11 Feb, 2019
Khi Khoảng Cách Trong Tình Yêu Là 11.263km
Hơn 40 năm trước, tại New Delhi (Ấn Độ) từng diễn ra một chuyện tình lãng mạn mà dư âm của nó vẫn còn đến ngày nay. Đó là câu chuyện về một người đàn ông đã đạp xe xuyên suốt 11.263km từ Ấn Độ đến Thụy Điển, vượt thoát khỏi những định kiến xã hội để tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.
Câu chuyện ngọt ngào mà mãnh liệt này đã mang đến nguồn cảm hứng cho tác giả Per J Andersson. Ông đã dành sáu năm liền phỏng vấn hai vợ chồng PK – Lotta và tìm hiểu cuộc sống người dân Đông Ấn để cho ra đời tác phẩm Đạp Xe Vì Tình Từ Ấn Sang Âu. Tập sách không chỉ ghi lại câu chuyện cảm động của họ mà còn khơi dậy lòng can đảm, niềm hi vọng của những người đang yêu nhau trong gian trở.
PK luôn tin rằng trong cuộc đời, mọi chuyện xảy ra đều có cái lý của nó. Ngay từ khoảnh khắc anh chào đời, thầy tướng số đã nhìn ra khi lớn lên anh sẽ làm việc với sắc màu và sau đó hơn hai mươi năm, anh trở thành họa sĩ. Ông ấy còn nói rằng vợ tương lai của anh là người sống rất xa, rất xa nơi đây. Đối với người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội như PK thì chuyện kết hôn với người ngoại quốc là gần như không thể. Thế rồi anh gặp Lotta, một người phụ nữ được sinh ra trong gia đình quý tộc đến từ Thụy Điển. Khác với chuyện làm họa sĩ, kết hôn với một cô gái nước ngoài là điều mà những người ở vị trí như PK không bao giờ tơ tưởng đến.
Để chạm đến tình yêu vĩnh cửu người ta phải nếm trải bao thăng trầm. Với PK, khoảng cách chính là nốt trầm sâu nhất anh phải bước qua. Đó không chỉ là khoảng cách về vị trí địa lý giữa hai châu lục mà còn là khoảng cách về thân phận xã hội. Trong khi Lotta thuộc dòng dõi có tước hiệp sĩ thì PK còn không được xếp vào bất kỳ đẳng cấp nào, anh là kẻ vô danh tính. Thế nhưng, không có khó khăn ấy thì anh sẽ không có đủ quyết tâm đến Thụy Điển để gặp lại cô.
Chính những cảm giác về thân phận vô giá trị đã dẫn dắt anh tới hạnh phúc. Không có mặc cảm thấp hèn anh sẽ không bao giờ trở thành họa sĩ. Hoàn cảnh bị loại trừ khỏi xã hội chính là động cơ thúc đẩy PK lên đường và đi xa hơn cả trí tưởng tượng của anh.
Khi những chuyện tình có cái kết bi thương chỉ vì định kiến bảo thủ của xã hội đã trở nên phổ biến, chúng ta quên mất nội hàm thật sự của tình yêu. Những biến cố xảy đến khiến ta gắn thứ cảm xúc chân thật, trong trẻo ấy với địa vị, danh phận mà quên mất từ nhà thơ Vergilius của La Mã cho đến ban nhạc The Beatles vĩ đại đều luôn ngân nga rằng All you need is love (Tất cả những điều bạn cần là tình yêu) - Chỉ tình yêu.
Những trang viết trong tác phẩm Đạp Xe Vì Tình Từ Ấn Sang Âu và niềm hạnh phúc của PK- Lotta cho đến tận ngày hôm nay là lời động viên chân thực nhất với những ai đang đối mặt với định kiến và sự khác biệt trong tình yêu.
First News Trí Việt