27 Sep, 2018
Ghé ngang qua ấu thơ với... kiến
"Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?" giống như một món quà, hay cũng có thể là một chiếc vé cho những ai mong muốn được một lần quay lại khung trời ấu thơ.
Sau thời gian dài im ắng, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý vừa trở lại văn đàn bằng hai cuốn sách thú vị: Yêu thương là tự do và Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?
Nếu tập tản văn Yêu thương là tự do được viết cho bạn đọc chủ yếu là nữ giới với các mối quan tâm về chồng con, về công việc, về cách để yêu thương mình và những người xung quanh; thì tập ghi chép Sao con hỏi mà con kiến không trả lời? lại được dành cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Sách Sao con hỏi mà con kiến không trả lời
Có một điều tiếc nuối khôn cùng, đó là cùng với năm tháng chúng ta lớn lên, trưởng thành. Cái giá cho sự trưởng thành ấy chính là việc rời bỏ thơ ấu, rời bỏ cả một vùng trời yên bình và đẹp đẽ mà ta đã có. Vậy nên, hạnh phúc mà chỉ những ai làm cha làm mẹ mới có được, chính là một lần nữa được trở về với thơ ấu, được nói cười, được lớn lên cùng con.
Trần Lê Sơn Ý giống như các ông bố bà mẹ khác, cũng đang có trong mình niềm hạnh phúc quý giá ấy khi trở thành bà mẹ của 3 cô bé cậu bé vô cùng dễ thương là Bột, Gạo và Nếp. Lẽ dĩ nhiên, chị trở thành người bạn, được vui vầy với những cô bé cậu bé kia, và được sống lại không khí thơ trẻ.
Sao con hỏi mà con kiến không trả lời? tập hợp 121 mẩu chuyện xinh xắn được chia làm 3 phần chính: "Đôi khi, trẻ nói với ta bằng thông điệp"; "Làm gì có hai đứa trẻ giống nhau" và "Ghé ngang thơ ấu". Cuốn sách giống như một món quà, hay cũng có thể là một chiếc vé cho những ai mong muốn được một lần quay lại khung trời ấu thơ. Vậy nên, có lẽ cùng cần phải cảm ơn sự cần mẫn, tỉ mỉ của Trần Lê Sơn Ý đã ghi lại những câu chuyện thường nhật, dù những câu chuyện ấy không có gì to tát, mà chỉ là những tương tác, trò chuyện cùng con. Nhưng chính những điều đó mới làm nên sự thú vị cho cuốn sách.
Lật giở từng trang sách, một cách tự nhiên, người đọc có cơ hội được dự phần vào thế giới hồn nhiên và trong trẻo, qua những tiếng cười, tiếng khóc, những đêm coi phim khuya, những lần rủ rê mẹ làm món ăn ưa thích, những cuộc đi dạo; những lời tếu táo và những cuộc đối thoại nghiêm túc, và qua những điều đã làm lẫn chưa làm, những điều đã nói và chưa nói.
Như rất nhiều đứa trẻ khác, những đứa trẻ của Trần Lê Sơn Ý cũng có niềm đam mê đặc biệt với những chú kiến nhỏ. Và chỉ có những giờ dài “nằm lăn dưới đất dõi theo một chú kiến nhỏ” thì những cô bé cậu bé mới phát hiện ra rất nhiều điều bất ngờ và lạ lẫm trong thế giới loài kiến: “Mỗi lẫn đi kiếm ăn, thấy miếng gì to khiêng không nổi là nó chạy đi kêu những con kiến khác tới cùng khiêng”, hay “Đang đi kiếm ăn mà thấy bạn bị thương là nó sẽ cõng bạn về, cõng không nổi nó sẽ kêu mọi người cùng cõng”…
Từ những phát hiện của các con, dẫu chỉ là những phát hiện bé nhỏ như… con kiến, nhưng cũng đủ nhen lên trong tim người mẹ sự ấm áp cùng với niềm tin: “Khi con đã nhìn thấy điều tốt lành từ một chú kiến nhỏ, con sẽ nhìn thấy nhiều điều tốt lành xung quanh con. Và khi đã cúi xuống thật gần, con sẽ thấy nhiều hơn, nhiều hơn những điều bé nhỏ kỳ diệu như một nụ hoa xoàng xĩnh nhưng lại có một mùi hương quá đỗi nồng nàn, một bạn bọ rùa màu vàng thay vì màu đỏ rực, một con bọ dài đi trên mặt nước…” (Thử lòng kiến).
