07 Jan, 2019
Ba quyết định sẽ chi phối vận mệnh con người: Câu chuyện vươn tới thành công của nhà sáng lập hãng xe Honda
Làm chủ được 3 quyết định chi phối vận mệnh của con người là một chìa khóa quan trọng để chinh phục thành công và câu chuyện về nhà sáng lập hãng xe Honda là một minh chứng có thật.
Soichiro Honda, nhà sáng lập tập đoàn Honda.
Theo Anthony Robbins, tác giả của cuốn “Đánh thức con người phi thường trong bạn”, đồng thời là một diễn giả nổi tiếng thế giới, trên thực tế, có ba quyết định sẽ chi phối vận mệnh con người. Ba quyết định này xác định bạn sẽ lưu tâm đến điều gì, bạn sẽ cảm thấy thế nào, bạn sẽ làm gì, sẽ đóng góp những gì, và sẽ trở thành con người như thế nào. Không làm chủ được ba quyết định này nghĩa là bạn không kiểm soát được cuộc đời mình. Còn khi đã thực sự điều khiển được chúng, bạn bắt đầu tạo ra những trải nghiệm như ý muốn.
Ba quyết định chi phối vận mệnh của bạn là xác định những điều cần quan tâm; xác định những điều có ý nghĩa quan trọng đối với bạn; xác định bạn sẽ làm gì để tạo ra kết quả như mong muốn.
Rất nhiều người đưa ra những quyết định rất hời hợt, đặc biệt là ba quyết định cốt lõi này. Vì thế khi đụng chuyện, họ phải trả giá rất đắt.
Thành công thực ra là kết quả của việc phán đoán tốt; phán đoán tốt là kết quả của kinh nghiệm; và kinh nghiệm thường là kết quả của những phán đoán sai lầm. Đôi khi những trải nghiệm tưởng chừng như đau thương hay tệ hại đó lại là những trải nghiệm quan trọng. Vì khi thành công, người ta có khuynh hướng hả hê với chiến thắng và cho đến khi thất bại, họ mới bắt đầu suy nghĩ cân nhắc, tự điều chỉnh để thay đổi theo hướng tốt hơn.
Kinh nghiệm cá nhân quả là quan trọng, nhưng sẽ quý giá biết bao nếu ta học hỏi được kinh nghiệm vượt qua “ghềnh thác” cuộc đời của những người đi trước. Điều này giúp ta tránh được nhiều khổ ải và va vấp.
Một trong những minh chứng về thành công là câu chuyện của ngài Soichiro Honda, nhà sáng lập tập đoàn Honda. Giống như mọi công ty khác, không quan trọng là nó lớn nhỏ thế nào, tập đoàn Honda cũng bắt đầu bằng một quyết định và một khao khát cháy bỏng.
Cụ thể, vào năm 1938, khi còn đi học, Honda dồn tất cả mọi thứ mình có để đầu tư xây dựng một phân xưởng nhỏ, bắt đầu phát triển ý tưởng về vòng găng piston. Với ý định sẽ bán sản phẩm này cho tập đoàn Toyota, vì vậy mà ông làm việc cật lực ngày đêm, hai tay bám đầy dầu máy lên đến tận khuỷu tay, ngủ ngay trong xưởng chế tạo và luôn vững tin là việc mình làm sẽ có kết quả. Thậm chí ông cầm cố cả trang sức của vợ để có tiền theo đuổi mục tiêu. Nhưng cuối cùng khi ông hoàn thành bạc piston và giới thiệu cho hãng Toyota, họ lại bảo rằng sản phẩm ấy không phù hợp với tiêu chuẩn của họ.
Vượt qua thử thách, kiên quyết tìm lối thoát
Trở lại trường học thêm hai năm nữa, ở đó ông phải hứng chịu lời cười cợt chế giễu từ các giáo viên và các bạn sinh viên. Họ oang oang rằng ý tưởng của ông mới ngớ ngẩn làm sao. Nhưng thay vì chăm chắm vào kinh nghiệm đau thương đó, ông quyết định tiếp tục tập trung vào mục tiêu của mình.
