25 Oct, 2018
Những lầm tưởng về Tế bào gốc
Những ai quan tâm đến các tiến bộ trong y khoa có lẽ đã biết đến liệu pháp tế bào gốc. Đây là một liệu pháp đột phá trong việc tìm kiếm hướng đi mới giải quyết những căn bệnh khó chữa của nền y học hiện nay. Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích, song việc áp dụng liệu pháp này một cách rộng rãi vẫn chưa thể thực hiện được do vẫn còn những định kiến tiêu cực về tế bào gốc...
> Tổng quan về tế bào gốc.
> Lợi ích của Tế bào gốc trong điều trị bệnh và làm đẹp.
Lầm tưởng #1: Hầu hết mọi người khi nghe từ tế bào gốc sẽ tự động mặc định rằng chúng ta đang nói về tế bào gốc phôi được thu nhận từ thai nhi và để có được những tế bào này, các nhà khoa học phải hy sinh một sinh linh chưa chào đời.
Trong quyển sách có tên Tế bào gốc – Bí mật của Suối Nguồn Tươi Trẻ, Tiến sĩ Neil H. Riordan – người tiên phong trong việc khởi động liệu pháp điều trị bằng tế bào gốc đã lập luận để chứng minh suy nghĩ trên là hoàn toàn sai lầm. Ông tin rằng các tế bào gốc tốt nhất là những tế bào gốc trưởng thành, thứ mà ta có thể dễ dàng thu được từ máu cuống rốn, mô cuốn rốn được hiến tặng bởi các đứa bé khỏe mạnh, hoặc từ tủy xương hay mô mỡ của chính bệnh nhân. Điều này có nghĩa phương thuốc chữa bệnh nằm trong chính cơ thể mỗi chúng ta và hoàn toàn không hề có tác hại gì khi trích lọc tế bào gốc từ cơ thể ra ngoài để tiến hành công việc chuyển hóa chúng thành vaccine điều trị.
Để củng cố thêm cho lập luận của mình, ông đưa ra những nghiên cứu của các công ty dược phẩm sinh học cùng viện nghiên cứu đã thất bại trong việc phát triển tế bào gốc phôi trở thành liệu pháp chữa bệnh. Và ông đi đến kết luận: “Không có một thử nghiệm lâm sàng nào thành công trong việc sử dụng tế bào gốc phôi cho đến nay”.
Lầm tưởng #2: Khi thu nhận tế bào gốc từ cơ thể một người khác thì về cơ bản cơ thể của người bệnh sẽ xảy ra hiện tượng thải loại miễn dịch. Tức là hệ miễn dịch của người bệnh sẽ nhận ra những tế bào “lạ” kia và cố gắng đào thải chúng.
Thật ra tế bào gốc trưởng thành mang trong mình một đặc quyền miễn dịch, nghĩ là chúng có thể được hệ miễn dịch bỏ qua do chúng bị thiếu đi một phân tử. Nhưng dần dà khi bắt đầu có những biểu hiện của phân tử đó, chúng sẽ dễ dàng bị hệ miễn dịch nhận ra và đào thải một cách nhẹ nhàng ra khỏi cơ thể. Quá trình tế bào gốc trưởng thành ở trong cơ thể kéo dài từ 4 đến 8 tháng và hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe người bệnh.
Lầm tưởng #3: Tế bào gốc phôi được xem như “hạt giống huyền diệu”. Chúng có khả năng biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể người, nghĩa là chúng có thể biến đổi thành bất kỳ mô nào cần thiết để chữa lành bệnh cho người đó.
Thực tế, liệu pháp này đến nay vẫn chưa thành công. Neil giải thích: “Khi một hợp tử được thụ tinh, nó bắt đầu chỉ là hai tế bào – trứng và tinh trùng. Những tế bào đầu tiên này là toàn năng. Một số trở thành tim, một số trở thành gan, một số trở thành da,… cho đến khi hai tế bào này phát triển thành một con thể người với hàng trăm chức năng chuyên biệt khác.
