10 Feb, 2022
Lời khuyên dành cho thầy cô – Dạy học sinh thành nhân trước khi thành tài
“Lời khuyên dành cho thầy cô” (Beyond Teaching) của giáo sư John Vu đã gửi gắm đến độc giả nhiều lời khuyên, góc nhìn thú vị về nghề dạy học, cùng những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt trong tương lai.
Trong thời đại toàn cầu hóa, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, nguồn nhân lực có kỹ năng cao là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của mỗi quốc gia. Theo đó, ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, là nền tảng gốc rễ để tạo nên những công dân thích ứng tốt với thời đại ngày nay.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm dạy học, giáo sư John Vu đã đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực giúp các thầy cô thích ứng với vai trò mới, và chuyển mình để có những phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
Khi xu hướng giáo dục mới không còn là “thầy dạy - trò chép”
Song song với sự phát triển của xã hội chính là sự thay đổi trong vai trò của các thầy cô giáo. Giờ đây, những người lái đò không còn là nguồn tri thức duy nhất, mà sứ mệnh ấy sẽ được chuyển dần thành người huấn luyện. Nghĩa là không những dạy cách tích lũy tri thức, mà thầy cô còn hướng dẫn học sinh, sinh viên cách khai thác và sử dụng lượng thông tin khổng lồ từ Internet, sách báo, ebook, tin tức, tivi, hay những trải nghiệm trong cuộc sống.
Việc thay đổi hệ thống giáo dục từ thụ động sang chủ động tại các nước Châu Á như Việt Nam là vấn đề nan giải, bởi thói quen “thầy cô dạy – trò ghi chép” đã ăn sâu từ những lớp chồi, lớp lá, tiểu học. Vì vậy, giáo sư John Vu đã dành nhiều chương trong cuốn sách để hướng dẫn cụ thể việc áp dụng “phương pháp học chủ động” nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết cho học sinh, sinh viên như: kỹ năng thuyết trình, phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... Đây cũng là những kỹ năng vô cùng cần thiết mà mọi học sinh, sinh viên cần có để đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai.
Tiếp nối những vấn đề nóng bỏng đã được nêu ra trong bộ sách chắp cánh cho tuổi trẻ Việt Nam, trong “Lời khuyên dành cho thầy cô”, giáo sư John Vu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp học sinh sớm định hướng những mục tiêu cụ thể cho tương lai từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc học, đồng thời chủ động rèn luyện kỹ năng học tập suốt đời.
Chỉ trau dồi tri thức và kỹ năng thôi là chưa đủ
“Phát triển tri thức và kỹ năng để cạnh tranh trong thị trường toàn cầu là quan trọng nhưng như vậy là chưa đủ”, giáo sư John Vu nhận định. Một nền giáo dục toàn diện, tiên tiến luôn hướng đến mục đích tổng thể là phát triển những công dân tốt và có trách nhiệm với xã hội.
Bên cạnh việc thay đổi phương pháp giảng dạy, các thầy cô cũng cần trau dồi và rèn luyện phẩm chất để không chỉ là những tấm gương sáng trong việc hướng dẫn học sinh trên con đường học vấn, mà còn góp phần hình thành nên những cá nhân có đạo đức và lương tri, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Giống như sự đúc kết về vai trò của ngành giáo dục mà giáo sư đã chia sẻ: “Dạy học sinh thành nhân trước khi thành tài mới là điều cốt lõi”.
Các thầy cô giáo cũng sẽ tìm thấy trong cuốn cẩm nang này những chiêm nghiệm đầy tâm huyết từ giáo sư John Vu về các vấn đề mà hầu hết những người lái đò thường băn khoăn, như: làm thế nào để học sinh thích học; kinh nghiệm xây dựng môi trường lớp học tích cực là gì; làm thế nào để hướng dẫn học sinh học từ thất bại…
Hơn nữa, là một người có tầm nhìn bao quát về ngành giáo dục, giáo sư John Vu tin tưởng rằng, sự thay đổi triệt để trong các mặt xấu của giáo dục sẽ góp phần khơi gợi niềm say mê tri thức cho học sinh, và hành trình đó nên được tiên phong bởi các thầy cô giáo. Thông qua cuốn sách, tác giả đã chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng trong hệ thống giáo dục cũng như hướng giải quyết thỏa đáng cho từng vấn đề, chẳng hạn như vì bệnh “thành tích” nên không dám để học sinh bị điểm kém; chương trình học nặng về việc tập trung nhồi nhét kiến thức khiến thầy cô giáo không có thời gian quan tâm đến chất lượng tiếp thu của học sinh; hay học sinh chỉ học khi đến kì thi chứ không “thực học”.
Đặc biệt, tác giả đã dành một chương giới thiệu về các ngành học thiết yếu đang cần giảng viên trong thời đại công nghệ, để các thầy cô giáo trong tương lai có thể chọn chuyên ngành giảng dạy phù hợp, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra thế giới, ý thức được những xu hướng thay đổi mang tính toàn cầu. Từ đó, có những phương pháp giảng dạy và lời khuyên phù hợp nhất cho học sinh, sinh viên của mình.
Không có ở đâu mà việc dạy học là dễ dàng, và chọn nghề nhà giáo chính là chọn con đường có nhiều thử thách, nhưng cũng mang trong mình một sứ mệnh có ý nghĩa lớn lao. Trong suốt sự nghiệp dạy học của mình, mỗi thầy cô giáo tận tâm có thể giúp hàng nghìn học sinh hoàn thiện nhân cách để các em có tương lai tốt đẹp. Vì vậy, dù thế giới có thay đổi, robot có thay thế con người trong nhiều lĩnh vực thì nghề giáo vẫn luôn là nghề không thể bị thay thế.