11 Jan, 2021
[Review sách hay] Sức mạnh của hiện tại: Điều kỳ diệu bị lãng quên
Nguồn gốc của khổ đau đến từ đâu? Làm thế nào để chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc? Bí mật của hạnh phúc thật sự là gì? Hãy cùng chiêm nghiệm và tìm câu trả lời trong “Sức mạnh của hiện tại”.
Hạnh phúc là thứ mà con người ta không ngừng tìm kiếm và theo đuổi. Chúng ta thường tìm kiếm hạnh phúc trong vật chất, trong những thú vui, rồi loay hoay tìm kiếm trong vòng lặp không hồi kết của quá khứ và tương lai, mà quên mất rằng mình đang sống trong hiện tại. Hiện tại chính là cánh cổng duy nhất đưa ta tới niềm hạnh phúc chân chính và sâu thẳm, vượt lên trên những niềm vui tạm bợ, cạn cợt mà chẳng mấy chốc sẽ hóa khổ đau. Đó là những gì mà cuốn sách Sức mạnh của hiện tại muốn gửi gắm đến chúng ta.
Eckhart Tolle là một tác giả và là một vị thầy tâm linh nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên ở Đức, ông đã từng sống trong một thời kỳ u tối, đầy lo âu và kinh hãi khi không biết mình thật sự là ai, mục đích của cuộc sống là gì. Chính điều đó đã thôi thúc ông đi trên con đường tìm lại chính mình và viết nên kiệt tác Sức mạnh của hiện tại. Cuốn sách được ví như một tấm bảng chỉ đường, ngọn hải đăng dẫn lối cho những ai đang bế tắc trong mối quan hệ với chính mình và mối quan hệ với những người xung quanh, giúp họ tìm lại niềm an bình nội tại và sâu xa hơn là tìm về với nguồn cội.
Trong Sức mạnh của hiện tại, tác giả sử dụng những thuật ngữ mang tính phổ quát, dễ dàng tiếp cận với số đông độc giả. Cuốn sách bao gồm 10 chương nói về những sai lầm căn bản của chúng ta về thời gian, về cách mà chúng ta nhìn nhận cuộc sống mà theo tác giả, những sai lầm đó cũng chính là nguyên nhân gây nên khổ đau. Từ đó, Eckhart Tolle đưa đến những sự thật mà ông ví như những ánh đèn pha xuyên thẳng đám sương mù, đưa chúng ta ra khỏi những khổ đau và về lại nơi sâu thẳm nhất bên trong mỗi con người.
Ảnh: Pexels/Maria Tyutina
Sai lầm lớn nhất mà tác giả chỉ ra trong cuốn sách là sự đồng hóa giữa chính mình và những suy nghĩ miên man không chủ đích. Khả năng phân tích và suy nghĩ là một “đặc ân” của loài người khi nó đem đến cho nhân loại rất nhiều thành tựu và tiện nghi. Tuy vậy, con người lại cho rằng mình chính là suy nghĩ của mình, là những gì mình đã được dạy dỗ, giáo huấn từ khi còn thơ bé. Đại đa số chúng ta thường phung phí đời mình trong ngục tù của khái niệm, tư tưởng của chúng ta bị gói gọn trong những niềm tin, lý thuyết sai lệch được truyền từ đời này sang đời khác. Và cứ thế, chúng ta đi lạc trong thế giới của những suy tưởng, suy nghĩ từ lúc nào đã trở thành “ông chủ” của ta. Ta chẳng thể tìm ra “nút tắt” cho tâm trí ngừng hoạt động.
Tâm trí cũng giống như cơ thể, đều cần chất dinh dưỡng để nuôi sống. Dinh dưỡng cho tâm trí chính là sự tích cực, niềm hân hoan… và hơn hết, chúng cần những khoảng nghỉ để phục hồi. Nhưng hình như không quá nhiều người ý thức và nhận diện sự thống trị của suy nghĩ. Chúng ta có thể quản lý hàng trăm con người nhưng thật sự ít ai có thể quản lý được suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình.
