24 Sep, 2019
Gia đình Obama: 28 năm hạnh phúc là nhờ vào khả năng cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình của Michelle Obama
“Còn với tôi, hôn nhân giống như một vụ sáp nhập trọn vẹn, một sự tái cấu trúc hai cuộc sống thành một, trong đó hạnh phúc gia đình luôn được ưu tiên hơn mọi kế hoạch hay mục tiêu nào khác.” – Michelle Obama viết trong cuốn hồi ký của mình.
Vấn đề cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình luôn là một bài toán lớn “đe dọa” đến hạnh phúc và vị thế người phụ nữ hiện đại. Không ít người mẹ đã chấp nhận từ bỏ sự nghiệp để đổi lấy mái nhà yên ấm. Nhiều người vợ đã phải ly hôn, trở thành mẹ đơn thân vì không thể tìm thấy tiếng nói chung, sự cảm thông với người chồng.
“Người đàn bà quyền lực nhất thế giới”, cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Michelle Obama đã làm gì để có thể cân bằng sự nghiệp và gia đình? Trong cuốn hồi ký “Chất Michelle”, vị đệ nhất phu nhân đã hé lộ phần nào những cách giúp bà cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình để trở thành Đệ nhất phu nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.
Đưa ra quyết định trong từng giai đoạn
Cũng như mọi phụ nữ khác, Michelle không che giấu những khó khăn khi cố gắng cân bằng công việc và gia đình. Sau khi sinh con gái thứ hai Sasha, Michelle đối mặt với bài toán thời gian đi làm, thu vén chi tiêu gia đình và chăm sóc hai con nhỏ.
Mỗi khi ra khỏi nhà, bà cũng như mọi người mẹ có con nhỏ khác, đều phải lôi theo một chiếc xe đẩy to kềnh và một giỏ đựng tã, vài món đồ chơi và quần áo dự phòng cho cả nhà. Đó dường như là một thế giới mới mẻ, xa lạ với Michelle với chặng đường thẳng đến thành công của bà được mô tả “thẳng như một mũi tên bắn từ trường Đại học Princeton đến Harvard rồi hạ cánh trên bàn làm việc ở văn phòng luật sự nổi tiếng Sidley”.
Thế giới của bà trước đây đầy những người giàu hy vọng, nỗ lực và ám ảnh sự thăng tiến trong công việc. Họ tậu xe hơi, sẵn sàng sắm cho mình căn hộ đầu tiên và thích nói về những chuyện đó bên những ly Martini sau giờ làm việc.
Quyết định hy sinh sự nghiệp một lúc để có thể làm mẹ toàn thời gian hẳn với nhiều người khó khăn như việc phải “thay da, đổi thịt” bắt đầu cuộc sống mới. Với Michelle, bà cũng không giấu được sự buồn phiền vì quyết định này nhưng bà hiểu đó là giải pháp tốt nhất cho bản thân và gia đình, “dù sao thì đây không phải là thời điểm lộng lẫy nhất của tôi, không phải là thời điểm tôi có thể chải chuốt rồi mặc lên người bộ trang phục công sở”.
Nhưng trái với rất nhiều người phụ nữ sau khi từ bỏ sự nghiệp và chăm con, những người chỉ sau 1 đến 3 năm họ đã không còn tha thiết với việc sẽ quay lại sự nghiệp hoặc trở nên ù lì đổ lỗi cho chồng, con cái đã làm lỡ dỡ sự nghiệp và không ngừng ấm ức về quá khứ. Với Michelle, nghỉ việc là quyết định mang tính hoàn cảnh vì lúc đó bà không thể làm gì khác. Khi qua một giai đoạn mới bà phải đưa ra những quyết định mới, thoát xác khỏi hình ảnh mẹ “bỉm sữa” để sống đúng với khát khao của mình
Bà trở lại công việc bằng cách đàm phán một cách chuyên nghiệp, chân thành khi mang con gái nhỏ đến nơi phỏng vấn và tuyệt nhiên không che giấu cuộc sống nội trợ bề bộn của mình. Cuộc sống của một người mẹ đang chăm lo một đứa con nhỏ đang bú mẹ với một đứa con ba tuổi đang học nhà trẻ. Vai trò của một người vợ phải đảm đương gần như mọi việc trong nhà vì có người chồng thường xuyên vắng nhà với lịch làm việc rối tung. Nhưng đồng thời khẳng định mình là một luật sư với thành tích xuất sắc. Bà rất thành thật những gì bà có thể làm được nếu được nhận và cuối cùng đã đàm phán thành công vào vị trí toàn thời gian với những điều khoản chưa từng có.
Bà không cần tham gia những cuộc họp không cần thiết, có thể chủ động về mặt thời gian như làm việc tại nhà hoặc về sớm đón con hoặc đưa con đi khám bệnh khi cần miễn là công việc được hoàn thành xuất sắc. Đó hẳn là lựa chọn khôn ngoan, thiết thực vì không phải cứ chọn công việc, gia đình sẽ bị bỏ lại.
Bà thấu hiểu và cảm thông vì công việc giảng dạy trường luật lẫn vai trò Thượng nghị sĩ của Barack khiến ông quá bận rộn để có thể đồng hành cùng vợ trong mọi việc. Nhưng bà cũng không buồn che giấu cảm xúc bất mãn của mình vì cảm thấy việc có con dường như chỉ mình bà bị ảnh hưởng trong khi đó Barack vẫn thăng tiến đều đặn trong công việc với lịch trình ngày càng bận rộn. Cảm giác chua chát đợi chồng cùng cái bụng đói và đôi mắt nặng trĩu. Bà rất thành thật khi tâm sự không ít lần khi Barack về đến nhà chỉ còn lại một người vợ giận dữ hoặc sẽ không gặp được nhau vì khi đó bà đã tắt hết đèn đóm và đi ngủ trong ấm ức.
