09 Dec, 2019
Review Cú Hích - Nugde: Cuốn Sách Tạo Nên Sự Khác Biệt
“Cái đập cánh của con bướm có thể gây ra cơn địa chấn ở cách xa nó hàng vạn dặm”. Đó chính xác là những gì mà một quyết định của con người có thể tạo ra. Đôi lúc chỉ là một cú hích nhẹ, nhưng đúng lúc, đúng chỗ thì nó có thể đem lại cho ta một kết quả khác biệt với tác động đa chiều. Cú hích xảy ra không phải ngẫu nhiên mà tự bản thân ta hoàn toàn có thể tạo ra và kiểm soát chúng một cách thiết thực thông qua cuốn sách cùng tên Cú hích - Nugde.
Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp khó khăn và dằn vặt đấu tranh với suy nghĩ “Hay mình liều một tí”. Vậy thì cho tôi mạo muội hỏi thêm một câu: “Nếu bạn đã quyết định có, thì khi cho bạn lại một cơ hội, bạn có muốn liều như lúc đó không?”. Thời gian là dòng chảy một chiều, nó không ưu ái cho bất kì ai một ngoại lệ nào. Vậy nên khi đối mặt với những lựa chọn, con người ta thường có những quyết định chỉ tốn vài giây để đạt kết quả tốt nhưng có những đắn đo dù tốn cả ngày, cả tuần chưa hẳn là đã là lựa chọn tối ưu. Thế thì đâu là hướng giải quyết hiệu quả cho những sai lầm ngớ ngẩn mà chúng ta mắc phải? Hãy lắng nghe chủ nhân của giải Nobel kinh tế 2017 – Richard H.Thaler và đồng tác giả Cass R.Sunstein chia sẻ qua tựa sách Cú hích có thể kích thích tư duy lựa chọn theo hướng tích cực và khôn ngoan hơn hẳn.
Cú hích – Nudge nghiên cứu về hành vi và cách thức các chủ thể tư duy và tương tác với nhau dưới góc nhìn kinh tế học. Từ đó thúc đẩy con người đi đến một hiện thực có tự do, có sáng tạo, có hiệu quả. Cuốn sách gồm 299 trang, chia làm năm phần lớn. Mỗi phần sẽ có những khái niệm riêng vừa đưa ra ví dụ thực tiễn vừa khéo léo “hâm nóng” sự sáng tạo tư duy của độc giả.
Tác giả mở sách bằng một câu chuyện ngắn ở chuỗi quán ăn tự phục vụ của Carolyn và khách hàng là hàng ngàn cô cậu học trò. Điều khiến Carolyn băn khoăn là làm thế nào để tác động đến sở thích ăn uống của bọn trẻ. Từ đó, khái niệm nhà kiến trúc lựa chọn được giới thiệu và xuyên suốt trong quyển sách để giúp ta có những lựa chọn sáng suốt nhất. Để tôi chia sẻ những điểm mà tôi tâm huyết nhất với bạn
Tư Duy Con Người Không Phải Lúc Nào Cũng Đúng.
Chúng ta thử làm bài trắc nghiệm nhỏ trích trong sách, hãy chép câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn nhé:
1. 5 cái máy trong 5 phút sản xuất ra 5 sản phẩm, vậy 100 cái máy sẽ làm ra 100 sản phẩm trong bao nhiêu phút? ____ phút
2. Trong hồ có một đám bông súng. Mỗi ngày, đám bông súng tăng lên gấp đôi. Nếu đám bông súng cần 48 ngày để phủ đầy mặt hồ thì chúng cần bao nhiêu ngày để phủ đầy nửa mặt hồ? _____ ngày.
Hầu hết mọi người đưa ra đáp án 100 phút và 24 ngày. Tất cả đều sai, bây giờ ta suy nghĩ lại một lượt bạn sẽ biết tại sao mình lại sai. Những câu hỏi trên được biết đến là bài kiểm tra phản xạ theo nhận thức.
Đáp án đúng lần lượt là 5 phút và 47 ngày. Con người là chủ thể duy lí, thông thường đầu óc con người sẽ ở trạng thái hoạt động hiệu quả. Chúng ta có thể nhận ra người quen thông qua giọng nói mà không cần nhìn mặt, có thể tính nhẩm những dãy số liên tục mà tốc độ còn nhanh hơn cả máy tính. Thậm chí có những người có thể nhớ hẳn các nốt nhạc chỉ với một lần nghe. Tuy nhiên, rất nhiều người, thậm chí cả những sinh viên thông minh nhất bị đánh lừa bởi những câu hỏi tưởng đơn giản như trên để đưa ra câu trả lời ngớ ngẩn. Điều này không có nghĩa là đầu óc của chúng ta gặp trục trặc mà cho ta thấy hai mặt tư duy của con người: Tư duy trực giác và phản xạ. Để dễ hiểu hơn thì tư duy trực giác là câu trả lời đầu tiên. Tư duy phản xạ là câu trả lời đúng sau khi suy nghĩ lại.
Nói cách khác, nếu mọi người khi đưa ra quyết định đều dựa vào tư duy phản xạ thì cuộc sống này sẽ nhẹ nhàng và tốt đẹp biết bao.
Tính Ỳ Tâm Lý Và Cú Hích Khai Thác Sức Mạnh Theo Hướng Có Lợi.
Con người rất dễ xiêu theo những lời nói của bạn bè, hành động của cấp trên hay định kiến của xã hội.Điều này có nghĩa là người ta tin vì những người khác tin thế. Vô tình, bạn giao suy nghĩa, trí tuệ của mình cho người khác định đoạt như thế mọi việc đã, đang diễn ra như vậy thì tương lai cũng như thế thôi. Đó là tâm lý ù lỳ. Ta lười đổi mới, lười phản kháng, mặc định mọi thứ người khác quyết định thì bản thân đều chịu đựng được và nỗ lực làm tốt điều đó là ổn. Liệu đó có phải là cách để con người giảm bớt rắc rối, tranh cãi trong cuộc sống của chính họ.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này thì việc các phụ huynh điên cuồng ép con mình đăng kí vào một ngôi trường đại học danh tiếng mà các cha mẹ khác đều đã làm. Bản thân tôi luôn bắt gặp những câu chuyện như thế từ những người bạn của mình. Dù bạn có đấu tranh bao nhiêu thì đều bị bác bỏ, mệt mỏi khiến tâm lý chúng ta chững lại và phó mặc mọi chuyện.Vậy đây là lúc chúng ta cần những cú hích để đẩy bật tính ỳ đó theo hướng tích cực. Lập luận quan trọng và có sức nặng nhất để thay đổi suy nghĩ của đám đông đó là Thông Tin. Sự thiếu hiểu biết và để quá nhiều quy tắc, thông lệ, truyền thống áp đặt, len lỏi vào tư tưởng khiến con người ta dễ đi theo lối mòn. Lúc này, “chỉ cần một cú sốc hay cú hích nhỏ đúng chỗ cũng có thể đánh bật nó ra khỏi nơi đồn trú”.
Sức khoẻ và cú hích khuyến khích người dân cứu lấy đồng loại và hành tinh chúng ta
1. Cứu lấy đồng loại: Hiến tạng
Trong chương này, tác giả nổi bật lên việc bác sĩ là các nhà kiến trúc lựa chọn có tài. Với vốn tri thức tuyệt vời về tư duy của con người, họ có thể thúc đẩy và làm nhiều điều hơn nữa để cải thiện sức khoẻ cá nhân và kéo dài tuổi thọ cộng đồng.
Lịch sử của ca ghép thận đầu tiên vào năm 1954 là khởi nguồn của nghĩa cử hiến tạng sau này. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là nhu cầu ghép tạng lớn hơn nhiều so với khả năng cung cấp. Có hàng loạt bệnh nhân nằm trong danh sách chờ và hầu hết (khoảng 60%) trong số họ sẽ chết khi chờ đợi.
Giải pháp Sự đồng ý rõ ràng, nghĩa là người ta cần thực hiện một số thủ tục để trở thành người hiến tạng. Thường thì những bệnh nhân mắc các căn bệnh mãn tính sẽ có xu hướng hiến tạng cho người khác nhưng trở ngại duy nhất mà giới pháp y không thể can thiệp là sự không chấp thuận của gia đình vì điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề đạo đức. Và một chính sách tiên tiến – Explicit Consent thể hiện một nhận thức ở bậc cao về kiến trúc lựa chọn trong vấn đề hiến tạng ra đời. Điểm đáng lưu ý của chính sách này là một khi người hiến đã đồng ý thì các thành viên còn lại trong gia đình không cần được hỏi ý kiến nữa. Cú hích này thúc đẩy những người có tấm lòng cao thượng đăng kí một cách dễ dàng và tạo niềm tin cho một xã hội đầy lòng bác ái và kéo theo các nghĩa cử cao đẹp xuyên suốt thế hệ.
