23 Sep, 2021
Ranh giới giữa người thành công và kẻ thất bại
“Trước khi bạn chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống thì bạn phải chiến thắng được chính bản thân. Mọi thay đổi bắt đầu từ chính bạn”, Sean Covey chia sẻ.
Mục tiêu giống như thước đo định lượng cho những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống, nhưng thói quen mới chính là yếu tố quyết định sẽ thúc đẩy hay cản bước bạn đạt được những thành tựu ấy.
Nhắc đến thành công, chúng ta thường nghĩ đến sự hiện diện của các mục tiêu lớn lao, hay những dự tính đã được hoạch định chỉn chu. Thế nhưng có những suy nghĩ, hay hành động tuy nhỏ, nhưng vì chúng ta lặp đi lặp lại, theo thời gian trở thành thói quen diễn ra mỗi ngày, hiện diện trong từng sự việc, nên chúng lại mang tính quyết định trong hành trình mài giũa bản thân và chinh phục sự thành công.
Các tên tuổi được tạo nên nhờ những thói quen tốt
W. Mitchell - người mà hầu hết tất cả chúng ta đều sẽ cảm thấy thương xót khi lần đầu trông thấy: gương mặt và cơ thể chằng chịt những vết sẹo, các ngón tay gần như cụt hoàn toàn, và đôi chân khẳng khiu vô dụng nằm lắt lẻo ở thân dưới - không những được biết đến như một diễn thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, mà ông còn là một triệu phú tự thân, cựu thị trưởng, ứng cử viên quốc hội Mỹ, và vận động viên lướt ván, nhảy dù.
Điều đặc biệt là Mitchell đạt được tất cả những thành tựu trên sau khi trải qua 2 vụ tai nạn xe hơi và máy bay, khiến ông rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh khi bị bỏng hơn 60%, gãy 12 đốt xương sống và ngực, liệt hoàn toàn nửa người dưới, phải trải qua 13 lần truyền máu, và hơn 16 cuộc đại phẫu để giành giật lấy sự sống với diện mạo như hiện nay.
Ai cũng sẽ đối diện với những thách thức nhưng có lẽ hiếm ai phải chịu những nỗi đau tột cùng như Mitchell. Thế nhưng thay vì bị những mất mát của bản thân làm cho chìm đắm trong sự bất lực, Mitchell đã tôi luyện thói quen luôn chủ động đón nhận và tập trung vào những mặt tích cực trong mọi việc để tiến lên. Vì ông quan niệm rằng: “Tôi là cơ trưởng trên chuyến tàu của đời mình. Thăng trầm của nó cũng là thăng trầm của tôi. Tôi có thể lựa chọn thói quen nhìn nhận một tình huống là thất bại hay là điểm xuất phát cho một hành trình mới”.
Hay câu chuyện về Franz Kafka - một trong những tiểu thuyết gia và nhà văn người Bohemia có tầm ảnh hưởng nhất vào thế kỷ 20 cũng là một ví dụ điển hình về những thành công đạt được nhờ tập luyện những thói quen tốt.
Franz Kafka xuất phát điểm là một nhân viên bán bảo hiểm chẳng ai biết tới. Thế nhưng, ước mơ của ông chính là trở thành một nhà văn, người viết truyện nổi tiếng. Để đạt được điều ấy, ông luôn giữ thói quen ưu tiên những việc cần làm. Dù công việc có bận rộn hay cơ thể có ốm đau thì Franz Kafka cũng sẽ viết vào lúc 10h30 mỗi tối và sáng sớm ngay khi vừa thức giấc. Với Franz, thói quen này giúp ông nuôi dưỡng ước mơ và thôi thúc sự sáng tạo.
Rõ ràng đích đến của mỗi người là mỗi khác, hoàn cảnh của mỗi người cũng chẳng ai giống ai. Tuy nhiên, với những thói quen tốt thì dù bản thân có rơi vào hoàn cảnh cam go như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt và làm nên chuyện lớn.
Chiếc la bàn cho những bạn trẻ muốn thành đạt
“Những thói quen chúng ta tạo ra sẽ tạo nên con người chúng ta. Thói quen tốt giúp bạn thành công, còn thói quen xấu sẽ cản trở sự phát triển của bạn”, Sean Covey chia sẻ trong cuốn sách 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt.
Được mệnh danh là một cây bút truyền động lực cho lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, Sean Covey đã biến cuốn sách của mình trở thành chiếc la bàn, giúp bạn đọc nhận dạng và loại bỏ những thói quen sẽ khiến bạn phải trả giá. Từ đó, tôi luyện 7 thói quen tốt để mài giũa bản thân, và dẫn lối đến con đường thành công mà không bị lạc vào những sai lầm, mất mát, như: Luôn chủ động, Nhắm trước đích đến, Ưu tiên việc cần ưu tiên, Tư duy cùng thắng, Lắng nghe để được lắng nghe, Có tinh thần hợp tác và Mài lưỡi cưa thật bén.
Cũng như bạn, Sean Covey hiểu rằng, việc thực hiện và duy trì những thói quen tốt luôn khó hơn những thói quen xấu, thậm chí, đôi khi tưởng chừng như chúng sẽ trở thành gánh nặng cho bạn. Chẳng hạn như không phải nghệ sĩ piano nào cũng thích việc luyện ngón hằng ngày, cũng không phải vận động viên bơi lội nào cũng hào hứng với việc ngâm mình trong nước hàng giờ mỗi ngày bất kể thời tiết có đang lạnh cóng.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Hành trình nào cũng sẽ đầy rẫy những thử thách cam go nhưng nếu bạn sẵn sàng để làm nên chuyện lớn thì phải tự đấu tranh với chính mình để dằn cảm xúc xuống và bắt đầu hình thành những thói quen tốt. Đây cũng chính là điểm khác biệt tạo nên ranh giới giữa người thành công và kẻ thất bại.
