Quyền Lực Mới phác hoạ sự thay đổi quyền lực trong thế kỉ 21. Sự bùng nổ công nghệ số cũng như khả năng kết nối rộng rãi đã làm thay đổi bản chất của quyền lực: cách quyền lực vận hành, thành công và tồn tại. Bên cạnh đó, bộ đôi tác giả Heimans và Timms cũng lý giải ý nghĩa, lợi thế của quyền lực mới và những người đang tận dụng nó.

Quyền Lực Mới  - Tương Lai Thế Giới Sẽ Được Định Hình Như Thế Nào?

 

Quyển sách này dành cho:

  • Những ai quan tâm đến sự thay đổi về mối quan hệ quyền lực trong xã hội
  • Những ai muốn hiểu rõ quyền lực của cộng đồng mạng
  • Các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp muốn phát động một chiến dịch nào đó

 

Sức mạnh to lớn, trách nhiệm lớn lao

Xã hội của chúng ta đang thay đổi còn nhanh hơn cả chu kỳ ra mắt điện thoại thông minh. Mặc dù chúng ta chỉ mới sống trong thời đại của thuật toán, nội dung và dữ liệu được vài năm; thế nhưng những năm tháng trước khi kết nối số xuất hiện đã trở nên thật lạ lẫm và xa vời. Xã hội mới đang bị ràng buộc bởi khái niệm mơ hồ về quyền lực và thậm chí điều đó cũng đang dần thay đổi. Công nghệ đang thúc đẩy sự dịch chuyển từ hệ thống quyền lực cũ có trật tự sang hình thái quyền lực mới dân chủ, dễ tiếp cận hơn. Điều này không chỉ làm thay đổi hành vi của cả xã hội mà còn của chúng ta. Để thành công trong thời đại của kết nối và nguồn lực cộng đồng, bạn cần biết cách quyền lực mới vận hành, làm thế nào để gây sức ảnh hưởng bằng các công cụ mới, cách xây dựng cộng đồng bằng hệ thống mới và cách lãnh đạo với các giá trị mới.

Quyển sách này làm sáng tỏ mọi vấn đề vừa nêu và đưa ra cách giúp bạn vươn lên sử dụng nguyên tắc quyền lực cơ bản. 

Bạn sẽ biết làm thế nào một người động kinh sử dụng quyền lực mới để tự chữa bệnh cho mình? Tại sao ý tưởng được lan truyền rộng rãi thay vì cô đọng? Tại sao Giáo hoàng Francis là vị lãnh tụ xuất sắc của quyền lực mới? Tất cả sẽ được giải đáp trong Quyền Lực Mới. 

Chúng ta từng bị giới hạn tiếp cận với quyền lực, nhưng kết nối số đã phá vỡ giới hạn đó. 

Trước thế kỉ 21, người ta xem xã hội như một cỗ máy khổng lồ, trong đó con người chỉ là các bánh răng, đóng vai trò nhất định và không đáng kể trong xã hội. Đó là thời hoàng kim của các tập đoàn lớn và sự bành trướng của bộ máy quan liêu – thời kỳ mà các công ty thâu tóm quyền lực như thể nó là một loại tiền tệ. Họ đưa ra quyết định giùm những người tham gia hệ thống quyền lực của mình và tin rằng họ biết đâu là điều tốt nhất. Đó chính là thái độ tiêu biểu của quyền lực cũ. Các thành viên trong hệ thống chỉ đóng vai trò thụ động, rập khuôn và tuân theo mệnh lệnh như hãy học bảng cửu chương, hãy cầu nguyện, hãy mua sản phẩm này. Tóm lại, cơ hội để tham gia hoạt động quan trọng như hành chính, chính trị, kinh tế là rất hiếm hoi. 