Ảnh: Unsplash/Pero Kalimero
Như những đám mây trên bầu trời, suy nghĩ và cảm xúc có thể đến rồi đi, nhưng chúng ta thì không như vậy. Chúng ta chính là bầu trời, là sự “nhận biết” bao trùm lên những suy nghĩ và cảm xúc đó. Nhận biết được điều này cũng chính là bước đầu tiên trên con đường thoát khổ, mà Đức Phật gọi là tỉnh thức.
Theo tác giả, đau khổ xuất phát từ việc chống đối thực tại và những gì đang diễn ra. Chúng ta thường nuôi nấng những cảm giác đau khổ trong quá khứ và lo sợ vẩn vơ về tương lai. Điều này khiến chúng ta như bị cưỡng bách phải sống chỉ bằng ký ức và dự tưởng. Nhưng thật ra, thời gian duy nhất mà chúng ta có chỉ là “giây phút hiện tại” – khoảng không gian mà ở đó mọi thứ trong đời sống của chúng ta được phơi bày, và dường như mọi người đã quên đi điều hiển nhiên nhưng vô cùng quan trọng này.
Nhiều người cho rằng, quá khứ và tương lai đôi khi còn thật hơn cả hiện tại, bởi quá khứ tạo nên cách hành xử và tư duy của chúng ta trong hiện tại, còn những mục tiêu trong tương lai là động lực quyết định hành động hiện tại của chúng ta. Tuy vậy, theo tác giả, quá khứ chỉ là một dấu vết của ký ức, khi chúng ta hồi tưởng về quá khứ, chúng ta khơi gợi những ký ức đó trong hiện tại. Tương tự, khi nghĩ về tương lai, chúng ta cũng thực hiện suy nghĩ đó ngay trong giây phút này. Hiện tại rồi sẽ trở thành quá khứ, nó cũng sẽ trở thành tương lai, và chúng ta không thể ở một nơi nào khác ngoài phút giây hiện tại.
Việc “trú ngụ” trong phút giây hiện tại sẽ giúp chúng ta nhìn rõ bản thân hơn, nhìn ra được những “chiêu thức” của tâm trí để đánh lừa đó là bản chất chân thật của ta. Một trong những “chiêu thức” phổ biến nhất chính là sự phản kháng, thể hiện qua thái độ giận dữ, tuyệt vọng, hay bối rối… Mỗi khi gặp chuyện không vừa ý, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường sẽ là phàn nàn và chống đối, đó là những phản ứng mang tính rập khuôn lâu ngày đã tạo nên rãnh mòn trong ý thức. Theo cuốn sách, người ta cho rằng tâm trí được củng cố và trở nên mạnh mẽ thông qua việc không chấp nhận thực tại, tuy nhiên, thái độ đó lại không thực sự có ích mà chỉ kéo dài tình trạng tiêu cực.
Ai cũng biết rằng cuộc sống luôn có khó khăn và trắc trở. Chính những lúc như vậy, ta lại càng cần chú tâm vào phút giây hiện tại. Điều này này không có nghĩa là yếu đuối hay nhụt chí, bởi khi chấp nhận hiện tại, những lối mòn trong suy nghĩ sẽ nhường chỗ cho những ý tưởng, sức mạnh, giúp ta vượt qua nghịch cảnh và kiến tạo những gì ta mong ước. Từ đó, chúng ta sẽ sống trong một trạng thái an lạc, vượt lên hai đối cực sướng – khổ, vun bồi lại những mối quan hệ với mọi người và với cuộc đời.
Ảnh: Unsplash/Aron Visuals
Hơn cả một cuốn sách, Sức mạnh của hiện tại là những lời dạy thâm thúy, những chân lý sâu sắc mà giản đơn. Quả là một điều may mắn cho những ai đã được đọc và tiếp cận cuốn sách này. Mong rằng, hạt giống được gieo khi đọc sẽ hòa vào hạt giống tốt lành đã có sẵn để nảy mầm tươi tốt bên trong mỗi người.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE