24 Jun, 2020
Muôn kiếp nhân sinh: Luật nhân quả, đừng để thấy mới tin
“Nhân quả là bản chỉ đường, hướng con người về thiện lương.”
Chuyện kể rằng một hôm nhà vật lý Niels Bohr có ông khách đến chơi nhà. Nhìn thấy trước cửa gia chủ treo một chiếc móng ngựa, ông ngạc nhiên vì không thể tin một nhà khoa học vĩ đại lại hùa theo mấy trò mê tín dị đoan thế này. "Làm sao treo cái đó mà mang lại may mắn được? Ông thông thái như thế mà cũng bị thiên hạ lừa sao". Nhanh nhẩu đáp lại, Bohr nói: "Không. Tôi thực ra cũng không tin vào nó. Tôi treo nó ở đó vì họ bảo rằng, dù ông tin hay không, thì nó vẫn có hiệu quả".
Có những thứ vẫn luôn hoạt động, dù bạn cho là nó sai đi nữa. Trọng lực không phụ thuộc vào niềm tin chủ quan của con người: Nếu không tin vào nó, bạn vẫn khó mà thoát chết khi nhảy lầu. Trong sinh học, vật lý, hóa học... chúng ta ngày tìm ra nhiều định luật chi phối thế giới vật chất như thế. Nhưng trong đời sống con người, có một quy luật mà dù tin hay không, bạn vẫn chịu sự ảnh hưởng của nó. Đó là luật nhân quả.
"Nhân quả đừng để thấy mới tin", đó là lời nhắc nhở mà tác giả Nguyên Phong - Giáo sư John Vu nhấn mạnh trong cuốn sách mới nhất của ông với tựa đề "Muôn kiếp nhân sinh". Độc giả Việt Nam từ lâu đã hâm mộ ông qua tác phẩm "Hành trình về phương Đông", với những câu chuyện nửa thực, nửa mơ; nửa rất muốn tin vào mọi điều ông viết, nửa vẫn cần bằng chứng để thực sự “tiêu hóa” nó. Đọc sách của ông, ta luôn có cảm giác như lạc trôi vào một miền đất lạ, nơi mà những nền tảng duy lý của khoa học phương Tây va chạm mạnh mẽ với sự nhiệm màu của nền tâm linh Đông phương. “Tin hay không tin”, đó là một câu hỏi, một lựa chọn còn bỏ ngỏ.
Một cái hay khác mang đậm phong cách rất "Nguyên Phong" vẫn hiện rõ trong tác phẩm mới này là ông vừa suy nghĩ, vừa viết văn. Ông không trình bày vốn kiến thức khổng lồ của mình một cách khô khan, choáng ngợp mà luôn đặt nó vào một câu chuyện hấp dẫn, từ từ tiết lộ những “bí mật” để tạo sự hứng thú cao độ cho người đọc. Vì tính cuốn hút như một tiểu thuyết trinh thám, rất nhiều bạn đọc tâm sự rằng họ đã đọc hoàn thành cuốn sách này chỉ trong vài đêm.
"Cẩn thận quả báo đấy!", "Coi chừng nghiệp quật", "Đừng khẩu nghiệp nữa"... đó là những ngôn ngữ thường ngày mà chúng ta sử dụng để nhắc nhở nhau về luật nhân quả. Nhưng thực sự quy luật này nói gì? Nó hình thành ra sao và bao giờ thì chấm dứt? Nó có tác động đến mỗi cá nhân và quốc gia như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, tác giả dẫn dắt người đọc tham gia một cuộc hành trình xuyên không gian và thời gian, từ nền văn minh Atlantis trong truyền thuyết, đến vương quốc Ai Cập cổ đại bí hiểm, tới nước Mỹ hiện đại ngày nay. Xen kẽ thêm là những trải nghiệm thực tế từ Thomas, người bạn tâm giao của tác giả, có thể nhớ lại các tiền kiếp của mình.