Công nghệ siêu kết nối như một đòn giáng, mở ra cánh cửa kỹ thuật số và hạ thấp rào cản tham gia của hầu hết các hoạt động. Tính công bằng trong phân bổ quyền lực ngày càng được gia tăng đang làm thay đổi hành vi của ta. Ví dụ, mảng hậu cần của các doanh nghiệp không còn bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nghệ sĩ đến từ Ireland và Ấn Độ có thể hợp tác với nhau ngay lập tức mà không hề tốn kém. Hơn nữa, hiện tại chúng ta có các công cụ để dễ dàng gặp gỡ những người cùng chí hướng hoặc vận động hành lang để tạo ra thay đổi hay phản đối điều gì đó. Những hành vi này cũng khiến thái độ của ta thay đổi. Chúng ta không còn hài lòng với việc chỉ quan sát hay đồng thuận, mà còn đòi hỏi quyền được tham gia. Letitia Browne-James là đại diện tiêu biểu cho thái độ mới này. Browne-James mắc bệnh động kinh mãn tính nhưng điều trị không hiệu quả. Rồi cô tình cờ biết đến PatientsLikeMe - cộng đồng trực tuyến gồm hàng ngàn bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên và dữ liệu y tế cá nhân. Thông qua đó, cô đã khám phá ra  phẫu thuật não là phương pháp điều trị động kinh hiệu quả. Thực tế, 83% người dùng PatientsLikeMe đã phản hồi kết quả tích cực. Bác sĩ chưa bao giờ đề cập với cô về phương án này, do đó Browne-James đã đổi bác sĩ điều trị.

Cuối cùng, cô quyết định phẫu thuật và không còn bị co giật nhiều năm nay. Browne-James đã sử dụng quyền lực mới thông qua việc sử dụng PatientsLikeMe để nắm quyền làm chủ sức khoẻ của bản thân. 

Hai luồng tư duy về Quyền Lực Cũ và Quyền Lực MớiHai luồng tư duy về Quyền Lực Cũ và Quyền Lực Mới (Nguồn hình: Thisisnewpower)

Quyền lực cũ và quyền lực mới dựa trên các hệ thống giá trị khác nhau.

Vậy chính xác thì điều gì phân biệt giá trị tiềm ẩn giữa quyền lực mới và quyền lực cũ? Có thể nói, điều này cũng giống như mâu thuẫn trong thế giới quan giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ với kinh nghiệm và quyền uy của mình luôn cảm thấy khó chịu mỗi khi đứa con non nớt, đầy lý tưởng của mình cố gắng tác động đến quá trình nuôi dạy con của cha mẹ. Thông qua việc thay đổi các thói quen hoặc đặt nghi vấn đối với kiến thức được tiếp thu, đứa trẻ đề xuất các giá trị mới.

Và giá trị của quyền lực cũ và quyền lực mới phát sinh xung đột theo nhiều chiều hướng khác nhau. 

Khởi đầu là bất đồng trong phong cách điều hành. Quyền lực cũ ưa chuộng cách quản lý tập trung và hình thức, chẳng hạn như quyết định kinh doanh phải được quyết từ phòng họp kín. Thế nhưng quyền lực mới lại thiên về cách quản lý thoải mái, có tương tác và quyết định kinh doanh được thu thập từ nhân viên. 

Tương tự, trong khi quyền lực cũ coi trọng tính cạnh tranh trong tương tác giữa người và người, quyền lực mới khuyến khích sự hợp tác, chung sức. Hệ thống quyền lực mới tán thưởng hành động chia sẻ nguồn lực, truyền bá ý tưởng và sáng tạo trong công việc. 

Thái độ đối với giao tiếp của quyền lực cũ và mới cũng có sự khác biệt. 

Quyền lực cũ có khuynh hướng tách biệt giữa lĩnh vực công và tư, nghĩa là mọi việc đều chỉ được tiết lộ cho những người có liên quan. Hillary Clinton đã minh hoạ điều này một cách hoàn hảo bằng cách ví von chính trị với quy trình làm xúc xích: quá trình sản xuất tồi tệ, sử dụng phương thức mà công chúng không cần biết đến, nhưng nhiều người lại yêu thích thành phẩm. Clinton cố chứng minh rằng chính trị minh bạch sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. 

Quyền lực mới bác bỏ quan điểm này. Quyền lực mới khuyến khích giao tiếp công khai và minh bạch. Những thứ thường được xem là riêng tư như dữ liệu lương của một công ty nhanh chóng trở thành một phần của tư duy quyền-được-biết. 

Thế nhưng quyền lực mới không chỉ thay đổi hệ thống giá trị mà còn thay đổi cả vai trò của con người. 

