07 Dec, 2019
3 cuốn sách Shark Hưng gợi ý các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nên đọc
Công nghệ đang làm thay đổi thế giới từng phút, từng giờ. Vì sao có những công ty công nghệ liên tục báo lỗ mà vẫn được rót hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư? Cơ hội nào để Việt Nam tạo nên những kỳ lân công nghệ trong thời gian tới? Mới đây, Shark Hưng đã chia sẻ 3 quyển sách hay, dành riêng cho những ai đang khởi nghiệp công nghệ trên Fanpage của mình. Bài viết đã nhận được hơn 1.400 likes và hàng trăm lượt chia sẻ sau một ngày.
Khởi nghiệp công nghệ là quá trình xây dựng những doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ mang tính đột phá. Đối với mô hình kinh doanh truyền thống, các công ty tập trung tạo ra lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên và lấy đó là thước đo cho hiệu quả hoạt động.
Trong khi đó, doanh nghiệp công nghệ lấy tốc độ tăng trưởng và thị phần làm tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Thời gian đầu, các doanh nghiệp này có thể hy sinh lợi nhuận nhưng trong tương lai, họ kỳ vọng sẽ tạo ra mức tăng trưởng lớn.
Vậy làm sao để khởi nghiệp thành công – tìm được mô hình kinh doanh tiềm năng, tìm được cách tăng trưởng và quản lý hiệu quả? Không cách nào hay hơn việc tìm hiểu mô hình kinh doanh, các mô thức quản lý của chính những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Apple… và lắng nghe lời khuyên khởi nghiệp từ chính nhà sáng lập của những doanh nghiệp này.
Dưới đây là thông tin về 3 cuốn sách hữu ích như vậy được Shark Hưng chia sẻ:
1. Tứ đại quyền lực
"Tứ đại quyền lực" là tác phẩm đề cập trực diện việc kinh doanh từ ý tưởng, đường lối, chiến lược… của Amazon, Apple, Facebook và Google - bốn doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay.
Đây là cuốn sách được viết bởi Scott Galloway - giáo sư tại khoa Kinh doanh Stern thuộc đại học New York. Scott Galloway từng lọt vào danh sách "50 Giáo sư Kinh doanh Xuất sắc nhất thế giới". Đây là một cuốn sách đáng đọc và đã được dịch sang 22 thứ tiếng, nằm trong danh sách bestseller của cả New York Times và USATODAY.
Trong cuốn sách này, GS.Scott Galloway ghi nhận thành công và hành trình thành công của những tên tuổi đình đám nhất trong giới công nghệ.
Những con số, những phép so sánh mà tác giả mang đến cho người đọc khả năng hình dung các "ông lớn" này đang lớn đến mức nào. Đi sâu vào chiến lược kinh doanh của bốn cái tên hàng đầu, Scott Galloway cũng đồng thời lý giải từng quyết định, từng thương vụ lớn mà những doanh nghiệp này đã thực hiện.
Điều khiến tác phẩm của Scott Galloway cực kỳ hấp dẫn là ông không kiêng dè khi chứng minh, hiểu biết của cả thế giới về bốn cái tên quyền lực kia gần như đều… sai bét. Thoát khỏi làn khói thần bí vây quanh "bộ tứ quyền lực", ông thẳng tay lột phăng chiếc "mặt nạ dát vàng" của bộ tứ quyền lực để mổ xẻ chiến lược và năng lực thao túng siêu phàm của họ, từ đó giúp độc giả học hỏi và áp dụng những kỹ thuật đó vào sự nghiệp của chính mình.
2. Làm điều quan trọng
"Làm điều quan trọng" được viết bởi John Doerr. Ông là nhà đầu tư mạo hiểm danh tiếng – nhà đầu tư và thành viên hội đồng quản trị của cả Google lẫn Amazon ngay từ những giai đoạn đầu.
Trong cuốn sách "Làm điều quan trọng", tác giả John Doerr giới thiệu về phương pháp quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt OKRs. Đây là phương pháp được nghiên cứu, sáng tạo bởi Andy Grove - phó chủ tịch của Intel.
John Doerr đã giới thiệu phương pháp này cho những nhà sáng lập Google trong những ngày đầu khởi nghiệp. Larry Page đồng sáng lập Google chia sẻ: "Phương pháp quản trị OKRs đã giúp chúng tôi đạt đến những cuộc tăng trưởng "gấp 10 lần", nhiều lần như vậy trong suốt 19 năm qua. OKRs đã giúp Google thực hiện sứ mệnh vô cùng táo bạo, điên rồ – "sắp xếp lại thông tin cho cả thế giới". OKRs đã giữ cho tôi và Google đúng hẹn và đúng hướng khi chúng tôi chọn ra được "Cái gì là quan trọng nhất". Tôi muốn tất cả mọi người cùng hiểu OKRs như chúng tôi đã hiểu".
Ngày nay, OKRs đã phổ biến và trở thành mô thức quản trị áp dụng bài bản tại rất nhiều công ty lớn nhỏ khác như Dropbox, Adobe, BMW... Ở ngôi thứ nhất, John Doerr đã tường thuật chi tiết những câu chuyện hậu trường của những công ty công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Google, Adobe, Intuit, Zume Technology..., và chính những chia sẻ của các nhà lãnh đạo cấp cao của từng công ty về cách họ đã áp dụng thành công hệ thống Thiết lập Mục tiêu và Kết quả then chốt (OKRs) ra sao.
3. Blitzscaling-Tăng trưởng thần tốc
20% công ty khởi nghiệp hiện nay đều thất bại ngay trong năm đầu tiên và tới năm thứ 5, con số thất bại lên tới 50%. Đa phần trong số đó đều có cùng một lý do thất bại đó là không có chiến lược phát triển công ty.
Do đó, Reid Hoffman cùng nhà tư vấn Chris Yeh đưa ra phương pháp có tên Blitzscaling, giúp các công ty có thể thực hiện chiến lược phát triển nhanh chóng, đón đầu thị trường nhưng phát triển lâu dài.
Chiến lược tăng trưởng thần tốc Blitzscaling được khuyến khích sử dụng trong các thị trường mà tăng trưởng chiếm thị phần là nhiệm vụ cốt tử, doanh nghiệp thường duy trì tốc độ phát triển nhanh và chấp nhận hi sinh sự hiệu quả trong một khoảng thời gian.
Ngoài việc được viết bởi nhà đồng sáng lập PayPal và LinkedIn, kiêm nhà đầu tư thiên thần cho Facebook (Reid Hoffman), quyển sách "Tăng trưởng Thần tốc" còn được đúc kết bằng lời tựa của Bill Gates và khuyến nghị nên đọc từ COO Facebook và CEO Airbnb.
"Tăng trưởng Thần tốc" là "cuốn cẩm nang" không thể thiếu với các doanh nghiệp trong thời hiện đại. Cuốn sách phù hợp với các start-up đang muốn tăng trưởng thị phần, các công ty đang cần mở rộng quy mô; các công ty công nghệ tân tiến (Paypal, Netflix, Tencent,...) và thậm chí các công ty sản xuất truyền thống như Zara...
Theo CafeBiz