05 Jan, 2023
‘Sài Gòn Một Thuở - Dân Ông Tạ Đó! Tập 2’ - Ký ức thân thương từng cung đường, ngõ hẻm với cả ngàn nhân vật, sự kiện đáng nhớ
Nếu “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 1 phác họa toàn cảnh về vùng đất và một số nhân vật đã, đang và từng sống nơi đây, thì với “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2, có lẽ bạn đọc sẽ phải sững sờ trước hình ảnh từng cung đường, lối ngõ, hẻm hóc… của một góc nhỏ Sài Gòn – Gia Định xưa, nơi mà khu vực trung tâm là ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ…
Ngàn câu chuyện của một thời Ông Tạ…
Trong ngõ Con Mắt, ngõ Cổng Bom, hẻm 158, hẻm Bác Sĩ Bảy…, trong cư xá Tự Do, cư xá Bắc Hải, cư xá Thoại Ngọc Hầu… và dọc các đường phố chính thẳng tắp lẫn bao nhiêu hẻm hóc… quanh co, chật chội của vùng đất ấy, tác giả Cù Mai Công – một người con Ông Tạ, sinh ra và lớn lên ở Ông Tạ - đã ghi nhận sống động, cụ thể từng ngôi nhà, cửa tiệm, từ tiệm vàng, nhà sách… đến sạp rau, gánh cháo, thúng xôi…
Có thể bạn sẽ khó tin khi chỉ trong tập sách, cả ngàn nhân vật, gia đình, cửa tiệm, hàng quán, sự kiện… nổi bật trong vùng có mặt với từng nét tính cách riêng của mình.
Đó là vô số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu… tài danh nổi tiếng cả nước. Không sao kể hết. Đó là các tác giả những nhạc phẩm hiện nay vẫn được hát vang cả nước mỗi mùa Giáng sinh, Phật đản lẫn Tết.
Đó là vị cựu thứ trưởng khiêm cung được bao nhiêu người Sài Gòn thương mến; là gia đình một doanh nghiệp tầm cỡ cả nước vẫn sống trên một con đường nhỏ hẹp vùng Ông Tạ; là chị Bính bán cháo nhân lành đầu hẻm Tư Lì; là cụ Phương làng Chiền luôn dạy con cháu “Ăn mặn, uống nước đỏ da – Nằm đất nằm cát, Đức Bà lại thương…”; thậm chí là tay trùm du đãng Sơn Đảo khét tiếng Sài Gòn – Gia Định xưa cứ sáng sáng ra trước nhà đánh cầu lông với cô con gái nhỏ…
Thật “kỳ lạ” khi ở vùng Ông Tạ, bao nhiêu năm nay, bà con Bắc – Trung – Nam, Công giáo – Phật giáo – đạo Mẫu, người giàu kẻ nghèo… vẫn sống bên nhau thuận hòa, kính trên nhường dưới, gọi dạ bảo vâng… với nhau. Một góc nét đẹp Sài Gòn – Gia Định xưa vẫn hiện rõ mồn một nơi đây và có lẽ đây là một vùng đất mà cư dân của mình yêu thương, gắn kết với nhau đến khó tin. Họ biết từng ngôi nhà, từng ngõ hẻm…của nhau. Dù còn ở đây hay đã chuyển nơi khác, định cư nước ngoài mấy chục năm rồi, họ vẫn đau đáu tìm lại nhau, chia sẻ bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn…
Có lẽ đây là tập sách “chưa từng có” khi hình ảnh bao nhiêu con người của cả một vùng đất lại được tác giả tả thực đến tỉ mỉ, như lần từ ngoài vô trong: “Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng – Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh…”.
Vùng đất nhỏ có nhiều người coi là “địa linh nhân kiệt” này không phải ngẫu nhiên: nằm gọn trong khu vực đại đồn Chí Hòa 1861 ba cây số vuông. Không phải ngẫu nhiên vị tướng Nguyễn Tri Phương chọn nơi đây để dựng đại đồn và sau này Ngã ba Ông Tạ ở ngay cổng chính đại đồn.
Gần một nửa văn nghệ sĩ nổi tiếng trước 1975 là “dân Ông Tạ đó”
Vùng Ông Tạ là nơi duy nhất mà đất đai , dân cư bao gồm cả ba khu vực Sài Gòn – Gia Định lẫn Chợ Lớn. Một vùng đất có giao thoa địa kinh tế, địa quân sự, địa chính trị, cực kỳ đặc biệt, “lạ lùng” của Sài Gòn – Gia Định - Chợ Lớn xưa. Vậy nên cũng dễ hiểu khi trước 1975, Ông Tạ được coi là “thủ phủ kinh tế” trù phú nhất trong hơn 300 khu định cư Bắc 54 toàn miền Nam; là nơi dày đặc các tướng tá, chính trị gia trước và sau 1975.
