17 Nov, 2020
Hạnh phúc là một công việc nội tâm: Cách để gặt hái những trái quả từ hạt giống - suy nghĩ
Trích dẫn cuốn sách "Tư Duy Tích Cực"
Bạn nói những gì, làm điều gì, cảm thấy như thế nào – tất cả đều có nguồn gốc từ trong tâm trí bạn, và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ.
Suy nghĩ của chúng ta cũng như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể là sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những ý nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn.
Hãy dừng lại và suy ngẫm về lần gần đây nhất bạn cảm thấy yên bình hoặc hạnh phúc. Nhớ lại những điều diễn ra quanh bạn vào lúc đó. Suy nghĩ nào dẫn đến trải nghiệm yên bình hoặc hạnh phúc ấy? Bạn sẽ nhận thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa “quả - cảm nhận” và “hạt giống - suy nghĩ” của mình.
Khi ta cho rằng có đầy đủ của cải vật chất, mối quan hệ êm ấm, địa vị xã hội, sức khỏe tốt hay có được những hỗ trợ khác, hẳn nhiên ta sẽ suy nghĩ tích cực và hạnh phúc, nếu vậy thì sự tích cực và hạnh phúc của ta đang dựa trên những gì ta sở hữu hoặc làm ra.
Nếu quả thật như vậy, thì tất cả những người giàu có, quyền lực, có mối quan hệ tốt… hẳn phải là những người tích cực và hạnh phúc! Song, thực tế không hẳn như vậy. Ví dụ như, ở nước Anh, trong vòng 50 năm qua, số lượng của cải đã tăng lên rất nhiều nhưng mức độ hạnh phúc cũng giảm đi đáng kể.
Đôi khi chúng ta cảm thấy một vật sở hữu nào đó sẽ mang lại hạnh phúc và sự thỏa mãn, nhưng rồi niềm hạnh phúc ấy nhanh chóng tan đi. Chúng ta có thể có tất cả của cải vật chất, nhưng hạnh phúc do chúng mang lại vẫn chỉ là ảo ảnh.
Hạnh phúc là một “công việc nội tâm”. Đó là “quả trái” gặt hái được từ “hạt giống - suy nghĩ”.
Có lần tôi trò chuyện với một cặp vợ chồng vừa trở về sau chuyến đi nghỉ mát. Tôi hỏi riêng từng người về chuyến đi của họ. Người chồng trả lời rằng đó là một kỳ nghỉ tuyệt vời và luôn miệng kể về những điều thú vị mà anh trải nghiệm được. Cũng với câu hỏi ấy, người vợ lại bảo rằng chuyến đi quả là một cơn ác mộng; và sau đó chị kể ra hàng loạt những điều tồi tệ đã xảy ra trong chuyến nghỉ mát – cứ như thể họ đã đi nghỉ ở hai nơi khác nhau vậy! Người chồng vốn là người suy nghĩ tích cực cho nên ông đã nhìn mọi sự qua “lăng kính” tích cực, trong khi người vợ lại là người bi quan. Cùng một kỳ nghỉ nhưng lại có đến hai trải nghiệm khác nhau do có lối suy nghĩ khác nhau.
Quy tắc Gieo - Gặt ở đây rất đơn giản. Khi bạn gieo suy nghĩ, bạn sẽ gặt trải nghiệm. Chẳng hạn, khi bạn có suy nghĩ tức giận, không lâu sau đó, bạn có thể cảm thấy đau đầu hoặc sợ hãi, còn cơ thể thì căng cứng, đổ mồ hôi. Không phải lúc nào ta cũng nhận thức rõ điều đó. Ta đi khắp nơi, vung vãi những “hạt giống - suy nghĩ” mà ít chú ý, hoặc chẳng thèm bận tâm, ngay sau đó chúng sẽ nhanh chóng nảy nở! “Quả trái” xuất hiện trên gương mặt và ta ngập ngụa trong cảm giác mình là nạn nhân, có xu hướng tập trung vào sự bất công, chẳng hạn như “Tại sao lại là mình!”, “Không ai coi trọng mình hết” và “Sao người ta cứ đối xử tệ bạc với mình”...
Hoặc là ta cứ để mình ngập chìm trong những suy nghĩ độc hại này, sau đó rơi vào cảm giác bất lực, thụ động; hoặc là ta lựa chọn sống trọn vẹn cuộc đời mình, hiểu rõ những suy nghĩ của mình, phát huy quyền kiểm soát đối với chúng, từ đó nuôi dưỡng những suy nghĩ bình an và hạnh phúc, gặt hái sự ổn định trong tâm trí và cảm giác hài lòng. Lựa chọn như thế nào là quyền của ta. Giả sử như khi bị kẹt xe, ta có thể dành hết khoảng thời gian đó để phàn nàn về tình trạng giao thông, rồi cảm thấy bực bội; hoặc là ta tận dụng khoảng thời gian này để suy ngẫm về bình an và tình yêu thương, hay lên kế hoạch cho những dự án sắp tới của mình. Suy nghĩ thế nào trong mọi tình huống hoàn toàn là do tôi lựa chọn, điều này sẽ quyết định trải nghiệm của tôi về tình huống.
Suy nghĩ tích cực dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng, hướng dẫn cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần của ta.
Bạn đã bao giờ dừng lại để quan sát những hình ảnh đang hiện diện trong tâm trí bạn, cũng như những suy nghĩ mà bạn tạo ra? Ước tính mỗi người trung bình có khoảng 30.000 – 50.000 ý nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều suy nghĩ hơn, có thể lên đến 80.000 suy nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh khi gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra, lúc ấy có đến hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.
Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm việc không ngừng nghỉ ngay cả khi ngủ. Như đã nói, suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc. Vì vậy, bằng cách suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta sẽ kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình.
Độc giả có thể tìm mua cuốn sách "Tư Duy Tích Cực" tại: https://bit.ly/tuduytichcuc-fhs.
Trạm Đọc trích đăng