Trong cuốn sách Làm điều quan trọng, John Doerr không đem đến một cuốn sách giáo khoa về một cách quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt (gọi là OKRs). Thay vào đó, đứng dưới ngôi thứ nhất, ông kể lại những câu chuyện hậu trường của những công ty công nghệ lớn trên thế giới khi áp dụng OKRs như Intel, Google, Adobe, Intuit, Zume Technology…

Làm điều quan trọng

Vào mùa thu năm 1999, nhà đầu tư huyền thoại John Doerr gặp gỡ những nhà khởi nghiệp trẻ - người mà ông vừa “rót vốn” 12,5 triệu USD, số tiền đầu tư lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Khi đó, hai chàng trai trẻ Larry Page và Sergey Brin, người được Johh Doerr đầu tư đang sở hữu một công nghệ đột phá, tinh thần khởi nghiệp và tham vọng cao ngất trời. Nhưng như nhiều startup mới “chớm nở” khác, họ không có kế hoạch kinh doanh hay cách vận hành bài bản. Đó chính là câu chuyện khởi đầu của “đế chế” Google.

Đối với Google, để thay đổi thế giới hoặc thậm chí để tồn tại, hai nhà sáng lập Page và Brin phải học được cách quyết định giữa các lựa chọn khó khăn và “cân đo đong đếm” điều gì nên ưu tiên để giữ nhóm làm việc của họ đi đúng hướng. Để có thể “thất bại nhanh, học hỏi nhanh”, hai nhà sáng lập phải biết khi nào và điều gì đã đi chệch khỏi vị trí. Và để làm điều đó, họ cần những dữ liệu có liên quan và kịp thời, để kiểm tra cách nhóm đạt được mục tiêu - đo lường những gì quan trọng.

Để giải quyết vấn đề này, John Doerr đã dạy cho Larry Page và Sergrey Brin về OKRs. Phương pháp này được John biết đến vào năm 1970, khi ông còn làm kỹ sư ở Intel - công ty được điều hành bởi bậc thầy quản trị Andy Grove. Quá ấn tượng về sự hiệu quả của hệ thống quản trị của ở Intel, với vai trò là một nhà đầu tư mạo hiểm, nhiều năm sau đó, John đã đem phương pháp quản trị OKRs chia sẻ cho hơn 50 công ty mà mình đầu tư. Kết quả thu được: Bất cứ công ty nào nghiêm túc luyện tập và áp dụng, phương pháp này đều chứng minh được hiệu quả.

Trong hệ thống thiết lập mục tiêu và kết quả then chốt này, mục tiêu được định nghĩa là những gì chúng ta cố gắng đạt được; kết quả then chốt những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu cần đạt được với kết quả cụ thể. Tất cả các mục tiêu, hoạt động được đo trong một khung thời gian được định sẵn. Mục tiêu “trong suốt” và minh bạch với toàn bộ thành viên khác trong tổ chức, từ nhân viên cấp thấp cho tới giám đốc điều hành.

Có thể nói OKRs mang lại rất nhiều lợi ích sâu sắc cho tổ chức. Có thể kể ra, đó là việc xác định những điều quan trọng nhất cần làm, tăng cường vào hiệu quả và phối hợp giữa các thành viên. OKRS giúp từng nhân viên trong tập thể công ty luôn đi đúng hướng, liên kết với các mục tiêu phía trên, thống nhất trong toàn bộ cơ cấu công ty.

Trong cuốn sách Làm điều quan trọng, John Doerr không đem đến một cuốn sách giáo khoa về OKRs. Thay vào đó, đứng dưới ngôi thứ nhất, ông kể lại những câu chuyện hậu trường của những công ty công nghệ lớn trên thế giới khi áp dụng OKRs như Intel, Google, Adobe, Intuit, Zume Technology… Đây không phải là lý thuyết suông, mà là kinh nghiệm về cách thực hành tốt nhất do những nhà lãnh đạo cao cấp chia sẻ.

Qua cuốn sách này, huyền thoại đầu tư mạo hiểm John Doerr cũng tiết lộ cách mà hệ thống thiết lập mục tiêu và kết quả chủ chốt (OKRs) đã giúp những “gã khổng lồ” công nghệ như Intel và Google đạt được tăng trưởng và bùng nổ như thế nào. Đây là những kinh nghiệm quý báu không chỉ có ích với các công ty công nghệ lớn, mà còn áp dụng được với các tổ chức nhỏ, công ty startup hay cá nhân…

John Doerr

John Doerr là một kỹ sư, một chuyên gia đầu tư mạo hiểm có tiếng và là chủ tịch của Kleiner Perkins. Trong 37 năm qua, bằng sự sáng tạo và lạc quan của mình, John đã giúp đỡ rất nhiều nhà khởi nghiệp xây dựng những công ty tạo được tiếng vang cho mình cùng đội ngũ nhân viên xuất chúng. John từng là nhà đầu tư và thành viên hội đồng quản trị của Google và Amazon. Ông đã góp phần tạo ra hơn nửa triệu việc làm và đưa hai công ty này lên vị trí giá trị thứ nhì và thứ ba toàn cầu (tính đến năm 2017). Bên cạnh công việc chính tại Kleiner Perkins, John còn làm việc với các nhà khởi nghiệp xã hội để thay đổi tình hình giáo dục công lập, để tác động đến khủng hoảng khí hậu và nạn đói nghèo toàn cầu. John cũng thuộc hội đồng quản trị của quỹ Obama và ONE.org.


CAO DAO | sggp.org.vn
http://www.sggp.org.vn/google-intel-adobe-youtube-gates-foundation-da-dich-chuyen-the-gioi-bang-okrs-nhu-the-nao-551849.html