Sự giao thoa ấy cũng tạo ra một vùng địa văn hóa đồ sộ: gần một nửa văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam trước 1975 là “dân Ông Tạ đó” – trên một vùng đất mà khu trung tâm hiện nay là các phường 3, 5, 6, 7 và một phần phường 1, 2, 4 quận Tân Bình chỉ rộng trên dưới hai cây số vuông. Một tỉ lệ dày đặc hơn bất kỳ một vùng đất nào của Sài Gòn – Gia Định, thậm chí cả nước, trong một khu vực dân cư chen chúc từ khi mới thật sự hình thành cho đến tận hôm nay: gần 50.000 người/km2. Trước đó, nó chỉ là một vùng đất toàn đầm lầy, kinh rạch, gần 15 bãi tha ma, nghĩa địa của chiến trường đẫm máu, bi tráng đại đồn Chí Hòa năm xưa 1861; dân cư thưa thớt, không chợ búa, chùa chiền…
Cho đến khi mấy vạn bà con Bắc di cư 54 đến đây, Ông Tạ bùng lên mầm sống mãnh liệt. Những cư dân mới vừa gan góc giãi nắng dầm mưa, đầu trần chân đất khai phá, vừa yêu thương, chia sẻ với nhau đến tận cùng từ những ngày đầu mái lá, lều tranh, nền đất… cho đến tận hôm nay.
Đó cũng là “gánh nặng ngàn cân” với tác giả khi thực hiện tập sách.
Vùng Ông Tạ: một góc, một nếp văn hóa tươi đẹp của Sài Gòn – Gia Định xưa cần và phải được trân trọng, gìn giữ với bao con người vẫn còn đây: “Dân Ông Tạ đó!”.
Nếp văn hóa đó bùng lên mỗi dịp tết. Và chương đầu tiên trong tập sách, chính là “Tết ở Ông Tạ” với cả một trời đông vui, tấp nập.
Sách do Công ty First news – Trí Việt và Nhà xuất bản Tổng hợp thực hiện; gồm nhiều chương; dày 288 trang với bìa đẹp lộng lẫy, nhiều hình ảnh minh họa.
Trước đó, với tập 1, dù chỉ phác họa sơ nét, tập sách nhỏ chỉ 174 trang này đã khiến nhiều bạn đọc trong và ngoài nước bất ngờ. Trên dưới 30 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước đã giới thiệu, đưa tin về tập sách chỉ phát hành ba ngày đã phải tái bản. Hàng ngàn cuốn đã “tự” sang Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Úc, Canada…
“Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2 là tập sách thứ hai sau “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” của một serie sách mà First News – Trí Việt sẽ phối hợp với tác giả Cù Mai Công để thực hiện, sắp tới sẽ là “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 3…
Đặc biệt, lần đầu tiên sau 25 năm, sáu tập “Sài Gòn by night” sẽ được tái bản. Đây là những tập sách best seller ra liên tục trong sáu năm 1997 – 2002 của tác giả Cù Mai Công, ít nhiều gây “chấn động” dư luận thời kỳ đó. Số lượng in mỗi lần 15.000 – 20.000 bản đã hết ngay trong một tuần. Dù lúc ấy có nhiều đề nghị tái bản nhưng do nhiều lý do, tác giả đã không thực hiện được. Các tập sách này đã được đưa vào giảng dạy môn phóng sự ở nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam và đại sứ Mỹ ở Việt Nam lúc ấy đã phải tìm mua.
Lần tái bản đầu tiên này, không chỉ in lại những bài báo về một Sài Gòn về đêm của giới trẻ “ăn chơi” lúc đó mà cũng là lần đầu tiên, tác giả công khai “bí mật hậu trường” của những bài phóng sự ấy.
Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm hạng 4 trên gần 200 sinh viên khóa học 1980 - 1984.
Từ 1985 đến nay, Cù Mai Công làm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho các tòa báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Online. Anh phản ánh, ghi nhận những hoạt động phong trào của Đoàn, Đội, Hội và lối sống của giới trẻ TP.HCM.
Hai lĩnh vực trong nghề báo mà Cù Mai Công được độc giả biết đến nhiều nhất là khi anh cho ra mắt, nhân vật "Anh Cỏ Cú", phụ trách một chuyên mục tại báo Mực Tím từ số 1 đến số 89 (1988 - 1993) và thực hiện gần 200 bài viết, phóng sự về cuộc sống về đêm của giới trẻ TP.HCM trên báo Tuổi Trẻ từ 1994 - 2004. Từ những hoạt động tích cực trong nghề báo, năm 2005, Cù Mai Công đã được bình chọn là một trong 30 "Gương mặt trẻ của thành phố 30 năm" tại Đại hội Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm đã xuất bản: “Sài Gòn by night” tập 1, 2, 3, 4, 5, 6; “Tuổi mực tím Sài Gòn”; “Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó”.