28 Aug, 2019
Nghĩ giàu và làm giàu - Vươn tới vị trí cao hay cứ mãi lẹt đẹt tùy vào chúng ta
Có người nói rằng: “Tại sao phải trải qua nhiều quá trình rắc rối như vậy chỉ để đảm bảo rằng sẽ có được một công việc?” Câu trả lời là: “Hoàn thành công việc một cách hoàn hảo không bao giờ thừa cả!"
Hơn nữa – và điều này cũng rất quan trọng – người thanh niên trẻ tuổi trong câu chuyện này đã có được một vị trí cao mà không phải bắt đầu từ một xuất phát điểm thấp. Anh ta bắt đầu làm với chức vụ ủy viên ban quản trị với một mức lương tương xứng.
Tại sao lại phải trải qua nhiều quá trình rắc rối như vậy?
Câu trả lời đơn giản là bài giới thiệu được chuẩn bị kỹ lưỡng của người thanh niên trẻ đã giúp anh ta tiết kiệm 10 năm trên con đường thăng tiến.
Ý tưởng về việc khởi nghiệp từ vị trí thấp nhất và làm việc để được thăng tiến có vẻ đúng đắn. Nhưng một luận điểm phản đối quan điểm này như sau: quá nhiều người bắt đầu làm việc từ những vị trí thấp không bao giờ ngóc đầu lên đủ cao để được sự chú ý của cấp trên. Triển vọng của việc thăng tiến dần dần từ dưới lên không phải lúc nào cũng hoàn toàn sáng sủa hay đáng khuyến khích.
Quan điểm đó có khuynh hướng giết chết những tham vọng. Nếu suy nghĩ như vậy nghĩa là bạn đang đi theo lối mòn và chấp nhận số phận của mình chỉ vì bạn đã tự tạo cho mình một thói quen hàng ngày, một thói quen cuối cùng trở nên quá mạnh mẽ để bạn có thể từ bỏ nó. Đó là một lý do khác giải thích tại sao khởi đầu bằng việc đi trước một đến hai bước so với xuất phát điểm ban đầu sẽ có lợi hơn. Bằng cách làm như thế, bạn sẽ tự tạo cho mình một thói quen quan sát xung quanh, xem những người khác làm thế nào để tiến lên phía trước, nhìn thấy những cơ hội và nắm lấy cơ hội đó mà không do dự.
Halpin và Norden năm 1965
Tất cả thế giới đều yêu mến người chiến thắng và chẳng ai nhòm ngó đến kẻ thất bại
Một ví dụ điển hình minh chứng cho những điều tôi nói là Dan Halpin. Trong suốt quãng thời gian học trung học, ông là người quản lý đội bóng đá vô địch quốc gia Notre Dame nổi tiếng những năm 1930. Đội bóng này thời đó được đặt dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên nay đã quá cố Knute Rockne.
Halpin ra trường vào một thời điểm hoàn toàn không thuận lợi. Cuộc Đại suy thoái khiến công ăn việc làm trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Vì vậy, sau những nỗ lực bất thành trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng và phim ảnh, anh có được bước mở đầu đầy tiềm năng khi bán những dụng cụ trợ thính điện tử để hưởng hoa hồng. Bất cứ ai cũng có thể khởi nghiệp với loại công việc trên và Halpin biết điều này, nhưng dù sao công việc đó cũng đủ khả năng mở ra cánh cửa cơ hội cho anh.
Trong gần hai năm, Halpin đã làm một công việc mà anh không ưa thích chút nào. Có lẽ anh đã không bao giờ vượt qua công việc đó nếu anh không làm gì đó để giảm nhẹ bớt sự bất mãn của mình. Trước hết, Halpin đã xác định rõ mục đích là làm trợ lý bán hàng cho một công ty và anh đã có được công việc này. Đó là một bước tiến nâng anh lên tầm cao để thấy còn những cơ hội khác lớn hơn. Đồng thời, nó cũng đặt anh vào vị trí có thể nắm bắt được những cơ hội đó.
