08 Jun, 2020
[Review Sách] "Tự Luyện Cách Tư Duy": Thành Công Đến Từ Tư Duy
Hãy thử nghĩ tới một thế giới không có những phương pháp tư duy cải tiến, sáng tạo. Liệu xã hội đó có thể phát triển cấp tiến, hiện đại như chúng ta bây giờ hay không? Hay con người sẽ rơi vào khủng hoảng vì những cuộc bàn luận vô nghĩa, không thể tiến tới hồi kết? Thật may điều đó khó mà có thể xảy ra được. Tư duy con người luôn đòi hỏi chúng ta phải tạo ra những lối tắt khôn ngoan hơn để rút ngắn thời gian tiến tới mục đích. Nếu là một người quan tâm tới chủ đề tư duy, có lẽ cái tên Edward de Bono không còn xa lạ đối với bạn. Không chỉ nổi tiếng với phương pháp 6 chiếc nón tư duy vô cùng hiệu quả và được áp dụng trong cuộc họp bàn của những doanh nghiệp lớn, ông còn là tác giả của những cuốn sách tư duy kinh điển được nhiều bạn đọc lựa chọn. Cuốn sách Tự Luyện Cách Tư Duy sẽ là một lựa chọn phù hợp nếu như bạn muốn học cách phát triển trí não bản thân trọn vẹn hơn.
Nếu bạn thần tượng bộ ba triết gia La Mã – Socrates, Plato, Aristotle và lối tư duy của họ, cuốn sách này sẽ là một lựa chọn thú vị. Đối với phương pháp tư duy của ba triết gia này, Edward lại không đồng tình cho lắm. Tuy nhiên, ông không hề phản đối lối tư duy của họ. Hơn cả việc phản đối một cách vô nghĩa, ông chỉ ra cho ta những lối mòn trong tư duy của họ - đầy đủ dẫn chứng và có thể sẽ thuyết phục được cả những độc giả khó tính nhất – và hướng ta tới cách tư duy toàn diện hơn chỉ là phân tích, phản biện thông thường.
1. Khái lược về năm giai đoạn tư duy
Năm giai đoạn này là nền tảng phương pháp tự luyện tư duy mà Edward sẽ trình bày kỹ càng hơn trong những chương kế tiếp. Như Edward đã nói, vì đối tượng độc giả ông hướng tới rất rộng lớn, nên năm giai đoạn tư duy sẽ được triển khai theo hướng ứng dụng hơn là lý thuyết hàn lâm dành cho hội học giả. Năm giai đoạn này là: TO (mục tiêu) – LO (thông tin) – PO (khả năng) – SO (chọn lựa)- GO (hành động). TO thể hiện mục tiêu, mục đích của quá trình tư duy. LO thể hiện thông tin sẵn có và thông tin chúng ta cần. PO là giai đoạn của các khả năng. SO là giai đoạn thu hẹp, kiểm tra, chọn lựa. Và cuối cùng, GO – giai đoạn thiết thực và quan trọng nhất của tư duy ứng dụng – là “bước hành động”. Sẽ khá khó để bạn hiểu và ghi nhớ chúng tại thời điểm này. Nhưng đừng lo, hãy cứ tiếp tục theo bước chân tác giả vào những phần kế tiếp. Lòng kiên nhẫn của bạn nhất định sẽ giúp bạn gặt hái được trái ngọt sau khi hoàn thành cuốn sách này.
