11 May, 2021
[Review Sách] “Tư Duy Ngược Dịch Chuyển Thế Giới”: Ngược Để Độc Đáo, Ngược Để Khác Biệt
Trong cuốn sách “Tư duy ngược dòng để khác biệt”, Adam Grant đã giải quyết vấn đề làm sao để cải thiện thế giới, nhưng từ góc nhìn mới “trở nên khác biệt”: chọn đi “ngược dòng”, đấu tranh với những tuân thủ cứng nhắc và đập tan các truyền thống lỗi thời. Làm sao chúng ta có thể hình thành những ý tưởng, chính sách và thực hành mới theo cách độc đáo mà không phải mạo hiểm một cách mù quáng?
Mình bị cuốn hút và ấn tượng với cách thiết kế và bìa sách ngay từ lần đầu tiên cầm cuốn sách trên tay. Khi chưa lật từng trang sách, có thể bạn sẽ nghĩ ẩn dấu trong cuốn sách là những triết lý sâu xa có phần nhàm chán, nhưng không, cuốn sách là những câu chuyện đáng kinh ngạc vén bức màn bí mật đằng sau sự thành công và cả thất bại của rất nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tới toàn thế giới trong cả lĩnh vực kinh doanh, khoa học, chính trị, thể thao và cả giải trí. Đó là câu chuyện của một nhà khởi nghiệp gọi vốn bằng cách nhấn mạnh những lý do mà các nhà đầu tư không lên đầu tư; là câu chuyện của một ông trùm tài chính nắm trong tay hàng tỷ đô-la đã sa thải nhân viên nào không dám chỉ trích ông... Từ đó giúp cho mỗi chúng ta có thể tự mình chiêm nghiệm ra những điều mà Grant muốn gửi gắm. Đó là phương pháp để nhận biết một ý tưởng hay; cách lên tiếng để không bị cô lập; chọn thời điểm thích hợp để hành động, kiểm soát nỗi sợ hãi và nghi ngờ; cũng như cách thức để các bậc phụ huynh và giáo viên có thể nuôi dưỡng khả năng sáng tạo độc đáo ở trẻ; … 8 phần là 8 bài học mà tác giả muốn nhắn gửi đến độc giả, nhưng mình ấn tượng nhất với những bài học: Mạo hiểm đi ngược dòng (phần 1); Bảo vệ chân lý trước quyền lực (phần 3); Sự nhiệt tình ngu ngốc (phần 4); Những kẻ nổi loạn khác biệt (phần 6); và phần cuối là Lắc nhưng không lật thuyền. Và đây cũng chính là 5 phần mà mình sẽ đề cập đến ở bài chia sẻ này. Let go!!!!!
Mạo hiểm đi ngược dòng
Khi đọc cuốn sách, mình thấy từng câu hỏi như tác giả đang hỏi chính mình. Và để rồi, từng câu trả lời, mỗi giả thiết tác giả đưa ra mình lại thấy chính hình bóng của mình trong đó. Lần gần đây nhất khi bạn nghĩ ra một ý tưởng độc đáo, bạn đã làm gì với nó? Và có phải dù được phát triển trong môi trường tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và tự do thể hiện mình theo phong cách riêng, để tìm kiếm sự hoàn hảo và trong nỗi sợ thất bại, có phải bạn sẽ tìm cách thích ứng thay vì thể hiện sự nổi trội? Chúng ta thể hiện sự độc đáo qua bình diện bề ngoài- thắt nơ bướm, đi đôi giày cao gót màu đỏ tươi - mà không dám đón nhận những rủi ro của sự độc đáo thực sự. Và đến với phần này, chúng ta sẽ biết cần phải làm gì để vượt qua sự độc đáo, hào nhoáng bên ngoài để đi đến sự độc đáo thực sự bên trong. 3 triết lý sâu sắc xuyên suốt cuốn sách sẽ là lời giải hoàn hảo cho bài toán trên. Đó là:
- Làm thế nào để tập trung vào việc quản lý các rủi ro liên quan đến đề xuất, nhận biết và bày tỏ ý tưởng ban đầu?