Lấy người tiêu dùng “thụ động” truyền thống chỉ biết mua hay sử dụng sản phẩm làm ví dụ. Vai trò này đang có nguy cơ biến mất vào tay của “người sản xuất” – những người tiêu dùng vừa tiêu thụ vừa sản xuất, ví dụ như các blogger trên YouTube hay nhà báo công dân. Nhờ được tiếp cận với công nghệ, họ đều có thể tạo ra các nội dung mà trước kia chỉ có tầng lớp ưu tú được tài trợ kinh phí mới có khả năng tạo ra.

Không những thế, chúng ta còn chứng kiến sự chuyển dịch từ lòng trung thành lâu dài đối với các thương hiệu sang một mối liên kết tạm thời hơn. Nói tóm lại, cách người dùng cư xử và tương tác với các thương hiệu đang dần thay đổi.

Sự suy giảm trong số lượng người mang theo thẻ thành viên đến các cửa hàng đã chứng tỏ điều này. Thời đại của các cửa hàng video Blockbuster đã kết thúc. Chuẩn mực mới hiện nay là sử dụng các nhóm trực tuyến và mạng xã hội để tương tác tạm thời với các thương hiệu. Chúng ta đều bị thôi thúc muốn tham gia vào rồi thoát ra sau đó. 

Quyền lực cũ và quyền lực mới dựa trên các mô hình khác nhau. 

Khi mường tượng ngôi nhà trong mơ của mình, có lẽ bạn không cố gắng hình dung ra nền tảng xây dựng nên nó. Điều này tương tự đối với hệ thống quyền lực. Chúng ta có xu hướng chú ý đến các giá trị hơn là mô hình cơ sở của hệ thống đó.  

Vậy điểm khác biệt trong mô hình giữa quyền lực mới và quyền lực cũ là gì? 

Mô hình quyền lực mới chia sẻ quyền lực theo hướng phân tán hơn, chẳng hạn như Occupy, phong trào phản kháng chống lại sự bất bình đẳng.

Đây là một tổ chức “cộng đồng” – hệ thống sử dụng cả mô hình lẫn giá trị của quyền lực mới. Ví dụ, nó xem trọng tính minh bạch triệt để, sự bình đẳng và vai trò của tất cả các thành viên tham gia. Thế nhưng nó cũng sử dụng mô hình phân tán để chia sẻ quyền lực, chống lại thể chế hoá và thúc đẩy quyền ra quyết định ở các nhóm thiểu số. 

Tuy nhiên, điều này có thể làm nảy sinh các vấn đề. Ví dụ mô hình phân tán quyền lực của Occupy khiến họ khó đạt được sự đồng thuận hay thực thi các thay đổi quan trọng trong tổ chức. 

Ngược lại, quyền lực cũ được xây dựng như mô hình kim tự tháp. Bất ngờ thay, ví dụ của mô hình này chính là công ty Apple. 

Apple là một người chủ lâu đài điển hình – một tổ chức nắm giữ mô hình và các giá trị thuộc về quyền lực cũ. Không ai phủ nhận Apple là công ty công nghệ hàng đầu, thế nhưng cách tập trung quyền lực và ra quyết định cho thấy Apple sử dụng mô hình quyền lực cũ. Hơn nữa, Apple nổi tiếng kín kẽ và không thích hợp tác với các nhãn hàng khác, điều này phù hợp với các giá trị điển hình của quyền lực cũ. 

Nhưng việc lựa chọn hệ thống quyền lực này hay hệ thống khác không quan trọng. Thực tế, các doanh nghiệp thường kết hợp cách tiếp cận, mô hình và giá trị của cả quyền lực cũ lẫn mới.

Những công ty kết hợp giá trị của quyền lực mới với mô hình của quyền lực cũ được gọi là “người khích lệ”. Thương hiệu thời trang dã ngoại Patagonia là dạng công ty như thế. Trong sản xuất sản phẩm, công ty ít tiếp thu ý kiến từ bên ngoài (mô hình quyền lực cũ) nhưng lại kết nối với người tiêu dùng bằng cách mời họ tham gia vào hoạt động chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời công khai minh bạch những khía cạnh như chuỗi cung ứng. 

