28 Nov, 2018
10 Quan Điểm Giáo Dục Đúng Đắn Của Krishnamurti Trong Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống
Nelson Mandela từng phát biểu: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.
Câu danh ngôn nổi tiếng được trích trong quyển tiểu thuyết “Ethel Churchill” của nữ tác giả L.E. Landon cũng từng khẳng định: “Sự ngu dốt, hơn hẳn cả sự ở không, mới là mẹ của tất cả các thói xấu. Ðịnh mệnh của các thế hệ tương lai nằm ở nền giáo dục khôn ngoan, một nền giáo dục cần phải phổ cập để có thể có ích lợi”.
Những nhận định này đều cho thấy giáo dục chính là cái nôi của xã hội. Nếu muốn phát triển một đất nước, muốn thay đổi cả thế giới, việc đầu tiên chúng ta cần làm chính là nhìn lại nền giáo dục. Nền giáo dục hiện nay đang giúp chúng ta phát triển hay đi lùi? Vì sao ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản hay Mỹ vẫn tồn tại lỗ hỏng trong giáo dục?
10 quan điểm về giáo dục dưới đây của nhà tư tưởng nổi tiếng Krishnamurti được trích từ quyển sách Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống sẽ cho bạn cái nhìn trực diện vào thực trạng nền giáo dục hiện nay và kéo bạn ra khỏi những ảo mộng về một nền giáo dục “lý tưởng”.
Quan điểm 1: Giáo dục giúp ta hiểu cuộc sống
Cách thức nuôi nấng và giáo dục bấy lâu nay thường khiến ta e sợ mình sẽ khác biệt với những người xung quanh, e sợ mình sẽ hình thành những suy nghĩ trái với khuôn mẫu sẵn có của xã hội, nhồi nhét cho ta thái độ kính trọng giả dối trước uy quyền và truyền thống. Theo đà đó, tinh thần phản kháng và khả năng thấu hiểu cuộc sống của ta chẳng mấy chốc sẽ bị mài mòn.
Tính hiệu quả được truyền cảm hứng bởi tình yêu thương thì vĩ đại hơn tính hiệu quả xuất phát từ tham vọng. Nếu thiếu vắng tình yêu thương, thứ giúp ta hiểu biết toàn diện về cuộc sống, thì tính hiệu quả ấy sẽ nuôi dưỡng sự nhẫn tâm.
Nếu muốn tạo dựng nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó. Vì vậy, ta phải có năng lực tư duy trực diện và chân thật, không cố chấp. Hiểu cuộc sống là hiểu chính mình, đó vừa là khởi điểm vừa là đích đến của giáo dục.
Quan điểm 2: Giáo dục giúp ta hiểu bản thân
Tuân phục theo một khuôn mẫu nhất định sẽ cản trở chúng ta hiểu biết về chính mình. Việc nhấn mạnh vào những khác biệt và khuyến khích sự phát triển của nhiều kiểu phân loại rạch ròi đã dẫn đến vô vàn điều phức tạp và mâu thuẫn.
Tất cả chúng ta đều đã được đào tạo, thông qua giáo dục và môi trường sống, để tìm kiếm lợi ích và sự an toàn cho chính mình, cũng như tranh đấu vì bản thân. Điều đó dựng lên trong mỗi cá nhân những rào cản tâm lý khiến họ bị chia cắt và cách ly khỏi những người khác.
Mục đích của giáo dục không chỉ đơn thuần là sản sinh những học giả, kỹ thuật viên và những người đi săn việc, mà còn nhằm tạo ra những con người toàn diện, được giải thoát khỏi nỗi lo sợ. Chỉ khi có những con người như thế chúng ta mới mong có được nền hòa bình trường tồn. Giáo dục phải đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thỏa mãn việc tự khẳng định bản thân.
Quan điểm 3: Giáo dục không nên khiến ta bị lệ thuộc vào công nghệ, kỹ thuật
Giáo dục phải giúp ta tìm thấy những giá trị phổ quát vững bền để ta không còn lệ thuộc vào các công thức vô hồn hay lặp đi lặp lại các khẩu hiệu sáo rỗng.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện nay đang khiến chúng ta trở nên lệ thuộc vào máy móc. Máy móc tuy giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và sức lực nhưng đồng thời nó dần khiến ta mất tính nhạy bén và sáng tạo.
Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người. Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ.
Thế giới liên tục có những cỗ máy tự vận hành mà không cần người điều khiển, nhưng trong một cuộc sống được vận hành hầu như bằng những cỗ máy thì con người đóng vai trò gì trong đó?