Chết chưa hẳn là hết. Theo luật luân hồi, “con người chết đi rồi tái sinh trong nhiều kiếp sống do những yếu tố mà chính họ đã gây ra”. Khi làm người, khi làm thú, khi làm hồn ma, có những bài học mà họ phải học đi học lại trong cái vòng luẩn quẩn của nhân sinh. Nhưng khác với thuyết tiền định, cho rằng bạn không có khả năng quyết định số phận của mình, mọi thứ đều đã định đoạt trước, luật nhân quả cho rằng "đời sống con người tốt xấu ra sao là do chính họ tạo nên qua nhiều kiếp sống. Những người được hưởng sung sướng vì những lý do sâu xa từ trước và những người không may mắn cũng là do những yếu tố trong quá khứ mà không mấy ai nhớ. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là do chính cá nhân đó tạo ra cho chính họ chứ chẳng phải ai trừng phạt hay ban thưởng gì cho họ".
Bài học lớn nhất mà chúng ta hay quên đó là mọi hành động, dù không ai biết, thì "Ông trời, Thượng đế, Các vị thần, Đấng tối cao" hay bất cứ tên gọi nào mà bạn thích, đều sẽ chứng giám hay ghi lại. Ông viết "bất cứ một hành động nào cũng tạo ra một nhân và đã có nhân thì phải có quả. Đó là quy luật của vũ trụ. Vật lý cũng giải thích rằng “Bất cứ một hành động nào cũng có phản ứng tương tự”. Nếu bà ném một vật lên không trung thì vật đó phải rơi xuống vì sức hút của trái đất. Cái lực ném lên và lực rơi xuống đều tương đương như nhau. Nếu đời nay con người gây ra một số nhân xấu, rồi đời sau lại gây thêm một số nhân xấu nữa và cứ như thế thì số nhân xấu gây ra càng ngày càng chồng chất. Theo luật Nhân quả, khi quả chín thì việc phải đến sẽ đến."
Nếu không giác ngộ được quy luật này, còn làm những điều trái với lương tâm, gây hại cho người khác, bạn sẽ phải chịu hậu quả trong những cuộc đời sau. "Khi trải nghiệm qua hàng trăm kiếp sống, lúc thế này lúc thế khác, lúc sướng lúc khổ, lúc “lên voi” khi “xuống chó”, con người bắt đầu học được nhiều hơn nên hiểu rằng làm việc xấu sẽ gây khó khăn cho họ, còn làm chuyện tốt thì kết quả là sung sướng hơn. Khi đã biết kiềm hãm thú tính, chuyển qua làm những việc tốt lành thì thực thể bắt đầu giai đoạn tiến hóa để thanh lọc các yếu tố ô nhiễm. Theo thời gian, qua nhiều kiếp sống, họ tiến đến mức mà nhân tốt tạo ra trong một kiếp nhiều hơn là nhân xấu. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong sự phát triển của con người, vì từ lúc này họ trở nên hữu dụng và có giá trị cho gia đình, xã hội và đất nước của họ."
Với những thông điệp đầy nhân văn, khả năng giải thích sáng rõ, kèm theo lối kể chuyện giản dị, nhưng cuốn hút, Nguyên Phong đã mang lại một kiệt tác “phải đọc” khác cho những khán giả từng mê say 11 cuốn sách trước đây của ông.
Có những cuốn sách bạn đọc khi còn trẻ, nhưng tới 30 năm sau mới có thể thấm nhuần những tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm. Và “Muôn kiếp nhân sinh” là một cuốn sách như vậy. Luật nhân quả không phải để nói, để viết, để phê bình mà là để sống. Chỉ khi bạn bắt đầu ý thức hơn về mọi việc mình làm, chịu trách nhiệm với những việc sai trái, gieo nhân thiện ích giúp người cứu vật, bạn mới thực sự lĩnh ngộ nó. “Nhân quả là bản chỉ đường, hướng con người về thiện lương.”
- Theo Trạm Đọc -