14 Nov, 2018
Phương pháp luyện tập Tâm Từ
Tâm từ là một trong những nền tảng của giáo lý nhà Phật, là sự kết hợp giữa chú tâm vào thực tại cùng lòng trắc ẩn. Luyện tập Tâm từ sẽ giúp Tâm thanh thản, chữa lành và bảo vệ ta trước những tiêu cực trong cuộc sống.
Phương pháp luyện tập Tâm từ tuy đơn giản nhưng cần sự kiên trì tuyệt đối bởi trong suốt quá trình này sẽ xuất hiện nhiều yếu tố gây nhiễu, cản trở sự chú tâm của người tập. Vì lẽ đó, sư Ajahn Brahm đã cho ra đời Tâm từ. Quyển sách nhỏ này không chỉ giới thiệu khái niệm Tâm từ, cách thực hành Tâm từ mà còn có lời giải cho những vấn đề thường gặp khi thực hành thiền – bước mở đầu cho quá trình thiền Tâm từ.
Vấn đề #1: Ăn năn hối hận về quá khứ
Khi hành thiền, ý nghĩ của ta thường trôi dạt khắp nơi, phần nhiều là quay về quá khứ. Ý nghĩ về những hành động kém cỏi ta từng làm, lời tổn thương ta từng nói, lỗi lầm ta từng phạm, tất cả ùa về trong tâm trí khiến ta không thể chú tâm vào thực tại, buổi hành thiền vì đó mà thất bại.
Nếu có bất kỳ sự ăn năn hối hận nào nổi lên trong quá trình hành thiền, thay vì cứ day dứt, ta nên tha thứ cho chính mình. Người khôn ngoan là người tự biết tha thứ cho bản thân và học hỏi từ những sai lầm.
Vấn đề #2: Cuồng kiểm soát khó giữ tâm an trụ
Ta thường bắt Tâm phải yên lặng hành thiền, nhưng thay vì làm theo, nó lại mang ý nghĩ về quá khứ, tương lai, những ảo tưởng và kéo theo là sự mệt mỏi.
Nếu ta không thích việc bị kiểm soát, bị đối xử như nô lệ thì Tâm cũng thế. Vậy nên, hãy xem Tâm như bạn thân. Khi đó, ta có thể thân mật nói với Tâm: “Này bồ! Bồ có muốn thiền vào lúc này không? Bồ muốn quan sát cái gì? Bồ muốn ngồi kiểu gì? Cho tôi biết xem bồ muốn thiền trong bao lâu”. Khi đối xử với Tâm bằng Tâm từ thì Tâm của ta sẽ không muốn đi lang thang. Nó sẽ thích đi cùng ta, đồng hành cùng ta, hòa vào ta, bao lâu ta muốn.
Vấn đề #3: Cả quá khứ lẫn tương lai đều là gánh nặng
Khi vừa bắt đầu tập thiền, suy nghĩ “Còn bao nhiêu phút nữa thì xong?” cứ mãi trong đầu ta và nó khiến Tâm bị xao động mà bỏ lỡ thực tại.
Hãy lưu tâm đến khoảnh khắc hiện tại, đến mức ta không còn ý thức được hôm nay là thứ mấy, bây giờ là mấy giờ, là sáng hay tối. Hãy xem Tâm như chủ một buổi tiệc và mỗi khoảnh khắc chính là một khách mời. Khi ta đón tiếp trọn vẹn từng khoảnh khắc – với từng vị khách đi vào Tâm – ta sẽ không có không gian cho những lời rỉ rả nội tại hay tán gẫu với chính mình bởi ta đang toàn tâm toàn ý đón tiếp mọi thứ ngay khi nó xuất hiện.
Vấn đề #4: Nếu tất cả đều thất bại…
Dù đã cố nhưng tất cả nỗ lực để Tâm an tĩnh khi hành thiền đều thất bại.
Khi đó, hãy hành thiền buông bỏ. Bất luận điều gì đang diễn ra đều tốt. Bất kể ta đang trải nghiệm điều gì cũng tốt – không thiên vị, không lựa chọn, không tốt hay xấu, không tranh luận, không bình luận. Hãy cứ buông bỏ.