2. Các quá trình tư duy cơ bản
Trước khi bước vào chi tiết từng giai đoạn, chúng ta sẽ được tìm hiểu sơ lược về các quá trình cơ bản nhất trong tư duy: Khái quát/cụ thể, phóng chiếu, định hướng sự chú ý, nhận dạng, chuyển dịch. Quá trình đầu tiên - khái quát/cụ thể là khả năng đi từ tổng quát tới chi tiết, và ngược lại. Quá trình tiếp theo – phóng chiếu tức là “thấy những gì sẽ xảy ra” và xem xét các sự vật sự việc trong tâm trí mình, cốt không phải để tìm cái đúng, mà là để tìm ra dấu chỉ. Các câu hỏi là công cụ định hướng sự chú ý, ở quá trình thứ ba này, chúng ta bỏ qua “các câu hỏi” và yêu cầu mọi người hướng sự chú ý tới các vấn đề cụ thể. Nhận dạng và ăn khớp là tên đầy đủ của quá trình thứ tư, nói một cách chi tiết hơn, quá trình này thiết lập các khuôn mẫu thường lệ để chúng ta nhìn thế giới qua những khuôn mẫu này, sau đó chỉ ra cho chúng ta biết mình cần phải làm gì. Quá trình cuối cùng - sự chuyển dịch là một quá trình mới lạ và khó hiểu nhất. Sự chuyển dịch bao gồm mọi cách thức di chuyển từ một phát biểu, vị trí, hay ý tưởng.
3. Các mô hình tư duy
Nếu bạn đã từng biết đến phương pháp tư duy 6 chiếc mũ, sẽ dễ dàng hơn để bạn tiếp thu được chương này. Ở chương này, tác giả sẽ giới thiệu tới chúng ta hai mô hình tư duy phổ biến: Phương pháp 6 chiếc nón tư duy và chương trình tư duy CoRT.
Phương pháp sáu chiếc nón tư duy là một mô hình đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả, được nhiều trường học và doanh nghiệp trên toàn thế giới áp dụng. Điểm khác biệt làm nên thành công của phương pháp này dựa trên nguyên tắc sử dụng chung của nó: Tưởng tượng có 6 chiếc nón tư duy. Mỗi lần, bạn chỉ được sử dụng một chiếc nón, và tất cả những người còn lại trong nhóm đều sẽ đội chiếc nón như vậy. Nguyên tắc này tạo nên tư duy song song trong cả đội. Thay vì tư duy về lời người khác nói, họ tư duy về vấn đề đang xem xét. Mỗi chiếc nón mang một hướng tư duy khác nhau, được phân biệt dựa trên màu sắc và cách sử dụng của từng chiếc.
So với phương pháp 6 chiếc nón tư duy, chương trình CoRT chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, đối với một người quan tâm tới phát triển bản thân, chương trình này đáng để bạn bỏ thời gian tìm hiểu. Chương trình CoRT được chia làm 6 phần. Cốt lõi của chương trình này là ở phần công cụ. Học viên sẽ ứng dụng công cụ cho nhiều hạng mục tư duy ngắn khác nhau. Sau khi học chương trình này, bạn cũng có thể giúp đỡ người khác đưa ra quyết định và lập kế hoạch.
4. Năm giai đoạn tư duy
Năm giai đoạn tư duy được trình bày chi tiết dưới đây sẽ chỉ ra nhiều điểm tương đồng với các mô hình tư duy như đã đề cập đến ở phần trên. Nếu đã hiểu rõ về những mô hình đó, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu hơn những bài học này.