Bộ sách của Krishnamurti: Giáo dục ý nghĩa cuộc sống - Bạn đang nghịch gì với đời mình? - Tự do vượt trên sự hiểu biết
Quan điểm 4: Giáo dục thúc đẩy sự hiểu biết về cái đang tồn tại
Khi chúng ta cùng dốc sức cho một lý tưởng, một tương lai hoàn hảo, chúng ta đang định hình các cá nhân theo quan niệm của ta về tương lai ấy, tức chúng ta không quan tâm đến con người, mà chỉ quan tâm đến ý tưởng họ nên là gì.
Giáo dục theo đúng nghĩa sẽ giúp chúng ta trưởng thành và tự do, phát triển trọn vẹn trong tình yêu và tình người, chứ không cố gắng định hình ta theo khuôn mẫu lý tưởng nào đó.
Bất cứ phương pháp nào dùng để phân loại đứa trẻ dựa theo tính cách và năng khiếu chỉ làm bật lên những khác biệt giữa chúng. Phương pháp ấy sẽ nuôi dưỡng sự đối kháng lẫn nhau, khuyến khích sự phân chia trong xã hội và không giúp phát triển con người toàn diện.
Quan điểm 5: Một chức năng khác của giáo dục là tạo ra những giá trị mới
Giáo dục có mối tương quan mật thiết với tình hình khủng hoảng của thế giới hiện nay, và nhà giáo dục nào nhìn thấu được nguyên nhân của sự hỗn loạn mang tính toàn cầu này ắt sẽ tự hỏi mình cần làm gì để đánh thức trí tuệ học sinh, từ đó giúp thế hệ sau không gây thêm bất kỳ xung đột hay thảm họa nào nữa. Nhưng để làm được điều này, nhà giáo dục trước tiên phải hiểu biết chính bản thân mình thay vì cậy vào các ý thức hệ, các hệ thống hay các đức tin.
Chính lối xem xét cái đang tồn tại mới làm thức tỉnh trí tuệ, và trí tuệ của nhà giáo dục còn quan trọng hơn kiến thức của họ về một phương pháp giáo dục tân tiến nào đó. Khi nhà giáo dục áp dụng một phương pháp, ngay cả khi nó được triển khai bởi một người thông minh và cẩn trọng, thì phương pháp ấy chỉ quan trọng khi nó tương thích với bọn trẻ.
Quá trình đo lường và phân loại những đứa trẻ, rồi sau đó tiến hành giáo dục trẻ theo một phương thức định sẵn nào đó sẽ tạo ra sự thuận tiện cho người thầy, nhưng sẽ không thể tạo ra một con người toàn diện.
Quan điểm 6: Người lớn nên thực sự nhìn vào bản chất đứa trẻ thay vì ép chúng vào khuôn mẫu
Nếu phụ huynh thực sự muốn hiểu con mình thì nên quan sát, tìm hiểu các khuynh hướng, tâm trạng, các nét cá tính của con, chứ không phải cố sức áp đặt lý tưởng hay tham vọng của mình vào con.
Nhà giáo dục thực thụ không để mình lệ thuộc một cách cứng nhắc vào phương pháp, mà sẽ sẵn lòng tìm hiểu, kiên nhẫn và dành tình yêu thương cho từng học sinh. Bởi đối tượng mà nhà giáo dục tiếp xúc là những con người sống động, hay thay đổi, nhạy cảm, e ngại, dễ xúc động, chứ không phải là những thiết bị máy móc có thể được sửa chữa nhanh chóng.
Ta có thể bảo vệ về mặt thể chất khi các em còn nhỏ nhưng không nên có ý định hình cảm nhận và suy nghĩ của các em, hay nhào nặn các em theo những khao khát và ý định riêng của ta.
Đừng tìm cách hiện thực hóa chính mình nơi trẻ vì như vậy là chúng ta đang khuôn đặt các em bằng các đức tin và ý thức hệ, bằng nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta. Những trải nghiệm như thế không mang lại sự tự do, trái lại chỉ gây cho trẻ đau khổ.
Vì thế nhiệm vụ của cha mẹ và các nhà giáo dục là thông qua cách suy nghĩ và ứng xử của mình, giúp đứa trẻ trở thành người tự do, được phát triển trong tình yêu thương và sự tử tế.
Quan điểm 7: Ép buộc là mầm mống của sự chống đối và sợ hãi
Giáo dục kiểu cưỡng ép không giúp ta thấu hiểu trẻ, cũng chẳng giúp trẻ hiểu biết bản chất cuộc sống. Kỷ luật chỉ xây lên những bức tường bao quanh trẻ và luôn dẫn đến xung đột. Chỉ có tình yêu thương ta dành cho trẻ mới mang đến phương hướng giáo dục đúng đắn.
