11 Feb, 2019
Chúng Ta Được Sinh Ra Từ Tình Yêu Và Sẽ Trở Về Với Tình Yêu
Trong số những chuyện tình có thật nổi tiếng trên thế giới thì Đạp Xe Vì Tình Từ Ấn Sang Âu của tác giả Per J Andersson là một câu chuyện vô cùng khác biệt: cả sự khốc liệt, mãnh liệt lẫn mật ngọt hạnh phúc đều được gói gọn trong 400 trang giấy. Câu chuyện cũng hệt như thời tiết ở Ấn Độ: nắng đấy – giông tố đấy – rồi lại khô hanh; cay nghiệt đấy – hạnh phúc đấy – rồi lại đớn đau.
Ở thế kỷ 20, xã hội Ấn Độ vẫn đánh giá cái đẹp, nhân cách của một người thông qua xuất thân của người đó. Tình yêu bị cho là sự ảo mộng và lòng tự tôn trở thành thứ xa xỉ với những người có thân phận thấp kém. Sinh ra trong hoàn cảnh ấy, PK vẫn luôn kiên trì với ước mơ của mình và nỗ lực hết sức để tìm kiếm hạnh phúc.
Với những trang viết về cuộc sống của chàng trai PK và những gian khổ anh trải qua, cây bút Per J Andersson đã phác lên bức tranh xã hội Ấn Độ một cách chân thực. “Thầy thường dùng gậy quất học trò khi chúng vi phạm kỷ luật nhà trường, nhưng PK không bao giờ ăn đòn vì thầy không muốn vấy bẩn cây gậy của ông. Ông bắt nó đứng yên trên hàng hiên, hai mắt nhắm lại. Rồi ông lùi ra và bắt đầu ném đá; những hòn đá nhỏ, sắc bén, quật vào da nó, để lại những vết bầm xấu xí. PK nguyền rủa thầy giáo nhưng nó nhớ lời mẹ dặn phải cam chịu: đây là số phận của gia đình nó, cuộc đời bên ngoài mái nhà của nó là thế đấy. Nó sẽ luôn bị đối xử như vậy. Nó chẳng làm gì được.” – Per J Andersson ghi lại theo ký ức của PK.
Đọc Đạp Xe Vì Tình Từ Ấn Sang Âu, độc giả cứ ngỡ định mệnh của PK sẽ mãi gắn với thân phận thấp hèn. Thế nhưng, nhờ tài năng hội họa và lòng nhẫn nại, cuộc đời mới của PK đã mở ra khi anh nhận được học bổng tại một ngôi trường mỹ thuật danh tiếng.
Ngày anh gặp Lotta, cô gái tốt bụng người Thụy Điển, anh chợt nhớ đến lời của thầy tướng số: “Rồi anh sẽ cưới vợ là một cô gái ở rất xa, xa tít, xa hơn cái làng này, huyện này, tỉnh này, bang này và cả cái nước này nữa”. Số phận của mọi trẻ em đều được ghi sẵn trên những chòm sao ngay từ khi chúng ra đời – PK tin như thế. Có lẽ vì vậy mà anh không đắn đo quá nhiều để bắt đầu chuyến đạp xe ròng rã bốn tháng từ Ấn Độ đến Thụy Điển để tìm gặp Lotta khi cô quyết định quay về quê hương của mình.
Vòng bánh xe của PK cứ liên tục tiến về phía trước bất chấp bao ngờ vực, “Nếu cô ấy thay lòng đổi dạ thì sao? Nếu như cô không cần anh nữa?” - là minh chứng vững chắc nhất cho ý chí kiên định và tình yêu nơi anh. Trên con đường ấy, PK không chỉ ngày càng khẳng định sự gắn kết giữa anh và Lotta mà còn từng bước hóa giải khác biệt về văn hóa Đông – Tây, thoát khỏi sự kìm kẹp của hệ thống phân biệt đẳng cấp Ấn Độ.
Bên cạnh những phút giây rung động cùng câu chuyện tình của PK và Lotta, độc giả của Đạp Xe Vì Tình Từ Ấn Sang Âu còn có thêm những hiểu biết về xã hội Ấn Độ trong quá khứ. Với những người dân thuộc tầng lớp thấp, hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ là một căn bệnh trầm kha và thứ thuốc thích hợp chữa trị căn bệnh này chỉ có thể phát xuất từ trái tim với một tình yêu chân thành, bền bỉ.
First News Trí Việt