Sau hai năm, Toyota đã chấp nhận hợp đồng mà Honda từng mơ ước. Sự say mê và lòng tin đã được đền đáp bởi vì ông biết mình muốn gì, sẵn sàng bắt tay thực hiện, nhận ra điều gì hiệu quả và không ngừng thay đổi phương thức hành động cho đến khi có được điều mong muốn. Nhưng một vấn đề mới phát sinh.
Chính phủ Nhật lúc bấy giờ đang chuẩn bị cho chiến tranh nên đã từ chối bán cho ông vật liệu để xây dựng nhà máy. Ông bỏ cuộc ư? Ông để tâm suy nghĩ đến sự bất công? Ông thấy ước mơ của mình tan theo mây khói? Hoàn toàn không. Một lần nữa, ông quyết định tận dụng kinh nghiệm và phát triển theo một chiến lược khác. Ông và những người bạn kề vai sát cánh của mình nghĩ ra một quy trình sản xuất bê tông riêng để có thể tiến hành xây dựng nhà xưởng.
Trong thời kỳ chiến tranh, xưởng của ông bị trúng bom hai lần khiến phần lớn thiết bị sản xuất bị phá hủy. Vậy Honda đã xoay xở thế nào?
Ngay lập tức ông tập hợp thành viên, thâu lượm những thùng dầu xăng mà quân đội Mỹ vứt bỏ. Ông gọi những thứ này là “món quà từ Tổng thống Truman”, bởi vì chúng cung cấp cho ông nguyên liệu thô cần thiết cho quy trình sản xuất. Đây là những vật liệu không thể tìm ra ở Nhật lúc bấy giờ. Sau khi đã tồn tại qua tất cả những biến cố đó, một cơn động đất lại san bằng toàn bộ nhà máy của ông. Honda quyết định bán quy trình sản xuất vòng găng piston cho Toyota.
Sau chiến tranh, nước Nhật bị thiếu nhiên liệu trầm trọng, và ông Honda thậm chí không thể lái xe hơi đi mua thực phẩm cho gia đình. Trong hoàn cảnh bí bách ấy, ông đành gắn chiếc mô tơ nhỏ vào chiếc xe đạp của mình. Sau đó hàng xóm của ông cũng đề nghị ông làm cho họ chiếc “xe đạp có mô tơ”, cho đến khi ông không còn chiếc mô tơ nào nữa. Ông quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mô tơ, nhưng thật không may là ông lại không có vốn.
Cũng như bao lần trước, ông kiên quyết tìm lối thoát. Giải pháp của ông là viết thư cho 18.000 chủ cửa hàng xe đạp trong toàn quốc để yêu cầu góp vốn. Ông chỉ cho họ thấy họ giữ vai trò như thế nào trong việc giúp nước Nhật hồi sinh, và đã thuyết phục được 5.000 chủ cửa hàng cung cấp trước số vốn ông cần.
Ban đầu những chiếc xe gắn máy của ông quá to và kềnh càng. Ông liền điều chỉnh lại kích cỡ và cho xuất xưởng chiếc xe gắn máy mới, gọn nhẹ hơn. Những chiếc “Super Cub” ra đời đã mang đến thành công chóng vánh, đem về cho ông giải thưởng của Nhật Hoàng. Về sau, ông bắt đầu xuất khẩu xe gắn máy sang châu Âu và Mỹ, theo chân những chiếc xe hơi đã trở nên phổ biến trong thập niên bảy mươi.
Tập đoàn Honda ngày nay là một trong những hãng chế tạo xe hơi lớn nhất thế giới. Thành công này có được là nhờ vị “tiền nhân” Honda đã thấu hiểu sức mạnh của sự quyết định, và hành động đến cùng dẫu gặp bất cứ trở ngại nào.
Bạn thấy đấy, quyết định quả là có sức mạnh lớn lao và một khi quyết tâm kiên định, theo đuổi và nỗ lực không ngừng thì bạn sẽ gặt hái được thành công cho dù có phải trải qua nhiều chông gai, thử thách.
- Nội dung trích từ sách: Đánh thức con người phi thường trong bạn