Đôi lúc, người đọc không khỏi bật cười trước sự ngây thơ và hồn nhiên của các em bé. Như lúc các em trông thấy chị Uyên - có lẽ là người giúp việc, nướng cua với ý định đổi món. Nhưng rồi trông thấy con cua bị nướng trên bếp, cựa quậy và co giật một hồi mới chịu nằm yên thì cả ba em bé đều nhất định không ăn một miếng cua nào mà ngồi trách móc: “Chị là đồ độc ác”. Thậm chí, cậu bé Gạo còn hét lên: “Chị là bà phù thủy! Ai đem nướng chị trên lò chị chịu không?”.
Lần khác, khi cả nhà phải về quê ăn Tết, ba mẹ đành phải nhờ một người bạn ở Củ Chi đem đôi gà về nhà trông nom chúng. Ngày người bạn ấy đến bắt, bỏ gà trong giỏ tre mang về Củ Chi, cũng là lúc cậu bé Gạo xông vào la hét đòi thả gà của Gạo ra: “Ai bắt trói chú bỏ vô cái giỏ như vậy chú chịu không?”.
Tác giả Trần Lê Sơn Ý
Những câu chuyện đọc lên thoạt tiên không nhịn được cười, nhưng đằng sau tiếng cười ấy lòng lại rưng rưng xúc động trước những tâm hồn đẹp đẽ, tươi trong và giàu trắc ẩn. Đó chính là những hạt mầm để gieo lên “tính bản thiện” trong mỗi người, bất kể lớn hay nhỏ, khác nhau về địa vị.
Thực ra, trước khi có niềm hạnh phúc êm đềm như vậy, bà mẹ Sơn Ý từng thốt lên: “Con nít đến là khó hiểu”. Ấy là khi chị có đứa con đầu tiên, và mọi thứ diễn ra trước mắt đầy lạ lẫm và vô cùng… khó hiểu: Đói khóc. Ướt khóc. Buồn ngủ cũng khóc. Người mẹ ấy thắc mắc: “Làm sao để hiểu khóc kiểu này là nhõng nhẽo, khóc kiểu kia là đau, kiểu nọ là buồn, kiểu kìa là sợ, là đói…?”
Và còn rất nhiều chuyện khó hiểu như vậy mà bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách nhỏ này. Tất cả cái khó hiểu tựa hồ những thử thách ban đầu cho ai thực sự muốn bước vào thế giới trong lành và nguyên sơ: Chỉ những người nào biết “giải mã” thì mới được qua cổng, được làm bạn với các em; còn không sẽ phải chấp nhận bị từ chối.
Giống như Trần Lê Sơn Ý đã nhận ra và đúc kết: “Bao nhiêu cái vì sao hiện lên trong đầu mẹ tới tận giờ. Và mẹ hiểu mỗi khi trả lời được một câu hỏi vì sao, tức là mẹ gần con thêm chút nữa. Cũng có những “vì sao” mẹ không thể trả lời ngay được, nhưng điều đó không làm mẹ xa con hơn, nó chỉ làm mẹ không ngừng suy nghĩ về con”. (Con nít đến là khó hiểu).
Sao con hỏi mà con kiến không trả lời? mang đến những câu chuyện dung dị, bổ ích và thấm đẫm yêu thương. Chỉ sự quan tâm và yêu thương mới là chiếc chìa khóa giúp các bậc cha mẹ có thể bước vào thế giới của con. Không chỉ những đứa trẻ mới cần phải học những bài học mà người lớn mang đến, nhiều lúc chính những đứa trẻ cũng có thể mang đến cho người lớn biết bao bài học vô giá.
Nếu đặt mình ở tâm thế này, nghĩa là người lớn đã được lũ trẻ chấp nhận là bạn, cùng chia sẻ với nhau tất cả những điều lớn nhỏ. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi Trần Lê Sơn Ý dành những lời cảm ơn đến các con mình: “Cảm ơn các con vì đã dạy cho mẹ hiểu về giới hạn, sáng tạo và cả tình yêu thương. Cảm ơn cả những nỗi mệt mỏi và những cơn giận dữ, những lời phê bình…”.
Thành Vinh