27 Apr, 2021
‘Đại hiệp Hồng Kông' Châu Nhuận Phát: Bản sắc vùng đất qua chân dung một ngôi sao
Hơn 40 năm sự nghiệp của Châu Nhuận Phát từng được giới nghiên cứu tận dụng để tìm hiểu lịch sử và xã hội Hong Kong. Vì lẽ đó, người đọc sẽ nhìn thấy một bóng dáng Hương Cảng khi đọc sách ‘Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát’.
Châu Nhuận Phát và vợ trong buổi ra mắt cuốn sách ảnh của mình
Cuốn sách Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát do NXB Tổng hợp và First News vừa ra mắt độc giả.
Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát không chỉ dành cho fan điện ảnh Hong Kong và những ai ngưỡng mộ nhân cách sống cùng hành trình giàu cảm hứng của Châu Nhuận Phát, mà còn dành cho những người đọc quan tâm đến những dịch chuyển, biến động của một vùng đất từng được gọi là "con rồng của châu Á".
Theo dõi hơn 40 năm sự nghiệp của Châu Nhuận Phát qua từng trang sách, hình ảnh Hong Kong phồn hoa và nhiều nỗi niềm hiện lên sống động như những thước phim quá khứ. Để rồi khi gấp sách lại, người đọc không tránh khỏi cho mình dư vị tiếc nuối khôn nguôi về một thời quá vãng.
Châu Nhuận Phát trong phim Bản sắc anh hùng 3, đây là cảnh quay tại Sài Gòn
Điện ảnh như chiếc gương phản ánh hiện thực. Vì thế, những vai diễn trên màn ảnh của một diễn viên ngôi sao, đôi khi phản chiếu những bất ngờ của lịch sử, xã hội và bản sắc của một vùng đất. Có một mối liên hệ như thế giữa Hong Kong và diễn viên Châu Nhuận Phát.
Hơn 40 năm sự nghiệp của ngôi sao này từng được giới nghiên cứu tận dụng để tìm hiểu lịch sử và xã hội Hong Kong. Vì lẽ đó, người đọc sẽ không khỏi không nhìn thấy một bóng dáng Hương Cảng khi đọc Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, từ đó có cho mình những suy ngẫm không chỉ dừng lại ở câu chuyện giải trí.
Sách ‘Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát’
Một Hong Kong phồn hoa - đa văn hóa
Năm 1976, 2 năm sau khi Châu Nhuận Phát bước chân vào nghề diễn viên, ông nhận được vai nam chính đầu tiên cho bộ phim truyền hình Cuồng Triều, cũng là vai diễn đưa Châu Nhuận Phát lên hàng ngôi sao.
Bộ phim liên hệ mật thiết với một Hong Kong đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ và đạt đến vị thế một trong bốn con rồng châu Á vào những năm 1970.
Nhiều thanh niên Hong Kong nhìn thấy mình trong hình ảnh một Châu Nhuận Phát mặc vest kiểu phương Tây, thể hiện hành trình cá nhân vươn lên các nấc thang xã hội của thanh niên địa phương trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ của thành phố.
"Các vai diễn trong phim truyền hình của Châu Nhuận Phát thể hiện rõ những nét đặc trưng của công dân Hong Kong", tác giả Lin Feng ghi.
Châu Nhuận Phát trong phim Thượng Hải
Độc giả cũng không thể nào quên một Hứa Văn Cường đầy mâu thuẫn nhưng cũng rất nghĩa tình, nồng hậu và bi tráng trong Bến Thượng Hải (1980), bộ phim được coi là "Bố già của châu Á".
Chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước, tình yêu, tình anh em, lẫn một vùng đất phồn hoa, giàu có và nhiều sóng gió được thể hiện hoàn hảo trong phim. Tác phẩm được chiếu đi chiếu lại hàng nghìn lần trên các đài truyền hình, chưa kể qua băng đĩa lưu hành khắp châu Á, trở thành ký ức khó quên trong lòng người hâm mộ.
Những năm 1980, Hong Kong đã phát triển thành một đô thị năng động, một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế. Cùng với đó, việc di cư và du lịch ngoài phạm vi Hong Kongg trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân địa phương.
Trong loạt phim Thần bài của đạo diễn Vương Tinh, Châu Nhuận Phát thể hiện một hình ảnh người dân Hong Kong phóng khoáng và đa văn hóa. "Đó là câu chuyện về một người Hong Kong du ngoạn khắp thế giới, kiếm tiền và bảo vệ bản thân bằng trí tuệ", Lin Feng phân tích.
Châu Nhuận Phát
Nỗi trăn trở bản sắc và niềm tiếc nuối quá vãng
"Nam chính trong các bộ phim hành động của Ngô Vũ Sâm, đặc biệt là những nhân vật do Châu Nhuận Phát thủ vai, đã chỉ ra nỗi sợ, sự không chắc chắn và sự hoang mang về tương lai của Hong Kong", cuốn sách dẫn lời Julian Stringer, nhà phê bình điện ảnh và giáo sư Đại học Nottingham (Anh).
Nhân vật Lý Mã Khắc do Châu Nhuận Phát thủ vai, một "anh hùng mắc cạn" trong Bản sắc anh hùng (1980) được nhiều nhà phê bình phim liên hệ đến nỗi lo lắng phức tạp và mơ hồ của công dân Hong Kongtrước thay đổi chính trị.
Khủng hoảng kinh tế châu Á và biến động xã hội sau đó góp phần đến sự suy tàn của điện ảnh Hong Kong. Năm 1995, Châu Nhuận Phát tham gia bộ phim do chính ông viết kịch bản cùng đạo diễn Vi Gia Huy, Hòa bình Phạm Điếm, cũng là bộ phim cuối cùng của ông tại Hong Kong trước khi bắt đầu một giai đoạn mới của sự nghiệp ở Hollywood.
Hình ảnh Châu Nhuận Phát cầm súng khẽ quay đầu nhìn lại trên poster phim cũng giống như đang nhìn lại một thời vàng son đã qua.