16 Jun, 2022
Osho: Sự trưởng thành đích thực không nằm ở tuổi tác, thành tựu hay kinh nghiệm sống
Rất nhiều người đinh ninh rằng họ đã trưởng thành, cho đến khi họ “gặp được” Osho.
Những phẩm chất nào khiến một người trưởng thành? Tuổi tác? Kinh nghiệm sống? Số tiền trong tài khoản ngân hàng? Khả năng giúp đỡ và đóng góp cho gia đình, xã hội? Trong “Trưởng thành” (tựa gốc “Maturity”), bậc thầy tâm linh Osho có một thang đo khác hẳn cho sự phát triển của con người: mức độ thoát ly khỏi những gì không-thuộc-về-bạn.
Sự trưởng thành ở một hệ quy chiếu khác
Osho dành nhiều dung lượng cuốn sách cho những giai đoạn đời người: ông ca ngợi sự đơn giản và hồn nhiên của tuổi thơ; bàn cặn kẽ về tình yêu, tình dục, tham vọng tuổi trẻ; diễn giải sâu sắc về những biến chuyển cơ thể, tâm lý, năng lượng nơi người già.
Nhưng thật ra, ông chỉ bàn về các giai đoạn đó trong một mối tương quan với hành trình sống khác - một hành trình vượt lên trên thời gian, cơ thể và các yếu tố ngoại tại. Và Osho minh chứng rằng đây mới là lối đi chân chính của mỗi người.
Theo đạo sư, vì trong quá trình lớn lên, con người phải chịu nhiều áp đặt từ cha mẹ, thầy cô, kiến thức và các hệ thống, sự trưởng thành đích thực đến từ việc họ trút bỏ thành công hết thảy những áp đặt đó. “Hãy dọn sạch khỏi tâm trí mình những thứ mà bạn không tự mình biết được, những thứ do vay mượn mà có, những thứ đến từ truyền thống, tục lệ. Hãy cứ bỏ hết tất cả những gì do người khác - cha mẹ, thầy cô, giáo sư - trao cho bạn”, Osho nói, “Hãy vứt hết mọi thứ vớ vẩn mà bạn đang mang vác”.
Khi loại bỏ tất cả những gì không thuộc về mình, mọi khuôn khổ, kỳ vọng, nhận định của người khác; mọi thành tựu lẫn bất hạnh, biến cố ngoại tại… đều trở nên không còn quan trọng nữa. Con người sẽ không còn phụ thuộc vào người khác hay bất cứ thứ gì “bên ngoài”, thậm chí là cơ thể và giới tính của mình. Việc con người thoát ly “cái bên ngoài” và đi bao xa vào phía bên trong nội tâm mình, từ đó sống đúng với bản chất của chính mình - mới là hành trình quan trọng hơn hết thảy.
Và nếu nghĩ về trưởng thành theo nghĩa đó, thay vì theo đuổi tình yêu, thành công, tham vọng, thì người trẻ nên nỗ lực thấu tỏ chính mình, đồng thời biết phản tư sâu sắc (hướng ý thức vào bản thân mình) những ảnh hưởng từ cha mẹ, thầy cô, kiến thức, đám đông. Còn đối với người già, cơ thể già nua, bệnh tật hay việc bị xã hội bỏ quên chẳng thể nào đem lại cảm giác cay đắng hay tiếc nuối nữa, bởi bạn đã hiểu rằng những thứ bề ngoài như vậy đâu phải là bạn?
Định nghĩa lại sự tồn tại
“Trưởng thành” có một xuất phát điểm thật dễ gần: sự chín muồi theo nghĩa thông thường, một tiền đề thu hút nhiều độc giả hiện đại vốn luôn loay hoay về giá trị cá nhân, và vẫn luôn mong chờ những lời khuyên khôn ngoan về cách sống tốt trong từng giai đoạn của đời mình.
Nhưng cuốn sách này vượt lên trên những kỳ vọng đó, đồng thời đẩy xa giới hạn của chúng ta về cách nhìn cuộc đời và sự tồn tại. Qua đó, Osho dẫn dắt ta trở về với những khẳng định tâm linh phổ quát và vĩnh cửu, có lẽ đã được tuyên bố hàng nghìn năm trước.
Chẳng hạn, ông lặp lại ý của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, rằng khi con người đi và chạm đến điểm cốt lõi nhất của nội tâm mình - thông qua thiền định hay sự tỉnh thức, thì “một bước nhảy lượng tử” có thể xảy ra. Trong trạng thái này, mọi vẻ đẹp và điều thiêng liêng nhất của cuộc sống có mặt: sự tĩnh lặng, tình yêu chân thật, lòng trắc ẩn, sự hân hoan. “Bạn trở thành một cơn mưa rào, một phúc lành cho thế giới”, Osho nói.
Đồng thời, trong trạng thái này, con người thấy mình “biến mất” và hợp nhất với toàn bộ đời sống rộng lớn này. Bạn thấy mình là một với người khác, là một với chim muông, cây cối, sỏi đá, là một với sự hiện hữu. Nói cách khác, bạn giác ngộ.
Osho cũng nói rằng sự trưởng thành của mỗi người không gói gọn trong một kiếp sống. Tuổi già hay cái chết chỉ là ảo tưởng bề ngoài, chỉ là một trong các “giai đoạn chuyển tiếp” của chúng ta. Riêng Osho, ông cũng tin rằng mình bất tử: “Theo như tôi biết, tôi chưa bao giờ là một đứa trẻ, chưa bao giờ là một thiếu niên, chưa bao giờ già đi và sẽ không bao giờ chết. Tôi chỉ biết có một thứ bên trong tôi, một thứ vĩnh cửu và tuyệt đối không thay đổi”.
Những ngôn từ và câu chuyện của Osho trong “Trưởng thành” thôi thúc chúng ta ngẫm nghĩ về “kho báu” con người có được nếu thật sự sống hướng vào không gian nội tâm. Nhiều bạn đọc sẽ tự hỏi: Liệu con đường giác ngộ chẳng phải là lối đi riêng của các bậc tu sĩ, mà lại là hành trình sống thực sự mà mỗi người bình thường như chúng ta đều nên bắt đầu đặt bước chân đi sao. Và phải chăng, cả xã hội loài người đang vận động sai hướng, rời xa cốt lõi của mình, chỉ hướng ra ngoại vi với các mục tiêu vô nghĩa: vật chất và tham vọng?
Sẽ có nhiều người nhắm mắt mơ tưởng về một thế giới khác: Nơi có nhiều đứa trẻ được lớn lên theo cách của mình, nhiều người lớn đang sống hài hoà với bản chất của họ, nơi kỳ vọng của bất cứ ai cũng không thể làm đau khổ nhiều cá nhân đã tỉnh thức. Và nơi có nhiều người, vì đang hướng về sự giác ngộ, mà khiêm nhường hiểu rằng mình cũng nhỏ bé tựa như chim muông, cây cối, và một ngày nào đó cũng sẽ bình an trở về với đại dương bao la của sự hiện hữu…
Thảo Thảo (Elle)