03 Mar, 2021
Cách thức phát triển bản thân từ trưởng nhóm thiết kế Facebook, bài học bổ ích cho giới trẻ hiện nay
Trong cuốn sách "Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba", Julie Zhuo - trưởng nhóm thiết kế Facebook, đã chỉ ra 3 cách thức giúp độc giả cách rèn luyện, phát triển bản thân.
Lãnh đạo tài ba trước hết phải giỏi quản trị chính mình. Trước khi lãnh đạo nhiều người khác, bạn nhất định phải quản lý được một người: chính mình.
Julie Zhuo - trưởng nhóm thiết kế Facebook, đã chỉ ra 3 cách thức giúp độc giả cách rèn luyện, phát triển bản thân.
01. Thật lòng với chính mình
"Thật lòng với chính mình" là sẵn sàng đón nhận những bình luận của người khác lẫn tự mình đánh giá chính mình một cách chân thật nhất. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chẳng mấy ai sẵn sàng đón nhận lời bình không tích cực, chúng ta có khuynh hướng thích nghe lời khen nhiều hơn là tiếp thu những lời chỉ trích để thay đổi.
"Bước đầu tiên để hiểu được cách quản lý của bạn là hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình - những điều bạn có khả năng, thích làm, hoặc không", Julie Zhuo chia sẻ.
Nữ lãnh đạo nhóm thiết kế Facebook đã đưa ra 2 bước mà người đọc có thể vận dụng để đánh giá bản thân khách quan nhất.
Trước hết, bạn phải trả lời những câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mình, dù là tiêu cực hay tích cực, chẳng hạn như: 3 phẩm chất khiến bạn tự hào hay hổ thẹn nhất là gì, hay bạn nghĩ người khác mô tả bạn bằng những tính từ gì.
Sau đó, để chắc chắn rằng bạn không bị vướng vào hai tình trạng quá tự tin hoặc quá tự ti, thì bạn cần phải hỏi trực tiếp những người thân cận nhất. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy tổn thương khi nghe những lời nhận xét này, nhưng chấp nhận chúng và sẵn sàng thay đổi giúp bạn sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều.
Julie Zhuo cũng thừa nhận rằng, cô đã mất hàng năm trời mới có thể đón nhận những góp ý từ người khác về mình một cách thoải mái, và rõ ràng, những góp ý đó đã giúp cô đạt được thành công như ngày hôm nay.
02. Hiểu rõ những giới hạn của bản thân
"Sau ưu nhược điểm, phần tiếp theo của thấu hiểu bản thân là biết được bạn sẽ hoạt động tốt nhất ở môi trường nào và điều gì sẽ khiến bạn phản ứng tiêu cực. Điều này giúp bạn lên kế hoạch hằng ngày để đáp ứng được nhu cầu cá nhân", Julie Zhuo chia sẻ trong cuốn sách của mình.
Cụ thể, nữ tác giả nói rằng chúng ta phải học cách lắng nghe chính mình, để biết "môi trường lý tưởng" của bản thân: Lúc nào chúng ta làm việc hiệu quả nhất, và lúc nào chúng ta dễ nổi cáu, mất kiểm soát nhất. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng thiết lập những quy tắc, hoặc thói quen để cải thiện bản thân mình.
Chẳng hạn như Julie Zhuo sau nhiều năm quan sát chính mình, cô nhận ra bản thân là người làm việc dựa trên những kế hoạch, chứ không phải gặp chuyện gì giải quyết chuyện đó. Vậy nên, để phát huy được tố chất này, cô đã tự mình đặt ra quy tắc rằng mỗi buổi sáng, cô dành ra nửa tiếng để nghiên cứu và lên kế hoạch cho những nhiệm vụ cần phải giải quyết trong ngày. Hay Julie Zhuo biết mình sẽ "xù lông nhím" và có xu hướng gây hấn khi nhận thấy sự bất công. Do đó, cô đã rèn luyện bản thân mình phải lùi lại một bước và dành ra 5 phút để tịnh tâm lại vào những thời khắc ấy.