- Những lựa chọn đem đến sự độc đáo.
- Bằng cách nào để mở ra và duy trì sự độc đáo cả trong đời sống lẫn công việc?
Chấp nhận rủi ro: Bảo vệ chân lý trước quyền lực
Từ câu chuyện của một nữ tình báo Hoa Kỳ về cách mà người phụ nữ ấy đấu tranh để bảo vệ quan điểm chuyển đổi thông tin tình báo trước sự bác bỏ thẳng thừng của đồng nghiệp, cuốn sách sẽ dạy chúng ta cách tự tin không ngần ngại khi bày tỏ một ý kiến thiểu số, phản đối một chính sách không có ý nghĩa, đấu tranh bảo vệ cho một cách làm việc mới hoặc đứng về phía một công đồng bị chịu thiệt thòi. Chương này sẽ trình bày khi nào chúng ta cần bày tỏ quan điểm và làm thế nào để lên tiếng có hiệu quả mà không gây rủi ro đến sự nghiệp và các mối quan hệ của chúng ta. Thời điểm nào tốt nhất để lên tiếng và chúng ta cần phải làm gì để ý kiến của mình được người khác lắng nghe ?
Một trong những bài học mà trước đây mình nghĩ sẽ chẳng bao giờ làm như vậy, để rồi giờ đây mình trầm trồ và ấn tượng mạnh mẽ với nó, đó là: Đưa những hạn chế của bạn lên trước tiên: Hiệu ứng Sarick. Ví dụ, để trình bày ý tưởng cho những người nhiều quyền lực hơn mình và cố gắng thuyết phục họ đầu tư, hầu hết chúng ta giả định rằng để có tính thuyết phục chúng ta phải nhấn mạnh các điểm mạnh và giảm thiểu những điểm yếu của chính mình. Nhưng có một cách thuyết phục độc đáo, hiệu quả hơn thế, đó là đưa ra càng nhiều hạn chế của bạn càng tốt. Điều đó được tác giả lý giải với 4 lợi ích mà nó mang lại như sau:
- Việc trình bày điểm yếu ngay từ đầu có thể làm tiêu tan đi sự nghi ngờ của độc giả.
- Thẳng thắn nhìn nhận vào những nhược điểm, khó khăn sẽ thay đổi cách đánh giá của người dùng (doanh nghiệp).
- Khi đối diện thẳng thắn với điểm yếu, lỗi lầm giúp chúng ta gây dựng được lòng tin hiệu quả.
- Giúp khán giá có thể đánh giá ý tưởng của bạn một cách khách quan và thuận tiện hơn.
Sự nhiệt tình ngu ngốc: Những bất lợi của sự đúng lúc, của sự trì hoãn mang tính chiến lược, và của người đi đầu.
“Trong công việc và cuộc sống, chúng ta thường được dạy rằng hành động sớm, nhanh chóng là chìa khóa thành công, bởi “người chần chừ sẽ bị mất mát”. Khi chúng ta có một nhiệm vụ ý nghĩa chúng ta được khuyên là nên thực hiện nó trước thời hạn. Khi chúng ta có một ý tưởng độc đáo, như phát minh ra một sản phẩm mới hoặc khởi nghiệp, chúng ta được khuyến khích nên là người đi đầu. Nhưng đáng ngạc nhiên thay, [...]. Sự thực loài chim thường dậy sớm để bắt sâu, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng những con sâu này dậy sớm nên mới bị bắt hành động sớm, nhanh chóng là chìa khóa thành công, bởi “người chần chừ sẽ bị mất mát”. Khi chúng ta có một nhiệm vụ ý nghĩ chúng ta được khuyên là nên thực hiện nó trước thời hạn. Khi chúng ta có một ý tưởng độc đáo, như phát minh ra một sản phẩm mới hoặc khởi nghiệp, chúng ta được khuyến khích nên là người đi đầu. Nhưng đáng ngạc nhiên thay, [...]. Sự thực là loài chim thường dậy sớm để bắt sâu, nhưng chúng ta cũng quên rằng những con sâu này dậy sớm nên mới bị bắt.”
