22 Aug, 2019
Chất Michelle - Kỳ bốn: Lời tỏ tình đầu tiên
Anh nghĩ là chúng ta nên hẹn hò", anh nói vào một chiều nọ khi chúng tôi đang ngồi dùng bữa. "Hả? Anh và em?", tôi giả vờ kinh ngạc.
Hồi tôi còn bé, cha mẹ tôi đều hút thuốc. Họ đốt thuốc vào buổi tối khi ngồi trong bếp trò chuyện về ngày làm việc của mình. Họ hút thuốc khi lau dọn chén đĩa sau bữa ăn tối, thỉnh thoảng họ sẽ mở một cánh cửa sổ để không khí trong lành tràn vào. Họ không hút nhiều, nhưng họ hút thuốc như thói quen, và còn hút dai nữa. Họ vẫn tiếp tục hút thuốc kể cả sau khi nghiên cứu đã nói rất rõ là hút thuốc không tốt cho sức khỏe.
Chuyện hút thuốc này khiến tôi và anh Craig phát điên. Chúng tôi giả vờ ho sù sụ như thật mỗi khi họ châm thuốc. Chúng tôi tiến hành phá hoại "nguồn cung" của họ. Khi còn rất nhỏ, anh em tôi từng lấy cả một cây thuốc Newports mới toanh ra khỏi kệ và bắt đầu đem nó ra bồn rửa chén để tiêu hủy bằng cách xé nát hết mấy điếu thuốc như tách đậu. Lần khác, chúng tôi nhúng đầu điếu vào sốt tương ớt rồi xếp chúng vào hộp trở lại.
Chúng tôi nói cho cha mẹ nghe về bệnh ung thư phổi, giải thích những điều khủng khiếp trong những thước phim mà người ta chiếu trong giờ giáo dục sức khỏe ở trường - đó là ảnh chụp hai lá phổi của người hút thuốc, hai lá phổi khô quắt và đen như than, bằng chứng cho thấy cái chết đang đến, cái chết từ trong lồng ngực. Ngược lại, chúng tôi cũng được xem hình ảnh những lá phổi hồng hào khỏe mạnh, không bị khói thuốc làm vấy bẩn. Đó là một mô hình đủ đơn giản để họ lựa chọn hành vi của mình: Tốt/Xấu, Khỏe mạnh/Bệnh tật. Chúng ta quyết định tương lai của mình. Đó là tất cả những gì cha mẹ đã dạy chúng tôi. Vậy mà cũng phải nhiều năm sau đó họ mới cai hẳn thuốc lá.
Bìa sách "Becoming - Chất Michelle" bản tiếng Việt.
Barack hút thuốc giống hệt cha mẹ tôi. Anh hút thuốc sau bữa ăn, hút thuốc khi đang xuống phố hoặc khi cảm thấy căng thẳng và không thể để hai tay rảnh rang. Vào năm 1989, hút thuốc là chuyện thường thấy hơn bây giờ, cũng phổ biến trong đời sống hàng ngày hơn bây giờ. Nghiên cứu về ảnh hưởng của việc hút thuốc thụ động hãy còn mới mẻ. Người ta hút thuốc trong nhà hàng, trong văn phòng và ở cả sân bay. Thế nhưng tôi đã xem những thước phim với hình ảnh các lá phổi. Đối với tôi, và với tất cả những người có ý thức mà tôi quen biết, hút thuốc chính là tự hủy hoại bản thân.
Barack biết chính xác tôi cảm thấy thế nào về chuyện anh hút thuốc. Tình bạn giữa chúng tôi được xây dựng trên sự thẳng thắn mà tôi cho rằng cả hai chúng tôi đều yêu thích.
"Tại sao một người thông minh như anh lại làm cái chuyện dại dột như vậy?", tôi buột miệng hỏi ngay ngày đầu tiên gặp nhau, khi thấy anh kết thúc bữa trưa bằng một điếu thuốc. Đó là một câu hỏi thật lòng.
Theo tôi nhớ thì anh chỉ nhún vai, công nhận là tôi đúng. Không có gì phải tranh cãi, cũng không có điểm gì cần thảo luận. Hút thuốc là chủ đề duy nhất mà cái đầu logic của Barack không đụng tới.
