Giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn...

Giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn.

Tác phẩm Mái trường thân yêu của nhà giáo Lê Khắc Hoan ra mắt vào năm 1964, đến nay đã được xuất bản chính thức 11 lần, và đạt giải thưởng Sách hay năm 2011. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của Mái trường thân yêu chưa bao giờ hạ nhiệt, dù giáo dục đã phát triển và thay đổi rất nhiều so với nền giáo dục vào thời tác giả viết sách.
Những người thầy bước vào trang sách - ảnh 1
Tác giả Lê Khắc Hoan (bìa trái) và tác giả Đỗ Quốc Anh (bìa phải) trong ngày ra mắt cuốn sách về người thầy
 
Trong lần tái bản thứ 11, Mái trường thân yêu là một phiên bản hoàn toàn mới, không chỉ mang lại cho các độc giả lớn tuổi những hoài niệm về một thời học sinh đã xa mà còn mang đến cho các bạn trẻ một “mái trường” đặc biệt, với những câu chuyện học trò thú vị, đáng yêu.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Tác giả đã mang lại cho tôi cả một quá khứ đẹp của thời thơ ấu. Mong rằng bạn đọc sẽ nhận được từ cuốn sách này nhiều điều hay về một thời đã qua, được viết lại một cách chân thực, giản dị, không tô vẽ cũng không bi kịch hóa”.
 
Phần hai của cuốn sách là thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán. Được đăng báo vào năm 1981, thiên ký sự dài 15 chương của tác giả Đỗ Quốc Anh (hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) kể về quá trình dạy học của thầy Tôn Thân. Tác phẩm này ngay lập tức gây tiếng vang lớn vào thời bấy giờ.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận xét: “Thiên ký sự của anh Đỗ Quốc Anh về thầy Tôn Thân được viết vào năm 1981, trước cả khi lần đầu tiên tôi được cắp sách đến học thầy. Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khóa cuối cùng của thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương.
 
Thiên ký sự của anh Đỗ Quốc Anh là một tài liệu rất quý. Nhờ vào nó, ký ức về một thời, về một con người sẽ không thể phai đi trong tâm khảm chúng ta. Tôi tin rằng giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn”.
 
PGS.TS.NGND Tôn Thân là cháu ngoại của cố học giả Phạm Quỳnh. Khi ông mới lên 2 thì ông ngoại mất. Thân sinh của nhà giáo Tôn Thân là Giáo sư Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng Trường Thăng Long xưa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Đặng Thai Mai từng dạy học. 15 năm dạy chuyên toán ở Trường THCS Trưng Vương, nhà giáo Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 học sinh giỏi toán, đạt 42 giải toàn quốc. Năm 1974, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên dự thi toán quốc tế ở Đức, có 5 học sinh thì có tới 4 em là học trò cũ của nhà giáo Tôn Thân.
 
Nhà giáo Tôn Thân mang hình ảnh về một người thầy mẫu mực. Thầy không chỉ quan tâm đến việc hướng dẫn, truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn quan tâm đến việc phát hiện, nâng đỡ, phát triển kỹ năng, tài năng cho từng học sinh.
 
Sách Mái trường thân yêu - Thầy giáo của những học sinh giỏi toán tích hợp hai tác phẩm nổi tiếng của Lê Khắc Hoan và Đỗ Quốc Anh. Hai tác giả đều từng là nhà giáo, từng hoạt động rất nhiều năm trong ngành giáo dục. Chắc chắn tập sách sẽ mang đến cho bạn đọc một luồng gió mát trong lành về tình cảm với những người thầy luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Đăng Nguyên
Nguồn thanhnien.vn