Chương này, cả tôi và bạn sẽ biết khi nào chúng ta nên thực hiện hành động độc đáo qua những lợi ích bất ngờ của việc trì hoãn mà tác giả đưa ra khi ta kết thúc một nhiệm vụ nào đó. Hay lý giải tại sao những nhà lãnh đạo - những nhà sẵn sàng thay đổi một cách hiệu quả lại là những người kiên nhẫn chờ đợi đúng thời điểm để hành động. Bạn không phải là người đầu tiên thể hiện sự độc đáo, và những độc đáo thành công nhất không phải lúc nào cũng tuân thủ theo đúng lịch trình. Chúng luôn là những bữa tiệc thịnh soạn đến muộn.
Người tiên phong, kẻ theo sau, bạn muốn là ai?
Chúng ta luôn muốn là người đi đầu chứ không phải là kẻ theo sau. Bạn muốn mình là người đầu tiên suy nghĩ ra hướng giải quyết của một bài toán hay người thứ hai? Các nhà khoa học hối hả tìm ra khám phá mới trước kẻ cạnh tranh; các nhà phát minh vội vàng đăng ký bằng sáng chế trước đối thủ. Tưởng chừng thế giới này sẽ thật khó chấp nhận khi bạn chọn mình là kẻ theo sau? Nhưng không, Adam Grant lại suy nghĩ một cách ngược dòng mà vô cùng độc đáo, tác giả đã đưa ra 4 lý do thuyết phục để chúng ta sẵn sàng trở thành “một kẻ đi sau” đúng nghĩa:
- “Hầu hết những thứ tốt nhất cần mất nhiều thời gian để tìm ra”
- Chọn khởi đầu dễ hơn có thể sẽ thích hợp hơn để thành công.
- Đi cùng với tham vọng nhưng ít liều lĩnh hơn, những người đi sau chờ ổn định để có thể cải tiến.
- Trong khi những người tiên phong có xu hướng bị mắc kẹt bởi những gì đã có từ trước, những người đi sau có thể quan sát sự thay đổi của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng rồi từ đó điều chỉnh phù hợp. (doanh nghiệp)
Bài học then chốt ở đây là nếu bạn có một ý tưởng độc đáo, sẽ là sai lầm nếu bạn vội vàng phát triển ý tưởng đó với mục đích duy nhất là đánh bại đối thủ cạnh tranh về đích. Trì hoãn giúp ta linh hoạt hơn, mở ra cho chúng ta cơ hội học hỏi và khả năng thích ứng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta mở rộng thời gian trì hoãn ra vượt khỏi thời gian biểu của nhiệm vụ? Nguy cơ nào cho việc chờ đợi quá lâu để hành động?
Những kẻ nổi loạn khác biệt
Ở chương này, chúng ta sẽ được tìm hiểu về việc nguồn gốc gia đình ảnh hưởng đến sự độc đáo như thế nào? Là thứ thì có gì đặc biệt, quy mô gia đình và việc nuôi dưỡng ảnh hưởng ra sao đến sự đặc biệt đó? Bạn sẽ phát hiện ra rằng điều gì quyết định nên một đứa trẻ có xu hướng tích cực hay phá hoại? Tại sao là sai lầm nếu từ khi còn bé, bạn và tôi được khuyên rằng chúng ta không nên gian lận?
Sinh ra để nổi loạn:
“Thứ tự sinh trong một gia đình không quyết định bạn là ai; nó chỉ tác động đến khả năng bạn sẽ phát triển theo hướng nào. Còn rất nhiều nhân tố ảnh hưởng khác, về mặt sinh học, cũng như trải nghiệm sống của bạn”.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mà tác giả đưa ra, những người có thành tích cao trong học tập có khả năng là con cả cao gấp 2, 3 lần. Những người là con út có xu hướng nổi loạn cao gấp 2 lần con cả. Mặc dù những người con cả có xu hướng nổi trội hơn, tận tụy hơn, tham vọng hơn, nhưng những người con sinh sau thường chấp nhận rủi ro và đón nhận những ý tưởng độc đáo một cách mạnh mẽ hơn. Con cả có xu hướng bảo vệ tình trạng hiện tại, trong khi những đứa con sinh sau thường thách thức những điều hiện có. Bạn có phải là con thứ? Và bạn chính là người nổi loạn?
