26 Aug, 2019
Osho - Bản chất của cuộc sống là khó lường, nhưng sau tất cả bạn không có gì phải sợ
Trong cuốn sách “Can đảm: Biến thách thức thành sức mạnh”, triết gia Osho cho rằng con người nên có cái nhìn phóng khoáng về nỗi sợ,mạnh mẽ đón nhận và vượt qua tất cả.
Osho cho rằng can đảm có nghĩa là dám dấn thân vào nơi vô định bất chấp mọi nỗi sợ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không biết sợ, chỉ là chúng ta chấp nhận thử thách của cái vô định bất chấp mọi nỗi sợ.
Với một định nghĩa chung như vậy, ông lần lượt khai thác tính can đảm ở các góc độ đa chiều để độc giả có cái nhìn tổng quát hơn. Khái niệm can đảm có biểu hiện khác nhau trong từng con đường từ trái tim, trí năng, lòng tin đến sự hồn nhiên.
Nhưng điểm chung của cả bốn khía cạnh này là đề cao sự sẵn sàng đánh đổi của chính bản thân mỗi người. “Về cơ bản, can đảm là đánh đổi cái đã biết để tìm đến cái hư vô, đánh đổi cái quen thuộc để tìm đến những điều xa lạ, đánh đổi sự tiện nghi ấm cúng để tìm đến cái bất tiện, đánh đổi cuộc hành hương gian nan để tìm đến một nơi vô định.”
Trái ngược với lòng can đảm là nỗi sợ. Chúng ta sợ nhiều thứ khác nhau. Nỗi sợ được triết gia Osho khắc họa sâu sắc nhất có tên là “cái mới” - những điều không chắc chắn, không quen thuộc. Nỗi sợ cái mới bao trùm lên những nỗi sợ khác của con người như sợ cô đơn, sợ khác người, sợ ý kiến của người khác, sợ cái chết…
Triết gia Ấn Độ nhắc nhở con người phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để “Khi cái mới gõ cửa, hãy mở cửa ra”. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được nó sẽ lấy đi hoặc mang lại cho bạn cái gì, trừ phi bạn cho phép nó xảy ra.
Tiếc là con người thường rơi vào thế lưỡng nan: Chán ngán cái cũ, muốn khám phá cái mới, nhưng khi cái mới đến thực sự, ta lại sợ hãi, ẩn núp trong cái cũ.Nguyên nhân của tình trạng này chính là cuộc giằng co giữa bản ngã và bản thể nội tâm. Bản ngã đại diện cho sự an toàn, là một tiếng nói êm dịu bên tai chỉ dẫn bạn đi theo những lối mòn quen thuộc. Ngược lại, nội tâm là nguồn động lực đánh thức sự hiếu kỳ và sự mạnh mẽ bên trong mỗi con người.
Cuối cùng, sau những lập luận mà Osho đưa ra về nỗi sợ, ông gợi ý cho chúng ta cách tạo dựng ý chí can đảm để bước tiếp. Để nội tâm chiến thắng bản ngã, cái mới đánh bại cái cũ, chúng ta cần nuôi dưỡng tình yêu thương. Khi bạn yêu thương sâu sắc, bạn sẽ không còn sợ hãi.
Osho đã chia tình yêu thương thành bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là yêu sâu sắc trong mối quan hệ xác thân. Nếu bạn bước vào giai đoạn này, sự khoái lạc cực đỉnh sẽ mang đến cảm giác thoải mái, thân tâm an lạc vì cơ thể cảm nhận được sự trọn vẹn. Qua giai đoạn thứ hai, chúng ta học cách yêu thương mọi người vô điều kiện. Và rồi giai đoạn thứ ba là mang tình yêu vào những cầu nguyện. Cuối cùng, trạng thái cao nhất của tình yêu chính là thiền định.
Phương pháp thiền giống như một liều thuốc giúp cải thiện các vấn đề mà con người thường gặp phải khi đối diện với nỗi sợ. “Thiền phải là một nơi trú ngụ bên trong, một đền thờ bên trong. Bất cứ khi nào cảm thấy thế giới này trở nên quá sức với bạn, bạn có thể lui vào trong ngôi đền của mình. Bạn có thể đắm vào bản thể nội tại”. Thiền thực sự là một cách giúp bạn thoát khỏi đám đông và sống an nhiên giữa cuộc đời này.
Khép lại cuốn sách Can đảm: Biến thách thức thành sức mạnh, người đọc thu nhận được những nội dung có giá trị sâu sắc qua cách truyền tải giản dị của triết gia. Trước khi bắt đầu vào một chủ đề mới, Osho luôn đặt vấn đề bằng các nghi vấn nhằm tăng sự hiếu kỳ cho độc giả và diễn giải bằng ngụ ngôn hay câu chuyện gần gũi với đời sống thường nhật.
Nhờ vậy, độc giả có thể cảm nhận được hiểu biết sâu sắc của tác giả Osho về những nỗi sợ và các phương pháp giúp tăng lòng can đảm đối diện với nỗi sợ đó. Với Osho, bản chất của cuộc sống là khó lường và các ngoại lệ là điều không thể tránh khỏi, nhưng bạn hãy cứ ít nhất một lần gồng mình thoát khỏi khuôn khổ vì sau tất cả, “Không có gì phải sợ!”
Theo Một Thế Giới