26 Jun, 2020
Đừng mong cầu là cảnh giới cao nhất của cống hiến và yêu thương: 5 thông điệp đáng ngẫm từ 'Muôn kiếp nhân sinh'
"Muôn kiếp nhân sinh" là tác phẩm mới nhất của Nguyên Phong. Tác giả kể về câu chuyện luân hồi, chứa đựng lời cảnh tỉnh về tương lai của loài người, kèm theo những bài học sâu sắc về đau khổ, tình thương, về tác động tích cực mỗi người có thể tạo nên.
Sự tiến bộ đáng sợ của công nghệ
Ngay từ cuộc đối thoại trong phần đầu sách, những cảnh báo về sự tiến bộ vượt ngoài tầm kiểm soát của công nghệ được đưa ra. "Trong vòng hai mươi năm nữa, ông sẽ thấy những phát minh hết sức tối tân mà hiện nay mọi người nghĩ không thể xảy ra", ngài Kris – người dẫn dắt ông Thomas (một người bạn của tác giả) nhớ lại tiền kiếp – nói.
Chẳng hạn, ông Kris nêu ví dụ về trường hợp tế bào động vật được cấy vào cơ thể người, hay sự phát triển của "trí tuệ nhân tạo" tạo nên những khả năng mà người thường không thể làm được. "Anh có thể coi đó là người hay là "nửa người, nửa siêu nhân" (cyborg) cũng được. Anh có biết hệ quả của việc này là thế nào không?", ông đặt câu hỏi.
Tác giả Nguyên Phong cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân: "Tôi đã bàng hoàng khi thấy những con robot thông minh trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon nơi tôi làm việc, có thể làm được những điều mà chúng tôi không ngờ", tác giả kể, "Khi tôi cài những thuật toán học máy phức tạp vào những con robot này để chúng chơi cờ vua với nhau, chúng đã có thể học và tính hàng trăm nước cờ để thắng đối thủ. Điều mà tôi và các giáo sư tại đây không ngờ là những con robot "vô tri giác" này lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau".
Sự tiến bộ của trí thông minh nhân tạo nói riêng và công nghệ nói chung có đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà khoa học? Trong khi số đông vẫn chìm đắm trong ảo tưởng về sự tiến bộ của khoa học, không mấy ai nghĩ về hậu quả trong tương lai, khi công nghệ có thể gây nên những hành vi phi nhân tính.
"Người ta không thể dạy khoa học kỹ thuật mà không đề cập đến đạo đức hay bổn phận của những người có trách nhiệm làm việc trong đó. Khoa học mà không có lương tâm, công nghệ mà không có trách nhiệm thì chỉ mang lại thảm hoạ cho nhân loại sau này", ông Thomas cảnh báo.
Vô cảm, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và một tương lai đầy bất ổn của loài người
Nguy hiểm hơn, công nghệ về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của chính con người, khiến cho họ trở nên thụ động, vô cảm hay nói như ông Thomas, "bị rút hết sinh lực".
"Đa số mọi người trở nên thụ động, quên đi tất cả mọi sự chung quanh. Họ không còn sống với sự tỉnh thức nữa mà đã trở thành những cỗ máy hoàn toàn vô cảm trước hoàn cảnh xã hội", ông nói.
Một xã hội vô cảm, thiếu vắng lòng trắc ẩn và tình thương được cảnh báo trong cuốn sách: "Biết bao người đang sống một cách vô cảm, họ không nhìn thấy sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Họ sống vô ý thức, bị thôi thúc bởi sự tham lam quyền lợi và quyền lực".
Theo lời ngài Kris, trong tương lai, sự bóc lột, đàn áp, sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày một thêm sâu sắc: "Ông sẽ thấy xã hội phân chia ra nhiều đẳng cấp, mà đẳng cấp trên sẽ đàn áp đẳng cấp dưới không thương tiếc. Tình trạng vô cảm, dửng dưng trước sự đau khổ của người khác đã và sẽ xảy ra khắp nơi. Ngay ở nước Mỹ này, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo hay phân biệt chủng tộc đang và sẽ là vấn đề lớn trong tương lai".
Đặc biệt, những dự báo của ông Kris liên quan đến quy luật "thành – trụ - hoại – diệt" trong chu kỳ phát triển của nền văn minh con người khiến người đọc… rùng mình: "Trong giai đoạn cuối của mỗi chu kỳ, chúng ta sẽ thấy chiến tranh lan rộng, thiên tai xảy ra mỗi ngày một khốc liệt (như núi lửa, sóng thần, động đất, lụt lội, hạn hán), tiếp đến là sâu bọ phá hoại mùa màng gây ra nạn đói khắp nơi, rồi các đại dịch bệnh cũng theo chu kỳ bùng phát, lúc đầu chỉ có ở vài nơi nhưng sau sẽ lan ra khắp thế giới và mỗi ngày một trầm trọng, ghê gớm hơn trước".
Luân hồi là trường học lớn, con người học điều cần học thông qua sự đau khổ
"Cuộc đời chúng ta trải qua hiện nay chỉ là một phần nhỏ của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm mà trong đó chúng ta học hỏi, thu thập kinh nghiệm để tiến tới sự hiểu biết thật sự", ông Kris giảng giải cho Thomas. Theo đó, luân hồi có thể tạm coi như là một trường học lớn, trong đó mọi sinh vật đều phải học cho đến khi tiến đến sự hiểu biết toàn vẹn, để trở nên tốt đẹp hơn.
