Qua từng ca điều trị cho các bệnh nhân nhi gặp sang chấn tâm lý, Tiến sĩ, Bác sĩ Bruce D. Perry đã cung cấp những kiến thức chuyên sâu về tâm thần học qua quyển sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”, đồng thời gửi gắm thông điệp quý báu về xây dựng cộng đồng yêu thương và chăm sóc lành mạnh cho trẻ em.

Lồng ghép kiến thức chuyên sâu về tâm thần học trong những câu chuyện kể, “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” là một quyển sách sâu sắc và bổ ích về lĩnh vực sang chấn học và tâm thần nhi. Theo chân bác sĩ Bruce D. Perry trong các ca bệnh từng đối diện với trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, người đọc không chỉ đúc kết nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích trong hành trình chăm sóc con trẻ, mà còn thấu hiểu tầm quan trọng của tình yêu thương và môi trường nuôi dạy đúng đắn đối với sự phát triển lành mạnh của các em.

Tác động khôn lường của sang chấn tâm lý đến trẻ nhỏ

Tận mắt chứng kiến và điều trị cho những ca bệnh tâm thần nhi khác nhau, Tiến sĩ, Bác sĩ Bruce D. Perry tin rằng những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Trong quyển sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”, bác sĩ Perry viết: “Trái với lầm tưởng của nhiều người, trẻ em thật ra dễ bị tổn thương khi gặp sang chấn hơn nhiều so với người lớn. Bộ não đang phát triển là dễ uốn nắn nhất và nhạy cảm nhất với các trải nghiệm – cả tốt lẫn xấu – diễn ra vào giai đoạn đầu đời.” Ở tuổi ấu thơ, não bộ của trẻ em có thể được ví như một miếng bọt biển. Các em dễ dàng ghi nhớ, hấp thụ và chịu tác động bởi các tác nhân ngoại cảnh, từ sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ đến những lần bị bạo hành, bắt nạt hay bỏ rơi. Tất cả những trải nghiệm trên đều có thể để lại những dấu ấn tiêu cực hoặc tích cực trong não bộ của trẻ, góp phần định hình tư duy và tính cách các em về sau này.

Chẳng hạn như trường hợp của Leon - một thanh niên 16 tuổi đã ra tay sát hại dã man hai bé gái tuổi vị thành niên. Thực tế điều tra của bác sĩ Perry chỉ ra Leon từng có quá khứ bị bỏ bê vào giai đoạn đầu đời, khiến cậu mắc các chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Chính môi trường sống thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc đã khiến Leon đánh mất khả năng đồng cảm, cũng như không thể phát triển được mối liên hệ bình thường khi tương tác với con người. Đây chỉ là một ví dụ minh chứng cho những hệ lụy khôn lường của sang chấn và môi trường nuôi dưỡng thiếu lành mạnh đến trẻ, bên cạnh rất nhiều ca bệnh khác được đề cập trong quyển sách.



Với mục đích cung cấp phương pháp điều trị đúng đắn cho trẻ em gặp sang chấn, bác sĩ Perry cùng các đồng sự đã nghiên cứu và phát triển “Mô hình trị liệu thần kinh tuần tự” (Neurosequential Model of Therapeutics, viết tắt là NMT) trong nhiều năm. Phương pháp này được đánh giá cao vì tập trung thu thập thông tin về cuộc sang chấn hay tình trạng bị bỏ bê, bạo hành và lạm dụng trước đây của trẻ, thay vì chỉ đổ lỗi cho cha mẹ hay các yếu tố di truyền. Bác sĩ Perry nói trong sách: “Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ em vốn tàn nhẫn một cách tự nhiên và vô ý – và vẫn cho rằng bắt nạt là tình trạng không thể tránh khỏi – nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều.” Hiểu được điều này, ta mới có thể cảm thông cho những nỗi đau mà các em đã trải qua, từ đó chủ động tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp để chữa lành tổn thương ở trẻ.

Xây dựng cộng đồng chăm sóc lành mạnh

Giúp các em hồi phục sau sang chấn không phải là một điều dễ dàng. Bên cạnh việc tuân thủ tiến trình điều trị đều đặn và thường xuyên, chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng cộng đồng chăm sóc lành mạnh xung quanh trẻ. Trong “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”, bác sĩ Perry cũng nhận định: “Điều mà trẻ em bị ngược đãi và sang chấn cần đến nhất là một cộng đồng lành mạnh để xoa dịu những nỗi đau đớn, khổ sở và mất mát do sang chấn gây ra.” Bởi lẽ, con người chúng ta đều có xu hướng cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi ở trong một bối cảnh quen thuộc. Trước các sự kiện gây căng thẳng, sự hiện diện của những người thân quen giúp nhịp tim và huyết áp ta ổn định hơn. Đối với trẻ em gặp sang chấn cũng vậy, chính sự quan tâm và tình yêu thương từ cộng đồng mới là liều thuốc chữa lành quý báu nhất làm dịu những tổn thương và mất mát.

Cũng theo bác sĩ Perry, nếu được chăm sóc bởi những người lớn đáng tin cậy, thân thuộc và giàu kinh nghiệm, các em sẽ hồi phục dễ dàng và hạn chế phản ứng tiêu cực về sau. Vậy nên trước khi tiến hành các phương pháp điều trị lâm sàng, ta có thể chủ động giúp các em kết nối với bạn bè, gia đình và mọi người xung quanh. Như cách bác sĩ Perry đến thăm trường của Peter - một cậu bé chậm phát triển do từng bị bỏ bê khi sống ở cô nhi viện - đã giúp các bạn cùng lớp hiểu được những hành vi kỳ lạ của cậu bé, nhờ đó giúp Peter nhận được sự hỗ trợ xã hội cần thiết cho quá trình hồi phục. Nhờ sự đồng cảm và giúp đỡ của các bạn cùng lớp, cũng như sự chăm sóc tận tình của cha mẹ nuôi, Peter mới có thể mau chóng hòa nhập và bắt kịp với độ tuổi sinh học của chính mình.

“Chúng ta cần mang lại trật tự, chứ không phải khuôn khổ cứng nhắc; chúng cần nuôi dưỡng, chứ không phải yêu thương gò ép.” - Tiến sĩ Bruce D. Perry.

Dữ dội, chân thực và sáng tỏ, “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” là quyển sách đáng đọc cho mỗi người chúng ta. Không cần phải làm việc trong lĩnh vực tâm lý hay trong các môi trường giáo dục, bất cứ ai cũng đều có thể đọc sách để thấu hiểu các em nhỏ và học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích. Hành trình chữa lành sang chấn của trẻ em có thể sẽ đầy gian nan và thử thách, nhưng bằng cách trao đi yêu thương chân thành, chúng ta tin rằng các em sẽ có thể vượt qua bi kịch để đón chào tương lai rộng mở phía trước.