07 Apr, 2020
“Để Có Một Tâm Hồn Đẹp”: Một Tâm Hồn Đẹp Làm Chủ Cuộc Đời
Sắc đẹp có thể là trung tâm của sự chú ý, nhưng sẽ chẳng có gì giá trị nếu không có vẻ đẹp tâm hồn và nội tâm phong phú. Một tâm hồn đẹp, không phải là điều gì đó quá cao sang, bạn không cần phải có nhiều tiền, không cần phải có chỉ số thông minh cao hay một trí tuệ uyên bác; một tâm hồn đẹp: đơn giản chỉ là sự thật lòng! Đó là cảm nhận của bạn về thế giới, về con người, về mọi vật xung quanh. Những người có tâm hồn đẹp sẽ biết cách biến những điều tồi tệ thành điều may mắn, sẽ biết cách tìm ra niềm vui bên trong nỗi buồn dù có ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.
Và chúng ta có thể học, học để có một tâm hồn đẹp, học để hiểu hơn về bản thân, học để hiểu hơn về thế giới. Hãy biết cách cho đi, hãy biết cách tha thứ, hãy biết cách sống, vì chúng ta chỉ sống một lần duy nhất. Cho đi là nhận lại, chúng ta càng giúp đỡ mọi người bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn, chúng ta sẽ cảm nhận được sự trân trọng, chúng ta sẽ hiểu hơn về giá trị của bản thân!
Mỗi chúng ta khi sinh ra đều có một tâm hồn đẹp, nhưng vì hoàn cảnh, chúng ta đôi khi đã bị ‘tha hóa’. Nhưng bạn biết không? Chỉ tính trong Việt Nam, đã có tới hơn 6 triệu người khuyết tật, hơn 300 nghìn người mắc bệnh ung thư mỗi năm…. Và chúng ta vẫn đang có thể ngồi đây, hít thở bầu không khí, được ăn ngon, mặc đẹp. Hãy vui vì chúng ta vẫn đang khỏe mạnh và có thể làm những điều mình thích! Nếu bạn vẫn đang thấy vui vì mình còn sống, hay thật thương cảm cho những con người không may ấy, thì bạn vẫn có một tâm hồn đẹp đấy, ở đâu đó bên trong bạn, dù ít hay nhiều!
Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Hãy học để đem lại mỗi giây mỗi phút trên trái đất này của bạn đều có ý nghĩa, bằng cách đem lại niềm vui, hay chỉ đơn giản, là chúng ta có thể hiểu và chia sẻ với người khác; đôi khi chỉ là một cử chỉ nhã nhặn cũng có thể đem lại niềm hạnh phúc cả ngày cho người khác. Cuốn sách Để có một tâm hồn đẹp của tác giả Edward de Bono sẽ giúp cho bạn điều đó. Bạn có thể học cách cảm thông, học cách lắng nghe hay đặt câu hỏi, biểu lộ sự đồng tình thông qua cuốn sách thú vị này.
Nghệ thuật cảm thông và biểu lộ sự đồng tình
Bạn có đồng ý rằng khi bạn nói Có quá nhiều, bạn sẽ khiến người khác mát lòng nhưng bạn sẽ trở thành người vô vị? Bạn có đồng ý rằng khi bạn nói Không quá nhiều sẽ khiến bạn trở thành cái gai trong mắt mọi người? Vậy tại sao chúng ta không dung hòa giữa hai thái cực này? Có một phương pháp hữu hiệu có thể áp dụng cho vấn đề này mang tên Hiểu quả bóng logic của mỗi người. Phương pháp này sẽ giúp cho bạn hiểu và cảm thông cho người đối diện bằng cách chúng ta hãy nhìn sâu vào bên trong quả bóng logic của người đối diện và và hiểu “nguồn gốc” của họ, từ đó bạn sẽ thấy được quan điểm logic của người khác. Thay vì tranh luận giữa những cái “tôi” với nhau, chúng ta có thể biết được thêm một quan điểm mới nếu chúng ta chấp nhận sự khác biệt của mỗi người. Bởi vì khác biệt về ý kiến không phải là chuyện dở. Khác biệt có thể làm phong phú thêm đề tài tranh luận. Mục đích ở đây không phải là để loại bỏ sự khác biệt mà chính là để tìm hiểu kĩ hơn về đề tài dựa trên cơ sở của sự khác biệt.
Hầu hết chúng ta được đánh giá là một người có tâm hồn đẹp thông qua cách chúng ta suy nghĩ, và đặc biệt là qua cách chúng ta nói chuyện, cách truyền đạt ý tưởng với người khác; vậy nên trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập hầu hết đến việc nói chuyện sao cho có duyên như cách lắng nghe, cách đặt câu hỏi, cách nói lời không đồng ý,…
Nghệ thuật tạo sức cuốn hút
Trong tranh luận, điều quan trọng mà mọi người đều hướng đến là sự thật, nhưng tranh luận sao cho hấp dẫn còn quan trọng hơn chuyện giành phần thắng trong cuộc tranh luận đó. Tranh luận sinh động, lý thú là trách nhiệm với chính bạn và cả người khác nữa.
