04 Oct, 2019
Để bước khỏi vòng luẩn quẩn, thiết kế một cuộc đời đáng sống
Những vấn đề cuộc sống luôn rối rắm, tréo ngoe, nhưng sẽ ra sao nếu bạn nhìn chúng bằng cái nhìn khoa học, bình tĩnh, sẵn sàng nhận thất bại của những nhà thiết kế sản phẩm?
Thiết kế một cuộc đời đáng sống bắt đầu bằng câu chuyện của những nhân vật khổ sở. Một cô gái tốt nghiệp trường đại học danh giá rồi không biết làm gì với cuộc đời mình.
Một phụ nữ thành đạt ở tuổi 30, giữ chức vụ cao trong hãng luật nổi danh nhất Silicon Valley nhưng lại có những buổi tối bật khóc trên đường về nhà vì không cảm thấy hạnh phúc với công việc.
Những vấn đề cuộc sống (về công việc, sự nghiệp, mối quan hệ...) vốn dĩ luôn phức tạp, rối rắm và không có khuôn mẫu cho câu trả lời. Chính vì vậy mà nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi đối diện chúng. Họ "mắc kẹt" hàng tháng, hàng năm trời, thậm chí phần lớn cuộc đời với chúng mà không tìm được lối ra.
Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta nhìn những vấn đề cuộc sống như cách một nhà thiết kế sản phẩm nhìn điểm lỗi của một chiếc máy tính xách tay, một vị cà phê hay một loại bàn chải đánh răng?
Chúng ta sẽ có những mô thức để giải quyết. Trong Thiết kế một cuộc đời đáng sống, Bill Burnet và Dave Evans - những chuyên gia thiết kế sản phẩm đến từ Đại học Stanford - đưa ra 5 mô thức tư duy thiết kế (design thinking) để bạn áp dụng vào gỡ rối vấn đề cuộc sống. Đó là:
1. Sự hiếu kỳ: Khi mỗi người nhìn cuộc sống của mình bằng sự tò mò, hiếu kỳ như các nhà thiết kế háo hức sáng tạo sản phẩm mới, chúng ta sẽ lạc quan hơn và thấy cơ hội ở khắp nơi.
2. Tư duy thử nghiệm: Theo Bill và Dave, giống như những nhà thiết kế luôn thử nghiệm mọi thứ, thử và đánh giá hết lần này đến lần khác, mỗi người cần có tư duy thử nghiệm trước những thay đổi của cuộc đời. Tư duy thử nghiệm chính là cách để thu thập dữ liệu cần thiết, giúp tránh lãng phí thời gian, công sức cho các lựa chọn không phù hợp.
3. Tư duy điều chỉnh nhận thức: Với tư duy này, mỗi người tìm thông tin mới về một vấn đề, nhận định lại quan điểm cá nhân, đôi khi là xác định lại vấn đề. Hệt như khi người ta tạo nên thương hiệu cà phê Starbucks, thay vì tìm một công thức phối trộn cà phê lạ lẫm hoặc chế tạo một chiếc máy pha cà phê mới, người thiết kế điều chỉnh lại vấn đề thành: Tái thiết kế trải nghiệm cà phê.
4. Hiểu rằng cuộc sống là một tiến trình: Các nhà thiết kế chú tâm vào quá trình sáng tạo và xem điều gì xảy ra tiếp theo thay vì tập trung vào mục tiêu cuối cùng. Nhờ đó, những thất bại và những điều không hoàn hảo được đón nhận lạc quan hơn.
5. Tư duy cộng tác: Hầu hết các vấn đề công nghệ đều được giải quyết bởi một đội ngũ thiết kế. Vậy tại sao khi đối mặt với vấn đề cuộc sống, chúng ta lại phải cô độc một mình? Trong cuốn sách này, Bill và Dave hướng dẫn người đọc cách để hợp tác và tìm sự trợ giúp từ cố vấn và cộng đồng.
Bên cạnh giới thiệu 5 tư duy thiết kế, Bill và Dave còn đưa ra nhiều công cụ và ý tưởng để bạn đọc đo lường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thiết kế một cuộc đời đáng sống có lẽ là cuốn sách không thể thiếu với những ai đang muốn bước ra khỏi vòng luẩn quẩn và sống một cuộc đời đáng sống hơn.
Theo Tuổi Trẻ