“Trước khi bạn chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống thì bạn phải chiến thắng được chính bản thân. Mọi thay đổi bắt đầu từ chính bạn”, Sean Covey chia sẻ.
Ngoài ra, Sean cũng muốn nhắn nhủ độc giả đừng nản lòng nếu đôi khi bạn vấp ngã. Cũng như có khoảng 90% chuyến bay sẽ bị chệch hướng trong hành trình bay bởi ảnh hưởng của gió, bão, áp suất không khí… nhưng những phi công sẽ vượt qua được những cảm xúc của bản thân để tập thói quen bình tĩnh, làm theo bảng hướng dẫn, và trao đổi với kiểm soát viên để chuyến bay an toàn, thì cuộc sống đôi lúc cũng sẽ mang đến cho bạn những thử thách bất ngờ, khiến bạn bị “trật đường ray”. Những lúc đó hãy luôn nhớ rằng “bạn sinh ra với tất cả mọi thứ cần thiết để làm nên những điều vĩ đại. Bạn không cần phải tìm đâu xa xôi cả. Năng lượng và ánh sáng nằm bên trong bạn”.
KHỞI ĐẦU TỪ CHÍNH MÌNH
Trước khi bạn chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống thì bạn phải chiến thắng được chính bản thân. Mọi thay đổi bắt đầu từ chính bạn. Đừng bao giờ quên điều này.
Từ trong ra ngoài
Chúng ta biết bò trước khi biết đi, học số học trước đại số. Chúng ta phải sửa đổi bản thân trước khi sửa đổi người khác. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời mình thì bạn phải bắt đầu thay đổi chính bản thân chứ không phải cha mẹ hay bạn bè, thầy cô. Mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ bạn: từ trong ra ngoài chứ không phải từ ngoài vào trong.
Tôi còn nhớ những lời của một vị linh mục:
Khi còn trẻ, tôi có sự tự do và trí tưởng tượng không giới hạn, tôi thường mơ thay đổi cả thế giới.
Khi trưởng thành và khôn ngoan hơn, tôi biết rằng thế giới sẽ không thay đổi.
Và tôi quyết định thu nhỏ ước mơ: thay đổi quê hương mình. Nhưng đó cũng là điều không tưởng.
Khi bước vào tuổi trung niên, tôi cố gắng lần cuối vì mong muốn thay đổi gia đình mình – điều gần gũi nhất, nhưng họ vẫn chẳng hề suy suyển.
Giờ đây, khi cận kề cái chết, lần đầu tiên tôi nhận ra: Nếu tôi tự thay đổi mình trước rồi mới tác động đến gia đình; rồi với sự giúp đỡ của gia đình, tôi làm cho quê hương trở nên tốt đẹp hơn, biết đâu cuối cùng tôi có thể thay đổi được cả thế giới.
Đó chính là điều mà quyển sách này muốn nói. Hãy thay đổi từ nội tâm, bắt đầu với chính bản thân bạn.
Tài khoản con người
“Hộp cảm xúc” của bạn về bản thân mình hoạt động tương tự như một tài khoản ngân hàng, nên ta hãy gọi nó là Personal Account – Tài khoản con người (PA) nhé. Cũng như tài khoản ATM hay tài khoản tiết kiệm, bạn gửi vào và rút ra từ PA những suy nghĩ, lời nói hay hành động của bạn. Ví dụ, khi tôi vượt qua được chính bản thân tôi, tôi cảm thấy mình tự chủ: vậy là tôi đã có một khoản gửi vào PA. Nếu tôi thất hứa với chính mình và cảm thấy thất vọng: tôi đã rút một khoản ra khỏi PA của tôi.
Vậy, tài khoản của bạn thế nào? Có khá không? Hay là sắp “phá sản” tới nơi rồi? Xem thử những dấu hiệu dưới đây để tự đánh giá nhé:
Những triệu chứng của bệnh “viêm màng túi”
Bạn dễ bị bạn bè tác động
Bạn chật vật với cảm giác thất vọng và tự ti
Bạn quan tâm quá mức đến những gì người khác nghĩ về bạn
Bạn tỏ ra ngạo mạn để che giấu sự bất an của mình
Bạn tự hủy hoại bản thân bằng ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy; bạn quậy phá hay tham gia vào các băng nhóm xấu
Bạn dễ ghen tức, nhất là khi ai đó thân cận với bạn thành công
Những dấu hiệu của một tài khoản “rủng rẻng”
Bạn dám tranh đấu vì bản thân, và không dễ bị áp lực từ đám đông
Bạn không cần được “nổi tiếng”, được nhiều người biết đến
Với bạn, cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm tích cực
Bạn có lòng tin vào bản thân
Bạn sống có mục đích
Bạn hạnh phúc khi người khác thành công
Đừng vội nản nếu PA của bạn hiện chỉ có vài xu lẻ, vì bạn có thể thay đổi điều đó! Hãy gửi từng khoản nho nhỏ trước, rồi bạn sẽ dần tự tin hơn và PA của bạn cũng sẽ “no nê” hơn.
Thuận Nguyễn