Những điều lý thú có thể là những việc bạn đã hoặc đang thực hiện và rất am hiểu về chúng. Điều lý thú cũng có thể là cách bạn dẫn dắt đối thoại nữa đấy.
Vậy nên bạn không nhất thiết phải có cả một kho tàng tri thức mới có thể làm cho cuộc tranh luận trở nên hấp dẫn; chúng ta sẽ có cách, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào bạn, và việc bạn quan tâm về vấn đề đó như thế nào.
Nghệ thuật phản hồi trong tranh luận
Nhiều người trong chúng ta khi tranh luận thường rơi vào tình huống “ông nói gà, bà nói vịt” hay không có gì để nói tiếp, trong những lúc như thế này, chúng ta sẽ thường rất hoang mang và cuối cùng “ngõ cụt càng đi vào ngõ cụt”. Vấn đề duy nhất ở đây là chúng ta chưa làm rõ vấn đề được nhắc tới; hay việc chưa biết phản hồi ra sao khi mà chưa có ý tưởng. Trong phần này, Edward de Bono – ông hoàng tranh luận – sẽ đưa ra 7 cách để ngay cả khi chúng ta chưa có ý tưởng cũng có thể tranh luận cuốn hút như: cách biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ; dẫn dắt thêm ý mới hay bổ sung các quan điểm;…
Nghệ thuật lắng nghe
Lắng nghe không chỉ là một hành động, lắng nghe còn là cả một nghệ thuật và như tác giả Edward de Bono đã nói: Một người biết cách lắng nghe cũng có nét hấp dẫn như người biết cách nói chuyện. Có hai điểm chính mà người nghe cần tập trung vào, đó là quan điểm của người nói và giá trị riêng của những vấn đề người nghe quan tâm. Trên cả những điều này là một thái độ chân thành, chứ không phải là giả vờ lắng nghe. Vậy thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là kiên nhẫn. Lắng nghe không chỉ là ngồi chờ một cách thiếu kiên nhẫn đến lượt mình phát biểu. Nếu bạn không muốn lắng nghe người nào đó thì tại sao anh ta lại phải là nghe bạn? Bạn có thể cảm thấy điều mình sắp nói ra quan trọng hơn câu chuyện của người khác, nhưng mọi người đâu có nghĩ như bạn. Vì vậy, hãy lắng nghe chăm chú và bạn sẽ rút ra được rất nhiều giá trị từ những gì người khác nói vì nêú mất kiên nhẫn bạn sẽ chẳng được gì.
Sáu chiếc nón tư duy
Đây là một phương hướng tư duy do sáu chiếc nón khác màu quyết định. Từng màu nón phân biệt một loại tư duy. Phương pháp này được tác giả nghĩ ra vào năm 1985 và sẽ giúp bạn nâng cao khả năng đối thoại và hình thành một tâm hồn đẹp. Điều quan trọng trong phương pháp này là mọi người tham gia thảo luận phải đội cùng màu nón vào cùng thời điểm. Phép ẩn dụ của sáu chiếc nón với sáu màu trắng, đỏ, đen, vàng, xanh lá và xanh da trời.
Chiếc nón màu trắng
Màu trắng làm ta dễ liên tưởng tới giấy trắng và bản in ra từ máy tính. Vì vậy chiếc nón trắng sẽ tập trung khai thác thông tin.
Những câu hỏi được đặt ra khi sử dựng chiếc nón trắng là:
Chúng ta biết được được gì?
Chúng ta cần biết điều gì?
Chúng ta thiếu thông tin gì?
Làm cách nào để chúng ta có thông tin cần thiết?
Chiếc nón màu đỏ
Hãy nghĩ về màu đỏ của ngọn lửa và sự nồng ấm. Chiếc nón đỏ biểu trưng cho cảm xúc, cảm giác và trực giác. Ví dụ:
Tôi không thích ý kiến này chút nào
Tôi có cảm giác cái này không hiệu quả
Trực giác của tôi cho rằng nâng giá sẽ phá hủy thị trường.
Chiếc nón màu đen
Chiếc nón đen để dùng cho “sự thận trọng” và tìm ra các lỗi, điểm yếu, điều gì sẽ gây ra sai lầm và điều gì không phù hợp.
Chiếc nón màu vàng
Ngược lại với chiếc nón màu đen, chiếc nón màu vàng sẽ tập trung vào những giá trị, lợi ích và cách thực hiện một điều gì đó.
