Vài năm trước, tôi đã gặp tiến sĩ O, một nhà phát minh tại Kyoto. Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị.
Trong suốt quá trình nuôi dạy con của mình, tiến sĩ O đã sử dụng những lời thủ thỉ.

Vài năm trước, tôi đã gặp tiến sĩ O, một nhà phát minh tại Kyoto. Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị. 
Trong suốt quá trình nuôi dạy con của mình, tiến sĩ O đã sử dụng những lời thủ thỉ. 


Ông đã nuôi dạy con hết sức dễ dàng. 


Kể từ khi đứa con gái đầu lòng ra đời, ông đã nuôi dạy cô bé bằng cách lặp lại một lời thủ thỉ với con hàng nghìn lần. Khi ôm con trong lòng, ông nói: “Sự cứng đầu, ích kỷ hoặc tính hay nhõng nhẽo đều không tốt đâu con nhé. Con nên tử tế, dịu dàng và trả lời ‘Vâng’ khi người khác nói chuyện với con”.
Khi con khóc, ông ôm con trong tay và lặp lại câu nói này. Khi nghe những lời này, cô bé lập tức ngưng khóc ngay. Ông đã nuôi dạy nên một đứa con gái như những gì ông mong đợi. 


Theo tiến sĩ O, cách nuôi dạy con như thế cho phép con khám phá một cá tính tuyệt vời một cách vô thức, hiệu quả hơn nhiều so với dùng lý lẽ để dạy dỗ con khi con còn quá nhỏ.

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó về một người mẹ nói với đứa con chậm chạp của mình rằng: “Không sao đâu con. Con luôn cố gắng hết sức mình. Vì vậy, một ngày nào đó con sẽ thành đạt. Những người cẩn trọng thường xong việc sau người khác”. Người mẹ này đã thực sự nuôi dạy nên một con người xuất sắc. Tôi mong rằng những người mẹ đọc cuốn sách này nên sử dụng những lời thủ thỉ trong việc nuôi dạy để phát triển tối đa tiềm năng của con. 


Một lần nọ, tôi đã đến thăm một trường dạy bơi tại Tokyo, nơi đã đào tạo nên rất nhiều vận động viên bơi lội đẳng cấp Olympic. Tôi hỏi một vị huấn luyện viên ở đó: “Bí quyết nào giúp đào tạo nên nhiều vận động viên Olympic kiệt xuất như vậy?”. Vị huấn luyện viên trả lời: “Tôi luôn động viên họ bằng cách nói: Rồi em sẽ có mặt tại Olympic”. Đúng như tưởng tượng của tôi, ngay cả trong trường hợp này, lời thủ thỉ tích cực vẫn phát huy tác dụng. 

Thông thường, các bà mẹ thường lặp đi lặp lại những câu nói tiêu cực với con như “Không được”, “Tại sao con chậm chạp thế?”... Họ đâu biết rằng những câu nói này sẽ đi vào tiềm thức của con. Dần dần, theo thời gian các bà mẹ sẽ bắt đầu thấy con có biểu hiện đúng như những lời nhận xét mà họ đưa ra. Thế là họ than thở và la mắng con mình.

Nhiều bà mẹ rất tiêu cực, cứ liên tục truyền sự tiêu cực ấy sang con ngay từ khi con còn nhỏ. Kết quả, trong tâm hồn của con họ dần hình thành những đường dẫn tiêu cực. 

Chính những lời mà người mẹ nói với con kể từ khi con lọt lòng sẽ quyết định việc đường dẫn tích cực hay tiêu cực sẽ mở ra trong tâm trí con họ. Đường dẫn tích cực thúc đẩy sự sản sinh beta-endorphin, nội tiết tố giúp cho việc học hỏi dễ dàng hơn. Còn đường dẫn tiêu cực thúc đẩy sản sinh adrenalin, nội tiết tố làm cho việc học hỏi trở nên khó khăn hơn. 

Những trẻ có đường dẫn tích cực rộng mở có tinh thần sôi nổi hơn, dễ phát triển và tràn đầy nguồn năng lượng tích cực. Chúng yêu thích mọi việc mình làm. Tình cảm và tâm trí trẻ luôn ở trạng thái thoải mái. Trẻ sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc học hành. 

Xin hãy nhớ điều này: nếu bạn đặt con mình vào trạng thái tiêu cực bằng cách sử dụng những gợi ý tiêu cực thì con bạn sẽ có những phản ứng tiêu cực. Ngược lại, nếu bạn đặt con vào trạng thái tích cực thông qua gợi ý tích cực thì con bạn sẽ có phản ứng tích cực.