2. Cứu lấy hành tinh chúng ta: Sự can thiệp của nhà nước
Con người luôn có tư tưởng sống thoải mái, tiện lợi, tiết kiệm nhất cho bản thân. Nên đôi lúc những thứ thuộc về “của chung” lại bị quên lãng. Các vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước, việc phun thuốc trừ sâu hay hoá chất độc hại cũng như sự sụt giảm số lượng lớn các loài sinh vật nằm trong sổ đỏ. Tác giả không phủ nhận nỗ lực của nhà nước trong việc tìm cách khắc phục nhưng cái giá phải trả lại rất tốn kém và lãng phí, thậm chí một vài cố gắng lại gây phản tác dụng làm trầm trọng thêm vấn đề vốn đã nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với việc đừng để nhà nước can thiệp vào thì tác hại chắc chắn còn kinh khủng hơn nhiều. Trong lĩnh vực này, có ít nhất hai phương án được đề nghị
● Phương án thứ nhất là đánh thuế hay phí đối với những người gây ô nhiễm
● Phương án thứ hai là bán quyền xả thải với một hạn ngạch nhất định và quyền này có thể được đấu giá hay cho phép mua bán trên thị trường
Giáo Dục Và Cú Hích Cho Quyền Con Người
Thật khôn ngoan khi các nhà tư vấn, nhà chức trách không cố gượng ép những ý nghĩa cao cả của giáo dục vào đầu những học sinh. Thay vào đó, dù có vẻ khá phiến diện nhưng thực tiễn khi họ đánh vào tâm lý hay khát khao của giới trẻ này nay: xe hơi, iphone, macbook,... Một sự khác biệt rõ ràng giữa dòng xe Kia và Lamborghini chính là mức lương chênh lệch trong thu nhập của một sinh viên tốt nghiệp đại học và một học sinh tốt nghiệp trung học. Kết quả cho thấy số lượng học sinh mong muốn có được một nền giáo dục tốt hay tham gia vào lực lượng sinh viên tăng lên gấp bội. Không ai trách được tại sao giới trẻ ngày nay lại quá chú trọng vào vật chất. Bởi vì chính xác thì thế giới chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế hoá, hiện thực hoá. Cú hích tâm lý này rõ ràng đã thành công (dù theo cách không thực sự thuyết phục tuyệt đối các nhà giáo dục học). Nhưng dù theo cách nào thì việc để mọi công dân có quyền được hưởng một nền giáo dục tốt là điều đáng khích lệ. Tư tưởng này vô tình trở thành một cam kết văn hoá văn minh tiên tiến mà chỉ cần một vài cú hích đơn giản cũng có thể tạo ra nhiều thuận lợi cho trẻ em, giúp các em được nhận đầy đủ quyền đó.
Sự Mở Rộng Và Những Ý Kiến Trái Chiều
Bản thân tôi thực sự thích cách của Thaler và Sunstein truyền đạt diễn giải một khối lượng lớn các thông tin, ý tưởng cho người đọc mà không hề áp đặt. Thậm chí còn sẵn sàng thừa nhận những phản biện yếu nhất đến những ý kiến trái chiều mạnh mẽ nhất. Họ lần lượt xem xét và đánh giá chúng một lần nữa
1. Quyền phạm sai lầm
Đa số những người hoài mghi về lập luận nếu muốn tạo ra một xã hội tự do, đặt nhân quyền lên hàng đầu thì người ta có quyền va vấp và phạm sai lầm. Nhưng, bạn có tin rằng sinh viên kinh tế nên học về rủi ro quản trị bằng cách khởi nghiệp khi chưa có phương hướng ý tưởng không? Trẻ con nên học về sự nguy hiểm của hồ bơi bằng cách nhảy thẳng xuống hồ khi chưa biết bơi không?. Đúng là bạn có quyền phạm sai lầm, nhưng đừng quên bạn cũng có quyền lựa chọn cách phạm sai lầm của mình. Có những sai lầm có thể sửa chữa nhưng có những sai lầm mất cả đời cũng chỉ đổi lại sự tiếc nuối và ân hận.
2. Thuế luôn là câu chuyện ngầm giữa nhà nước và doanh nghiệp
Trong phần này, những người phản đối thuộc diện các chủ công ty tư nhân trong nền kinh tế vận hành hiện thời. Họ phản đối các chính sách liên quan tới việc tăng thuế trong quá trình bảo vệ và cải tạo lại môi trường sống cho cộng đồng. Không quá ngạc nhiên khi các ông chủ này thiên vị cho lợi ích tư nhân hơn là lợi ích của xã hội. Một bộ phận khác lại ghét cú hích này vì lí do tại sao công ty họ chỉ thuộc diện cung cấp dịch vụ (môi giới, hướng dẫn viên,...) hầu như không gây ảnh hưởng tới môi trường nhưng vẫn gánh chịu khoản thuế tương đương với các công ty công nghiệp nặng. Tuy nhiên, khoản chênh lệch này, được coi như một phần ủng hộ cho công tác từ nguyện hay cho phúc lợi xã hội.