a) TO – Tôi muốn đi đến đâu
Từ “to”, trong tiếng anh là tiến/tới, ngụ ý về điểm đến và mục đích. Giai đoạn đầu tiên liên quan đến mục đích của tư duy. Mục tiêu của chúng ta là gì? Đâu là điều chúng ta nhắm đến? Giai đoạn này có liên hệ tới những mô hình tư duy đã được kể đến ở phần trên. Ở phương pháp 6 chiếc nón tư duy, chiếc mũ màu xanh da trời xác định mục tiêu của quá trình tư duy, hoặc để gợi ra mục đích thay thế. Trong chương trình CoRT, công cụ AGO (Aim – Goal – Objectives) dùng để xác định mục đích, mục tiêu và ý định của quá trình tư duy
Bạn có thể làm gì với mục đích tư duy của bạn? Phần kế tiếp của chương này sẽ trình bày rất chi tiết và cụ thể các cách để bạn triển khai quá trình này thật hiệu quả. Có một phần tôi khá tâm đắc ở chương này. Đó là chương được đặt tên theo một từ vô cùng phổ biến, nhưng thường mang ý nghĩa tiêu cực: “vấn đề”. Nhiều người không thích “tư duy”, bởi vì trong suy nghĩ của họ, tư duy là để giải quyết vấn đề. Không có vấn đề, tức là không cần tư duy khó nhằn làm chi cho mệt đầu? Nếu bạn còn tiếp tục giữ khư khư cái ý nghĩ thiển cận này, không bất ngờ gì nếu một ngày đối thủ của bạn trong kinh doanh, học tập, hay bất kì lĩnh vực gì, sẽ bỏ bạn ở lại ở tít đằng sau. Tuy nhiên, việc từ bỏ lối tư duy này chẳng dễ dàng gì cho kham, bởi có quá nhiều lý do chính đáng, như một vài lý do tác giả trình bày trong cuốn sách. Thành công chỉ đến với những người thực sự cố gắng, nên đừng lo lắng, đây sẽ là một thử thách đáng giá trên con đường tiến tới với thành công của bạn.
b) LO – Giai đoạn thông tin
Biểu tượng của LO là mũi tên chỉ ra 4 hướng. Việc thu thập thông tin cũng như vậy. Chúng ta nhìn ra tất cả các hướng. Giai đoạn LO là giai đoạn thu thập thông tin để làm nền tảng cho tư duy của chúng ta. Trong phương pháp tư duy 6 chiếc nón, giai đoạn này tương đồng với chiếc nón tư duy màu trắng. Đây là chiếc nón liên quan đến quá trình thu thập thông tin, dữ liệu. Trong chương trình CoRT, có nguyên một phần nói về thông tin và cảm giác (CoRT 5). Cách thức trình bày của chương này đầy tính tư duy: Ngay từ đầu chương, tác giả đặt ra một câu hỏi, cũng là mục đích hướng đến, rồi câu trả lời được đưa ra cuối cùng sau khi trình bày những dẫn chứng, lý lẽ thuyết phục. Cách trình bày như vậy sẽ giúp người đọc không bị lạc lối bởi quá nhiều lí luận, câu chữ, mà tập trung vào một mục đích đã được đặt ra từ đầu chương, rồi kết thúc với một phần tóm tắt cho những lí lẽ luận điểm đã được trình bày.
c) PO – Có những khả năng nào?
Biểu tượng cho giai đoạn PO là ba mũi tên nhắm về phía trước. Ba mũi tên này gợi ra nhiều khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là ba mũi tên đứt đoạn, tức là khả năng vốn chỉ là “có thể”, chứ chưa thể “chắc chắn” là sự thật sẽ xảy ra. Có thể nói, giai đoạn PO là giai đoạn tạo lập, sản sinh, và là giai đoạn thể hiện khả năng sáng tạo rõ ràng nhất trong các giai đoạn. Có một vài phương pháp trong giai đoạn này cũng nằm trong phương pháp khái quát của quá trình tư duy cơ bản. Hãy quay lại phần đó nếu như bạn còn băn khoăn chưa hiểu phương pháp này. Sẽ rất hữu ích đấy. Quá trình LO kết thúc với những khả năng chưa được kiểm chứng, xác nhận rồi sau đó mới đến quá trình SO là để hoàn thành công việc dang dở đó. Tuy nhiên, có một điều mà bạn cần phải nhớ: Phải tách biệt các giai đoạn với nhau. PO là quá trình chỉ tạo ra các khả năng có thể, chứ bạn đừng vội đánh giá từng cái một ngay khi vừa mới tạo dựng. Bởi, nếu làm vậy, ngay lập tức, bạn sẽ tự đóng khung trong suy nghĩ của mình.
d) SO – Kết quả là gì ?
