Muôn trùng khó khăn
Tôi lớn lên, quen dần với bóng tối, nên chẳng còn thấy sợ nữa. Thế là cứ yên tâm với cách người ta gọi mình là trẻ khiếm thị. Thế giới của tôi là bóng đêm, và bóng đêm ấy thỉnh thoảng bị xé toạc ra bằng mấy tiếng guitar... Nếu phải ở trong bóng tối suốt đời và chẳng thể thay đổi được nó, tôi chọn bóng tối là bầu bạn. Vì chỉ khi đó, trí tưởng tượng của tôi bay lên, thăng hoa và rực rỡ.
Người khiếm thị không có đôi tai thính hơn người thường đâu. Bằng chứng là rất nhiều người khiếm thị không chơi nhạc được. Khi đam mê đủ lớn, bất kỳ ai cũng có thể thành công. Tôi chỉ là một người nhìn thấy cuộc sống bằng âm thanh, chưa một lần biết cái lung linh, huyền diệu của nắng. Tôi đã nhắm mắt nhìn nắng bằng sự khát khao cháy bỏng của trái tim luôn hướng về ánh sáng, hướng về mặt trời.
Thật ra, mong mỏi ban đầu của tôi là vào Sài Gòn, nhưng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh không tuyển học sinh khiếm thị. Tôi ấm ức vì biết người ta cần những nghệ sĩ "toàn vẹn" về ngoại hình chứ không phải một thí sinh khiếm thị như tôi. Nhận tin Nhạc viện Hà Nội tuyển sinh, tôi như sắp chết đuối vớ được phao...
Những ai từng trải qua mùa đông Hà Nội mới cảm nhận được hết cái khắc nghiệt của thời tiết miền Bắc. Rét cắt da cắt thịt vào mỗi buổi sáng. Nước lạnh đến mức như dao lam cứa đứt nướu khi đánh răng. Thảm não nhất là những sáng run cầm cập vì cơn sốt, nhưng nghĩ tới một trăm nghìn đồng, tôi vẫn bám chặt người vào chú xe ôm để đi hát. Rồi mẹ Vi kiếm được vài tụ điểm hát ban đêm cho tôi. Lúc đó chẳng ai biết Hà Chương là ai nên thù lao trả cho ca sĩ vô danh bèo nhèo hết biết. Có khi trả xong cuốc xe ôm đến tụ điểm xa, tôi còn lại số tiền vừa đủ cho hai đĩa cơm vỉa hè. Đã vậy, một số bầu show ngoài Bắc còn tìm cách ép tiền ca sĩ, hoặc đỉnh điểm là quỵt luôn cát xê.
Nhưng có lẽ nỗi cay đắng khi cất tiếng hát giữa đêm đông giá lạnh trong sự hờ hững của người nghe khó bì được với những nghiệt oan khác mà người khiếm thị phải gánh chịu. Những bạn bè khiếm thị của tôi chỉ có thể hát tụ điểm, hát ở chùa, hát trường học, còn các sự kiện như đám cưới, khánh thành tòa nhà, công ty... là điều không thể. Người ta sợ người mù đi hát sẽ gây xui xẻo.
Không ít lần tôi nổi đóa đến muốn phát điên khi nghe cậu bạn Đinh Quang Vũ, người thổi sáo chầu văn xuất sắc của Hà Nội, nghẹn ngào vì người ta không cho biểu diễn. Họ ném vào thân phận đui mù của Vũ bằng hàng loạt từ xua đuổi nghiệt ngã khi thấy Vũ mò mẫm lên sân khấu. "... chúng nó thấy em mù là đuổi ngay", Vũ khóc trong tiếng chửi thề.
Tới năm thứ hai, các nguồn tài trợ không còn, không phải do kinh tế khó khăn, mà tôi thật sự muốn tự lập. Tôi đã ngoài hai mươi tuổi và quyết tâm nuôi dưỡng lòng tự trọng để tình cảm với những người yêu thương mình được vững bền. Không còn nhận tiền hảo tâm, tôi lâm vào khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Cuộc sống Hà Nội ồn ã, vội vàng và có phần kiểu cách làm tôi chới với. Tôi lân la xin vào các chùa hát phục vụ Phật tử kiếm cơm chay qua bữa. Còn mẹ Tường Vi chạy đôn chạy đáo tìm các trường cấp ba có hợp đồng biểu diễn văn nghệ. Ngày ấy, các trường ở Hà Nội thường thu quỹ học sinh để mời người thuộc trung tâm Nghệ thuật Tình thương về hát vào mỗi sáng thứ hai, trước buổi chào cờ. Gọi là thù lao cho sang, thật ra mỗi buổi hát sáng thứ hai, tôi cũng chỉ nhận được khoản tiền một trăm nghìn đồng. Số tiền này tôi đã phải chi hơn một nửa cho hai vòng xe ôm đến nơi biểu diễn và về nhạc viện để kịp buổi học.
Khi học bổng ở Nhạc viện chỉ đủ ăn mỳ gói cầm hơi, cô bạn gái người Quảng Nam cũng đã trở về quê để lấy chồng. Trong tình cảnh đó, tôi còn chứng kiến các bạn học không có show diễn, tiền gia đình gửi lên chậm nên phải nợ tiền cơm căn tin. Có bạn nợ nhiều quá, căn tin không bán cơm cho nữa. Tình cảnh đó đã gieo vào lòng tôi nhiều nỗi xót xa. Anh em trong phòng vốn đã thiếu thốn, nay lại càng thêm chật vật ở đất Hà Nội.
Một lần, cay đắng vì thiếu trước hụt sau, trước nhu cầu tối thiểu của cái ăn, tôi ngậm ngùi đem cây đàn guitar theo mình suốt nhiều năm ra tiệm đàn bán lại. Ai chưa từng ở trong cái đói, sẽ không hiểu giá trị của thức ăn thiết yếu hơn những tiếng đàn. Cắn miếng thịt kho, nuốt miếng cơm, tôi cúi đầu giấu đi những giọt nước mắt mặn chát đang leo theo đôi đũa lần xuống chén.
Người khiếm thị gặp nhiều bất lợi và khó theo chương trình học hơn các bạn sáng mắt, nhưng tôi tự nhủ, làm người không được nản chí, không được sợ thất bại. Có như vậy mới vượt qua được khó khăn, thử thách, mới dám đứng lên làm lại khi bị cuộc đời xô ngã. Hơn một người sống trong bóng tối, tôi là một người đàn ông và chẳng còn cách nào khác là phải trưởng thành.
Người sáng mắt nhìn đời bằng đôi mắt, còn người khiếm thị chúng tôi bước vào đời bằng nghị lực và niềm đam mê. Tôi "nhìn" đời bằng đôi tai và trái tim của người nghệ sĩ. Tôi luôn cố gắng để mọi người biết rằng tôi cũng yêu đời, yêu cuộc sống chẳng thua kém gì mọi người...
- Theo VnExpress -