Không phải ai thông minh cũng thú vị, đặc biệt là những người mắc những thói quen sau.

Sự thú vị giống như hành trình khám phá một thị trấn cổ hơn là lái xe trên xa lộ. Chúng không phải là cách chúng ta đi từ điểm A đến điểm B. Cũng không phải là hành động chứng tỏ quan điểm hoặc bắt người khác phải "nuốt trôi" ý kiến của mình. Sự thú vị càng không phải là buổi thuyết giảng hay diễn thuyết chính trị.

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư duy sáng tạo Edward de Bono định nghĩa, sự thú vị là cùng nhau khám phá những điều thú vị. Sự thật đơn giản này không phải ai cũng biết và làm được, đặc biệt là những người thông minh có thói quen phức tạp hóa vấn đề.

Trong cuốn Làm người thú vị, Giáo sư Edward de Bono đã chỉ ra, một đầu óc khôn ngoan cũng có thể trở nên tẻ nhạt, tẻ nhạt cực kỳ nếu mắc phải những thói quen sau:

1. Phê phán người khác

Một số người thông minh mắc kẹt trong "cái bẫy thông minh" của chính mình. Họ tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tư duy phản biện (critical thinking), tin rằng chỉ cần có khả năng đánh giá và phê phán là đủ. Đây là những người sẵn sàng phê phán người khác nhưng khổ nỗi, lại chẳng giỏi khái quát vấn đề.

Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố. Sáng hôm sau, trong lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

"Tấm vải bẩn thật!", cô vợ thốt lên. "Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn". Người chồng nghe thấy và im lặng. Hằng ngày, người vợ vẫn thốt lên những lời bình phẩm mỗi khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: "Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?"

Người chồng đáp: "Không ai cả. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy".

Rõ ràng, biết chắt lọc và phê phán là tốt, nhưng xã hội sẽ rất khó vận động nếu bạn chỉ chăm chăm phê phán người khác.

Theo chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư duy sáng tạo Edward de Bono, phê phán là yếu tố cần thiết của quá trình tư duy, giống như bánh xe trái phía trước giữ vai trò quan trọng đối với ô tô. Nhưng một chiếc ô tô không chỉ cần mỗi bánh xe trái phía trước. Ngoài tư duy phản biện, chúng ta cần cả quá trình vận hành, xây dựng và sáng tạo của tư duy.

Nếu bạn nghĩ phê phán người khác giúp bản thân tạo hình ảnh "thông minh hơn người" thì bạn nhầm to. Đối phương không chỉ không ngưỡng mộ trí thông minh của bạn, mà còn cảm thấy nhạt nhẽo và bế tắc mỗi khi bạn cất lời.

2. Thao thao bất tuyệt

Một cuộc trò chuyện thú vị đòi hỏi sự tương tác của hai bên. Chính những điều xảy ra trong tâm trí người nghe mới là thứ khiến họ bị thu hút hơn là những thứ diễn ra trong đầu người nói.

Có một câu chuyện kể về một vị giáo sư người Ý. Ông bận rộn đến nỗi mỗi lần lên lớp, ông đặt một chiếc máy ghi âm phát nội dung bài giảng lên bàn rồi đi làm việc khác.

Một ngày nọ, vị giáo sư quay lại giảng đường sớm hơn dự định. Điều đập vào mắt ông là giảng đường trống trơn, không còn một sinh viên nào trong lớp. Thay vào đó, trên mỗi bàn đặt một chiếc máy ghi âm đang ghi lại nội dung phát ra từ chiếc máy của ông.

Cách giảng dạy của vị giáo sư trên giống với cách trò chuyện của một số người thông minh hiện nay. Khi nói chuyện với họ, bạn có cảm giác họ bày suy nghĩ ra trước mặt như thể đang đưa cho bạn một cuốn sách và bảo "Đọc đi". Không hề có sự tương tác. Và lúc đó bạn chỉ còn cách chịu đựng hoặc bỏ ngoài tai.

Lời khuyên ở đây là hãy tìm cách ngắt lời đối phương để đặt câu hỏi. Chính sự tương tác và tạo ra các quan điểm khác nhau sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Không có sự tương tác thì bạn sẽ có một bài giảng.

Đối với những người có thói quen thao thao bất tuyệt, thi thoảng hãy ngừng câu chuyện lại để xem thính giả của bạn có hứng thú hay không. Khi bạn nhìn thấy một tia hứng thú trong mắt người nghe, hãy tìm cách vun đắp nó. Nếu không có dấu hiệu nào như vậy, hãy thử những cách tiếp cận khác.

3. Chỉ nói những điều bản thân biết

Có một số người rất thông minh nhưng lại chỉ thông minh trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Họ học lối tư duy cần có trong lĩnh vực đó nhưng lại không có kỹ năng tư duy tổng quát.

Giáo sư Edward nhận ra, những người này luôn tỏ ra hào hứng khi nói về chuyên môn của mình, nhưng lại lảng tránh khi có ai bàn về những lĩnh vực khác. "Nếu bạn có kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực, điều đó là lợi thế giúp cuộc trò chuyện sôi nổi hơn. Nhưng đôi khi mọi thứ sẽ rất nhàm chán nếu bạn cứ cố lái cuộc chuyện trò xoay quanh lĩnh vực đó mãi", ông viết.