Hãy ở lại với những ý nghĩ liên quan đến chủ đề thiền. Phương pháp hành thiền này tiệm tiến đến việc hoàn tất nhận thức tĩnh lặng trong khoảnh khắc hiện tại. Nếu ta đau đớn, ở đầu, ở bụng hay ở nơi nào đó, hoặc nếu ta đang bị một con muỗi chích, hãy nói “Cứ kệ đi!”. Ta không tranh luận với nó, không bực mình về nó. Ta quan sát những cảm giác trên thân thể khi con muỗi châm vòi vào da thịt mình và cảm giác ngứa ngáy theo sau. “Cứ kệ đi!”. Nếu đang nằm trên giường ban đêm và không ngủ được, “Cứ kệ đi!”. Hoặc cơn đau nhức không chịu nguôi, “Cứ kệ đi!”. Để yên đó. Đừng cố chạy trốn. Ta chỉ việc buông nó ra, mặc kệ nó.
Vấn đề #5: Ôn hòa với sự uể oải và trạng thái lờ đờ
Đôi khi trong quá trình hành thiền, ta buồn ngủ, trạng thái tinh thần mệt mỏi và ta thường cố chống lại nó. Nhưng khi không còn buồn ngủ, ta vẫn sợ nó quay lại, cứ thế Tâm không thể yên.
Sự chán nản trong hành thiền là kết quả của Tâm mệt mỏi, làm việc quá sức. Chiến đấu chống lại nó chỉ khiến ta thêm uể oải nên cách hiệu quả nhất là hãy nghỉ ngơi, ngừng chiến đấu với Tâm. Cứ buông Tâm ra và mặc kệ nó.
Vấn đề #6: Đủ thể loại nghi ngờ
Ta không chắc liệu phương pháp dạy thiền này có đúng không? Thiền sư này có đáng tin không? Ta có tu thiền được không?
Về nghi ngờ phương pháp dạy thiền, nếu chú ý, ta sẽ thấy kết quả khả quan đều phát sinh từ quá trình thực hành thiền.
Về thiền sư, họ giống như huấn luyện viên có nhiệm vụ truyền lại kinh nghiệm, cảm hứng đến thiền sinh bằng lời nói và thị phạm. Tất nhiên trước khi đặt niềm tin vào một thiền sư, hãy kiểm tra kỹ, quan sát hành vi của họ và xem họ có luyện tập theo những gì đã rao giảng không. Nếu biết mình đang nói gì, họ sẽ hợp chuẩn, tự chủ và mang đầy cảm hứng.
Nghi ngờ cũng có thể xuất phát từ những gì ta đang trải nghiệm – “Đây là cái gì? Đây có phải là hơi thở đẹp? Đây có phải là nhận thức khoảnh khắc hiện tại?”. Sa vào những ý nghĩ như vậy là không thích hợp trong khi hành thiền. Hãy tịnh Tâm hết sức có thể. Buông bỏ và tận hưởng niềm hạnh phúc, sự an bình.
Thiếu tự tin, ngờ vực chính mình với ý nghĩ “Tôi vô vọng. Tôi không thiền được. Tôi vô dụng. Tôi chắc chắn ai cũng thiền được, ngoại trừ tôi, ai cũng dễ dàng thoải mái với hành thiền” là một trong những hình thức hiểm độc nhất. Điều này thường được khắc phục với sự giúp đỡ của thiền sư, người có thể truyền cảm hứng và khuyến khích ta. Hãy tự tin là ta có thể đạt được bất cứ điều gì ta muốn.
Nếu gặp khó khăn trong hành thiền, hãy ngừng lại và tự hỏi “Những chướng ngại ở đây là gì?”. Tìm ra nguyên nhân và ta sẽ có giải pháp. Chướng ngại chỉ là thứ để ta cảm nhận, chế ngự và vượt qua.
Với kinh nghiệm tu tập thiền chín năm cùng sự thông tuệ của mình, sư Ajahn đã mang đến cho người đọc Tâm từ những góc nhìn khác về cách các sự vật, hiện tượng chuyển động. Mọi thứ đều theo quy luật Nhân – Quả, hôm nay ta bắt đầu quá trình tu tập thiền, ngày mai ta có thể tiến đến thiền Tâm từ, và một ngày, Tâm của ta sẽ hoàn toàn bình yên và tĩnh lặng trước mọi thay đổi của cuộc đời.