Mặt khác, doanh nghiệp tiếp thu giá trị của quyền lực cũ và mô hình của quyền lực mới được gọi là người kết nạp. Facebook là một ví dụ hoàn hảo. Công ty đã xây dựng mạng xã hội dựa trên mô hình quyền lực mới cấp tiến, đề cao mạng lưới tương tác ngang hàng và cơ sở hạ tầng liên kết, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Facebook theo đuổi giá trị của quyền lực mới. Thực tế, mối quan hệ giữa Facebook và người dùng mang tính một chiều. Facebook không cho phép người dùng góp ý hay thực hiện các thay đổi quan trọng trong hệ sinh thái của họ. Bên cạnh đó, họ còn lưu trữ thông tin cá nhân của bạn như ông vua già canh giữ của báu. 

Ngày xưa thông điệp cô đọng, ngày nay thông điệp có tính lan truyền. 

Bạn giao tiếp với khách hàng mục tiêu như thế nào? Câu hỏi này xưa như việc buôn bán kinh doanh vậy. Những người có sức ảnh hưởng và nhà quảng cáo tìm mọi cách để gieo ý tưởng của họ vào tâm trí khách hàng, thế nhưng cách thức thực hiện không thay đổi trong suốt nhiều năm. 

Lý do một phần là vì trước thời truyền thông số, ảnh hưởng văn hoá của chúng ta được chia sẻ rộng rãi. 

Trước khi xuất hiện các cộng đồng trực tuyến hay phương tiện truyền thông chuyên biệt, chúng ta chỉ vài tờ báo để đọc hoặc một số kênh truyền hình để xem. Một lượng khách hàng khổng lồ bị dồn vào vài cửa hàng, buộc các nhà quảng cáo phải tạo ra thông điệp có sức hấp dẫn rộng rãi. Trong điều kiện như thế, những thông điệp mạnh mẽ phải cô đọng và dễ nhớ, ví dụ như câu slogan “Just do it” của hãng Nike.

Công thức SUCCESS chính là cách tạo ra một thông điệp cô đọng. 

Công thức này được giới thiệu trong quyển Made to Stick của Chip và Dan Heath. Họ lý luận rằng ý tưởng kết dính bao gồm các yếu tố: đơn giản (simplicity), bất ngờ (unexpectedness), cụ thể (concreteness), đáng tin cậy (creditibility), xúc động (emotions) và câu chuyện (stories). 

Ví dụ, ý tưởng dễ nhớ phải vừa diễn đạt được một câu chuyện, một hành trình nào đó nhưng đồng thời phải cụ thể, giúp ta có thể hình dung rõ ràng. Hơn thế, ý tưởng đó phải đáng tin cậy, chứa đựng các con số thống kê ấn tượng và ý kiến chuyên gia. 

Tuy nhiên, thời nay mục tiêu không còn là tạo ra ý tưởng kết dính nữa. Quyền lực mới giúp các ý tưởng có thêm tính lan truyền bằng cách bổ sung ACE – viết tắt của có tính khả thi (actionable), kết nối (connection) và có thể mở rộng (extensible) vào công thức SUCCESS trước đó. 

Để lan truyền, ý tưởng cần có tính khả thi. Điều này liên quan đến sự suy giảm trong tiêu dùng thụ động. Người tiêu dùng muốn được tham gia và nút “chia sẻ” của Facebook trở nên rất hữu hiệu nhờ tính chất này. 

Thứ hai, sự lan truyền ý tưởng phụ thuộc vào sức mạnh kết nối. Ý tưởng nên khai thác quyền năng của công cụ mạng trực tuyến để truyền tải ý tưởng hiệu quả. Nhờ tính kết nối, ý tưởng sẽ không ngừng lan rộng như gợn sóng lan trên mặt hồ. 

Và cuối cùng, các ý tưởng được lan truyền nên có khả năng mở rộng, nghĩa là ý tưởng đó khai thác được khả năng sáng tạo của một cộng đồng, cho phép các thành viên thay đổi và pha trộn ý tưởng nhưng vẫn giữ ý nghĩa gốc. Tính mở rộng chính là yếu tố làm nên điều kỳ diệu của các hiện tượng được truyền bá trên mạng. 

Bạn còn nhớ Ice Bucket Challenge (Thử thách dội xô nước đá lên đầu) chứ? Đó là một hiện tượng trực tuyến nhằm gây quỹ cho chứng bệnh xơ cứng teo cơ một bên, và thử thách này đã vận dụng ACE một cách khéo léo. Về cơ bản, những người tham gia thử thách sẽ dội một xô nước đá lên người mình rồi đăng tải đoạn video đó lên mạng và kêu gọi bạn bè cùng tham gia thử thách. 