Ở vị trí của mình, Halpin đã bán được nhiều máy trợ thính đến nỗi A. M. Andrew - chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Dictograph Products, đối thủ cạnh tranh với công ty Halpin đang làm việc - đã yêu cầu được gặp anh. Ông Andrew muốn biết về người đàn ông đã giành một thị phần lớn từ tay Dictograph, công ty lâu đời do ông lãnh đạo. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, Halpin trở thành giám đốc bán hàng mới của công ty Dictograph, phụ trách chi nhánh Acousticon.
Sau đó, để kiểm tra dũng khí của chàng Halpin trẻ tuổi, Andrew đã đi Florida trong vòng ba tháng mặc cho anh ngụp lặn trong bộn bề công việc mới. Nhưng Halpin không chết chìm. Tinh thần của Knute Rockner đã dạy anh rằng: “Tất cả thế giới đều yêu mến người chiến thắng và chẳng ai nhòm ngó đến kẻ thất bại”.
Halpin tin “Tất cả thế giới đều yêu mến người chiến thắng và chẳng ai nhòm ngó đến kẻ thất bại”
Sáu tháng nỗ lực từ Giám đốc nhãn hàng lên Phó chủ tịch công ty bằng 10 năm phấn đấu
Câu nói này đã truyền cảm hứng cho anh. Halpin đã cống hiến hết mình cho công việc và chẳng bao lâu sau đó anh đã đắc cử vào chức vụ phó chủ tịch của công ty. Đó là một vị trí mà bất kỳ ai cũng có thể tự hào nếu có được sau mười năm không ngừng nỗ lực; thế nhưng như một trò ảo thuật, Halpin đã làm được điều đó chỉ trong hơn sáu tháng.
Một trong những điểm chính yếu mà tôi đang cố gắng nhấn mạnh qua giả thuyết này là chúng ta vươn tới những vị trí cao hay cứ mãi lẹt đẹt ở phía dưới phụ thuộc vào khả năng điều khiển được hoàn cảnh của chính chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có được khả năng đó nếu chúng ta thật sự khát khao muốn có được nó.
Tôi cũng đang cố nhấn mạnh một điểm khác, đó là cả thành công lẫn thất bại đều là kết quả của thói quen. Tôi không hề có sự nghi ngờ nào dù nhỏ nhất rằng mối quan hệ gắn bó với huấn luyện viên bóng đá vĩ đại nhất mà nước Mỹ đã gieo vào tâm trí Halpin niềm khát khao mãnh liệt. Chính niềm khao khát ấy đã làm cho đội bóng Notre Dame nổi tiếng trên toàn thế giới. Thật sự rằng chủ nghĩa sùng bái cá nhân trong một chừng mực nào đó khá hữu ích bởi người chiến thắng xứng đáng được tôn vinh.
Lòng tin của tôi vào giả thiết rằng các mối liên hệ là những yếu tố quan trọng cả trong thất bại lẫn thành công đã được chứng minh rõ ràng khi con trai tôi đàm phán với Dan Halpin cho một chức vụ trong công ty của ông. Ngài Halpin trả cho con trai tôi mức lương khởi điểm chỉ bằng một nửa so với những gì nó có thể nhận được trong một công ty đối thủ khác. Tôi đã phải sử dụng đến quyền làm cha để thuyết phục nó chấp nhận làm trong công ty của Halpin. Tôi tin rằng có được mối quan hệ gần gũi với người đã từ chối thỏa hiệp trước hoàn cảnh là một vốn quý không thể đo đếm được bằng tiền.
Vị trí tận cùng ở phía dưới là một nơi đơn điệu, không sinh lợi và ảm đạm với bất cứ ai. Đó là lý do vì sao tôi dành thời gian để diễn tả quá trình vượt qua xuất phát điểm thấp kém đó bằng những kế hoạch đúng đắn.
Trích sách Nghĩ giàu và làm giàu
Theo Một Thế Giới