07 Apr, 2020
“Người Thông Minh Không Làm Việc Một Mình”: Bí Quyết Có Được Cộng Sự Tuyệt Vời
Rất nhiều thành tựu tuyệt vời được tạo nên khi hai người cùng hợp tác làm việc. Tuy nhiên, trong khi một số mối quan hệ hợp tác gặt hái thành công vượt bậc thì số khác lại không thể. Tại sao một số người có thể phối hợp ăn ý mà số khác lại bất hòa, xung đột? Một cặp đôi ăn ý cần có điểm gì chung? Dựa vào nghiên cứu đột phá của Viện Gallup, hai tác giả Rodd Wagner và Gale Muller sẽ chia sẻ cùng bạn bí mật của sự cộng tác thành công.
Đôi điều về 2 tác giả
Rodd Wagner là người đứng đầu của Gallup, đồng thời là tác giả loạt sách bán chạy trên The New York Times. Rodd tư vấn cho các nhà điều hành cấp cao về những phương thức tối ưu để thắt chặt quan hệ đối tác, tăng cường sự gắn bó của nhân viên và cải thiện lợi nhuận.
Gale Muller là Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Gallup World Poll. Trong hơn 35 năm làm việc tại Gallup, Muller vận hành một mạng lưới hơn 300 cố vấn và các nhà nghiên cứu ở hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.
Cùng với nhau, cả hai tác giả đã cho ra đời Người thông minh không làm việc một mình, một cuốn sách kĩ năng bổ ích giúp độc giả có một góc nhìn sâu hơn về sự hợp tác giữa người và người trong cuộc sống.
Người thông minh không làm việc một mình, khi những người bình thường kết hợp cùng nhau để tạo nên kết quả phi thường...
Chỉ trong 8 chương sách ngắn gọn nhưng súc tích, Rodd và Wagner đã chỉ rõ 8 yếu tố giúp duy trì một mối quan hệ hợp tác bền vững mà không phải ai cũng biết. Đó là:
- Sức mạnh cộng hưởng
- Sứ mệnh chung
- Công bằng
- Tín nhiệm
- Chấp nhận
- Tha thứ
- Trao đổi thông tin
- Sẵn sàng cho đi
Khi tất cả những yếu tố trên kết hợp với nhau, mối quan hệ hợp tác phát huy hiệu quả không chỉ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung mà còn trong các thành quả cá nhân. Nhờ việc chia sẻ sứ mệnh với người khác, bạn sẽ phát huy được điểm mạnh, giảm nhẹ trách nhiệm và dễ dàng tiến tới thành công ngoài mong đợi. Giống như một triết gia từng nói Nếu bạn muốn đi nhanh hơn, hãy đi một mình. Còn nếu bạn muốn đi xa hơn, hãy đi cùng đồng đội của mình. Nào, hãy cùng Rodd và Wagner khám phá 8 yếu tố mang lại thành công trong mối quan hệ hợp tác qua cuốn Người thông minh không làm việc một mình nhé.
1. Sức mạnh cộng hưởng
Một giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm muốn những học sinh ghi nhớ mối nguy hiểm khi đốt hỗn hợp khí oxy và acetylene. Ông thử đốt từng loại khí một cho các học sinh quan sát. Quả bóng chứa oxy nổ mạnh trong khi quả chứa acetylene bắt lửa và lóe sáng. Sau đó, ông đốt quả bóng chứa hỗn hợp khí và Đùng, một tiếng nổ rất lớn vang lên khiến các học sinh đều rất bất ngờ và ngạc nhiên. Vậy thí nghiệm này giúp chúng ta hiểu ra điều gì? Khi oxy kết hợp với acetylene, chúng tạo được một hỗn hợp nóng đến nỗi có thể làm tan chảy cả thép. Và các mối quan hệ hợp tác cũng hoạt động tương tự như nguyên lý trên. Con người ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Điều quan trọng nhất là bạn cần tìm ra ưu và nhược điểm của bản thân, đồng thời hiểu rằng khả năng của người khác có thể bổ sung cho mình. Một người nghĩ ý tưởng, một người áp dụng vào thực tế. Một người luôn thích rủi ro còn một người bình tĩnh trong mọi tình huống. Những sự kết hợp tưởng chừng như không hoàn hảo sẽ tạo nên một sự hoàn hảo không tưởng. Hai người chung mục tiêu khi làm việc cùng nhau sẽ đạt được kết quả mà mỗi người không thể tự làm một mình.