Thử thách Ice Bucket Challenge có tính khả thi vì bạn chỉ cần tự dội xô nước lên người mình. Nó mang tính kết nối vì tận dụng mạng lưới xã hội của người tham gia. Và thử thách này có thể mở rộng vì nó khuyến khích sự biến tấu. Ví dụ, cầu thủ bóng chày Pete Frates đã đăng tải màn thử thách của mình với nhạc nền là bài “Ice Ice Baby” của Vanilla Ice. 

Quyền Lực Mới FacebookQuyền Lực Mới Facebook (Nguồn hình: Thisisnewpower)

Năm bước để xây dựng một cộng đồng quyền lực mới. 

Vậy quyền lực mới có lợi ích gì nếu nó bị các công ty như Facebook, Uber, Airbnb cất giấu? Sự thật là quyền lực mới không thể bị cất giấu. Ai cũng có thể khai thác tiềm năng của quyền lực mới cho mục đích riêng của mình, nhưng trước hết bạn cần phải xây dựng được một tập thể. 

Quá trình này gồm năm bước: tìm kiếm, xây dựng, hạ thấp rào cản, nâng cao mức độ tham gia và khai thác.

Trước hết, hãy tìm kiếm những “nhân tố kết nối”, tức những cá nhân có sức ảnh hưởng và kết giao rộng rãi, đồng thời có chung tầm nhìn và giá trị với doanh nghiệp của bạn. 

Chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump năm 2016 là một ví dụ nổi bật cho việc tìm kiếm và nuôi dưỡng các nhân tố kết nối. Họ là một nhóm các nhà hoạt động trực tuyến đã gầy dựng sự ủng hộ nồng nhiệt trên mạng dành cho Trump bằng cách xây dựng nội dung và mối quan hệ thông qua các diễn đàn.

Kế đến, bạn cần xây dựng thương hiệu đại diện cho quyền lực mới.

Airbnb là một ví dụ. Năm 2014, dù đang phát triển nhưng công ty đang đánh mất hình ảnh thân thuộc của mình và bắt đầu trở nên giống các công ty mờ nhạt khác. Để xử lý vấn đề này, Airbnb đã tái ra mắt thương hiệu bằng cách đổi mới logo sao cho nó có thể biến tấu được. Thậm chí các chủ nhà trên Airbnb có thể chỉnh sửa logo trên trang cá nhân của họ cho phù hợp với phong cách và nhu cầu của mình.

Hai bước kế tiếp – hạ thấp, nâng cao – đi đôi với nhau như hình với bóng, bởi lẽ cả hai sẽ không hiệu quả nếu bị tách rời. 

Trước hết, trong thời đại mà khoảng thời gian ngày càng thu hẹp, việc hạ thấp rào cản tham gia là điều cần thiết. Người dùng đòi hỏi khả năng tham gia dễ dàng và trơn tru. Ứng dụng hẹn hò Tinder đã chứng minh mọi rào cản có thể được hạ thấp: đã qua rồi cái thời mà bạn phải dồn hết can đảm để mời người mình thích đi ăn tối. Giờ đây, bạn có thể sắp xếp cuộc hẹn chỉ bằng vài cái quẹt tay. 

Một khi người dùng tham gia, bạn cần nâng cao mức độ tham gia của họ. Việc này cũng giống thang đo mức độ tương tác của người tiêu dùng. Hành động thuộc về quyền lực cũ nằm ở phần đáy, ví dụ như chấp nhận và tiêu thụ. Càng di chuyển lên phía trên thang đo, người tiêu dùng càng có nhiều quyền can thiệp như chia sẻ, gia nhập hay biến tấu nội dung. Cuối cùng, mức cao nhất trong thang đo là các hoạt động mà chỉ có số ít người sẽ tham gia, chẳng hạn tài trợ, sản xuất và định hình cả cộng đồng.

Thường thì một cộng đồng sẽ dần dần tăng trưởng, và nỗ lực xây dựng cộng đồng đó sẽ tiến triển chậm nhưng ổn định. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Đôi lúc, một cộng đồng sẽ hình thành nên “cơn bão” tương tác và bạn cần sẵn sàng để khai thác sức mạnh của cơn bão đó.

