ 6 tháng trở lên Tiết kiệm để laptop phục vụ việc học tập
Phân loại theo mục đích:
  • Kế hoạch tiết kiệm
  • Kế hoạch thanh toán nợ
  • Kế hoạch hưu trí

Các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân từ cuốn sách Tài chính cho mọi người

Đầu tiên, điều bạn cần làm để lập được kế hoạch chi tiêu chính là kiểm tra lại các hoạt động chi tiêu của mình bằng cách phân loại các khoản chi tiêu thành 03 nhóm chính sau đây: 

  • Nhóm Hóa đơn & Cuộc sống cho những thứ thiết yếu,
  • Nhóm Giải trí & Hưởng thụ cho những thứ không thiết yếu,
  • Nhóm Tương lai & Mục tiêu cho tất cả các khoản bạn tiết kiệm để thực hiện những việc khác nhau - kể cả tiết kiệm để đầu tư.

Vì sao chúng ta cần phải phân loại chi tiêu thành ba nhóm chính? Tác giả của cuốn sách lý giải vô cùng đơn giản rằng: “Việc phân loại này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết được bạn cần bao nhiêu tiền cho những thứ thiết yếu (hóa đơn và cuộc sống), những thứ không thiết yếu nhưng có tác dụng tạo niềm vui cuộc sống (giải trí và hưởng thụ) và những thứ bạn sẽ cần trong tương lai (tương lai và mục tiêu). Ngoài ra, việc phân loại này cũng giúp bạn tạo một quy trình có thể lặp đi lặp lại để đảm bảo rằng các chi phí thiết yếu đã được tính đến và bạn đang tiết kiệm một phần trong số tiền bạn kiếm được và bạn có một số tiền để chi tiêu thoải mái.”

Như vậy, để lập được một kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả, bạn chỉ cần làm theo các bước cơ bản:

  • Phân loại các khoản chi tiêu thành 03 nhóm chính
  • Xác định mục tiêu tài chính cá nhân
  • Xem xét tình hình tài chính hiện tại
  • Xác định nguồn thu nhập và chi tiêu hàng tháng
  • Thiết lập nguyên tắc tiết kiệm và đầu tư
  • Xây dựng kế hoạch chi tiêu hàng tuần/tháng/quý,...

Bên cạnh đó, tác giả đã thiết lập ra Định luật Paco. Định luật này chính là: “Chi tiêu của bạn sẽ bằng với những gì bạn có để chi tiêu”. Điều này có thể không đúng với mọi người, nhưng sẽ đúng với nhiều người đang phải vật lộn với việc kiểm soát chi tiêu của họ đến mức tác giả thấy cần phải lập ra được một định luật cho việc chi tiêu. Minh họa cho định luật trên, tác giả đưa ra ví dụ như sau: “Bạn đã bao giờ phải uống thuốc dạng lỏng như thuốc kháng sinh hay siro ho chưa? Nhiều khả năng là bạn từng uống rồi, và nhiều khả năng là bạn đã sử dụng chiếc cốc nhỏ đi kèm để đong thuốc, thay vì cứ thế đổ thuốc vào một chiếc ly lớn với hy vọng sẽ canh được đúng liều lượng. Định luật Paco cơ bản là một cách để bạn đổ đúng một lượng cụ thể của cái gì đó (tiền) vào một vật chứa (tài khoản thanh toán), giúp đảm bảo bạn chỉ dùng (chi tiêu) một lượng nhất định.” Ý nghĩa của định luật Paco chính là không trở thành nạn nhân của nó

Tại sao lại nói cuốn sách này là cuốn sách về tài chính cá nhân đáng đọc? Bởi vì trong mỗi chương, tác giả đã giới thiệu về những lý thuyết tài chính cơ bản. Để quyền sách không nhàm chán và dễ hiểu, Paco đã lồng ghép vào đó những tình huống thực tế và hình ảnh minh họa. Cuối mỗi chương sẽ có các bài tập nhỏ để bạn áp dụng ngay những kiến thức vừa mới học được. 

Ví dụ: Những khái niệm như cổ tức, đầu tư, lãi kép, điểm tín dụng,... được thể hiện đơn giản, dễ hiểu và dí dỏm bằng những hình ảnh như ly cocktail, chiếc bánh pizza, vali niềm tin,... Vì vậy, dù bạn đã có nền tảng về tài chính hay mới bắt đầu nghiên cứu đều có thể hiểu một cách dễ dàng. Sau khi đọc cuốn sách này, độc giả có thể áp dụng ngay vào  việc quản lý tài chính của mình để  đạt được những mục tiêu lớn trong cuộc sống.

Tóm lại, cuốn sách Tài chính cho mọi người như một quyển cẩm nang dễ tiếp cận về vấn đề quản lý tài chính cá nhân. Từ những kiến thức cơ bản về ngân sách, tiết kiệm, đầu tư, đến các chiến lược nâng cao tài chính, cuốn sách cung cấp cho bạn những công cụ và kỹ năng cần thiết để kiểm soát tài chính của mình. Với giọng văn dí dỏm, dễ hiểu, ví dụ minh họa và các bài tập thực hành sau cuối mỗi chương giúp bạn tiếp cận kiến thức hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tác giả còn truyền tải thông điệp tích cực về việc quản lý tài chính thông minh, giúp bạn hướng đến mục tiêu tài chính rõ ràng và đạt được tự do tài chính trong tương lai.