Như đã được điểm một chút thông tin ở giai đoạn PO, mục đích của giai đoạn này là tiếp nhận tất cả những khả năng được tạo dựng ở giai đoạn trước và hình thành kết quả từ những khả năng đó. Giai đoạn PO kết thúc với những khả năng chưa được kiểm chứng, xác nhận, vì vậy nhiệm vụ của giai đoạn này là phát triển và lựa chọn những khả năng đã được đề ra. Kết thúc giai đoạn SO, chúng ta sẽ có được những ý tưởng đã được ta lựa chọn kỹ lưỡng, và những ý tưởng sẽ chuyển sang hành động GO. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải quá máy móc áp dụng tất cả các giai đoạn trong quá trình tư duy của mình. Sẽ có những vấn đề không quá khó khăn và đòi hỏi ít thời gian hơn để tư duy, khi đó, ta có thể lược bỏ giai đoạn nào không thực sự cần thiết. SO được chia làm 4 giai đoạn nhỏ. Ở giai đoạn phát triển, các ý tưởng được xây dựng, củng cố và khắc phục những điểm chưa hoàn thiện. Tiếp theo, ở giai đoạn đánh giá, từng ý tưởng được đưa ra xử lý. Lợi ích và khó khăn là gì? Đâu là ý tưởng khả thi nhất? Giai đoạn lựa chọn là giai đoạn chọn ra một ý tưởng từ những ý tưởng sẵn có sau khi đã trải qua hai giai đoạn trên. Cuối cùng là giai đoạn quyết định, chúng ta cân đo đong đếm giữa giá trị, lợi ích và rủi ro đem lại. Ở giai đoạn này, một ý tưởng khả dụng và được lựa chọn sẽ tiến tới giai đoạn cuối cùng của tư duy – giai đoạn GO.
d) GO – Đưa suy nghĩ vào hành động
Biểu tượng của giai đoạn GO thể hiện sự tiến tới và bước lên từng bước một. Nét vẽ là đường liền mạch. Tới giai đoạn này, nó không còn là những khả năng nữa. Chúng ta sẽ biến nó thành hiện thực. Mọi công việc tư duy đều có hành động, tuy rằng cũng có ngoại lệ. Ngoại lệ đó phụ thuộc vào mục đích ban đầu bạn đã xác lập.
Giai đoạn GO thường bị bỏ qua và khiến tất cả những giai đoạn trước đó trở thành “lý thuyết suông” trên mặt giấy. Đó là hệ lụy của suy nghĩ phổ thông thường thầy: những người tư duy lý thuyết thì sẽ không hành động, và ngược lại. Tầm quan trọng của giai đoạn này đâu phải chỉ mới được Edward nhắc đến. Quá nhiều người đã nhắc đến nó, nhưng vẫn không ít người lờ đi tiếng gào khản cổ của họ. Họ giả bộ như mắt điếc tai ngơ, và sống cả cuộc đời với suy nghĩ sai lầm đó. Nếu bạn muốn phát triển, hãy thoát khỏi nhóm người đó. Giao du với họ chỉ khiến bạn càng chệch ra khỏi lối tư duy đúng đắn. Thay đổi chính bản thân bạn sẽ dễ dàng hơn thay đổi cách sống của họ.
Kết lại
Bạn vừa được đọc một bài tóm tắt những giá trị tôi đã đúc rút được từ cuốn sách Tự Luyện Cách Tư Duy của tác giả Edward de Bono. Để học được trọn vẹn những bài học của cuốn sách, tự tìm đọc vẫn là một lựa chọn đúng đắn hơn cả. Chúng ta nên một lần đọc những cuốn sách như vậy, dù ta có chưa từng đọc hay yêu thích chủ đề này hay không. Mỗi người nên tự chịu trách nhiệm cho tư duy của chính mình, bởi đó mới là thứ quyết định cuộc đời, thành công của bạn. Một hoàn cảnh sống tốt vẫn là một điều đáng có, nhưng đừng quá đề cao hoàn cảnh sống của một người, bởi giá trị của họ được định lượng từ chính con người họ sau bão tố, chứ không phải từ những điều kiện tốt nhất.
Review chi tiết bởi: Yến Ly - Bookademy