GetUp – mạng lưới các nhà hoạt động Úc – là một ví dụ. Họ đã tạo nên một cơn bão tương tác khi Tony Abbott – cựu thủ tướng Úc, người phản đối quyền tị nạn – rao bán một buổi học lướt sóng cá nhân tại buổi đấu giá từ thiện. GetUp đã chiếm lấy buổi đấu giá đó và gây quỹ thành công khi thắng đấu giá cho Riz Wakil, một thanh niên tị nạn người Afganistan. Màn chơi khăm đầy sáng tạo đã tạo nên vô số tương tác trong cộng đồng GetUp. 

Quyền lực mới sở hữu ba nhân tố chính: chủ sở hữu nền tảng, người tham gia và lực lượng siêu tham gia.   

Người ta cho rằng thế giới được tạo dựng dựa trên sự thoả hiệp. Một vấn đề có thể nhận được sự tán thành của người này nhưng lại chịu sự phản đối của người khác. Và ngày nay quyết định kinh doanh quan trọng thường phụ thuộc vào khả năng đối phó với mong muốn của các nhà đầu tư then chốt.  

Cộng đồng quyền lực mới bao gồm ba nhân tố chính thiết lập nên một mối quan hệ tam giác. 

Phần đỉnh tam giác là chủ sở hữu nền tảng. Họ sở hữu cơ sở hạ tầng như địa chỉ IP và máy chủ đồng thời xác lập toàn bộ quy luật. Ví dụ, Mark Zuckerberg và công ty Facebook chính là chủ sở hữu nền tảng.

Chủ sở hữu nền tảng thường được xem là nhân tố quan trọng nhất trong cộng đồng. Thế nhưng nếu không có hàng tỷ người dùng thì Facebook sẽ ra sao?

Những người dùng này là góc thứ hai trong tam giác. Họ là những người dùng bình thường, hay còn gọi là người tham gia, góp phần vào các tổ chức quyền lực mới và đóng góp nhiều nhất cho giá trị kinh tế. Người tham gia của Reddit chính là những người sử dụng – người đọc và đánh giá các nội dung mới. 

Cái tên nói lên tất cả, lực lượng siêu tham gia là những người đóng vai trò cực kỳ tích cực trong cộng đồng. Nếu xem xét lại thang đo mức độ tham gia, bạn sẽ thấy lực lượng siêu tham gia nằm ở cấp cao nhất – gây quỹ, tổ chức và sản xuất nội dung mới và mang lại cho nền tảng đó giá trị văn hoá độc đáo. 

YouTube đặc biệt nổi tiếng về lực lượng siêu tham gia. Nhờ rào cản tham gia thấp, không khó để người tham gia bình thường của nền tảng này trở thành thành viên tích cực bằng nỗ lực và tài năng. Vlogger về làm đẹp người Mexico Yuya là một điển hình. Ở tuổi mười sáu, Yuya đã giành chiến thắng trong cuộc thi trang điểm do YouTube tài trợ. Điều này thôi thúc cô tạo kênh YouTube của riêng mình, lady16makeup. Hiện tại, kênh YouTube của cô có lượt theo dõi đứng thứ 35 trên toàn thế giới!

Chúng ta đã hiểu các yếu tố chính của cộng đồng quyền lực mới, nhưng tại sao đó lại là mối quan hệ tam giác? 

Cân bằng lợi ích của từng nhân tố trong cộng đồng quyền lực mới là điều quan trọng, và những nhân tố này dễ phát sinh xung đột với nhau.

Chương trình Đối tác của YouTube là một ví dụ điển hình cho cách một nền tảng phát triển lực lượng siêu tham gia của mình. Chương trình này hỗ trợ người sáng tạo nội dung bằng cách chia sẻ 55% doanh thu quảng cáo với họ. Cách làm này lợi cả đôi đường, không chỉ mang lại lợi ích cho YouTube, mà còn thoả mãn lực lượng siêu tham gia đồng thời khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung mới. 

Nếu một nền tảng muốn người dùng gắn bó hơn nữa, cách tuyệt vời để làm họ cảm thấy bản thân có giá trị là giới thiệu một hệ thống công nhận, nơi họ được đánh giá dựa trên đóng góp của mình. Hệ thống “điểm karma” của Reddit hoặc chương trình “người bán hàng quyền lực” của eBay giúp người dùng cảm thấy họ có giá trị và được tôn trọng.