"Sẽ rất hữu ích nếu biết được điểm nhạy cảm của chính mình và của mọi người. Bởi lẽ chúng ta đều có trải nghiệm khác nhau, đồng nghiệp của bạn có thể không biết được hành động của họ ảnh hưởng như thế nào đến bạn và ngược lại", cô chia sẻ.
03. Biết cách tìm lại sự tự tin khi bạn ở dưới "vực thẳm"
Hãy nghĩ về một người nổi tiếng nào đó mà bạn vẫn hằng hâm mộ bấy lâu nay, sau đó tìm kiếm thông tin của họ trên Google với cú pháp [khó khăn của + tên người đó], chắc chắn bạn sẽ nhận được danh sách kết quả hiển thị một loạt câu chuyện về những biến động mà họ đã phải vượt qua trong cuộc đời. Đó chính là một lời nhắc nhở cho bạn rằng ai cũng từng phải ở dưới vực thẳm, và dĩ nhiên bạn không ngoại lệ.
"Bên trong vực thẳm, bạn cảm thấy rất cô đơn. Nghi ngờ là âm nhạc của bạn và sự sợ hãi là thức ăn của bạn. Bạn liên tục nghĩ lại về các quyết định của mình, tuyệt vọng tìm kiếm một cái gì vững chắc để bám víu. Tất cả những gì bạn muốn là có lại niềm tin – rằng bạn biết được phải đi về đâu và nên làm gì. Nhưng bạn không tìm được lối ra", Julie Zhuo đã kể lại cảm giác của mình vào những lần bị rơi xuống vực.
Nhiều năm về sau, khi trưởng thành hơn, đã vượt qua được nhiều vực thẳm khác, cô đã tự mình nhìn lại và nhận ra rằng cho dù mình là ai và con đường mình đang đi thế nào, thì cũng sẽ có ít nhất một lần mình cảm thấy cực kỳ tự ti. Điều này vô tình kéo bản thân rơi xuống những vực thẳm sâu hoắm và tối tăm. Julie Zhuo tin rằng hầu hết tất cả các lãnh đạo đều phải trải qua cảm giác này.
Trong "Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba", Julie Zhuo đã đưa cho bạn đọc 4 cách để giúp bạn luôn sẵn sàng đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống: Đầu tiên, đừng quá khắt khe với bản thân và luôn cảm thấy mình thật tệ, mà hãy nghĩ về những thành tích mà bạn đã đạt được trong quá khứ, lấy đó làm động lực. Thứ hai, sáng suốt khi nhìn nhận vấn đề, đừng để tâm trí và cảm xúc của mình bị chi phối bởi những việc không có thật hay những giả định "lỡ như"; Thứ ba, nhắm mắt lại, nghĩ đến nỗi sợ, và tưởng tượng ra viễn cảnh mình vượt qua nỗi sợ ấy, càng chi tiết càng tốt. Và cuối cùng là, thừa nhận sự khó khăn mình đang phải đối mặt và nhờ sự trợ giúp của người khác.
Bạn có thành công hay không, bước đầu phụ thuộc vào việc bạn có tự kiểm soát và quản lý bản thân tốt hay không. Hiểu được chính mình, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp, và cải thiện những điểm chưa tốt sẽ giúp bạn quản lý bản thân hiệu quả và trở thành một nhà lãnh đạo tài ba.
Ra mắt năm 2019, đến nay "Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba" luôn đứng đầu top những cuốn sách kinh doanh được bình chọn nhiều nhất của Amazon. Ấn phẩm liên tục được nhắc đến bởi CNBC, Forbes, Fast Company… trong danh sách những cuốn sách phải đọc về quản lý, lãnh đạo, kinh doanh.
- Theo soha.vn -