20 Aug, 2020
Chính thức phát hành sách nói Muôn Kiếp Nhân Sinh trên ứng dụng Voiz FM
Thư viện Audio Books trên ứng dụng Voiz FM là một bước khai phá thị trường sách nói tôn trọng bản quyền, đầy nỗ lực của những người thực hiện.
Ngày 18/8, Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt chính thức cho ra mắt phiên bản sách nói của tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh (tác giả GS Nguyên Phong - John Vu) trên ứng dụng Voiz FM. Đây cũng là dịp Thư viện sách nói - Audio Books trên ứng dụng Voiz FM được giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc.
Cạnh tranh lành mạnh
Thư viện Audio Books trên ứng dụng Voiz FM đã chạy thử nghiệm từ đầu năm 2020. Anh Trần Ngọc Thái – Founder & CEO Công ty cổ phần Công nghệ WeWe, đơn vị thực hiện thư viện sách nói - cho biết, đã có 12 nhà xuất bản đồng ý tham gia. Kho sách nói Voiz FM hiện có khoảng 1.000 tựa sách (trong đó chủ yếu là sách của First News, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, Alpha Books, Saigon Books…).
Chủ đề trên Voiz FM khá đa dạng: sách kinh điển, văn học (trong và ngoài nước), lịch sử, thiếu nhi, kinh doanh-khởi nghiệp, kỹ năng mềm… Ngoài ra còn có mục “review sách từ cộng đồng” nhằm tạo tương tác, chia sẻ khá ý nghĩa dành cho bạn đọc.
Tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh best-seller đã có bản sách nói
Voiz FM hiện cho người dùng nghe miễn phí một số tựa sách. Bạn đọc chỉ cần tải ứng dụng Voiz FM (trên điện thoại thông minh hệ điều hành IOS hoặc Android). Các gói kinh doanh sách nói cũng khá thấp: 9.000đ/nghe trong một giờ đồng hồ, 199.000/3 tháng và 599.000đ/năm (tương đương 1.600đ/ngày).
“Mục tiêu đến giữa năm 2021, Voiz FM đạt được khoảng 3 triệu người dùng. Hiện tại, chúng tôi không chạy đua theo doanh thu hay cố cho có càng nhiều tài khoản càng tốt, mà tập trung vào nội dung. Xây dựng được những giá trị cốt lõi làm nền tảng mới có thể hy vọng thu hút đông đảo bạn đọc lựa chọn sách nói. Trước mắt, chúng tôi tặng 1.000 tài khoản cho bạn đọc khiếm thị. Khi hoàn thiện nội dung sẽ có hướng tiếp cận về các trường đại học, trên những phương tiện giao thông công cộng…” – anh Trần Ngọc Thái chia sẻ.
Trải nghiệm Voiz FM, người dùng có thể thấy rõ sự khác biệt về chất lượng giọng đọc. Nhà báo Phương Huyền – người từng nghe thử nhiều bản sách nói trên YouTube có nhận xét: làm rất ẩu, đọc vấp không cắt, truyền tải nội dung thiếu diễn cảm. Nhiều trường hợp phát âm sai các từ tiếng Anh, tiếng Pháp, ngắt hơi không đúng chỗ. Đối với Voiz FM, có thể thấy sự đầu tư chăm chút qua tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh của GS Nguyên Phong – John Vu (nằm trong top 5 bảng xếp hạng theo tuần trên ứng dụng). Quyển sách đã phát hành 180.000 bản này được thể hiện qua giọng đọc của MC Đông Quân – do First News chọn từ hơn 20 “ứng cử viên” khác.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty THHH Văn hóa Sáng tạo First News – Trí Việt kể: “Một người bạn ở Đà Nẵng vừa nhắn tin cho tôi, nói rằng rất mừng khi Muôn kiếp nhân sinh của GS Nguyên Phong được phát hành sách nói. Rất nhiều bạn đọc trong thời gian giãn cách xã hội không kịp mua bản sách giấy, thông qua ứng dụng Voiz FM đã nghe được trọn tác phẩm này. Chúng tôi tin rằng, sách nói có thể cũng là một lựa chọn phù hợp với bạn đọc trong mùa dịch bệnh COVID-19”.