Nhưng rốt cuộc, chúng ta phải học gì? Mỗi cá nhân có những bài học riêng mà họ cần học tuỳ theo tâm nguyện và hoàn cảnh. Như riêng ông Thomas, phải qua nhiều kiếp sống từ thời Atlantis đến thời Ai Cập cổ đại, chịu đựng nhiều đau khổ, ông mới học được bài học về tình yêu thương và sự hy sinh. Rộng hơn, theo ông Kris, mỗi người cần trải qua những bài học để "biết rõ mình thật sự là ai", để "biết mối liên hệ giữa chúng ta và những người khác, để biết sự liên quan giữa chúng ta với vũ trụ".
Đặc biệt, trong trường đời này, "đau khổ là bài học tốt nhất vì chỉ trong đau khổ người ta mới chịu học". Bởi theo lời ngài Kris, nếu quá dễ dàng sung sướng thì ít ai học được điều gì.
"Đừng mong cầu gì" là cảnh giới cao nhất của cống hiến và yêu thương
Trong hành trình học hỏi để trở nên tốt đẹp hơn, gạt bỏ mọi sự vô minh để tìm về nguồn cội, mà Ấn Độ giáo gọi là con đường Karma Yoga, bài học được hoàn tất khi con người đạt đến cảnh giới "không mong cầu gì", theo diễn giải của ngài Kris.
Đó không chỉ bao gồm mong cầu về vật chất hay dục vọng. Ông cho hay: "Trong giai đoạn này, có một khuynh hướng tinh tế xảy ra vì làm việc tốt cũng có thể ẩn chứa mục đích cá nhân, bắt nguồn từ những động cơ vi tế nằm sâu thẳm trong nội tâm mà không mấy người biết rõ".
"Có người làm việc để giúp xã hội nhưng muốn thành công và sợ thất bại. Họ lo lắng về kết quả, do đó động cơ họ làm vẫn bắt nguồn từ sự ham muốn. Họ lo sợ khi việc không thành và vui sướng khi đạt được thành tựu. Từ đó, họ mong được mọi người biết đến việc làm của minh, hay được để cao. Kết quả là việc làm đó, dù là việc tốt, vẫn ẩn chứa một ham muốn riêng tư cho bản thân", ông giải thích cụ thể hơn.
Chỉ khi nào người làm mà không mong cầu kết quả của hành động, dù là sự biết ơn hay cảm mến thì mới thật là người đi đúng con đường Karma Yoga. "Khi đã dứt bỏ hoàn toàn, không hoạt động để được một thứ gì đó ở thế gian, cũng không hoạt động để được một thứ gì đó ở cõi trên, không hoạt động để được một thứ gì đó ở kiếp sau, không hoạt động để được mọi người biết đến, không hoạt động để được phần thưởng tinh thần mà hoạt động âm thầm không màng kết quả, thành công đến cũng được mà thất bại cũng không sao, lúc nào cũng hoạt động", ông Kris nhấn mạnh.
"Không mong cầu gì" cũng là điều cần thiết của một tình yêu thương chân thật mà mỗi người cần hướng đến. Trong trải nghiệm quay về tiền kiếp Ai Cập cổ đại, ông Thomas đã thấm thía điều này từ lời nói của cô gái Sihone – người có khả năng chữa bệnh bằng tình thương: "Cha nuôi tôi dạy rằng có hai động lực điều khiển đời sống con người: lòng tham và tinh thương. Lòng tham dẫn đến việc sự dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực, để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ cho đi chứ không đòi hỏi gì hết".
Trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có thái độ như thế. Đừng mong mỏi hay đòi hỏi được đền đáp điều gì. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không thuộc về mình. Hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì sẽ hạnh phúc thực sự.
Mỗi người hãy là "cánh bướm bé nhỏ mong manh tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt"
Trong "Muôn kiếp nhân sinh", có nhận định đáng suy ngẫm từ một vị hoà thượng về tương lai của con người: "Hiện nay đã có hơn bảy tỷ người sống trên trái đất này, nếu nhiều người ý thức được về sự tàn bạo, thù hận, ích kỷ, tham lam... rồi tìm cách nuôi dưỡng lòng từ bi, hướng đến chân thiện mỹ, thì họ có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên những người chung quanh".
Vị hoà thượng này nhắc đến thuyết Hỗn độn và ví dụ về "ảnh hưởng một cánh bướm nhỏ bé rung động chập chờn tại khu rừng xứ Brazi; nhưng lại có thể gây ra một trận cuồng phong lớn ở Texas". Ông cho rằng: "Một việc tuy nhỏ nhưng có thể tạo ra những tác động lớn đến không ngờ. Điều này có thể giải thích cho tình trạng hiện nay. Nếu một người có ý thức và làm những điều thiện lành, dẫu chỉ là việc nhỏ, thì họ cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực, giúp thay đổi những người chung quanh. Nếu nhiều người cùng chung sức làm những việc lành, thì cả thế giới sẽ thay đổi".
Tương lai loài người sẽ còn nhiều khủng hoảng và bất trắc, nhưng nếu mỗi người có ý thức nuôi dưỡng tình thương, biết tạo nên điều tích cực, thì cũng có thể đem lại sự thay đổi lớn.
Như lời chiêm nghiệm của Thomas ở cuối sách: "Tôi mong chúng ta – những cánh bướm nhỏ bé rung động mong manh có thể tạo nên được những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người. Tương lai mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và hành tinh này sẽ ra sao trong thời gian tới là tuỳ thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó".
- Nguyên Thảo, Cafebiz -