Danh họa Leonardo da Vince từng nói: "Kiến thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong thú khiến người ta khiêm tốn". Lời khuyên dành cho bạn là hãy học cách lắng nghe người khác và chấp nhận sự thật rằng còn nhiều điều trên đời chúng ta chưa biết hết.

Việc phô bày hiểu biết có thể khiến bản thân cảm thấy tự hào, nhưng hành trình khám phá quan điểm của người khác còn thú vị hơn nhiều.

4. Phức tạp hóa vấn đề

Có nhiều người thông minh có khả năng biến những điều đơn giản thành phức tạp. Họ là chuyên gia trong việc gây hoang mang cho người khác (và đôi lúc cả bản thân). Họ không những không thể nhìn cây thấy rừng, mà thậm chí còn không trông thấy cây vì chỉ biết nhìn vào những chiếc lá.

Trái lại, cũng có những người sở hữu khả năng phi thường là biến những vấn đề phức tạp thành những điều đơn giản. Đó là những người có thể nhìn thấy trọng tâm của vấn đề khi có thể loại bỏ tiểu tiết và những thứ không liên quan.

Và điều này khiến những người thông minh thích phức tạp hóa vấn đề cảm thấy hoảng sợ. Họ tin rằng sự phức tạp của tiểu tiết là quan trọng chỉ vì không có khả năng nhìn thấu cốt lõi vấn đề.

Đối với nhóm người này, những thứ không tuân theo tính phức tạp của tiểu tiết bị liệt vào dạng "đơn giản thái quá". Thật không may, nhiều học sĩ và nhà phê bình lại rơi vào nhóm này. Họ ghét sự đơn giản vì khi đó họ chẳng có gì để viết nữa. Những người này sa lầy vào từ ngữ và không thể nhìn xa hơn những con chữ đó.

Ở đây, lời khuyên dành cho người thích phức tạp hóa vấn đề là tìm cách đơn giản hóa mọi thứ. Bởi câu trả lời đơn giản cho một vấn đề phức tạp thường tạo ra tiếng cười và cảm giác vui vẻ hơn là sự rối rắm.

5. Thích thể hiện sự bất đồng

Đây là một trong những nhược điểm mà một số người thông minh hay mắc phải. Họ xem thái độ đồng tình trông có vẻ yếu ớt và không thú vị. Chưa kể, chúng khiến họ cảm thấy bản thân là kẻ nịnh bợ khi ở vị thế thấp hơn đối phương, là người theo đuôi kẻ khác.

Trong khi đó, với việc thể hiện những ý kiến bất đồng, họ có cơ hội chứng tỏ cái tôi, vị thế bản thân và đầu óc ưu việt mà bản thân cho là mình có. Cảm giác này cũng giống như một nhà kinh tế học thức dậy vào buổi sáng và nhận ra mình hoàn toàn đồng tình với những nhà kinh tế học khác. Ngay lập tức, người này sẽ cảm thấy bản thân trở nên thừa thãi.

Cha đẻ của khái niệm tư duy ngoại biên (lateral thinking) lý giải, nguyên nhân của sự bất đồng xuất phát từ việc nhiều người thông minh không biết cách hưởng ứng sự đồng tình. Tuy nhiên, nếu nguồn cơn của sự bất đồng đó chỉ nhằm thể hiện sự tài giỏi của bản thân thì "đó là một hành động nhỏ mọn, ngu ngốc và là một dấu hiệu chứng tỏ cái tôi yếu kém", Giáo sư Edward bình luận.

Liều thuốc giải tốt nhất cho những người ưa bất đồng là đưa cho họ những phương án thay thế. Nếu ai đó khẳng định chỉ có một cách duy nhất để nhìn nhận tình huống, bạn cần trình bày một phương án thay thế khả dĩ.

Cụ thể, nếu họ đưa ra một sự khái quát chung chung, bạn cần chỉ ra ngoại lệ. Nếu ai đó cứ khăng khăng khẳng định giá trị hiệu lực của dữ kiện mình đưa ra, hãy hỏi họ lấy chúng ra từ đây và như thế nào.

Đồng tình chính là khích lệ. Tại sao chúng ta không nỗ lực khuyến khích ai đó khám phá chủ đề của họ? Liệu việc đề cao tầm quan trọng của người khác có khiến bản thân bạn bị hạ thấp như bạn nghĩ?

Edward de Bono là giáo sư giảng dạy tại các trường Đại học Oxford, Cambridge, Harvard và là giáo sư thỉnh giảng ở hơn 52 quốc gia khác nhau. Ông từng cộng tác với nhiều công ty lớn, trong đó có IBM, Microsoft, Prudential, British Airways…

Ông đã viết hơn 70 cuốn sách, được vinh danh là một trong 250 người có đóng góp nhiều nhất cho nhân loại. Giáo sư Edward de Bono cũng từng được đề cử giải Nobel Kinh tế 2005.

Sách Làm người thú vị của tác giả Edward de Bono do First News chuyển ngữ và phát hành.

Theo cafebiz.vn