05 Aug, 2019
Michelle Obama: Tôi viết hồi ký không để ăn miếng trả miếng
Cuốn hồi ký nói về quá trình một cô gái da màu trở thành đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Sách đang trên đà trở thành cuốn hồi ký bán chạy nhất mọi thời đại.
Ngày 17/7 vừa qua, cuốn hồi ký Becoming của cựu Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ đã chính thức xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Chất Michelle.
Nhân sự kiện này, chúng tôi chia sẻ bài phỏng vấn độc quyền của Penguin Random House - đơn vị giữ bản quyền gốc cuốn sách - với chính cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama.
Tôi từng sống theo kỳ vọng của người khác nên không hạnh phúc
- Khi viết cuốn hồi ký “Chất Michelle” chắc hẳn bà đã mất khá nhiều thời gian để suy ngẫm. Quá trình viết ấy có ý nghĩa như thế nào với bà?
- Quá trình viết hồi ký là một trải nghiệm hết sức ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã dành ra rất nhiều thời gian để nhìn lại và suy ngẫm, điều mà suốt một thập kỷ qua tôi đã không có đủ thời gian để thực hiện. Khi Barack bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, mỗi ngày trôi qua là một cuộc chạy nước rút.
Và thật tuyệt vời khi có thể dừng lại đôi chút để tự hỏi bản thân: “Mình đã đến được vị trí này như thế nào? Có những bước ngoặt nào trong câu chuyện của mình?”. Khi đặt những câu hỏi đó, tôi phát hiện ra những khoảnh khắc rất nhỏ - những khoảnh khắc ít người biết - nhưng đã tạo nên một người phụ nữ như tôi bây giờ.
- Bà có nhắc đến những khoảnh khắc tạo nên một người phụ nữ thành đạt, bà hy vọng đạt được những gì khi chia sẻ câu chuyện của mình?
- Điều tôi kỳ vọng nhất chính là tạo ra một quyển sách hữu ích với nhiều người khác. Một cuốn sách có thể trao cho người đọc một điều gì đó mà họ có thể áp dụng trong chính cuộc sống của mình. Do đó, tôi tập trung kể lại câu chuyện của mình một cách chân thật nhất có thể. Trong cuốn hồi ký của mình, tôi không tìm cách “ăn miếng trả miếng” hay tả lại những màn kịch chính trị.
Tôi hy vọng có thể giúp người đọc đồng cảm và một phần nào đó hiểu được những trải nghiệm trưởng thành của một bé gái da đen thuộc tầng lớp lao động tại South Side, Chicago và về sau trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ.
Trên những trang sách ấy hoàn toàn là những gì thuộc về tôi. Cùng vì điều đó, nên đôi lúc tôi có một chút ngại ngùng khi phải phơi bày toàn bộ bản thân mình trên trang sách. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng nếu tôi có thể đứng ra chia sẻ câu chuyện của mình, với mọi thăng trầm của nó, thì những người khác cũng có thể có đủ dũng khí để chia sẻ câu chuyện của chính họ.
- Bà đã viết rất thẳng thắn rằng quãng thời gian làm luật sư không phải là một giai đoạn mà bà cảm thấy hạnh phúc. Lời khuyên nào bà muốn dành tặng cho những ai hãy còn băn khoăn về con đường sự nghiệp của mình và làm thế nào để tìm ra chính mình?
- Tôi nghĩ rằng điều tốt nhất mà bạn có thể làm đó là lắng nghe bản thân mình. Tôi thật sự muốn nhấn mạnh là hãy lắng nghe tiếng nói từ chính con tim của bạn. Bạn phải bảo đảm rằng bạn không làm việc vì bất cứ kỳ vọng của bất kỳ ai khác. Tôi từng trải qua giai đoạn bế tắc vì phải chạy theo rất nhiều kỳ vọng của người khác. Trong những năm tháng đầu đời, tôi đã chạy theo rất nhiều yêu cầu và kỳ vọng mà tôi nghĩ rằng đó hoàn toàn là sức ép của xã hội chứ không phải bản thân tôi. Khi đó, thỉnh thoảng tôi đã viết nhật ký.
Và tôi nhận ra rằng giúp đỡ người khác mới là những điều tôi thật sự muốn làm. Từ đó, tôi bắt đầu sự nghiệp với những công việc phục vụ cộng đồng. Vì vậy, điều duy nhất mà tôi muốn nói đó là hãy cố gắng hết sức để lắng nghe bản thân mình và dũng cảm để bỏ qua tất cả những thứ khác.
Từng bước trưởng thành và vượt qua hoài nghi bản thân
- Là cựu đệ nhất phu nhân Mỹ và cũng là một người vợ, người mẹ, ắt hẳn bà đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và cả những trải nghiệm mà không phải ai cũng có cơ hội tiếp nhận. Bà đã thích nghi như thế nào với những điều bất ngờ và cả khó đoán trong cuộc đời mình?
- Tôi đã nghiệm ra rằng đôi khi chúng ta chỉ có việc giơ hết hai tay lên và để mặc cho chuyến tàu lượn cao tốc cuốn theo. Chẳng hề có quyển cẩm nang cho bất cứ điều gì - từ việc nuôi dạy hai đứa trẻ cùng một lúc, đến một công việc nhiều thử thách, hay việc có một người chồng mà anh luôn có những mục tiêu và hoài bão rất lớn. Đôi khi, đó còn là việc vừa phải tìm cách dạy dỗ hai đứa trẻ mới lớn trong lúc nghĩ cách xưng hô với vị thủ tướng đang ngồi dùng bữa tối ngay bên cạnh mình.
- Trong cuốn hồi ký, bà viết cả về những cuộc đấu tranh nội tâm - những lúc bà nghi ngờ liệu mình có đủ tài giỏi hay không. Vậy, bà có lời khuyên nào để giúp bạn đọc dập tắt sự nghi ngờ về bản thân?
- Tôi hẳn là đã có đôi chút thành công trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự xấu hổ “nhoi nhói” xảy ra ở lần tôi đánh vần sai một từ trước cả lớp, khi tôi còn đang học nhà trẻ. Tôi vẫn còn nhớ những hoài nghi dành cho bản thân, khi mình chỉ là một cô sinh viên đại học thuộc tầng lớp giai cấp lao động hiếm hoi và lạc lõng trong một học xá khang trang - nơi đa số người da trắng theo học.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều từng có những khoảnh khắc như thế và thậm chí chúng chẳng bao giờ biến mất khi bạn bất chợt phải thuyết trình trước cả sân vận động đông đúc hay gặp gỡ Nữ hoàng Anh.
Tuy vậy, theo tôi điều duy nhất hữu ích mà chúng ta có thể làm là tiếp tục trưởng thành và vượt qua từng sự hoài nghi ấy, để rồi nhận ra chúng không tệ đến vậy. Thay vào đó, chúng cũng có thể là một sự khởi đầu mới cho cuộc đời của mỗi người.
Tôi biết rằng điều này không khiến bạn cảm thấy bớt khó chịu mỗi khi phải đối diện với cảm giác nghi ngờ bản thân. Nhưng ít nhất, bạn có thể sử dụng sự hoài nghi này như một điều có ích, thay vì để chúng chiếm lấy những giá trị bản thân mà bạn tin tưởng. Và ở một khía cạnh khác, tôi tin rằng sự nghi ngờ bản thân cũng là một phần hình thành nên “chất riêng” trong con người của mỗi chúng ta.
Theo Zing News