Sự hợp tác giữa thầy và trò không thể nảy nở nếu thiếu vắng tình thương và sự tôn trọng dành cho nhau. Giáo dục lòng tôn trọng đối với người khác là một phần quan trọng trong nền giáo dục đúng đắn, nhưng nếu bản thân nhà giáo dục không có phẩm chất này, họ không thể giúp học trò của mình tạo dựng cuộc sống toàn diện.
Nếu muốn giúp đứa trẻ biết quan tâm đến người khác, đừng dùng tình yêu thương như món quà hối lộ, vì khi ấy trẻ chỉ quan tâm đến phần thưởng chứ không thật tâm có lòng tôn trọng, thay vào đó, hãy dành thời gian và lòng kiên nhẫn giải thích cho trẻ các cách thức quan tâm đến người khác. Loại hình giáo dục đúng đắn sẽ khuyến khích óc tư duy và sự quan tâm tới người khác một cách tự nhiên mà không cần lôi kéo hay dọa dẫm.
Quan điểm 8: Trong việc giáo dục trẻ, minh kiến sâu sắc và sự thông hiểu là cần thiết
Tôn giáo được xây dựng trên nền tảng đức tin. Mọi tôn giáo ra đời đều với mục đích hướng con người tin vào Thượng đế và những điều tốt đẹp, nhưng nếu suy xét kỹ, bạn sẽ nhận ra tôn giáo cũng đang định đặt chúng ta vào một khuôn mẫu sẵn có.
Chúng ta thường cố gây ảnh hưởng lên trẻ, bắt chúng phải chấp nhận hình thức tôn giáo và nhập tâm ý thức hệ mà ta đã chọn nhưng thực ra giáo dục tôn giáo đích thực là phải giúp trẻ nhận thức sáng suốt về chính mình, biết phân định rõ đâu là cái giả tạm và đâu là sự thật, và biết tiếp cận cuộc sống một cách vô vị lợi.
Quan điểm 9: Một đứa trẻ biết đặt câu hỏi là một niềm hy vọng cho hòa bình thế giới
Hầu hết trẻ nhỏ đều có tính hiếu kỳ, chúng tò mò muốn biết về mọi sự nhưng sự háo hức truy vấn của chúng lại bị dập tắt bởi những lời khẳng định hoặc sự thiếu kiên nhẫn của người lớn. Chúng ta không khuyến khích trẻ truy vấn, vì chúng ta khá e dè với việc bị chất vấn. Chúng ta không cổ vũ cho việc bày tỏ thái độ không thỏa nguyện của trẻ, vì chính chúng ta đã mất dần đi khả năng tìm hiểu mọi sự.
Chỉ khi trẻ biết đặt câu hỏi về mọi điều đang tồn tại trong xã hội thì nhà giáo dục và cha mẹ mới có hy vọng đánh thức và duy trì ý thức phản biện và năng lực nhận thức ở trẻ.
Đừng để uy quyền khống chế trí óc và con tim mình. Đi theo một người khác, dù họ vĩ đại đến đâu, hay trung thành mù quáng với một ý thức hệ, sẽ chẳng hề mang lại một thế giới hòa bình.
Quan điểm 10: Muốn giáo dục con trẻ, trước hết hãy giáo dục bản thân
Nếu các bậc cha mẹ có thái độ nghiêm túc và thực sự muốn con trẻ phát triển với năng lực toàn diện nhất, họ phải bắt đầu thay đổi cách ảnh hưởng của gia đình và góp phần lập ra các trường học với những người thầy đích thực.
Nền giáo dục đúng đắn khởi đầu với sự chuyển hóa của bản thân. Chúng ta phải giáo dục chính mình - học trở thành người có lòng trắc ẩn, biết bằng lòng với cái tối thiểu và tìm kiếm cái tối cao - thì mới có thể góp phần xây dựng nên những con người toàn diện.
Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ. Trí tuệ không phải là năng lực tích trữ thông tin mà nó là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại. Nhưng xã hội của chúng ta hiện nay lại biến các kỳ thi và bằng cấp trở thành tiêu chuẩn của trí tuệ và vấn đề từ đó phát sinh.
Chúng ta không có được những con người toàn diện mang trong mình kiến thức cùng trái tim đầy yêu thương mà chúng ta chỉ tạo ra những cá nhân với đầu óc ranh mãnh luôn né tránh những vấn đề sống còn của con người.
Chỉ khi ta có cái nhìn đúng đắn về chức năng của giáo dục, nền giáo dục mới thực sự có hy vọng thay đổi, con em chúng ta mới có hy vọng nhận được sự giáo dục đúng đắn và thế giới mới thực sự có hy vọng được hòa bình.