Trong hàng loạt các mẩu chuyện vừa thực vừa tinh tế trong, nhóm tác giả xoay quanh hai vấn đề chính. Thứ nhất là những đặc tính tuy rằng rất nhỏ bé của hoàn cảnh xã hội nhưng cũng có thể tạo ra những tác động rộng khắp lên mọi hành vi của con người. Cú hích luôn luôn hiện diện mọi nơi, nhưng theo cách chúng ta chưa thấy, chưa nhận ra. Thiết kế những kiến trúc lựa chọn, dù tốt hay xấu, đều có khả năng lan tràn đến mọi ngóc ngách và khó có thể tránh khỏi, và chúng ảnh hưởng một cách sâu sắc đến các quyết định hàng ngày của chúng ta. Vấn đề thứ hai, quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Tuy rằng điều này là đáng khích lệ, nhưng có phải lúc nào cũng có thể đem quyền này ra bào chữa cho mọi sai phạm không thì lại là chuyện khác. Các nhà kiến trúc lựa chọn cố gắng bảo vệ quyền lựa chọn, trong khi vẫn hích người ta theo hướng tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống chính họ và cả cộng đồng.
Có rất nhiều lĩnh vực được thảo luận như an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, nhân quyền, bảo vệ môi trường,... Mục đích chính là hy vọng mong đến cho độc giả một sự thông hiểu về kiến trúc lựa chọn và sức mạnh của những cú hích nhằm kích thích tư duy sáng tạo hơn và cải thiện cuộc sống của chính mình. Hầu hết các lĩnh vực được nhắc đến đều liên qua đến những hành động thuần túy quyết định theo cách “mộc mạc” nhất và cách các cú hích giúp người ta lý trí hơn để có một kết quả mãn nguyện nhất.
Xã hội muôn màu muôn vẻ, con người sáng tạo đa chiều, hoàn cảnh biến đổi khôn lường. Ngay cả khi chúng ta đang xét một thị trường tự do, thì cũng không tránh khỏi sự can thiệp của nhà nước. Các định chế thị trường đôi lúc nhờ nhà nước mà trở nên tốt đẹp hơn, điển hình như trách nhiệm bảo vệ tài sản chung, môi trường chung và bảo đảm các hợp đồng đã ký kết đều phải được thực thi. Thực tế thì những cú hích hiệu quả nhất đều sử dụng sức mạnh của thị trường, mọi kiến trúc đều cân nhắc rất sát sao đến lợi ích.
Trước tổng thể các điểm khác biệt đó, người có tư duy, lí tưởng tự do và người bảo thủ bắt đầu nhận ra các quan điểm nền tảng này. Dù rằng cuộc sống này đang từng bước tiến theo thế kỉ của công nghệ 4.0, nhiều người đang bị bộ não nhân tạo từng bước thay thế cho những suy nghĩ của con người. Nhưng hãy nhớ, nhân tạo là lý thuyết chết, con người mới là thực tiễn sống. Chỉ cần một người thấu hiểu và đánh trúng mục tiêu thì có thể ảnh hưởng lớn đến cả một cộng đồng. Cú hích giống như quyển sổ đang dự báo những bước tiến, hành vi tâm lý con người, có tính chính xác cao trong tương lai gần.
Những bình luận đắt giá:
“Bạn đã từng đọc một cuốn sách nhiều ý tưởng cảm hứng, thú vị và thực tế chưa? Đây chính là một quyển sách như vậy! Bên trong quyển sách này là viên ngọc sáng nhất của kinh tế học hành vi. Đây là cuốn-sách-phải-đọc đối với những ai muốn nhìn thấy trí tuệ con người và xã hội của chúng ta vận hành hiệu quả hơn. Chắc chắn nó sẽ nâng tầm các quyết định của bạn và làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn".
(Daniel Kahneman, Nobel Kinh tế 2002, đại học Princeton)
“Một cuốn sách rất giá trị! Đây là một tác phẩm đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới quan của tôi".
(Steven Levitt, Đồng tác giả cuốn Kinh tế học kỳ quái- Freakonomic)
Lời kết
Tôi chắc hẳn rằng bạn sẽ không cảm thấy lãng phí nếu như dành thời gian của mình để đọc quyển sách này vì nội dung, ý nghĩa đã thực sự kích thích tư duy của con người theo một hướng tích cực, hiệu quả và mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân mà còn cả xã hội.
Đặt mua sách tại đây.
Theo Ybox