Có rất nhiều gia đình tan vỡ vì những vấn đề nhỏ nhưng không được để tâm, những thiếu sót trong giao tiếp khiến phụ nữ cảm giác thiếu tôn trọng, trống vắng yêu thương dẫn đến những tổn thương không sao hàn gắn được và Michelle hiểu được điều đó và kịp thời điều chỉnh trước khi mọi thứ trở nên tệ hại.
Nguyên tắc và yêu thương
Trong cuốn hồi ký “Chất Michelle” của mình, cựu Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ chia sẻ về việc thiết lập những nguyên tắc chính đáng cho gia đình. Bữa tối bắt đầu lúc 6 giờ 30, đi tắm lúc 7 giờ sau đó là đọc sách, ôm ấp các con và tắt điện đúng 8 giờ. Những buổi cơm gia đình vẫn vui vẻ dù có Barack hay không. Thói quen được xác lập và do đó trách nhiệm thuộc về Barack hoặc anh sẽ về đúng giờ hoặc không kịp tham gia bầu không khí gia đình.
Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chờ cơm hay buộc bọn trẻ phải chờ sụp mí để được cha chúng ôm. Điều này giúp con nhỏ sẽ lớn lên mạnh mẽ và tự tin, đồng thời không chấp nhận bất kỳ chế độ gia trưởng lạc hậu nào như vợ phải chờ chồng, các con phải đợi cha, cha là trụ cột là người “quyền lực” nhất của gia đình. Tất cả mọi thành viên đều bình đẳng và yêu thương nhau.
Những mẹo vặt cũng được Michelle bằng giọng hóm hỉnh khi bà cố gắng nhào nặn cuộc sống của mình có dáng dấp của sự cân bằng. Bà tận dụng giờ nghỉ trưa chớp nhoáng để làm vô số việc như mua vớ mới, chọn quà cho con gái lớn tham gia tiệc sinh nhật vào thứ bảy, mua mấy hộp nước trái cây, …
Trong những khoảnh khắc xoay vần đó, Michelle cũng như nhiều phụ nữ đều muốn được người khác, đặc biệt là chồng mình, công nhận những nỗ lực “Hãy nhìn xem, tôi xoay xở ổn chưa này. Mọi người có thấy tôi đang cân bằng công việc, gia đình hiệu quả không?”. Đó là tiếng nói nội tâm mà bà từng muốn hét lên trong những lúc ngược xuôi giữa bộn bề công việc và gia đình.
Trong cuốn hồi ký, Michelle đã thể hiện bà bình dị như mọi phụ nữ khác trên thế giới, cũng phải đối mặt với những cảm xúc buồn phiền, giận dữ hay tủi thân, nhưng trên hết bà tìm thấy những giải pháp, nguyên tắc để sống đúng với niềm tin, con người mình với một nội lực mạnh mẽ.
Giúp chồng vận động tranh cử trong suốt 2 năm trên những chuyến bay từ sáng sớm nhưng Michelle vẫn không quên nguyên tắc “bất di bất dịch” về nhà đúng 8 giờ để có thể hôn chúc ngủ ngon và đưa Malia và Sasha lên giường ngủ. Suốt những năm tháng khi còn là bà mẹ trẻ, Michelle phải cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và gia đình. Khi con đường chính trị Obama rộng mở, bà phải cân bằng chính trị và gia đình để ngăn những “cơn lốc” có thể làm ảnh hưởng đến các con. Những buổi tiệc sinh nhật của Malia, Sasha tổ chức tại khách sạn sau những chuyến vận động tranh cử mệt lừ vẫn được Michelle chuẩn bị chu đáo.
Khi Barack thành Tổng thống, Michelle quay mòng để có thể tìm thấy sự thăng bằng giữa nhu cầu bảo vệ cho sự an toàn của hai cô con gái với khao khát muốn để cả hai trưởng thành và trở nên độc lập trong thế giới bình thường như mọi đứa trẻ khác. Bà Michelle không ngần ngại nói với nhân viên phục vụ phòng rằng con của bà sẽ tự dọn giường mỗi sáng như chúng vẫn làm hồi còn ở Chicago. Bà cũng bảo Malia và Sasha cư xử như trước giờ vẫn thế, lịch sự và biết ơn, không nhờ vả hay yêu cầu bất cứ thứ gì ngoại trừ những thứ cần thiết hoặc tự mình không thể làm được. Đồng thời bà cũng khiến các con không cảm thấy bị bó buộc bởi những quy tắc của Nhà trắng, các con vẫn được ném bóng hành lang, lục tung tủ bếp để tìm thức ăn vặt.
Dù công việc bận rộn và không còn tự do di chuyển như lúc trước nhưng lúc nào bà Michelle cũng xếp thứ tự ưu tiên dành cho các con trong lịch làm việc chật kín của mình. Các tối thứ hai và thứ 4, Sasha có lớp tập bơi với đội tuyển ở trung tâm thể dục thể thao, bà đến xem con bé tập, xuất hiện một cách cẩn trọng và nhanh chóng để không làm phiền đến ai. Như mọi bà mẹ khác, nhu cầu được bên cạnh các con để nhìn ngắm sự sự trưởng thành dường như giúp bà Michelle tìm thấy sự cân bằng thật sự. Cảm thấy hạnh phúc, viên mãn trên cả hai cương vị Đệ nhất phu nhân lẫn vai trò một người vợ, người mẹ bình thường như hàng triệu người phụ nữ ngoài kia.
Đặt mua sách tại đây.
Theo Cafebiz