10 Sep, 2019
Thất bại của quốc gia
Công nghệ của cửa hàng bao gồm các cảm biến, máy quay, chụp ảnh, và phần mềm trí tuệ nhân tạo - đã được dùng trong xe tự lái và cơ xưởng tự động hoá. Các cảm biến của cửa hàng phát hiện thứ tôi đã chọn, máy quay nhận diện tôi là khách hàng, và tích hợp vào ứng dụng Amazon Go mà tôi đã cài đặt vài ngày trước trên điện thoại di động.
Tôi bước vào trong cửa hàng Amazon Go, nơi không có nhân viên thu ngân, lấy vài mặt hàng: hai cuốn sách và cái bánh sandwich, rồi bước ra. Mọi thứ tôi mua sẽ được làm hoá đơn cho tài khoản Amazon của tôi.
Công nghệ của cửa hàng bao gồm các cảm biến, máy quay, chụp ảnh, và phần mềm trí tuệ nhân tạo - đã được dùng trong xe tự lái và cơ xưởng tự động hoá. Các cảm biến của cửa hàng phát hiện thứ tôi đã chọn, máy quay nhận diện tôi là khách hàng, và tích hợp vào ứng dụng Amazon Go mà tôi đã cài đặt vài ngày trước trên điện thoại di động. Việc bán hàng rất nhanh chóng và thuận tiện, hoàn toàn là kinh nghiệm thú vị vì không có thủ qũy để tôi trả tiền.
Trong thời gian ngắn ở đó, tôi chỉ thấy vài khách hàng như tôi, vào mua cái gì đó rồi bước ra. Chẳng bao lâu nữa kiểu cửa hàng này sẽ sẵn có trên khắp nước Mỹ và thậm chí khắp thế giới. Tôi nghĩ tới tất cả những người làm việc như thủ quỹ, người hỗ trợ trong các cửa hàng dù lớn hay nhỏ và tự hỏi họ có biết về điều này không? Cái gì sẽ xảy ra khi công nghệ tiếp quản kế sinh nhai của họ?
Năm ngoái, tôi đã tới thăm một cơ xưởng được tự động hoá đầy đủ ở Đức nơi các robots làm giầy và quần áo thể thao mà không có bóng dáng một người nào. Mọi thứ đều được điều khiển bởi máy tính có phần mềm trí tuệ nhân tạo. Người quản lý ở đó bảo tôi rằng trong vòng một năm, họ sẽ xây dựng nhiều cơ xưởng như thế trên khắp thế giới, họ không cần công nhân vì công nghệ đang ngày càng tốt hơn và "khôn" hơn.
Ông ấy giải thích: "Chính chi phí cho lao động làm cho giá thành cao, bằng việc đầu tư vào tự động hoá chúng tôi có thể làm tăng lợi nhuận và trong tương lai, tự động hoá sẽ là yếu tố then chốt trong mọi việc chế tạo". Tôi nghĩ về tất cả những người đang làm việc như công nhân lao động trong cơ xưởng giầy dép và quần áo ở các nước đang phát triển (như Việt Nam), và tự hỏi họ có biết về điều này không? Cái gì sẽ xảy ra cho họ khi công nghệ tiếp quản kế sinh nhai của họ?
Có nhiều xe hơi tự lái đang được kiểm thử trên nhiều thành phố lớn. Năm ngoái, tôi đã ngồi trên một chiếc xe tự lái đưa tôi từ đại học Carnegie Mellon tới sân bay trong giờ giao thông cao điểm với hàng trăm xe chạy trên đường cao tốc. Nó là kinh nghiệm kinh hoàng với tôi, nhưng mọi thứ đều tốt đẹp và không có tai nạn. Người quản lý công ty xe tự lái bảo tôi rằng trong vòng vài năm công nghệ này sẽ hoàn toàn phá huỷ ngành công nghiệp vận tải. Sẽ không cần người lái xe. Tôi nghĩ về tất cả những tài xế taxi hay xe tải ở các nước đang phát triển, và tự hỏi họ có biết điều này không?
Ngay cả với ai đó như tôi, người đã dành nhiều năm trong công nghiệp công nghệ và dạy các môn học về trí tuệ nhân tạo, học máy, và phân tích dữ liệu tại đại học, tôi vẫn bị ngạc nhiên về tốc độ thay đổi của công nghệ. Tôi nghĩ về tất cả những người, không chỉ công nhân lao động, mà còn cả công nhân văn phòng rằng những công nghệ này sẽ tác động và tự hỏi cái gì sẽ xảy ra trong mười, hai mươi năm tới.
Tôi biết rằng phần lớn mọi người quá bận rộn kiếm sống để chú ý tới những thay đổi này. Họ có thể không hiểu vì sao công nghệ có thể tác động lên việc làm của họ, tương lai của họ và con cái. Cho dù họ biết, họ sẽ cảm thấy bất lực vì không thể làm được gì. Nhưng, ai đó phải làm chứ?
Năm ngoái, tôi trình bày tại hội nghị giáo dục ở Malaysia về nhu cầu cải tiến hệ thống giáo dục. Tôi kết luận rằng, mọi ngành nghề, việc làm sẽ sớm đòi hỏi tri thức công nghệ nào đó. Đang có một nhu cầu khẩn thiết để thay đổi hệ thống giáo dục, từ tiểu học tới trung học và đại học để hội tụ vào việc tạo ra nhiều con người mới - có kỹ năng kỹ thuật mới. Mọi nước đều cần đào tạo lại nhân lực của họ để thay đổi việc làm và giáo dục kỹ thuật nên là ưu tiên hàng đầu.
Sau bài nói của tôi, tới Ts. Poonam, một diễn giả khác tại hội nghị, người đã tiến hành các khảo cứu về việc làm của thanh niên Ấn Độ. Cô nói: "Hiện thời chỉ không đầy 17% người tốt nghiệp đại học của Ấn Độ có được việc làm. Ấn Độ sẽ cần giáo dục quãng 100 triệu thanh niên trong mười năm tới, một thách thức chưa từng có trước đây đang được thực hiện trong lịch sử Ấn Độ". Và rằng Ấn Độ ít nhất sẽ cần xây dựng 1.000 đại học trong thời kỳ này, 117 triệu người cần được đào tạo về kỹ năng kỹ thuật để cho họ có thể làm việc trong những việc làm hiệu quả hơn. Không có điều đó, Ấn Độ sẽ không bao giờ bắt kịp các nước khác.
Sau bài trình bày, chúng tôi được yêu cầu tham gia vào nhóm thảo luận bao gồm năm nhà giáo dục. Tất cả năm người chúng tôi đều đồng ý tuyên bố rằng: "Giáo dục là nền tảng căn bản nhất cho việc là con người. Nó là nền tảng của đất nước và thế giới. Giáo dục cũng là việc để phòng thủ quốc gia tốt nhất. Nếu bạn không làm tốt trong giáo dục, quốc gia của bạn sẽ thất bại".
John Vũ
Giáo sư John Vũ tên thật là Vũ Văn Du, ông còn được nhiều người biết đến là dịch giả Nguyên Phong. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách vê văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiêu tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông. Trong số đó, có thể kể: Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trẽn sóng nước, Huyên thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Trở vê từ cõi sáng, Đường mây qua xứ tuyết,…
Theo VnExpress