4 cuốn sách chính trị sau đây dành cho những ai tò mò về mối quan hệ 3 bên: Nga, Mỹ, châu Âu và cục diện chính trị quốc tế hiện tại.

  1. “Putin - Logic của quyền lực”

Được in từ năm 2015 với mục đích “góp một tiếng nói, một góc nhìn về nước Nga”, “Putin - Logic của quyền lực” sử dụng những tư liệu lịch sử và báo chí, cùng với sự quan sát và các cuộc phỏng vấn Putin của tác giả Hubert Seipel - một nhà báo và nhà làm phim tài liệu người Đức.

Cuốn sách dành phần lớn dung lượng cho mối quan hệ giữa Putin với liên minh châu Âu EU và Hoa Kỳ, dựa trên bối cảnh các sự kiện kinh tế, xã hội, chính trị nổi bật từ cuối thế kỷ 20 tới nay: khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998; chiến tranh Chechnya, chiến tranh Gruzia; bất đồng giữa Nga và Mỹ về xung đột Syria; đề nghị kết nạp các nước Ukraine, Gruzia… vào NATO, EU; và đặc biệt là cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014 (khi chính quyền thân Nga bị thay thế bởi chính quyền thân châu Âu).

Như cuốn sách trình bày, đối với Putin, chính sự kiện năm 2014 là “lằn ranh đỏ” mà châu Âu và Hoa Kỳ đã vượt qua. “Nhiều năm liên tục, ông (Putin) đã cảnh báo đừng coi thường lợi ích Nga”, tác giả viết, “Từ đầu nhiệm kỳ tổng thống năm 2000, ông (Putin) đã luôn nhắc tới lời hứa mà các nước phương Tây đưa ra sau khi Liên Xô tan rã: sẽ không có việc tiếp tục mở rộng NATO về phía đông”.

Dường như có một “danh sách tội lỗi của phương Tây” đã ăn sâu vào tâm trí Putin: EU và NATO mở rộng về phía biên giới Nga, nhiều nước thuộc Xô Viết cũ dần rời khỏi quỹ đạo Nga và muốn gia nhập EU, còn Hoa Kỳ thì không ngừng can thiệp trên diện rộng vào tất cả mọi vấn đề trên thế giới. 

Ngoài việc hiểu về nguồn cơn của những xung đột hiện tại, qua “Putin - Logic của quyền lực”, bạn đọc còn có thể biết về phần quá khứ xa xôi trước đây của Putin: thời tuổi thơ Xô Viết khó khăn và nghèo đói, 5 năm làm nhân viên tình báo trước khi được gọi về điện Kremlin - nơi ông chứng kiến sự tan rã của nhà nước và nhanh chóng học hỏi cách thức hoạt động của các cơ chế quyền lực trong kỷ nguyên Yeltsin hỗn loạn.

Trong sách, phần tính cách cá nhân của Putin cũng được khắc hoạ chủ yếu qua mảng màu chính trị: Ta biết rằng ông đặc biệt khó chịu với “những ngôn từ rườm rà”, “vẻ ưu việt về đạo đức” của Barack Obama; rằng Putin rất nhạy cảm với bất kỳ động thái ghẻ lạnh, qua mặt nào từ phương Tây; và thật hiếm hoi, một khoảnh khắc mềm yếu riêng tư của Putin trong sách, là khi ông khóc đưa tang người thầy dạy thể thao cho mình thời niên thiếu…

  1. “Miền đất hứa”

Cuộc đời của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt là quá trình tranh cử tổng thống và 2 năm đầu tại vị trong Nhà Trắng, được tái hiện đầy đủ và chi tiết trong tự truyện “Miền đất hứa”.

So với “Putin - Logic của quyền lực”, “Miền đất hứa” rõ ràng đã bộc bạch thoải mái hơn về nhân vật chính của nó. Sách thấm đẫm những suy nghĩ và cảm xúc của Obama, khía cạnh cá nhân và chính trị của ông chiếm dung lượng tương đương nhau, đôi khi còn đan quyện vào nhau.

Dưới góc nhìn của Obama, các sự kiện quốc tế nóng bỏng hiện lên hoàn toàn rất khác so với Putin. Chẳng hạn, nếu Putin cho rằng Hoa Kỳ tự xem mình quá đặc biệt khi can thiệp chuyện nội bộ các nước khác (như Ukraine, Syria, Afghanistan); Obama lại một lòng tin tưởng vai trò của nước Mỹ với phần còn lại của nhân loại trong việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền (dù đồng nghĩa với việc trực tiếp hay gián tiếp can thiệp chính trị và quân sự).

Hoặc, trong khi Putin xem các tổ chức nhân quyền của Mỹ tại nhiều quốc gia là sự núp bóng của tình báo, Obama lại xem chúng như những động lực giữ gìn dân chủ cho nền văn minh. Ta thấy rõ sự xa cách giữa Obama và Putin, hay những nguội lạnh trong mối quan hệ Nga - Mỹ, đã âm thầm “châm dầu vào lửa” cho khủng hoảng Ukraine hiện nay ra sao.