Dù tôi có thừa nhận hay không thì giữa chúng tôi có một điều gì đó đã bắt đầu thay đổi. Vào những ngày chúng tôi quá bận rộn đến mức không thể gặp mặt nhau, tôi luôn tự hỏi anh ấy đang làm gì. Tôi tự nhủ đừng thất vọng khi không thấy anh ấy xuất hiện trước cửa phòng làm việc của mình. Tôi tự nhủ đừng quá phấn khích khi thấy anh ấy xuất hiện. Tôi có tình cảm với anh, nhưng tình cảm này vẫn đang âm ỉ chôn sâu bên dưới quyết tâm tập trung giữ cho cuộc sống của mình gọn gàng và thăng tiến trong sự nghiệp, không dính vào những chuyện kịch tính. Những bản đánh giá kết quả công việc hàng năm của tôi đều ổn định. Tôi đang đi đúng đường để trở thành luật sư có cổ phần tại Sidley & Austin, có lẽ là trước tuổi ba mươi hai. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn, hoặc tôi đang tự thuyết phục mình như vậy.
Có thể tôi đã phớt lờ những gì đang nảy nở giữa hai chúng tôi, nhưng Barack thì không.
"Anh nghĩ là chúng ta nên hẹn hò", anh nói vào một chiều nọ khi chúng tôi đang ngồi dùng bữa.
"Hả? Anh và em?". Tôi giả vờ kinh ngạc vì anh nghĩ tới khả năng đó. "Em đã nói với anh rồi, em không hẹn hò. Và em là cố vấn của anh."
Anh ấy cười với vẻ hài hước. "Em làm như chuyện đó thì có ảnh hưởng gì vậy. Em không phải là sếp của anh." Sau đó anh chốt, "Và em khá đáng yêu đấy".
Vợ chồng cựu tổng thống Mỹ - Barack Obama và Michelle Obama. Ảnh: Instagram.
Barack có một nụ cười dường như rộng đến mang tai. Anh là sự kết hợp chết người giữa tình cảm và lý trí. Suốt những ngày kế tiếp, không dưới một lần anh đã bày ra bằng chứng tại sao chúng tôi nên hẹn hò. Chúng tôi tâm đầu ý hợp. Chúng tôi làm cho nhau cười. Chúng tôi đều không vướng bận bạn trai bạn gái, và hơn nữa, chúng tôi đã thừa nhận rằng hoàn toàn không có hứng thú gì với bất kỳ người nào khác mình từng gặp. Anh ấy lập luận rằng chẳng ai ở công ty sẽ bận tâm chuyện chúng tôi hẹn hò với nhau. Thật ra thì chuyện đó còn có thể được xem là một tín hiệu lạc quan. Anh nhận định là những luật sư cổ đông trong công ty rồi sẽ muốn giữ anh lại làm việc cho họ, và nếu chúng tôi hẹn hò nhau thì chuyện này sẽ làm tăng khả năng anh trung thành với công ty.
"Ý anh là em giống mồi nhử sao?", tôi cười phá lên. "Anh tự đánh giá mình cao quá rồi."
Vào mùa hè, công ty tổ chức hàng loạt sự kiện và các buổi giao lưu cho các luật sư thực tập, ai muốn tham gia thì chỉ cần đăng ký vào tờ đơn được chuyền khắp công ty. Một sự kiện trong số đó là đi xem suất diễn trong tuần của vở nhạc kịch Les Misérables (Tên tiếng Việt là Những người cùng khổ) tại một nhà hát gần văn phòng. Tôi đăng ký nhận hai vé, một hành vi vô cùng bình thường của một cô luật sư cố vấn và luật sư thực tập mà cô ta dẫn dắt trong hè. Chúng tôi cần cùng nhau tham gia những hoạt động của công ty. Nhiệm vụ của tôi là anh ấy có trải nghiệm tích cực và vui vẻ ở Sidley & Austin. Chỉ có vậy thôi.
Chúng tôi ngồi cạnh nhau trong nhà hát, cả hai đều mệt mỏi sau một ngày làm việc dài. Vở kịch mở màn và tiếng hát bắt đầu cất lên, chúng tôi được thấy hình ảnh một Paris u ám. Tôi không biết do tâm trạng của mình hay do bản thân vở nhạc kịch, nhưng suốt một giờ đồng hồ sau đó tôi thấy khổ sở trước sự thống khổ của người dân nước Pháp. Những lời than van và cảnh gông cùm. Nạn đói nghèo và cưỡng hiếp. Bất công và đàn áp. Hàng triệu người trên thế giới đã yêu thích vở nhạc kịch này, nhưng tôi lại bồn chồn không yên, cố thoát ra khỏi sự tra tấn không thể nào lý giải được mỗi khi giai điệu của vở kịch vang lên.