Một nhân tố trong mối quan hệ tam giác được xoay quanh bởi một nhóm các tác nhân khác. 

Cũng như mặt trời, ba nhân tố chính không tồn tại một cách vô nghĩa. Thay vào đó, có vô số nhân tố phụ xoay quanh chúng, ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa ba nhân tố cũng như vận mệnh của doanh nghiệp nói chung. 

Điều này nghĩa là chỉ duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ tam giác ba thì không đủ để thiết lập cộng đồng quyền lực mới thành công. Bạn còn phải bồi dưỡng một nhóm nhỏ gồm các thành phần khác, bao gồm các cơ quan tài trợ, giới truyền thông, tổ chức phi chính phủ, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng và công chúng. 

Tổ chức nhân đạo Invisible Children, nhóm đứng sau video Kony 2012, là một ví dụ. Phong trào YouTube thúc đẩy việc bắt giữ Joseph Kony, lãnh chúa Uganda, được xem là “video được lan truyền rộng rãi nhất thế giới”. Thế nhưng đa số phản hồi của đoạn video này là tiêu cực. Cuộc vận động của Invisible Children bị chỉ trích là thiếu hiểu biết. Trang web của tổ chức bị đánh sập và cơ cấu tài chính của tổ chức bị đặt nghi vấn.

Trước đó, tổ chức đã tuân theo mô hình tam giác một cách hoàn hảo. Họ trau dồi lực lượng siêu tham gia thông qua các chương trình đào tạo, trao quyền cho bộ phận tổ chức và chia sẻ nội dung của người tham gia nhằm ủng hộ họ. Tiếc là Kony 2012 đã phớt lờ mô hình này để nhanh chóng tìm kiếm danh tiếng toàn cầu. Cụ thể, Invisible Children đã thất bại trong việc nuôi dưỡng các thành phần có sức ảnh hưởng xoay quanh mô hình này như người nổi tiếng và giới phê bình học thuật. Sai sót này đã biến thành hố đen nuốt chửng danh tiếng của Invisible Children. 

Vậy làm thế nào các tổ chức quyền lực mới có thể cân bằng mô hình tam giác và giữ một quỹ đạo ổn định? Câu trả lời là nhờ vào “phần thưởng cho sự tham gia”.

Hãy thử xem xét các mô hình quyền lực cũ dựa trên các giao dịch cơ bản, như mua máy ảnh chẳng hạn. Ngày nay, để thật sự thành công, tổ chức cần cung cấp cho người dùng sản phẩm hoặc dịch vụ và một mục đích cao hơn. “Phần thưởng của sự tham gia” là sự kết hợp của các yếu tố này.

Chúng ta có thể quan sát thấy điều này ở nhiều bối cảnh khác nhau, ví dụ như “hiệu ứng IKEA”, một thuật ngữ do các nhà kinh tế học hành vi Michael Norton, Daniel Mochon và Dan Ariely đặt. Ý tưởng ở đây là mọi người tham gia vào một dự án, cùng đóng góp cho một mục tiêu và đặt vào thành phẩm một giá trị cao hơn so với giá trị khách quan của nó. Hiệu ứng này được đặt tên như vậy vì các nhà nghiên cứu nhận thấy các đối tượng nghiên cứu đánh giá quá cao đồ nội thất họ tự lắp ráp. 

Thương hiệu điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc được biết đến với phần thưởng của sự tham gia lớn. Vào mỗi tuần, nhà sản xuất sẽ phát hành một phiên bản giao diện mới và mời người dùng đánh giá. Đổi lại, khách hàng cảm thấy họ là một phần quan trọng trong quá trình phát triển và do đó, họ đóng góp cho mục tiêu cao hơn.

Quyền lực mới đòi hỏi ba đặc điểm mới trong khả năng lãnh đạo: truyền tín hiệu, xây dựng cơ cấu và định hình.

Ngày nay, quyền lực mới và quyền lực cũ đang xung đột với nhau. Nhà lãnh đạo nổi bật sẽ là những ai vừa nắm bắt kỹ năng cũ, vừa khai thác ba công cụ lãnh đạo mới: truyền tín hiệu, xây dựng cơ cấu và định hình.