Bên cạnh những tiết lộ chính trị hấp dẫn, “Miền đất hứa” thường được khen ngợi bởi những đoạn mô tả sống động của Obama dành cho các nhân vật chính trị nổi tiếng. Phần kể về Putin chắc chắn không phải là ngoại lệ. “Putin gợi cho tôi liên tưởng tới kiểu người từng một thời điều hành guồng máy Chicago…”, cựu tổng thống Mỹ viết, “những người cố chấp, khôn lanh kiểu thị dân và chai cứng chỉ biết điều mà họ biết, không bao giờ bước ra khỏi trải nghiệm hạn hẹp của mình”.

  1. “Cách của người Đức”

“Cách của người Đức” là cuốn sách giúp ta hiểu về “nhà lãnh đạo”, “kẻ ngồi chiếu trên” của châu Âu trong nhiều năm qua.

Được viết bởi Paul Lever, đại sứ Anh tại Đức (giai đoạn 1997 - 2003), người có quan hệ lâu năm và thân thiết với nước Đức, “Cách của người Đức” trình bày rất dễ hiểu về kinh tế, ngoại giao, quân sự, vấn đề nhập cư, cũng như một phần lịch sử Đức.

Cuốn sách sắc sảo và giàu chi tiết này còn giúp người đọc hiểu về sức ảnh hưởng của Đức đối với EU, mối quan hệ Mỹ - Đức, chiến lược của Đức và EU với các nước láng giềng và các vấn đề quốc tế lớn trong những năm gần đây (cuộc xâm chiếm Iraq, ném bom Libya, khủng hoảng Ukraine…).

Chẳng hạn, tác giả viết: “Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chính Đức là nước dẫn đầu quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị: cả ngay sau các cuộc biểu tình ở Kiev năm 2012 lẫn khi đương đầu chiến sự bùng nổ ở miền đông Ukraine vào năm 2014 và 2015”.

Vai trò dẫn dắt của bà Angela Merkel là không thể nghi ngờ: “Bà dành nhiều thời gian điện đàm với cả Tổng thống Putin lẫn Tổng thống Obama hơn bất cứ nhà lãnh đạo thế giới nào khác. Bà đã trả lời cho câu hỏi được cho là của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: ‘Tôi sẽ gọi điện cho ai nếu tôi muốn nói chuyện với châu Âu?’”.

Và giờ đây, sau khi bà Angela Merkel từ giã chính trường, ai là người tiếp theo đủ khả năng kết nối châu Âu, cân bằng mối quan hệ với Nga và Mỹ? Cùng với câu hỏi khó này, tương lai EU cũng trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

  1. “Cách mạng”

“Cách mạng” được coi như cương lĩnh tranh cử vị trí tổng thống Pháp của Emmanuel Macron năm 2016 (năm đó, Macron đã chiến thắng, và mới đây, ông lại vừa tái đắc cử). Trong “Cách mạng”, vị chính trị gia suy tư về những vấn đề của đất nước: suy thoái kinh tế, bất bình đẳng giàu nghèo, bộ máy công quyền cồng kềnh và quan liêu, những xáo trộn mà công nghệ và toàn cầu hoá tạo nên cho thị trường việc làm…

Macron cũng bày tỏ lo ngại về hoà bình ở châu Âu: “Lời hứa về hoà bình bị suy yếu”, ông viết, “Để đối mặt với những nguy cơ trong các khu vực láng giềng, kể cả những điểm nóng hoặc những bất ổn liên quan đến Nga và Hoa Kỳ, chúng ta phải xây dựng một chế độ an ninh chung cho mình một cách độc lập hơn”. 5 năm sau, những lời tiên tri của ông đã hiển hiện trong thực tại.

Nhưng phải lưu ý rằng, 5 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, tức sau khi cuốn sách ra đời và thành công vang dội trên mặt trận xuất bản, thì mặt trận chính trị của Macron đã không thu về những hào quang tương tự. Ông chật vật với “phong trào áo vàng” chống chính phủ cuối năm 2018, đại dịch Covid-19 năm 2020, sự chia rẽ giữa tầng lớp giàu có với tầng lớp lao động…

Thậm chí, trong chuyến thăm ngay sau khi tái đắc cử năm 2022, Macron còn bị người dân ném cà chua vào người. Người từng tha thiết nêu quyền lợi của tầng lớp lao động, nay lại bị cáo buộc “xa cách”, “thượng lưu”, không hiểu gì về thiếu thốn của dân chúng. Nhìn vào những điều đó và đọc lại “Cách mạng”, bạn đọc sẽ không tránh khỏi cảm giác oái ăm, rằng lời nói của chính trị gia và hiện thực có thể trái ngược hoàn toàn ra sao.

Vì lẽ đó, “Cách mạng”, cũng như tất cả cuốn sách khác - dù về Putin, Obama hay bất cứ vị chính trị gia nào đi nữa - chỉ nên được đón nhận như những nguồn tham khảo, “những phiên bản khác nhau của sự thật”. Và tất yếu, chúng ta, những độc giả ham mê sự thật, bắt buộc phải lắng nghe nhiều chiều và đọc chúng trong sự hoài nghi không suy suyển.        

                                          

Hà Thanh (Dân Trí)