Muôn kiếp nhân sinh cùng các tựa sách giấy khác đang bán rất chạy, First News vẫn quyết định làm sách nói hướng đến phục vụ nhu cầu của bạn đọc kiều bào, người khiếm thị, người cao tuổi, những người bận rộn…
Người dùng trải nghiệm nghe đọc sách trên ứng dụng Voiz FM
Không tiết lộ chi phí mua tác quyền nhưng CEO Trần Ngọc Thái bày tỏ, dự án Audio Books của WeWe nhận được nhiều quỹ đầu tư, hy vọng có thể mở rộng thị trường sách nói Việt Nam theo bước tiến khả quan. Có thể nói, Voiz FM là một cuộc cạnh tranh lành mạnh và tâm huyết của những người thực hiện.
Cần bạn đọc nói "không"
Sách nói vi phạm bản quyền tồn tại nhiều năm qua khiến các đơn vị làm sách đau đầu không kém so với sách giấy in lậu. Một số trường hợp vi phạm đã được xử lý triệt để khi cộng đồng lên tiếng tố cáo quyết liệt. Nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể khi còn rất nhiều những trang phát hành sách nói vi phạm khác: khosach…, radio…, sachnoi…, tailieu…, library…, play… Nhiều tài khoản YouTube cũng tự ý khai thác sách nói, link được dẫn vào nhiều website, fanpage, Facebook…
Mới đây, nhà văn Văn Thành Lê cũng lên tiếng về việc kênh YouTube VTC Now Truyện Hay đã thu âm tác phẩm của anh và nhiều tác giả khác mà không xin phép. Các nhà làm sách chân chính bị “bủa vây” vi phạm bản quyền từ sách giấy đến sách nói, nhưng bao năm qua gần như lực bất tòng tâm.
Giao diện thư viện sách nói trên ứng dụng
“Chúng tôi đã thu thập hàng trăm link sách nói vi phạm bản quyền. So với việc làm lậu sách giấy, hành vi khai thác sách nói vi phạm bản quyền cũng là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản suốt nhiều năm qua. Chúng tôi đã bắt đầu bằng cách report (báo cáo - PV) các fanpage và các kênh YouTube vi phạm. Hy vọng cùng nhận được sự quan tâm, xử lý triệt để từ các cơ quan chức năng” – ông Nguyễn Văn Phước nói.
Tiến đến bước “đối phó” với những đối tượng vi phạm bản quyền ẩn danh trên mạng, cần sự vào cuộc của những nhà làm sách lẫn bạn đọc. Báo cáo vi phạm là cách hữu hiệu trước mắt. Một điều quan trọng không kém là cần bạn đọc nói “không” với sách nói vi phạm bản quyền.
Trước đây, hoạt động sách nói hợp pháp chủ yếu có Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị. Nay Voiz FM là kênh phát triển sách nói khá đa dạng, chi phí rẻ, hoàn toàn phù hợp với cả đối tượng người nghe là học sinh sinh viên. Đơn vị cũng lên kế hoạch làm sách nói những tác phẩm hay từng bị khai thác audio books tùy tiện.
Voiz FM có mục Đề xuất dành cho bạn đọc yêu cầu các tựa sách. Mọi cánh cửa mở ra để hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dùng, đồng thời tôn trọng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những nhà làm sách.
“Nói không với sách lậu/vi phạm bản quyền” là slogan cho cuộc chiến trường kỳ chống sách lậu/sách giả của các đơn vị làm sách, xuất bản. Nay, cũng cần bạn đọc cùng vào cuộc “nói không với audio books vi phạm bản quyền”, mới mong hạn chế được phần nào sự tăng trưởng bất hợp pháp của những nhóm/cá nhân/tổ chức vô tư khai thác sách nói vi phạm trên các trang mạng, YouTube.
Theo Lục Diệp - Báo Phụ nữ Online