Khi đèn nhà hát bật sáng báo giờ giải lao, tôi trộm nhìn Barack. Anh ấy đang ngồi sụp xuống ghế, chỏ tay phải đặt trên thành ghế và ngón trỏ tựa lên trán. Tôi không đoán được biểu cảm của anh có ý gì.
"Anh nghĩ sao?", tôi hỏi.
Anh liếc nhìn tôi. "Khủng khiếp, phải không em?"
Tôi cười, cảm thấy nhẹ nhõm vì anh ấy cũng có cảm nhận giống mình. Barack ngồi thẳng lưng trở lại. "Chúng ta ra ngoài nhé?", anh hỏi.
"Chúng ta có thể không xem nữa mà."
Bình thường thì tôi sẽ không trốn chạy. Tôi không phải kiểu người như vậy. Tôi quá quan tâm đến những gì các luật sư khác nghĩ về mình. Họ sẽ nghĩ sao nếu phát hiện hai chiếc ghế trống? Nhìn chung, tôi quá quan tâm việc phải hoàn thành những gì mình đã bắt đầu, phải xem mọi điều, từ nhỏ nhặt nhất cho đến đoạn kết nghẹt thở, cho dù đó là một vở nhạc kịch Broadway quá cầu kỳ vào một đêm thứ Tư lẽ ra rất vui vẻ. Thật không may, đây chính là một nguyên tắc của tôi. Tôi chịu đựng đau khổ để giữ thể diện cho bản thân. Nhưng giờ đây, dường như tôi đang đi cùng một người không có suy nghĩ như thế.
Né hết mọi người chúng tôi quen biết ở hãng luật - những cố vấn và thực tập sinh của họ đang trò chuyện sôi nổi ở hành lang - chúng tôi lẻn ra ngoài nhà hát và bước vào một buổi chiều dịu êm. Những tia sáng cuối cùng đang le lói trên nền trời màu tím. Tôi thở phào, sự nhẹ nhõm của tôi rõ ràng đến mức khiến Barack cười phá lên.
"Chúng ta đi đâu đây?", tôi hỏi anh. "Đi uống một ly thì sao?"
Chúng tôi bước vào một quán bar gần đó theo đúng phong cách thường ngày của mình: tôi nhanh còn anh ấy thì chậm. Barack là người bước đi thong thả. Anh ấy có bộ dạng thoải mái kiểu Hawaii, không bao giờ hối hả, ngay cả khi - và đặc biệt là khi - được yêu cầu phải nhanh chân lên. Trái lại, tôi có bước chân mạnh mẽ kể cả lúc đang rỗi rãi, và đối với tôi thì giảm tốc độ di chuyển là một chuyện khá khó khăn. Nhưng tôi nhớ đêm đó tôi đã tự nhủ mình hãy chậm lại, chỉ một chút thôi, đủ để tôi có thể nghe anh ấy đang nói gì, vì tôi bắt đầu nhận ra mình quan tâm mọi điều anh ấy nói.
Đến lúc này, tôi đã tỉ mỉ xây dựng cuộc sống của mình, tém gọn mọi chi tiết lỏng lẻo và kém trật tự, như thể đang xếp một mẫu origami chặt chẽ và liền lạc. Tôi đã dụng công tác tạo cuộc đời mình. Tôi tự hào với dáng vẻ của nó. Nhưng đó là hình ảnh rất mong manh. Nếu một góc nào đó bị bung ra thì tôi có thể sẽ lo lắng không yên. Nếu có thêm một góc khác lung lay, tôi có thể sẽ biết là tôi còn ngờ vực đối với con đường sự nghiệp mà mình đã chủ động lựa chọn, còn thiếu chắc chắn về tất cả những điều mà tôi cho là mình mong muốn. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao tôi bảo vệ bản thân kỹ đến vậy, tại sao tôi vẫn chưa sẵn sàng đón nhận Barack. Anh ấy như một cơn gió đe dọa sẽ xáo trộn mọi thứ.
(Trích sách Becoming - Chất Michelle, Duy Khương dịch, Trần Hưng Việt hiệu đính)
Theo Vnexpress