Đức Giáo Hoàng Francis là một nhà lãnh đạo đáng chú ý của quyền lực mới. Ngài dùng các cách không chính thống như rửa chân cho người tị nạn để chứng minh giá trị cá nhân với người dưới quyền trong giáo hội cực kỳ lề thói của mình. Hành động này là để làm gương cho môn đồ của mình. 

Đức Giáo Hoàng Francis còn là ví dụ cho khả năng lãnh đạo bằng cách xây dựng cơ cấu. Khi cải cách Ngân hàng Vatican, Ngài đã sử dụng khả năng lãnh đạo của mình trong quá trình tái cấu trúc. Thông qua việc phân tán quyền lực, Ngài đã đổi mới mô hình quyền lực của Giáo hội, đảo lại mô hình kim tự tháp quyền lực cũ, vốn đi từ trên đỉnh tháp xuống trở thành một kim tự tháp ngược, quyền lực đi từ dưới lên.

Tương tự, cách định hình của Giáo Hoàng là một ví dụ khác. Định hình là cách gây ảnh hưởng đến đường lối chung của một tổ chức, ngầm xây dựng niềm tin và thái độ của môn đồ đồng thời thay đổi quy tắc cuộc chơi trong tiềm thức. Giáo Hoàng Francis đã gói gọn phong cách lãnh đạo định hình của mình khi một nhà báo hỏi quan điểm của Ngài về đồng tính luyến ái. Ngài chỉ đáp đơn giản, “Ta là ai mà phán xét người khác?”.

Điểm khác biệt chính giữa định hình và xây dựng cơ cấu là định hình là quá trình cải tổ tinh tế nhưng chủ động, trong khi xây dựng cơ cấu là chiến thuật “đi đầu làm gương” ở thế bị động. 

Nhưng khả năng lãnh đạo của quyền lực cũ vẫn chưa hết thời. Có lẽ phối hợp cả hai phong cách lãnh đạo mới chính là mấu chốt để thành công trong thời đại chuyển giao này.

Lấy Podemos – đảng cấp tiến của Tây Ban Nha – làm ví dụ. Vì bất mãn với tình hình chính trị trong nước, Pablo Iglesias đã tự thành lập đảng phái bằng chiến thuật của quyền lực cũ: chương trình truyền hình. 

Đó có vẻ là một quyết định kỳ lạ, nhưng Iglesias đã dùng chương trình này để có nhiều thời gian phát sóng từ bản tin truyền thống, từ đó ông nhận được một lượng người theo dõi lớn nhờ vào khả năng ăn nói lôi cuốn. Ban đầu, người ta tập trung vào tính cách duyên dáng hơn là cuộc vận động chính trị của ông. Điều này mang nét của một tổ chức “từ trên xuống” của quyền lực cũ. Thế nhưng khi Podemos trở thành một đảng phái chính thức, Podemos được thành lập mang theo rất nhiều giá trị của quyền lực mới. 

Ví dụ, bản tuyên ngôn của Podemos đã bảo vệ “sự công bằng và tính minh bạch”, thậm chí đặt sự sống còn của toàn đảng vào cuộc trưng cầu dân ý. Sự lãnh đạo thuyết phục của Iglesias tiếp tục được duy trì, nhưng đảng bắt đầu sử dụng phương thức dân chủ cách mạng như trưng cầu ý kiến cho các chính sách của mình. Podemos là ví dụ xuất sắc cho mô hình lãnh đạo lai giữa quyền lực mới và cũ, phối hợp giữa nhà lãnh đạo thu hút và quyền lực với các giá trị của quyền lực mới.

Kết luận

Thông điệp chính:

Kết nối số đã thay đổi mối quan hệ quyền lực trong thời đại hiện nay. Quyền lực cũ với trật tự quyền lực tập trung và phân bổ từ trên xuống đã bị thay thế bởi hệ thống quyền lực mới phân bổ từ dưới lên, xem trọng tính phân tán, hợp tác và thực thi minh bạch. Hai hệ thống này có giá trị và mô hình khác nhau; thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc “quyền lực mới là tốt và quyền lực cũ là xấu”. Cả hai đều có ưu nhược điểm riêng. Và mặc dù chúng có thể kết hợp với nhau, nhưng quyền lực mới cung cấp tập hợp các công cụ mới mẻ giúp xây dựng tập thể, lan truyền ý tưởng và dẫn dắt doanh nghiệp.

Nguồn: Blinkist
Biên dịch: First News