2. Sứ mệnh chung
Tenzing Norgay và Edmund Hillary vốn làm cộng sự với nhau chỉ vì bất đắc dĩ. Cả hai đều có mục tiêu chung, đó là chinh phục đỉnh núi Everest, nóc nhà của thế giới. Hillary đang ở vị trí dẫn đường khi họ băng qua các ngọn tháp của thác băng mỏng Khumbu. Bất ngờ, tuyết dưới chân anh sạt lở khiến anh trượt xuống khe nứt. Tenzing nhanh như cắt bổ mạnh chiếc rìu vào tuyết để lấy chỗ bám và đu về phía chiếc rìu khi sợi dây buộc hai người với nhau bị đứt. Anh hãm đã rơi của Hillary sau khi Hillary rơi được khoảng 4 mét. Rồi rất từ từ, Tenzing kéo cộng sự của mình lên. Với mục tiêu chung, cả Tenzing và Hillary đã phối hợp ăn ý và chinh phục đỉnh Everest, một điều rất phi thường lúc bấy giờ. Có thể nói, sứ mệnh chung chính là nền tảng trong mọi mối quan hệ hợp tác.
3. Công bằng
Giả sử bạn và đồng nghiệp được giao cho nhiệm vụ lập bảng thống kê doanh thu cả năm của công ty. Trong khi bạn chăm chỉ làm việc từ sáng đến tối và không nghỉ ngơi thì đồng nghiệp của bạn chỉ làm vỏn vẹn 5 tiếng mỗi ngày. Tiền lương của bạn và anh ta vẫn như nhau. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tức giận, bất công và thậm chí muốn bỏ công việc này vì bạn phải chịu thiệt thòi. Trong mối quan hệ hợp tác, sự công bằng chính là động lực để cả 2 cùng nhau làm việc một cách hiệu quả và tránh rơi vào cảm giác thua thiệt, bất công. Nếu muốn mối quan hệ hợp tác giữa bạn và cộng sự thành công, hãy cùng ngồi lại bàn bạc với nhau và phân chia phần thưởng tương xứng với công sức đã bỏ ra.
4. Tín nhiệm
Sự tín nhiệm là chất keo gắn kết các mối quan hệ hợp tác. Nhờ nó mà cả bạn và cộng sự có thể chuyên tâm hoàn thành trách nhiệm riêng. Nếu cả 2 nghi ngờ lẫn nhau, phải kiểm chứng hành động của nhau hay phải lập kế hoạch đề phòng trong trường hợp cộng sự không hoàn thành nhiệm vụ thì tốt hơn hết bạn nên làm một mình. Không có tin tưởng sẽ không có sự hợp tác. Khi bắt đầu mối quan hệ hợp tác, chắc chắn bạn và cộng sự đều có thái độ để xem thế nào đã vì không tin rằng người kia sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nếu cả hai đều bật chế độ hợp tác thì chắc chắn bạn và cộng sự sẽ có niềm tin vững chắc dành cho đối phương. Nỗi lo bị lợi dụng hay bị hớt tay trên dần biến mất. Thay vào đó sẽ là sự tín nhiệm và niềm tin bền vững xóa bỏ mọi nghi ngờ. Vậy nên đừng ngần ngại khi đặt niềm tin vào cộng sự của bạn nhé. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn thay vì hoài nghi và sợ hãi.