Sự trượt dốc của giáo dục gia đình hà khắc:
Qua câu chuyện chị em nhà Jackie Robinson, tác giả đã cho mỗi chúng ta cái nhìn và lý giải về nền giáo dục của một gia đình đối với người con cả và con thứ ra sao, để rồi chiêm nghiệm ra một điều rằng: “ Một đứa trẻ được sinh ra theo bất kỳ thứ tự nào trong một gia đình đều được khuyến khích phát triển cá tính…”
Tại sao cha mẹ không phải là hình mẫu tốt nhất?
Tác giả đã đưa ra những hình mẫu mà mỗi chúng ta có thể lấy đó làm nguồn cảm hứng để tiến lên mỗi ngày. Mình ấn tượng nhất với những nhân vật hư cấu, hình mẫu mà Grant đã đề cập. Nhiều người khi lớn lên lấy hình mẫu của mình là những anh hùng trong những cuốn tiểu thuyết yêu thích, trong đó nhân vật chính thể hiện sự sáng tạo của mình trong việc theo đuổi những kỳ tích phi thường. Khi được hỏi tên những cuốn sách yêu thích, Elon Musk và Peter Thiel đều chọn “Lord of the Rings”, một câu chuyện tuyệt vời về chuyến phiêu lưu của người Hobbit nhằm phá hủy quyền năng của một chiếc nhẫn nguy hiểm. Jack Ma có một cuốn sách ưa thích thời niên thiếu là “Ali Baba and the Forty Thieves”, kể về chú tiều phu đã tiếp nhận những sáng kiến nhằm thay đổi vận mệnh của chính mình. Và biết đâu, theo cách ấy, bạn cũng sẽ bắt đầu đi tìm hình tượng của đời mình và chính bạn sẽ mang hình bóng của nhân vật ấy trong tương lai?
“Thay vì kêu gọi mọi người phải nổi bật vì những đường lối truyền thống đã bị đóng lại, những nhân vật chính trong các câu chuyện thần thoại hay cổ tích ưa thích thường khuyến khích sự độc đáo bằng việc mở cửa tâm trí con người đến những con đường chưa từng có trong tiền lệ”.
Lắc nhưng không lật thuyền
Có lẽ hai bài học mà mình tâm đắc và ảnh hưởng đến mình nhất khi mình khám phá ra phần cuối của cuốn sách này, đó là bài học về cách để “Tìm kiếm nguồn cảm hứng” và “Kích thích ngọn lửa hành động”.
Qua câu chuyện về tập đoàn Skype, mình học được cách tốt nhất để tìm kiếm nguồn cảm hứng chính là xây dựng và nói lên tầm nhìn của mình, mình đang mong đợi điều gì và hình dung ra viễn cảnh của nó trong tương lai.
Và nếu muốn thay đổi hành vi, hãy nhấn mạnh vào lợi ích của việc thay đổi hay cái giá phải trả cho việc không thay đổi, không hành động. Viễn cảnh của sự mất mát chắc chắn sẽ kích hoạt hệ thống tiến lên.
Lời kết:
Cuối cùng, Adam Grant đưa ra một vài hành động thực tế để bạn bộc lộ sự độc đáo của riêng mình. Đó là phác họa, nhận thức, lên tiếng và chinh phục những ý tưởng mới. Mình nghĩ đây là cuốn sách gối đầu giường không chỉ với các bạn trẻ mà còn cả những bậc làm cha mẹ và những nhà lãnh đạo. Và chắc chắn nó sẽ có sức hút với những bạn trẻ mong muốn tìm ra, thể hiện và khẳng định cái riêng, cái độc, cái lạ, cái khác biệt của chính bản thân mình.
Review chi tiết bởi Đặng Nhài - Bookademy