Chiếc nón màu xanh lá
Hãy mường tượng ra màu của cỏ cây, của sự sinh sôi và năng lượng. Những cành lá đâm chồi và năng lượng của sức sáng tạo. Chiếc nón xanh lá tượng trưng cho sự sinh sôi và sáng tạo.
Chiếc nón màu xanh da trời
Hãy nghĩ về bầu trời xanh và tổng thể. Chiếc nón xanh da trời sẽ tổ chức tư duy, có nghĩa là xác định trọng tâm và tổng hợp kết quả thảo luận.
Các khái niệm
Khái niệm là một thành tố quan trọng của một tâm hồn đẹp. Khái niệm sẽ giúp hình thành các ý tưởng, cũng giống như nơi ngã rẽ sẽ dẫn ra nhiều nhánh đường khác nhau.
Lấy ví dụ, bạn luôn luôn ăn “thực phẩm”. Nhưng có thật sự là bạn ăn “thực phẩm” không? Không hề! Bạn ăn thịt bò, thịt gà, trái cây,… Bạn luôn luôn ăn một loại thực phẩm cụ thể nào đó, chứ không ăn “thực phẩm” chung chung. Thực phẩm là khái niệm. Còn ổ bánh mì mới là ý tưởng thực tế.
Trong giao tiếp cũng vậy, bất cứ khi nào bạn lắng nghe người khác nói, bạn cần nắm bắt ngay các khái niệm đang được sử dụng. Tôi thích bộ phim “Điệp vụ chim sẻ đỏ” và tôi ấn tượng nhất cái cách mà nhân vật chính Dominika luôn tìm ra các “khái niệm” hay câu hỏi chủ đạo là “Anh ấy muốn gì?” để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Trong cuộc sống, chúng ta cũng nên như vậy: tìm ra các quy luật hay mục đích, khái niệm tổng quát để có thể giúp chúng ta hình thành thêm các ý tưởng mới, hoạch định những tình huống phức tạp.
Và ngay cả khi bạn tin rằng mình đã nắm bắt được ý chính của khái niệm từ những điều nghe được, bạn cũng nên kiểm tra lại bằng cách hỏi: “Theo như tôi hiểu thì khái niệm ở đây là … Điều đó đúng chứ?”
Cảm giác – Cảm xúc
“Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công”. Theo tác giả Edward, điều này đúng một phần, đó là cảm giác, cảm xúc mạnh có thể hạn chế đến nhận thức của chúng ta. Nhận thức chọn lọc chỉ cho phép chúng ta nhìn nhận những gì vừa vặn với các cảm giác.
Một người vợ phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Rất tức giận, người vợ hồi tưởng về những chuyện đã xảy ra trong cuộc sống chúng, và chỉ chăm chăm nhặt ra những chi tiết “chứng minh” anh chồng chưa bao giờ thực sự yêu mình.
Theo cách này, cảm giác và cảm xúc sẽ “dẫn dắt sự chú ý của chúng ta” và lựa ra những gì chúng ta trông đợi. Nhận thức của chúng ta ít khi “khách quan” lắm, mà thường có chọn lọc.
Dường như chúng ta nhìn kĩ sự vật và rồi lại tập trung vào những gì cảm giác bảo chúng ta là quan trọng hơn. Cảm giác của chúng ta có chức năng như một bộ lọc, và chúng ta chỉ thấy những gì cảm giác cho phép. Mối nguy hiểm chính của những cảm giác và cảm xúc quá mạnh là chúng kiểm soát cả nhận thức chúng ta. Chúng ta không thể xem xét thấu đáo nếu nhận thức bị kiểm soát theo cách này.
Tuy nhiên, chúng ta không thể không nói rằng cảm giác và cảm xúc cũng có điểm tốt, là nếu chúng ta không có cảm giác, chúng ta lại chẳng còn thích thú gì với chuyện nhận thức này nọ.
Không có cảm xúc thì mọi người giống như robot vậy, và như thế thì chán ngắt. Nhưng cảm giác và cảm xúc không kiềm chế thì cũng chẳng thú vị gì.
Trong cuốn sách này, tác giả Edward sẽ đề cập đến những ưu, nhược điểm của cảm giác và cảm xúc, đồng thời cũng sẽ cho chúng ta biết thêm về những bí quyết hay những giải pháp để chúng ta có thể cân bằng giữa mặt cảm xúc và mặt nhận thức.
Lời kết: Một vóc dáng đẹp và một tâm hồn đẹp đều có thể già đi. Một tâm hồn đẹp thì trái lại, càng đẹp và tinh anh thêm qua năm tháng. Cuốn sách này tập trung vào những cách phát triển một tâm hồn đẹp, và đặc biệt tập trung vào các cách nói chuyện, thảo luận, lắng nghe. Đó mới thực sự là một tâm hồn đẹp có sức cuốn hút đối với mọi người và chính bạn nữa.
Theo ybox.vn