6. Tha thứ
Tha thứ cho một người đã từng phản bội lòng tin của mình chắc chắn là việc không phải ai cũng làm được. Edward Murrow và William Shirer vốn là đôi cộng sự ăn ý làm việc trong đài phát thanh CBS. Năm 1947, nhà quảng cáo tài trợ cho chương trình không hài lòng về Shirer, khiến Shirer tuyên bố từ chức. Điều này làm cho Murrow, khí ấy đang nằm trong Ban giám đốc điều hành CBS, rơi vào tình huống khó xử. Cuối cùng, Murrow nghĩ ra cách sắp xếp cho Shirer ở lại CBS. Hai người trình bày với Tổng giám đốc CBS nhưng ông không quan tâm và vẫn giữ quyết định sa thải Shirer. Shirer nhìn sang Murrow để tìm kiếm sự ủng hộ nhưng Murrow không chấp thuận. Shirer rời khỏi CBS và bắt đầu chuyển sang công việc viết lách. Ông đã thành công với tác phẩm Thời kỳ huy hoàng và sụp đổ của Đệ tam Quốc xã. Trong những ngày tháng cuối đời của Murrow, Shirer đã gạt bỏ ký ức đó ra khỏi trái tim mình. Ông đã tha thứ cho Murrow. Trong mối quan hệ cộng tác, nếu hai người mất niềm tin ở nhau thì cảm xúc tiêu cực của cả hai sẽ bùng phát. Vậy nên, nếu bạn là người bội tín trước, hãy xin lỗi và thể hiện rõ thành ý, đưa ra đề nghị giảng hòa và chứng tỏ thiện chí bằng cách tỏ ra đáng tin cậy. Còn ngược lại, bạn cần kiểm soát bản thân, nhận thức thấu đáo và không buộc tội người cộng sự khi chưa đoan chắc sự việc. Tha thứ cho cộng sự của bạn có thể là việc khó, nhưng nếu có thể hãy mở lòng bao dung và chấp nhận lời xin lỗi của người cộng sự. Điều đó sẽ tốt hơn việc bạn giữ mối hận thù trong lòng. Có thêm bạn sẽ tốt hơn có thêm kẻ thù mà, phải không?
7. Trao đổi thông tin
Trao đổi thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mối quan hệ hợp tác và bền chặt. Bởi lẽ, hai cái đầu không thể tốt hơn một nếu không có sự trao đổi và chia sẻ thông tin với nhau. Hãy thử tưởng tượng bạn và cộng sự phải làm chung một việc với nhau nhưng không ai nói chuyện hay trao đổi ý kiến với người còn lại. Chắc chắn cả bạn và cộng sự đều nghĩ rằng người kia không có thái độ hợp tác. Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của hai người chẳng đi đến đâu, và phần việc của hai người sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành. Im lặng không phải là cách tốt nhất để hòa giải xung đột hay làm việc nhóm. Việc liên lạc và trao đổi với cộng sự sẽ giúp cả hai nhận thức được bước tiếp theo của người kia và có thể cùng nhận xét thẳng thắn với nhau. Có như vậy, mối quan hệ cộng tác mới ngày càng bền chặt.
8. Sẵn sàng cho đi
Tôi đã học được một điều từ cuốn sách mà theo tôi là rất có ý nghĩa. Nếu bạn không sẵn sàng cho đi thì bạn sẽ không bao giờ nhận được bất cứ thứ gì. Trong cuốn Nguồn gốc các loài của Charles Darwin có viết: Khi hai bộ tộc người nguyên thủy sống cùng một vùng bước vào cuộc đua tranh, nếu bộ tộc nào có nhiều thành viên dũng cảm, biết cảm thông và đáng tin cậy, sẵn sàng cảnh báo nguy hiểm, hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau, thì sẽ chinh phục được bộ tộc còn lại. Một bộ tộc có đủ những tố chất trên sẽ phát triển và giành thắng lợi trước những bộ tộc khác. Nếu bạn sẵn sàng cho đi, hy sinh và mạo hiểm vì cộng sự của mình thì tin tôi đi, chắc chắn mối quan hệ cộng tác của cả hai sẽ sớm đơm hoa kết trái.
Lời kết
Rodd và Muller đã rất sáng tạo khi sử dụng các câu chuyện lịch sử làm dẫn chứng để phát triển các luận điểm chính. Điều này giúp cho các độc giả, như tôi, cảm thấy hứng thú và dễ tiếp thu các ý chính của sách hơn rất nhiều. Nếu có cơ hội, hãy tìm đọc Người thông minh không làm việc một mình nhé. Cuốn sách kĩ năng bổ ích này sẽ dạy bạn những kiến thức thú vị và cho bạn những lời khuyên thấu đáo về cách xây dựng mối quan hệ hợp tác với cộng sự của mình. Tin tôi đi, bạn sẽ không hối hận sau khi tìm đọc cuốn sách này đâu.
Theo ybox.vn