Tuy nhiên, khả năng biệt hóa này chính là con dao hai lưỡi. Khi được tiêm vào cơ thể, các tế bào gốc phôi sẽ làm “ô nhiễm” môi trường của các tế bào đã biệt hóa. Chúng sẽ trở thành một khối u – khối u, với thành phần mô hoặc cơ quan, cố gắng trở thành một “đứa trẻ” nhưng không thể. Kết quả, nguy cơ phát sinh khối u của liệu pháp tế bào gốc phôi ức chế rất nhiều những ứng dụng của nó.”
Ngoài ra các chi phí liên quan để đảm bảo việc chắc chắn không có khả năng tạo khối u trong sản phẩm cuối cùng là rất cao.
Đây là lý do mà tế bào gốc trưởng thành được Tiến sĩ Neil phát triển và khuyến khích sử dụng rộng rãi. Bởi chúng chỉ kích thích cơ thể tự sản sinh những tế bào mới khỏe mạnh chứ không trực tiếp tạo ra những tế bào đó, trừ khi có sự tác động của con người với mục đích cụ thể. Tức là chúng sẽ không tự phân chia và tạo thành các khối u trong cơ thể người bệnh.
Lầm tưởng #4: Các tế bào gốc thu nhận từ dây rốn của trẻ sơ sinh không được xem là tế bào gốc trưởng thành.
Thực tế, các tế bào gốc thu nhận từ dây rốn của trẻ sơ sinh vẫn được xem là tế bào gốc trưởng thành. Hay rộng hơn, bất kỳ tế bào gốc nào không thu nhận từ mô phôi hoặc mô thai đều được gọi là tế bào gốc trưởng thành.
Lầm tưởng #5: Tế bào gốc trưởng thành tuy có mặt ở khắp nơi trong cơ thể nhưng số lượng ở mỗi mô lại không nhiều, thêm vào đó là khả năng phân chia hạn chế, vì vậy mà không thể có đủ lượng tế bào gốc trưởng thành để thực hiện việc điều trị dài hạn được.
Ở Bahamas, Tiến sĩ Neil cùng các đồng nghiệp nuôi cấy tế bào gốc cuống rốn được hiến tặng từ những đứa trẻ khỏe mạnh trong một hỗn hợp các hormone tăng trưởng kích thích sự phân chia tế bào. Trải qua việc điều trị thành công cho một bệnh nhân bị bại não ba tuổi, bị mù, điếc, câm và di chuyển bằng xe lăn, khái niệm rằng các tế bào gốc cuống rốn được nuôi cấy có thể được dùng để tái sinh mô bị hư hỏng đã trở nên hoàn toàn khả thi.
Thậm chí việc thu nhận các tế bào gốc cuống rốn không hề gặp khó khăn và không kích thích bất kỳ tác dụng phụ nào cũng như không có tác dụng tiêu cực nào trong việc cấy ghép chúng vào cơ thể người bệnh.
Liệu pháp này thậm chí còn được Giáo hoàng Benedict XVI của Vatican ủng hộ bởi nó đáp ứng được những quy chuẩn về đạo đức và y đức. Trên thực tế, máu cuống rốn và các tế bào gốc có trong đó đã được FDA Hoa Kỳ phân loại theo một số quy định. Bởi tỉ lệ tế bào gốc từ cuống rốn được hiến tặng bị hệ miễn dịch của bệnh nhân đào thải là thấp nên việc sử dụng máu cuống rốn trong cấy ghép tủy xương đang ngày càng trở nên phổ biến.
Trong quyển Tế bào gốc - Bí mật của Suối Nguồn Tươi Trẻ, Neil không chỉ nói về quá khứ ông đã từng bước đi trên con đường nghiên cứu tế bào gốc như thế nào, về cách mà ông cùng các đồng sự đang phát triển liệu pháp này ở hiện tại ra sao, mà còn là về niềm tin của ông vào tương lai rằng liệu pháp này sẽ được chấp nhận một cách chính thức và mở ra cơ hội chữa trị cho hàng triệu bệnh nhân, trở thành một xu hướng điều trị mới của nhân loại.